Cái hài truyền thống của người Việt có nội dung và sắc thái phong phú, thường tập trung trong truyện cười dân gian. Nó phản ánh một bức tranh xã hội rộng lớn của cuộc đấu tranh giữa trí tuệ và đạo đức của nhân dân đối với giai cấp thống trị, áp bức phong kiến. Bằng những thủ pháp nghệ thuật độc đáo, nội dung mang tính triết lý sâu sắc, cái hài truyền thống mang lại với tiếng cười nhiều cung bậc cảm xúc, có tác dụng lên án những thói hư tật xấu của những thế lực vương quyền và thần quyền. Cái hài truyền thống cần được xem là cơ sở nền tảng để xây dựng cái hài trên sân khấu hiện đại.
1. Những thủ pháp nghệ thuật độc đáo được sử dụng trong cái hài
Cái hài là một hoạt động sáng tạo mang tính thẩm mỹ độc đáo của quần chúng nhân dân, được biểu hiện thông qua tiếng cười, có sự hưởng ứng của tập thể. Sức mạnh của tập thể đã làm cho tiếng cười tố cáo những hiện tượng tiêu cực trong xã hội phong kiến, đề cao lương tri và tính nhân đạo, trở nên mạnh mẽ và sâu sắc hơn. Đối tượng của cái hài là cái xấu của con người nhưng không biết mình xấu. Nhưng thực tế, cái xấu không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận thấy, cũng không phải hễ cứ thấy cái gì xấu, đáng cười là cười được, vì vậy, cần thiết phải có thủ pháp nghệ thuật để phát hiện ra cái xấu, cái gây cười. Truyện cười dân gian đã sử dụng những thủ pháp nghệ thuật đa dạng, khúc chiết để tạo nên cái hài nhiều sắc thái, cung bậc.
Trong truyện cười dân gian của người Việt, cái hài được tạo nên bằng việc xây dựng mâu thuẫn nội tại có hai dạng: cái xấu cứ tưởng là cái đẹp và cái xấu cố tỏ ra là đẹp. Ở dạng mâu thuẫn cái xấu cứ tưởng là cái đẹp, tiếng cười được tạo nên từ những đối tượng là người bảo thủ, lạc hậu, dốt nát nhưng cứ tưởng mình tài giỏi, thông tuệ, có thể làm được nhiều việc lớn. Mâu thuẫn xuất phát từ những người nhận thức sai về khả năng, không biết trình độ của mình nhưng tự cho mình là tài giỏi. Sự đối lập giữa cái mình không có với ảo tưởng cái mình có, tạo nên sự nực cười.
Dạng mâu thuẫn cái xấu cố tỏ ra cái đẹp thường hướng đến đối tượng người trí thức bình dân bị tha hóa là các thày đồ, thày bói. Từ TK XVII, chế độ phong kiến suy tàn, khi nhu cầu học tập chính đáng phải nhường chỗ cho tính bon chen, cố tìm hư danh thì vai trò thày đồ ngày càng sa sút nghiêm trọng. Tiếng cười dân gian chĩa mũi nhọn vào đối tượng thày đồ thiếu tri thức nhưng lại mang danh là bậc “tri giả” trên thông thiên văn, dưới tường địa lý. Khi đã lâm vào tình thế bất khả lui, họ phải tìm cách che đậy, ngụy biện nhưng cái xấu, cái dốt càng lộ ra (Vẫn chỉ hai quan, Ông đồ Nghệ làm thơ, Tam đại con gà). Tiếng cười dân gian còn phê phán những kẻ tu hành khoác áo cà sa mà tâm địa vẩn đục, sống buông thả (Nam mô boong, Ăn thịt chó). Các loại thày bói, thày địa lý, thày cúng được nhân dân bóc trần thói bịp bợm, mánh khóe lừa bịp để kiếm sống (Nhà có động, Thày bói và thày thuốc). Ở đây, cái hài được tạo nên từ sự “trống rỗng vô nghĩa bên trong được che đậy bằng vẻ huênh hoang bên ngoài và tự cho rằng trong mình có một nội dung, một ý nghĩa thực sự, và có quyền được tồn tại bất chấp quy luật” (1).
