Biểu tượng nhóm vũ khí bằng sắt trong truyền thuyết Thánh Gióng

Bài viết bước đầu giải mã ý nghĩa biểu tượng của nhóm vũ khí bằng sắt trong truyền thuyết Thánh Gióng, phản ánh công cuộc giữ nước thời Hùng Vương. Vũ khí sắt xuất hiện khi người Việt đã biết sử dụng đồ sắt như một khí cụ tiên tiến của thời đại, nên Thánh Gióng đã thắng giặc nhanh chóng. Trong các vũ khí như roi sắt, áo sắt, ngựa sắt thì ngựa sắt là biểu tượng tiêu biểu nhất trong truyền thuyết Thánh Gióng.

Ở Việt Nam, biểu tượng trong tiếng Việt là một từ gốc Hán được dùng khá trừu tượng. Theo Từ điển Tiếng Việt, biểu tượng có hai nghĩa, nghĩa thứ nhất là “hình ảnh tượng trưng,” nghĩa thứ hai là “hình thức của nhận thức, cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc khi tác động của sự vật vào giác quan ta đã chấm dứt” (1). Trong Từ điển Bách khoa Văn hóa học định nghĩa: “Biểu tượng là một loại ký hiệu đặc biệt, thể hiện nội dung thực tế của một điều nào đó. Biểu tượng văn hóa khác ký hiệu thông thường ở chỗ chứa đựng mối liên hệ tâm lý với tồn tại mà nó biểu trưng” (2).

Như vậy, việc nghiên cứu và tiến hành tìm hiểu các biểu tượng trong văn hóa nghệ thuật nói chung đã sớm được các nhà nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam ở các lĩnh vực khác nhau quan tâm. Căn cứ vào sự lý giải của các tác giả, có thể thấy rằng biểu tượng vừa là sản phẩm của văn hóa, vừa là các thành tố cơ bản cấu tạo nên văn hóa mà khi tiến hành lý giải các biểu tượng của một cộng đồng cũng chính là tìm hiểu lý giải về văn hóa của cộng đồng đó. Sự hình thành và phát triển văn hóa luôn dựa vào năng lực của con người trong việc nhận thức và sáng tạo ra các loại hình ngôn ngữ ký hiệu - biểu tượng (symbol). Bởi lẽ, biểu tượng luôn chứa đựng trong nó những giá trị, mà đằng sau các giá trị thường ẩn dấu một nhu cầu nào đó của con người. Sự đa dạng của văn hóa biểu hiện tính phong phú và tính nhiều vẻ của thế giới biểu tượng. Biểu tượng với tư cách là một “đơn vị cơ bản của văn hóa” (3) đã được quan tâm nghiên cứu, được xem là mặt thứ hai của lý trí. Chính nó là nhân tố cốt lõi giúp cho con người có những phát hiện, tìm ra cái mới. Có thể hiểu biểu tượng là hình thức biểu đạt các giá trị, ý nghĩa mà con người đã tìm kiếm và chọn lựa theo một kiểu ứng xử nào đó, một quan hệ nào đó với tự nhiên và xã hội. Đó là một cách thức để chấp nhận, khám phá được tâm lý, tính cách cũng như tinh thần của một dân tộc. Đó cũng là phương thức để nhận biết về bản sắc dân tộc. Tác giả Nguyễn Bích Hà, trong Nghiên cứu văn học dân gian từ mã văn hóa cũng có quan điểm về biểu tượng: “Biểu tượng được hiểu như là những hình ảnh tượng trưng, được cả cộng đồng dân tộc chấp nhận và sử dụng rộng rãi trong một thời gian lâu dài. Nghĩa của biểu tượng phong phú, nhiều tầng bậc, ẩn kín bên trong, nhiều khi khó nắm bắt”. Bà cho rằng: Biểu tượng là cảm quan, nhận thức được lắng đọng, kết tinh, chắt lọc trải qua bao biến cố thăng trầm vẫn không bị phai mơ mà ngược lại càng khắc sâu hơn vào tâm khảm con người. Biểu tượng bao giờ cũng có hai nửa, một nửa luôn ở bề nổi dễ nhìn thấy và cảm giác được (biểu trưng), còn một nửa chìm sâu, khuất lấp (cái được biểu trưng). Khi lý giải về những triết lý trong truyện Thánh Gióng, Trần Quốc Vượng cũng cho rằng khi lý giải truyện Thánh Gióng nói riêng và những câu chuyện dân gian nói chung cần xem xét con người ở cả hai mặt: ở thế giới thực và thế giới biểu trưng, trong đó thế giới biểu trưng chính là một hệ thống những biểu tượng, những giá trị, những “mã” đòi hỏi nhà nghiên cứu phải giải mã.

