Theo TS Trần Đoàn Lâm (nguyên Giám đốc Nxb Thế giới), “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943 có giá trị vượt thời gian, với những nguyên tắc cốt lõi: Dân tộc – Khoa học – Đại chúng, là điểm tựa để các tác giả bám sát, sáng tạo nên những tác phẩm văn học, nghệ thuật, sản phẩm truyền thông, có giá trị, hấp dẫn công chúng. Ông chia sẻ:
TS Trần Đoàn Lâm (nguyên Giám đốc Nxb Thế giới)
- Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 943 ra đời trong bối cảnh là lúc chiến tranh Thế giới thứ hai gần kết thúc. Lúc đó, ở Việt Nam, phát xít Nhật đã xâm chiếm, xâm lược và xây dựng lên một chính quyền thân Nhật với học thuyết mới về khối thịnh vượng chung Đại Đông Á. Nhật Bản coi mình như một đầu tàu với ý đồ xâm chiếm thuộc địa, bành trướng về mặt văn hóa. Chủ nghĩa phát xít Nhật nằm trong trào lưu chung của khối phát xít (Nhật Bản - Đức - Ý). Đồng thời, lúc đó nước ta cũng chưa thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, nên thực dân Pháp và phát xít Nhật là hai đối tượng muốn chi phối nền văn hóa nước ta, âm mưu biến văn hóa nước ta thành một thứ văn hóa nô dịch, trong khi nước ta cũng vẫn còn trong chế độ phong kiến. Do vậy, một nền văn hóa trong điều kiện đất nước nửa phong kiến - nửa thuộc địa thì không thể phát huy được vai trò là nhân tố tiến bộ, tiên phong hay có khả năng đóng góp cho cách mạng giải phóng dân tộc.
Ngay từ khi mới thành lập và trong suốt quá trình vận động cách mạng, Đảng ta đặc biệt coi trọng văn hóa. Vì thế, năm 1943, Tổng Bí thư Trường Chinh đã khởi thảo Đề cương về văn hóa Việt Nam và được thông qua tại hội nghị của Thường vụ Trung ương Đảng. Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam (bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật), “sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới”; sự nghiệp văn hóa là của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; khẳng định rõ tính chất nền văn hóa mới Việt Nam là “dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung”, đặc biệt khẳng định ba nguyên tắc: Dân tộc hóa, Đại chúng hóa và Khoa học hóa.
Đây là một bản đề cương rất xúc tích, khái lược, nhưng nội dung phong phú, là một văn bản quan trọng, sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong việc chỉ đạo xây dựng nền văn hóa cách mạng Việt Nam từ năm 1943 đến nay, góp phần vào thắng lợi giải phóng dân tộc, cũng như trong hòa bình, dựng xây đất nước ngày nay. Đề cương về văn hóa Việt Nam có giá trị vượt thời gian, và có tầm quan trọng to lớn để Đảng ta định hướng trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ba nội hàm quan trọng trong bản Đề cương: Dân tộc hóa - Đại chúng hóa - Khoa học hóa vẫn là những nguyên tắc cơ bản có giá trị đến ngày nay.
* Kế thừa Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, những quan điểm về phát triển văn hóa Việt Nam luôn được Đảng ta bổ sung, hoàn thiện nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, đối với lĩnh vực xuất bản, chúng ta cần lưu ý vấn đề gì, thưa ông?
- Ai cũng nhận thấy, báo chí, xuất bản, sách, phim ảnh… đều là những phương tiện truyền thông có tác dụng lớn, sâu rộng đối với đông đảo bạn đọc, người xem. Chúng không chỉ truyền tải thông tin mà còn góp phần tác động tới tâm tư, cảm xúc, tâm lý nói chung của quần chúng. Đồng thời, định hướng tư tưởng, thẩm mỹ, thị hiếu, thái độ và quan điểm của mỗi cá nhân đối với một sự kiện cụ thể, hay với cuộc sống nói chung. Bên cạnh đó, hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, thì mỗi người dân đều có thể đánh giá, bình luận về một sự kiện, vấn đề trong xã hội và chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội. Cùng với đó là những “coment” với thái độ trung lập, khen - chê, ủng hộ - phê phán, và những bình luận đó được lan truyền nhanh chóng, có tác động không nhỏ đến xã hội theo hướng tích cực hoặc tiêu cực, trong khoảng thời gian dài hoặc ngắn.