Đối tượng của cái hài là cái xấu nhưng nếu cái xấu đã đến mức đê tiện, được phơi bày lộ liễu thì không còn yếu tố hài nữa. Chỉ có một bộ phận cái xấu, mắc phải sai lầm, đánh mất đi sự hài hòa của nó thì mới là cái hài. Đối với tầng lớp trí thức bình dân, cái hài của họ là ở việc cố sức biến cái xấu thành cái đẹp; cái thấp kém có tham vọng làm ra cao cả, sự ngu dốt lại tỏ ra thông minh, sự tầm thường muốn tỏ ra vĩ đại. Đặc biệt, khi người mang những tính chất tiêu cực càng cố gắng gán cho chúng ý nghĩa trái ngược với bản thân thì tác động của cái hài càng mạnh hơn.
Ở dạng mâu thuẫn cái xấu cố tỏ ra là đẹp, mâu thuẫn mang tính có chủ đích. Các truyện thuộc loại này thường được xây dựng trong sự đối lập giữa bộ phận quan lại phong kiến với lực lượng nhân dân lao động. Đối tượng này có nhiều tính xấu như: độc ác, nham hiểm, tham vọng, thích ăn hối lộ, làm giàu bất chính nhưng trước mặt dân chúng lại tỏ ra là người nhân từ, liêm khiết (Cứ bảo tuổi sửu có được không, Quan lớn mua vàng). Do sự che đậy có chủ ý, nên càng cố tình che đậy, mâu thuẫn giữa bản chất và hình thức càng được đẩy lên cao trào. Ở đây, tiếng cười xuất phát từ những mâu thuẫn trái với tự nhiên cho nên hướng sự tập trung của quần chúng vào phê phán những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Nó nhằm đúng, trúng kẻ thù mà đánh. Tiếng cười của quần chúng nhân dân, như một vũ khí lợi hại chế nhạo, vạch trần thói hư tật xấu của tầng lớp quan lại phong kiến. Ở góc độ này, cái hài trong truyện cười dân gian của người Việt đã góp phần vào cuộc đấu tranh giai cấp, báo trước sự sụp đổ của chế độ phong kiến, mở đường cho một xã hội tiến bộ hơn manh nha xuất hiện.
Bên cạnh phê phán cái xấu của tầng lớp tri thức bình dân, cái xấu của tầng lớp quan lại phong kiến, người Việt còn dùng cái hài để phát hiện, phê phán cái xấu bản năng trong sinh hoạt hàng ngày. Đó có thể là cái xấu tham ăn tục uống (Ăn vụng gặp nhau, Trả lời vắn tắt, Được một bữa thả cửa). Đó có thể là cái xấu của đàn ông: hèn nhát, sĩ diện, khoác lác. Đàn bà lẳng lơ, đa tình, lười nhác. Ở đây, truyện cười dân gian dùng cái hài phê phán cái xấu còn lẩn khuất trong đời sống để cảm hóa ý thức của con người, hướng đến một nếp sống lành mạnh, thanh lịch. Dù có nghèo, có đói cũng phải “đói cho sạch, rách cho thơm”. Họ cũng dùng cái hài để đả kích mạnh mẽ thói xấu hà tiện đến mức coi thường sự sống, đi ngược lại với quy luật phát triển bình thường của con người (Chồng keo, vợ kiệt, Hà tiện, Anh hà tiện mắc hỡm). Những khuyết điểm này thông thường ai cũng có, người nghe, người đọc cảm giác câu chuyện đang nói về mình, đang cười mình.