Hệ thống truyền thuyết về người anh hùng làng Gióng lâu nay đã được các nhà nghiên cứu cho rằng đó là một trong những nguồn truyện kể gắn với một không gian lưu hành rộng và tồn tại lâu dài nhất trong số các hệ thống truyền thuyết trong kho tàng văn học dân gian người Việt lưu truyền đến nay. Mang đầy đủ đặc tính của một thể loại văn học dân gian, nên truyền thuyết Thánh Gióng cũng có nhiều dị bản và chứa đựng nhiều lớp tín ngưỡng văn hóa khác nhau theo sự biến thiên của lịch sử. Song, nói về truyền thuyết Thánh Gióng hầu như không có dị bản nào không có môtíp ngựa sắt, roi sắt, nón sắt, áo giáp sắt… Nhóm vũ khí này như những biểu tượng chứa đựng nhiều ý nghĩa biểu hiện và tàng ẩn.

Để tìm hiểu những vũ khí đánh giặc của ông Gióng, theo chúng tôi, trước hết cần phải tìm hiểu nghề thợ rào của địa phương. Cao Huy Đỉnh từ góc nhìn dân tộc học – lịch sử qua điều tra, điền dã ở các làng có nghề thợ rào đã có những lý giải khá sâu sắc và thú vị: sự ra đời của đồ kim khí ở Phù Đổng, Mai Cương đã tạo ra một sức mạnh mới trong sản xuất, một quan hệ mới nảy ra trong công xã, đó là sự khinh bỉ nghề thợ rào thể hiện ở huyền tích về con ngựa rỗng, về chiếc áo giáp hở lưng và về chiếc roi sắt bị gãy… “Tình hình này có thể xảy ra ở trong những bộ lạc nông nghiệp tổ chức theo nơi cư trú, coi người thợ rào hay người thợ thủ công nói chung là những người “ngụ cư”. Hơn nữa, cũng ở trong những bộ lạc đó, đồ sắt còn hiếm và chỉ cần đến một mức nào thôi. Đồ tre vẫn là chủ yếu” (4).

Nhưng một tình cảm mới lại nảy sinh, đó là sự kinh ngạc và quý chuộng trước cái mầu nhiệm của đồ kim khí và lòng tin vào sức cải tạo thiên nhiên của nó, mỗi khi con người đã có ý thức sử dụng nó để thực hiện lợi ích chung của tập thể. Chính nhờ cái ý thức đó, kim khí mới thực sự trở thành sức mạnh chân chính. Ý thức đó, sức mạnh đó chuyển hóa lẫn nhau, tăng cường cho nhau, được trí tưởng tượng dân gian thể hiện thật sinh động, khéo léo trong hình tượng con ngựa rỗng bị Gióng vỗ bẹp gí, sau đó được đúc lại thành con ngựa chắc khỏe mà nó sẽ lồng lên, thét ra lửa, căm hờn đốt cháy quân giặc. Đó chính là nguồn gốc sâu xa, ý nghĩa cao đẹp và tính chất kỳ vỹ mà hồn nhiên của hình tượng lửa, sắt bên cạnh hình tượng đá và tre ở trong cốt truyện Ông Gióng.

Chúng ta sẽ thấy âm hưởng mạnh mẽ trong anh hùng ca của một đằng là cơm gạo, cà, tre… của nông dân và một đằng là lửa, sắt của người thợ rào… Điều đó chứng tỏ sắt rất cần, cơm, gạo, cà rất cần, tre lại càng cần hơn trong giờ phút quyết liệt nhất để giúp ông Gióng thắng giặc Ân. Nhưng quan trọng hơn, các biểu tượng ấy nói lên tinh thần đoàn kết giữ những lực lượng sản xuất ở nông thôn để chinh phục ở thiên nhiên và chiến thắng bọn xâm lược là kẻ thù chung của mọi bộ lạc, mọi địa phương. Người dân không chỉ góp cơm, góp cà nuôi Gióng, mà còn góp sắt để rèn vũ khí cho Gióng – mang ý nghĩa người anh hùng và sức mạnh của người anh hùng được cố kết, tôn tạo nên từ cộng đồng, sinh ra từ cộng đồng (khác với vũ khí của các nhân vật anh hùng trong truyền thuyết các dân tộc khác trên thế giới (Ivan của Nga, Giăng Sắc của Đức,…). Đây là nét sáng tạo độc đáo nhất mà ý nghĩa còn mãi đến ngày nay. Đây cũng là sự chuyển hóa giữa các biểu tượng của sinh hoạt xã hội, của văn hóa vật chất và của các lực lượng tự nhiên, là trình độ tổng hợp rất cao của hình tượng Gióng.