Suy rộng ra, các tác phẩm văn học - nghệ thuật nói chung, hay các sản phẩm báo chí, giải trí của truyền thông và mạng xã hội khi được công bố sẽ có các vòng đời vô cùng khác nhau về quãng đường đi cũng như thời gian “sống”. Nhiều tác phẩm có vòng đời tương đối ngắn do tính chất đặc thù của chúng như tin tức thời sự “không hot”, có tác phẩm “chết yểu” vì không gây được ấn tượng, thu hút độc giả. Đồng thời, có những sản phẩm sống mãi với thời gian sẽ trở thành “bất tử”, bởi tác phẩm đó đến với người đọc và để lại những dấu ấn không thể phai mờ, thời gian càng trôi qua thì những giá trị trong tác phẩm càng đọng lại và thêm bền vững.
Hơn nữa, nếu sản phẩm thông tin - truyền thông, ấn phẩm sách, báo với những thông tin tích cực, mang lại lợi ích thì người dân sẽ đón nhận và xã hội cũng sẽ được lợi; ngược lại sản phẩm độc hại, nhảm nhí, phản khoa học thì sẽ gây ra tác dụng tiêu cực khôn lường.
Quay lại soi chiếu với các nội dung đề ra trong bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, khi bắt tay sáng tạo ra sản phẩm thông tin - truyền thông, các tác giả hoàn toàn có thể khai thác các nguyên tắc của bản Đề cương để xây dựng nội dung cho tác phẩm tương lai. Giả sử khi viết về xây dựng nếp sống văn hóa mới ở Việt Nam, thì các tác phẩm, sản phẩm thông tin - truyền thông phải có nội dung phản ánh quan niệm về nếp sống mới là như thế nào? Chiểu theo các nguyên tắc của bản Đề cương, phải chăng, tính dân tộc của nếp sống đó nghĩa là nó được xây dựng trên cơ sở những giá trị, truyền thống, tập tục tốt đẹp “rất” Việt Nam phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Thời Pháp thuộc, một số gia đình Việt “vào làng Tây” và áp dụng phong cách sống châu Âu hoàn toàn, do vậy họ không hòa nhập được vào đời sống của đông đảo đồng bào họ, chí ít họ hàng, hàng xóm, láng giềng vì họ đánh mất đặc thù “dân tộc”. Người viết nên đặt câu hỏi, có nên truyền bá lối sống “Tây hóa” toàn diện như vậy không?
Bạn đọc và các tác phẩm văn học
Trong thời đại ngày nay, với việc toàn cầu hóa, đã có nhiều bài viết, ấn phẩm sách bàn về vấn đề “công dân toàn cầu”; đành rằng toàn cầu hóa đã làm cho các dân tộc xích lại gần nhau nhiều hơn, nhưng nó cũng không thể xóa sạch ranh giới văn hóa vùng miền, hay văn hóa dân tộc; “công dân toàn cầu” không thể từ một hành tinh xa lạ đâu đó hạ cánh xuống trái đất này. Rồi, nếp sống mới phải là mẫu hình đẹp hơn, tốt hơn cho đông đảo đại chúng, không phân biệt giai tầng xã hội. Nếp sống đó phải văn minh, tiến bộ, sống một cách khoa học, không bừa bãi, có tiếp thu những yếu tố hiện đại văn minh của thế giới và được Việt Nam hóa cho thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam.