Trong truyện cười dân gian, có nhiều truyện có kết thúc bất ngờ sai lệch với đạo đức truyền thống. Yếu tố kết thúc bất ngờ được tạo nên từ những tình huống mâu thuẫn kịch tính lên đến đỉnh điểm. Đó là sự thay đổi của hoàn cảnh đột ngột, hoặc các hiện tượng, các tình tiết được sắp xếp để đưa đến một tình thế bế tắc tưởng không gỡ ra được. Yếu tố bất ngờ là sự mở nút của những mâu thuẫn kịch tính mang đến tiếng cười có ý nghĩa sâu sắc.
Truyện cười dân gian còn sử dụng yếu tố tục để tạo nên cái hài. Yếu tố tục (biểu hiện qua cách nói tục), tập trung ở truyện tiếu lâm, được sử dụng để thoát khỏi sự bực bội, để đối phó với các trường hợp bất bình đẳng trong xã hội, hoặc sử dụng để thỏa mãn sự nghịch ngợm của con người, hoặc để đối chiếu song song cái thấp hèn với cái cao thượng. Vì vậy, yếu tố tục trong truyện tiếu lâm vừa có tác dụng giúp con người tự do giải phóng bản năng, vừa có tác dụng châm biếm, đả kích, phê phán các hành vi xấu xa (Ông không mồm, Bà đẻ phượng hoàng). Yếu tố tục làm cho tiếng cười giòn giã hơn, chế giễu cay độc hơn.
Trong truyện cười dân gian, yếu tố phóng đại sự vật, sự việc được sử dụng khai thác để tạo nên tiếng cười. Đặc biệt, trong hệ thống truyện trạng (Truyện Ba Phi, Truyện Trạng Quỳnh) sử dụng phương pháp phóng đại sự vật, tạo nên tiếng cười cho tác phẩm. Đây là biện pháp nghệ thuật làm cho mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức trở nên kỳ dị, làm cho người ta bật cười. Truyện Trạng Quỳnh cũng dùng biện pháp nghệ thuật này để làm nổi bật tiếng cười như Văn Tân từng nhận xét (2).
2. Cái hài luôn gắn với tiếng cười sâu sắc
Cái hài và cái buồn cười không đồng nghĩa. Cái buồn cười mang tính sinh học, phản ứng tức thời, ngẫu nhiên trước một hiện tượng trong đời sống. Nhưng khác với cái buồn cười, cái hài là tiếng cười có ý nghĩa xã hội, có tính trí tuệ ở những mức độ khác nhau phát sinh từ sự nhận thức những mâu thuẫn trong cuộc sống. Như vậy, cái buồn cười rộng hơn cái hài về mặt số lượng, cái hài sâu sắc hơn cái buồn cười về mặt chất lượng.
Cái hài trong truyện cười dân gian được biểu hiện qua tiếng cười ở nhiều góc độ: cái cười đả kích, châm biếm, giễu cợt, cái cười vui, trên cơ sở phản ánh các hiện tượng xã hội đa dạng của đời sống con người, nhưng điểm nổi bật là tiếng cười có tính triết lý xã hội sâu sắc. Truyện cười dân gian là sản phẩm nghệ thuật của nhân dân lao động, ở đó, nhân dân đã dùng tiếng cười như một vũ khí của chính nghĩa, của đạo đức để lên án cái xấu, cái phi nghĩa, vô đạo đức.
Trạng Quỳnh xuất hiện, đại diện cho nhân dân đối mặt, chiến đấu với tất cả các thế lực vô hình và hữu hình, vương quyền và thần quyền. Tất cả các thế lực như thành hoàng, tượng Bà banh, bà Chúa Liễu, đều được đưa vào cuộc đối mặt với Trạng Quỳnh, để rồi các thần quyền chấp nhận một sự thất bại trước mắt những người lao động. Những gương mặt của giai tầng thống trị từ thấp lên cao quan nhỏ trong các làng xã, quan lại ở kinh thành, nhà vua, chúa… đều bị đưa vào một trận chiến dưới tài trí của Trạng Quỳnh, giáng những đòn chí tử khiến mọi người hả hê, sung sướng.