Sau khi đã nhận thức rõ những làng nghề thợ rào tại địa phương như là cơ sở lịch sử của các loại vũ khí bằng sắt cung cấp cho ông Gióng đánh giặc, chúng tôi cho rằng, còn cần phải tiếp cận vấn đề từ góc nhìn khảo cổ học – lịch sử để làm sáng tỏ hơn tính thời đại của những công cụ đồ sắt đó. Bằng các cứ liệu khảo cổ học thời văn hóa Đông Sơn, nhà sử học – khảo cổ học – văn hóa học Trần Quốc Vượng đã xác định rằng, Việt Trì – Bạch Hạc chính là thủ đô Văn Lang của các vua Hùng. Ông nói: Tôi muốn kết luận rằng Việt Trì – Bạch Hạc trung du là trung tâm địa chính trị của nhà nước Việt Nam cổ đại thời cách mạng luyện kim đồng – sắt. Điều này có nghĩa nhóm vũ khí này chính là biểu tượng gắn với sự xuất hiện của kim loại sắt, cho ý niệm về thời gian lịch sử: thời đại đồ sắt ở Việt Nam. Như vậy, huyền tích, huyền sử Thánh Gióng tuy mang đậm những yếu tố huyền ảo, song rõ ràng, cốt truyện đã phản ánh đúng cái cốt lõi lịch sử thời Hùng Vương. Đó là thời đại bước vào ngưỡng cửa giai đoạn văn minh, bước vào “thời kỳ của cây kiếm sắt”. Vì vậy, truyền thuyết đã thần thánh hóa – roi sắt, ngựa sắt, áo giáp sắt của Thánh Gióng – gắn liền với đời Hùng vương thứ sáu. Đó là nhận thức sâu sắc của các nhà viết sử. Tuy nhiên, truyền thuyết Thánh Gióng dẫu có nhiều dị bản, dẫu có một số tình tiết sai dị khác nhau, nhưng hầu hết các bản kể đều không thể không kể đến roi sắt, ngựa sắt như hai biểu tượng cốt lõi thể hiện sức mạnh kỳ vĩ của cậu bé làng Gióng. Người anh hùng đã đánh thắng giặc Ân bằng những vũ khí tiên tiến nhất của thời đại, do chính những người thợ rào ở quê hương Gióng – hàng ngàn người thợ do vua Hùng huy động – tạo thành một sức mạnh tập thể góp công sức khiến cho Gióng càng trở nên dũng mãnh, vô địch, với tầm vóc vũ trụ, long trời lở đất:

           Uy ra vân cát ầm ầm

           Mình lên cất ngựa, tay cầm kim tiên (roi sắt)

           Lạ thay ngựa sắt tự nhiên

           Giậm lên động đất, thét lên dậy trời…

          (Thiên Nam ngữ lục)

Vũ Ngọc Phan nhận xét: truyện Thánh Gióng là một truyền thuyết có thể đã xuất hiện vào một thời mà tổ tiên chúng ta sau khi biết dùng sắt làm công cụ sản xuất, đã biết được sự lợi hại của sắt trong việc dùng nó làm vũ khí chống xâm lăng. Cho nên khi đã có đủ các thứ vũ khí bằng sắt trong tay: nón sắt, roi sắt, giáp sắt, ngựa sắt, thì một chú bé lên ba tuổi đất văn Lang cũng có thể giết được giặc. Nhưng có ba tuổi đâu mà mang được những thứ nặng ngàn cân, thì phải có sức vóc phi thường, mà sức vóc phi thường ấy cũng lại phải do lòng hăng hái chống giặc, do sự đoàn kết và giúp đỡ của nhân dân mà có: Đó là sự giúp gạo, giúp cà của dân làng cho bà mẹ nuôi con, để người con trở thành “ông Thiên tướng” vừa vỗ tay lên lưng ngựa sắt, tức thì ngựa sắt phải chồm lên và thét ra lửa…. Ông bàn về tính lãng mạn và hiện thực của những vũ khí bằng sắt: Truyền thuyết Thánh Gióng đã biểu hiện rất rõ tính chất hiện thực của nó. Nó có thể đã xuất hiện vào một thời rất xa chúng ta, dưới hình thức truyền miệng nên những chi tiết của sự việc có thể thay đổi nhiều. Nhưng chủ đề của nó đã không thay đổi: Đó là tinh thần chống xâm lăng của nhân dân ta. Nó đã phản ánh đúng tinh thần ấy mà lịch sử đã chứng thực. Mặt khác, từ sự nằm yên cho đến sự hoạt động rất tích cực của Thánh Gióng, từ những vũ khí bằng sắt, ngựa sắt rất vĩ đại cho đến cái việc cả người lẫn ngựa nặng ngàn cân bay bổng lên trời xanh, ở óc tưởng tượng vô cùng phong phú của nhân dân lao động Việt Nam, tính chất lãng mạn, tích cực cũng đã thể hiện rất rõ. Nhưng dù sao, tính chất hiện thực vẫn cứ còn, vì nó là căn bản. Sắt vào thời loài người mới có, rèn đúc chưa tinh xảo, dễ gãy cho nên Thánh Gióng vì dùng sức quá mạnh, đã đánh gãy roi sắt của mình, phải nhổ tre bên đường để giết giặc…