Bàn đến các nguyên tắc và đặc tính cơ bản trong nội dung các sản phẩm thông tin - truyền thông, tôi không có ý loại bỏ chức năng “dự báo hay dự cảm” của các tác phẩm (nhất là các tác phẩm về khoa học viễn tưởng hay khoa học dự báo) được công bố, ra khỏi giải tần các đặc tính hay chức năng khác như tính truyền thông, nhận thức, giáo dục, giải trí; nhưng muốn gì thì muốn, sản phẩm phải chứa đựng giá trị Chân (đúng đắn, khoa học, xác thực, hiểu biết…), Thiện (tốt lành, có ích lợi về nhận thức-giáo dục, thiện lương, hướng thiện, nhân tính…), Mỹ (cao cả, đẹp đẽ, có tính thẩm mỹ…). Tuy nhiên, nó phải đặt trên cơ sở dữ liệu và trình độ nhận thức, tri thức của chúng ta hiện có về thế giới hiện thực quanh ta, về vũ trụ, về thiên nhiên, về xã hội; nội dung thông tin phải “có lý” “có tình”... Quan điểm rộng mở, cởi mở hay khai phóng không đồng nhất với việc chấp nhận dễ dàng, ngây thơ, vô điều kiện những kiến thức hay tri thức từ một tác phẩm được công bố vốn có tiềm năng gây phương hại tới bạn đọc hơn là những thông tin bổ ích.
* Văn hóa đọc là một trong những vấn đề đang được xã hội quan tâm, bởi đây là một “cánh cửa” quan trọng góp phần nâng cao dân trí. Là một người đã từng công tác lâu năm trong ngành Xuất bản, theo ông, chúng ta cần có định hướng gì để có những tác phẩm tốt đến với độc giả?
Bên cạnh những ấn phẩm sách, báo, người đọc ngày nay có thể dễ dàng tiếp cận tri thức từ nhiều kênh khác nhau, từ các kênh truyền hình, máy tính và đơn giản chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh. Với những bước tiến ngày càng hiện đại của công nghệ, những cuốn sách truyền thống cũng sẽ dần được số hóa.
Cùng với sự tiếp cận một cách dễ dàng, cũng khiến cho mang lại những hệ lụy, đó là người đọc sẽ gặp khó khăn khi đứng trước khối lượng sách, báo, thông tin đa chiều khổng lồ được xuất bản và cập nhật trên mạng.
Vì thế, bên cạnh công tác quản lý thông tin, xuất bản của Nhà nước thì bản thân mỗi tác giả, nhà xuất bản cần phải quan tâm đến chất lượng nội dung, tư tưởng của những ấn phẩm, sản phẩm thông tin và đối tượng hướng tới.
Theo như kinh nghiệm của tôi, với tư cách: 1- Người đọc là giới trẻ, người hưởng lợi từ các tác phẩm được công bố ; 2- là người viết, người cung cấp cho bạn đọc những gì mình biết, mình cảm, mình suy nghĩ, mình thể hiện. Khi đứng ở hai vai trò đó, thì tôi tư duy và luôn luôn bám theo các tiêu chuẩn và các giá trị như đã nói ở trên để thẩm định và đánh giá những sản phẩm do các tác giả viết và những gì mình viết. Có những bài thơ, tản văn, những lời bài hát Chèo, bài dân ca tôi viết ra theo cảm hứng, khi đọc lại, nếu không có giá trị thẩm mỹ, tức là không có “ý tứ, lời văn đẹp”, không hay, “tào lao, vô bổ”, hoặc bài rỗng, không có giá trị thông tin, thì tôi sẽ loại bỏ không thương tiếc. Tất nhiên, nói thế không có nghĩa là người đọc hay người viết ngay lập tức có cơ sở định hướng nhanh chóng và đúng, nhất là giới trẻ, những tư duy đó phải có thời gian hình thành, tuy nhiên, chỉ cần lưu tâm một chút là có thể phân biệt ra đâu là thông tin tốt và ngược lại.
Vậy suy ra, người làm báo chí, xuất bản, truyền thông đại chúng cần phải có trách nhiệm đối với người thụ hưởng sản phẩm của họ, và dĩ nhiên, cả đối với tay nghề của mình, đồng thời cần sự hướng đạo đối với tác phẩm của chính mình. Các nguyên tắc cơ bản của Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943: Dân tộc - Đại chúng - Khoa học đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là nguyên lý chung hướng đạo cho các tác giả thể hiện tác phẩm của mình. Từ đó, họ có thể phát huy sáng tạo, mang tri thức, kiến thức bổ ích và những giá trị Chân - Thiện - Mỹ đến với công chúng.
* Xin cảm ơn ông!
NGỌC BÍCH thực hiện