Cái cười tố cáo, quan lại, vua chúa tham lam, dâm ô, trụy lạc, buôn thần, bán thánh là tiếng cười trí tuệ, vượt xa cái cười giải trí. Nó phơi bày ung nhọt của xã hội, sự mục rỗng của xã hội. Tuy chưa đủ sức công phá trước thành trì của chế độ phong kiến nhưng tiếng cười này có ý nghĩa kéo nhanh hơn sự xuống dốc của chế độ phong kiến lỗi thời, góp phần mở đường cho sự tiến bộ của xã hội tốt đẹp hơn. Ý nghĩa thẩm mỹ của cái hài trong truyện truyền thống là vạch trần cái xấu núp bóng cái đẹp để khẳng định cái đẹp, lấy cái đẹp làm tiêu chuẩn để nhận dạng cái xấu.
3. Cái hài mang một số triết lý cần phải suy ngẫm
Cái hài trong truyện cười dân gian đều chứa đựng những triết lý về cuộc sống, đạo làm người, cách đối nhân xử thế. Tuy nhiên, trong quan niệm cái hài của người Việt qua truyện cười dân gian, bộc lộ một số triết lý cần phải suy ngẫm.
Thứ nhất, đó là việc đề cao cái lý, kể cả lý gian. Cơ sở để hình thành nên truyện trạng là cái lý của vấn đề, sự việc. Cái lý này được cho là hợp lẽ của lập luận, thực tiễn. Sự hợp lẽ của lập luận không chỉ là điều hợp logic mà lắm khi chỉ là sự ngụy biện. Cái sự thật, bản chất là đối nghịch, bị đánh tráo, để hợp lẽ với thực tiễn. Ở đây, sự hợp lý lẽ được tạo nên từ một bối cảnh đánh tráo. Còn đối với người trong cuộc, là nhân vật trạng, là dân gian, thì điều được cho hợp lẽ ấy, thực chất là “lý gian bàn ngay”. Cái ngụy tạo, gian trá khi luận giải lại tỏ ra đúng đắn, phù hợp đến không thể bắt bẻ, được vận dụng một cách khôn khéo. Việc đề cao cái lý, kể cả lý gian xuất hiện trong nhiều truyện cười dân gian, đặc biệt ở nhiều truyện trạng. Trong nhiều trường hợp, cái lý gian được người Việt chấp nhận trong đời sống như một lẽ đương nhiên, là kinh nghiệm của dân gian trong việc đối nhân xử thế.
Thứ hai, các quan niệm “vi phú bất nhân”, “khôn sống mống chết”, “ăn miếng trả miếng”, “dĩ độc trị độc”, vốn là những tục ngữ hay câu cửa miệng được sử dụng tương đối phổ biến trong truyện cười dân gian, đặc biệt ở truyện trạng, chúng được xem như những phương châm hành động (3). “Vi phú bất nhân” tức đã làm giàu thì không có lòng nhân, không có tình thương người. Đó là lý do để nhân vật trạng hạ bệ, đả phá, thậm chí tước đoạt tài sản của người giàu. Điều này tập trung nhiều nhất ở bộ phận truyện Ba Giai, Tú Xuất, như các truyện: Dọa đào mả kết, Dằn mặt chú khách, Xác chết vòi tiền, Để mất bạc của khách, chủ khách trọ phải đền. “Khôn sống mống chết” là một quan niệm được nhận ra trong khá nhiều truyện trạng. Người được cho là khôn, ấy là nhân vật trạng; người bị coi là dại, là nhân vật đối tượng của nhân vật trạng. Theo đó, trạng luôn được, hơn, thành công, còn nhân vật là đối tượng của trạng thì bao giờ cũng bị mất, thua, thất bại. Cái được, hơn, thành công của nhân vật trạng, có ở không ít truyện cười dân gian được hình thành bằng sự lừa phỉnh. “Ăn miếng trả miếng” hoặc “Dĩ độc trị độc” cũng là một quan niệm khá phổ biến trong truyện trạng. Đó là hành động đánh trả một cách đích đáng, do đối phương gây ra, không nương tay hay nhượng bộ, biểu hiện ở các truyện: Đại náo bờ sông Đào, thuộc Truyện Ba Giai; Cây nhà lá vườn, Trạng chết, chúa cũng băng hà thuộc Truyện Trạng Quỳnh.