Điều đáng chú ý trong nhận thức của Vũ Ngọc Phan về nhóm vũ khí bằng sắt là do ngựa sắt phun lửa cháy bụi tre nên đã tạo thành giống tre ngà ngày nay. Đây có thể cũng là một lối giải thích mang tính từ nguyên học dân gian theo thông lệ, song có cơ sở hiện thực mà người nghe thấy hứng thú nhiều hơn là muốn bác bỏ tính lôgic của nó về mặt khoa học. Về nguồn gốc tre ngà, Vũ Ngọc Phan nói: Tre bị nhổ, tre bị cháy cũng lại hồi sinh và trở thành những thế hệ tre ngày một tốt tươi hơn trước, đẹp hơn trước qua lần thử lửa, đốt nó rất thẳng, da nó lại vàng nhạt như ngà, gọi là tre đàng ngà. Cây tre, thứ tre tiêu biểu nhất cho các thứ cây của đất nước Việt Nam cũng đã được đề cao. Thánh Gióng là một nhân vật tưởng tượng trong một khung cảnh huy hoàng, tiêu biểu cho sức mạnh tiềm tàng, tinh thần quật khởi, tinh thần chống xâm lăng của dân tộc ta.

Có lẽ trong nhóm vũ khí bằng sắt trong truyền thuyết Thánh Gióng, biểu tượng con ngựa sắt là còn để lại dấu ấn sâu đậm hơn cả trong đời sống của nhân dân. Các cụ ngày nay vẫn kể cho nhau nghe về vết chân ngựa sắt của Thánh Gióng đã tạo thành hàng loạt ao chuôm trên đất Kinh Bắc xưa và cả Hà Nội nay. Lửa do ngựa sắt phun ra còn để lại dấu tích là giống tre ngà và làng Cháy ở xã Phù Đổng ngày nay… Theo phân tích của Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, các ao do vết chân ngựa sắt tạo nên cũng có thể liên quan đến cách hiểu: Ngựa là biểu tượng thần linh của nước. “Tham dự vào bí mật của nước làm phì nhiêu đất, làm sinh sôi, nảy nở sự sống, con ngựa am tường những đường nước chảy dưới đất. Điều đó cắt nghĩa vì sao từ Tây Âu đến Viễn Đông, nơi nào con ngựa đi qua và muốn để lại tặng phẩm cho con người thì nó đập mạnh móng xuống làm phọt lên những nguồn nước… Từ đó ta dễ hiểu rằng con ngựa cũng có thể được xem như một hóa thân hay là một trợ thủ của các thần mưa” (5). Điều này phải chăng ngựa sắt là biểu tượng của một tín ngưỡng nông nghiệp xa xưa – tín ngưỡng thờ các hiện tượng tự nhiên nói chung trên thế giới. Cũng theo Từ điển văn hóa thế giới, “con ngựa trắng là hình ảnh tượng trưng cho sự uy nghi, là vật cưỡi của các Anh Hùng, các Thánh Nhân, những người lập nên những kỳ công tinh thần. Tất cả các nhân vật cứu thế đều cưỡi những con tuấn mã như thế” (6) điều này ứng với tượng ngựa gỗ được thờ trong đền Gióng (Phù Đổng) là ngựa trắng cho thấy biểu tượng ngựa cũng nói lên hình ảnh của Thánh Gióng là một bậc anh hùng, thánh nhân của dân tộc.