4. Từ cái hài trong truyện cười dân gian đến cái hài trên sân khấu hiện nay
Hiện nay, “cơn sốt cười” ngày càng tăng, nhà sản xuất càng thu được lợi nhuận, nghệ sĩ được nổi danh và sống tốt nhờ sân khấu hài. Bên cạnh tiếng cười đích thực luôn có tiếng cười nhảm, cười nhạt, cười vô duyên... Tưởng như “cái hài” đã “cứu rỗi sân khấu” (4). Nhưng sự thực không phải như vậy. Tiếng cười có phần rộ lên ở phía sân khấu hài nhưng ít đặc sắc, không có tiếng vang, không có sức mạnh cải biến những tiêu cực xã hội. Bởi tiếng cười hiện nay thiếu một nền tảng triết học, mỹ học cơ bản (5).
Nền tảng triết học mỹ học ấy ở ngay trong vốn truyện cười dân gian truyền thống của dân tộc. Ở đó, cái hài trong truyện cười dân gian đề cập đến những vấn đề nhân sinh gắn với thực trạng của đời sống. Cái hài tấn công vào các thế lực thống trị của xã hội đương thời, tấn công vào cái dốt nát, lạc hậu, những thói xấu ti tiện của con người. Vì vậy, cái hài trong truyện cười dân gian mang tính triết lý sâu sắc.
Khác với cái hài thâm thúy, có tính triết lý sâu sắc trong truyện cười dân gian và ở các loại hình sân khấu truyền thống chèo tuồng, cái hài trên sân khấu hiện đại thiên về việc giải quyết nhu cầu cười mà thiếu tính trí tuệ. Tiếng cười hiện nay đang chạy theo thị hiếu tầm thường, dễ dãi, mua vui của một bộ phận lớn khán giả. Điều này có nguyên nhân, từ việc cái hài hiện đại không khai thác những thủ pháp nghệ thuật hay và khó như: xây dựng mâu thuẫn truyện, tạo tình huống bất ngờ trong xây dựng kịch bản. Thay vào đó, những thủ pháp nghệ thuật đơn giản như: cách nói phóng đại, nói tục lại được cái hài hiện đại lạm dụng khai thác tối đa khiến cái hài trở nên thô tục, nhảm nhí… Khi lấy cái tục và những hiện tượng không mang tính bản chất làm phương tiện gây cười thì tiếng cười sẽ thiếu hẳn tính gai góc của đời sống. Vì vậy, tiếng cười thường nhạt nhẽo, vô vị.
Cái hài hiện đại chưa tạo được tiếng cười thẩm mỹ. Tiếng cười là dấu hiệu để nhận biết cái hài, là bộ phận tạo thành tính toàn vẹn của các yếu tố hài. Trong đó, yếu tố bất ngờ và từ sự bất ngờ này đến sự bất ngờ khác đều hướng tới mục đích khêu gợi tiếng cười. Yếu tố bất ngờ được tạo nên từ việc xây dựng tình huống của mâu thuẫn xung đột giữa cái đẹp và cái xấu. Cái xấu phát triển lên đến đỉnh cao rồi đột ngột bị phát hiện, phơi bày bản chất. Đây chính là một thuộc tính quan trọng của cái hài nhưng lại là một điểm yếu và thiếu của cái hài hiện đại. Thiếu yếu tố bất ngờ thì cũng sẽ thiếu đi tiếng cười đắc ý sâu sắc.
Cái hài hiện đại đang thiếu đi tiếng cười phê phán cái xấu, cái thấp hèn ủng hộ và đón đỡ cái đẹp, khẳng định tính tất thắng của cái đẹp. Thay vào đó, cái hài hiện đại có xu hướng cổ xúy cho các quan niệm có phần cực đoan: “vi phú bất nhân”, “khôn sống mống chết”, “ăn miếng trả miếng”, “dĩ độc trị độc”; ngụy biện cho cái lý, thậm chí là lý gian và chấp thuận cho nó tồn tại như một lẽ tất nhiên của đời sống hiện đại.
Hiện tượng “cái cười hay lây” truyền đạt ý hướng không thông qua ngôn ngữ nhưng có sức mạnh kết nối con người với nhau mà không một quyền lực nào trên thế giới làm được. Tuy nhiên, khi một “tập quán thẩm mỹ” thấp kém vô tình được xác lập, sẽ dẫn đến hiện tượng công chúng thờ ơ, lạnh nhạt với những vở chính kịch nghiêm túc nhất, dàn dựng công phu nhất. Vì vậy, khi tiếng cười làm đúng nhiệm vụ, không chỉ mang đến giải trí lành mạnh mà còn mang tính giáo dục, tạo nên một hiện tượng “lây cười” thẩm mỹ, giúp con người cải tạo cái xấu, cái ác một cách “vui vẻ”, tự nguyện hơn là việc giáo dục bằng sự rao giảng hay mệnh lệnh.
Trong xã hội hiện đại, cái hài hiện đại nên hướng mũi nhọn vào những thói hư tật xấu của con người như: sự lười nhác, sự lố bịch, lòng tham lam, sự vô cảm ích kỷ hay những vấn đề đi ngược lại với xã hội như tham nhũng, ma túy, mại dâm, ô nhiễm môi trường, hàng lậu, hàng giả... những vấn nạn mà con người đang phải đối diện hàng ngày.
Tuy nhiên, cần tỉnh táo để nhìn thấy được mặt hạn chế của cái hài: cái hài có thể phục vụ cho những quan niệm xã hội khác nhau, cũng có thể được sử dụng một cách lệch lạc. Trong trường hợp này, cái hài không phục vụ cho những mục tiêu xã hội chân chính về mặt lịch sử, mà ngược lại hoặc che đậy những mục đích giả dối. Nó có thể bị lợi dụng để xuyên tạc các hiện tượng của đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội. Nó có thể được dùng châm biếm, mỉa mai hay khiêu khích những hành động, phát ngôn của các nhà chức trách với mục đích cơ hội nào đó. Hoặc cái hài được sử dụng như một phương tiện làm người ta quên đi các vấn đề thực tế, thủ tiêu đấu tranh xã hội, không dám đối mặt với những vấn đề gai góc của hiện thực đời sống, giải trí với những điều nhảm nhí, tầm thường, lẩn tránh trách nhiệm công dân. Vì vậy, cần phát huy giá trị thẩm mỹ của cái hài, làm thanh lọc tâm hồn, hướng con người đấu tranh bảo vệ cho những điều tốt đẹp và góp phần thanh lọc xã hội. Đó chính là sự tiếp nối giá trị nhân văn của cái hài trong truyền thống ở đời sống hiện đại.
_______________
1. Đỗ Văn Khang - Đỗ Huy, Mỹ học Mác - Lênin, Nxb Đại học và THCN, Hà nội, 1985, tr.82.
2. Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1959, quyển III, tr.146 - 147.
3. Triều Nguyên - một số khía cạnh triết lý trong truyện trạng, tapchisonghuong.com.vn.
4. Hài kịch đích thực vẫn còn là khoảng trống, giaodiemonline.com.
5. Mỹ học cái hài, baomoi.com.
Tác giả: Lê Hường
Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 - 2018