Mặt khác, hình tượng ngựa sắt còn là một biểu tượng của tín ngưỡng thờ mặt trời gắn với lễ cầu được mùa – một tín ngưỡng quan trọng của cư dân nông nghiệp trồng lúa. Tư duy huyền thoại dùng hình tượng ngựa/ xe ngựa để tượng trưng cho mặt trời. Hình tượng ngựa hiện còn trong các di tích thường gắn với hình tượng Thánh Gióng. Tại đến Phù Đổng còn có một cặp ngựa trắng và đỏ và một số câu chuyện linh thiêng liên quan đến cặp ngựa này. Ngựa đi cũng với các vật dụng, trang phục và các trò diễn trong hội Gióng (trang phục đỏ của tướng giặc- của màu cờ và Thiên vương, trò diễn đánh cờ lệnh của ông hiệu, trò hất phết ở hội làng Đìa, trò đấu vật ở hội làng Lệ Chi)… thể hiện rõ đây là một xâu chuỗi những biểu tượng có hồi quang của tín ngưỡng thờ mặt trời. Tác giả Trần Quốc Vượng cũng đã nhận định - một vết tích Đông Sơn còn tồn tại ở hội Gióng: “Mặt trời Đông Sơn đã chuyển từ biểu tượng ngôi sao giữa mặt trống đồng với những cảnh chim bay ngược chiều kim đồng hồ sang biểu tượng con ngựa trắng ở đền Gióng và con ngựa Sắt ở huyền tích Gióng” (7).

Ngựa sắt và nhóm vũ khí bằng sắt còn là thể hiện tín ngưỡng thờ tổ nghề của cư dân Việt: Theo nghiên cứu và suy luận của tác giả Nguyễn Chí Bền thì “có thể thấy mờ ảo trong chân dung người anh hùng Thánh Gióng bóng dáng của một vị tổ nghề. Ngựa sắt của Thánh Gióng hét ra lửa, làm cháy những bụi tre đằng ngà, phải chăng chỉ là một sự huyền thoại hóa, để vị tổ nghề trở nên lung linh, xa mờ, thiêng liêng trong con mắt của người dân thờ phụng” (8). Ông cho rằng: huyền thoại về thánh Gióng là ánh xạ của những thành tựu trong chế tác đồng sắt của cư dân Việt cổ. Họ đạt đến đỉnh cao trong kỹ thuật chế tác kim khí, và đồng thời đã sáng tạo ra một huyền thoại để phản ánh thành tựu ấy.

Tóm lại, biểu tượng nhóm vũ khí bằng sắt trong truyền thuyết Thánh Gióng mà nổi bật nhất là biểu tượng ngụa sắt đã chứa đựng nhiều lớp ý nghĩa văn hóa sâu xa. Phản ánh đặc điểm văn hóa, xã hội, lịch sử về thời đại Hùng Vương. Thời đại thuở đầu dựng nước của cha ông mà khi muốn tìm hiểu, chúng ta không thể không tìm hiểu từ các truyền thuyết xa xưa còn lưu truyền, đặc biệt các biểu tượng trong các truyền thuyết đó. Các biểu tượng như các mã văn hóa giúp chúng ta tìm hiểu sâu sắc hơn về các sự vật và hiện tượng. Hệ biểu tượng này có ý nghĩa chung cho việc góp phần xây dựng hạt nhân cho giá trị cố kết cộng đồng và chống xâm lăng của người Việt. Biểu tượng của hệ thống vũ khí này là một trong những yếu tố cốt lõi – yếu tố sức mạnh của vũ khí cùng với sức mạnh thể chất và tinh thần của con người để chiến thắng ngoại xâm, “là bài học lịch sử đầu tiên mà người Việt Nam trong thời kỳ Văn Lang đã đúc kết được” (9).

_______________

1. Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 1998, tr.26.

2. Dẫn theo Nguyễn Văn Hậu, Về biểu tượng trong lễ hội dân gian truyền thống (Qua khảo sát lễ hội dân gian truyền thống vùng châu thổ Bắc Bộ nước ta), Luận án Tiến sĩ, Viện Nghiên cứu VHNT Việt Nam, 2001.

3, 4. Cao Huy Đỉnh, Tuyển tập tác phẩm, Nxb Lao động, Hà Nội, 2004, tr.529.

5, 6. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới , Nxb Đà Nẵng, Trường viết văn Nguyễn Du, 2002, tr.660.

7.Trần Quốc Vượng, Căn bản triết lý người anh hùng Phù Đổng và hội Gióng, dẫn theo Nhiều tác giả, Lễ hội Thánh Gióng, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2009, tr.435-438.

8. Nguyễn Chí Bền, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2010, tr.202.

9. Hoàng Tiến Tựu, Sự phát triển của truyền thuyết chống giặc ngoại xâm từ Thánh Gióng đến An Dương Vương, Tạp chí Văn học, số 4-1979, tr.50-58.

 

Tác giả:  Ngô Thị Hồng Giang

Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8 - 2018

 

;