Cư dân vùng biển đảo Vân Đồn có kho tàng văn hóa dân gian vô cùng phong phú, đa dạng. Một trong các yếu tố cấu thành nên sự đa dạng đó phải kể đến văn hóa biển. Do sinh sống, thích nghi và đối diện với biển, các thế hệ cư dân nơi đây đã có những trải nghiệm, đúc kết và tích lũy tri thức dân gian về biển. Trong đó, phải kể đến các tri thức về khai thác biển và sử dụng các nguồn lợi từ biển phục vụ con người.
1. Tri thức dân gian trong khai thác biển
Sinh sống và hành nghề trên biển, ngư dân Vân Đồn đã đúc kết những tri thức về lịch con nước quan trọng đối với đời sống của họ. Qua lịch con nước, ngư dân biết được quy luật của nước, của biển trong khung thời gian nhất định, từ đó tính được ngày “nước sinh”, “nước đứng”, “nước ròng” để tính toán cho công việc đánh bắt. Bên cạnh việc nắm bắt lịch con nước, ngư dân còn phải căn cứ vào tình hình thời tiết, khí hậu để tính chuyện làm ăn. Người ta thường quan sát bầu trời, mặt nước, gió, các con sóng, dòng chảy và sự xuất hiện của các sinh vật để dự đoán thời tiết: Bắc lằng về hôm, nồm lặng về sớm (mùa gió bấc, biển thường lặng về chiều. Mùa gió Nam, biển lặng lúc buổi sáng sớm). Hoặc có khi chỉ là kết tinh sự quan sát về: bão chưa đến, biển hơi động là lục cá xô vào gần bờ, có thể cho thuyền đánh nhanh một hai mẻ lưới dễ thu hoạch lớn, sau đó là phải tìm chỗ cho thuyền tránh bão và đợi tan bão, biển thất yên mới được đánh cá, như câu: Đầu động, cuốc yên. Đồng thời, người dân đi biển còn đúc kết: “đăng dài, chài rộng” mới mong được nhiều cá.
Tục ngữ ở Vân Đồn về những ngày cữ gió trong năm khá đa dạng:
Cữ gió 3-3 âm lịch: Tiền tam nhật/ Hậu tam nhật; Cữ gió 23-10 âm lịch: Ông không tha/ Ba không tha/ Nhớ 23-10; Mưa tháng 7: Tháng 7 mưa gãy cành trám; Nắng tháng 8: Tháng 8 nắng rám trái bòng.; Tháng cá gầy: Tháng ba quạ tha cá mòi; Thời tiết thay đổi: Một ngày nồm ra/ Ba ngày xuống bấc; Mồng chín tháng chín không mưa/ Mẹ con mang bán cày bừa mà ăn (1).
Với người đi biển, kinh nghiệm sông nước được đúc kết vào tục ngữ, phương ngôn không những phong phú và đa dạng, có lời lẽ mạnh mẽ, quyết liệt, tha thiết và dứt khoát mà còn những câu như trêu đùa bằng sự chơi chữ như: Mồng mười tháng ba, giỗ cha thằng Nghẹo/ Muốn ăn cá nghéo, thì chạy ra khơi.
Nhiều kinh nghiệm là kiến thức tổng hợp được tích lũy, lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, thấm sâu vào trí nhớ, trở thành lối ứng xử linh hoạt trước thiên nhiên. Những thay đổi bất thường của thời tiết, biểu hiện qua màu sắc đám mây, ráng trời, âm thanh sóng vỗ, gió thổi, dòng nước chảy, màu nước, bọt sóng nước, kể cả khi trời trong trăng tỏ hay một vài cánh chim bay về rừng... cung cấp cho người ngư dân những phán đoán khá chính xác về những điều sắp xảy ra để tránh những rủi ro: Trời trong trăng tỏ/ Nước đục ngàu ngàu/ Cha con bảo nhau/ Chèo mau cập bến. Họ nhắc nhau khi có hiện tượng thời tiết khác lạ: Bạn chèo thợ lái bảo nhau/ Mống Tây chớp lạch quay mau mà về.
Quan sát thiên nhiên còn giúp cho việc xác định tọa độ, phương hướng ra vào cửa lạch để tránh va vào đá ngầm, mắc cạn: Đi ra trông sao/ Đi vào trông rú (2). Kinh nghiệm từ thiên nhiên còn được những người làm nghề biển ghi nhớ để họ có thể tránh một số rủi ro khác: Một ngày nồm ra, ba ngày nồm bấc xuống; Tháng ba gà đẻ ói; Tháng chín nước vịn chân cơ; Mẹ con nhà siệng bơ vơ đầu ghềnh; Những ngày cữ gió trong năm: Tiền tam nhật, hậu tam nhật (gió xuống trước hoặc sau ba ngày); Ông không tha, bà không tha/ Làm cho cái lụt hai ba tháng mười (6).
Bằng những kinh nghiệm thực tiễn của nhiều đời đi biển, các ngư dân trên đảo Quan Lạn truyền lại nhiều kinh nghiệm tránh những tai họa từ thiên nhiên. Người dân ở đây thường nói với nhau về “cơn Tây”. Cơn Tây hay được gọi là cơn ở phía đằng Tây thường xuất hiện phía chân trời khoảng tháng 7, tháng 8. Theo kinh nghiệm của người dân ở đây, cơn Tây thực ra là một loại giông bão được hình thành trên biển. Từ đời này qua đời khác, cha ông của những ngư dân đã truyền lại cho đến các hệ trẻ để tránh xa những hiểm họa trên biển. Kinh nghiệm cho thấy đây là một loại giông bão trên biển thường nguy hiểm cho người dân nên thấy chân trời phía Tây có những cơn màu đen thì phải di chuyển tránh xa càng tốt hoặc nhanh chóng vào bờ.
Vùng biển giữa vịnh Hạ Long và Bái Tử Long khá rộng. Ở đây có hòn đũa chơi vơi giữa sóng gió. Phía ngoài, đảo chạy dài, trong bờ là dãy núi đá Quang Hanh lừng lững, khi trời giông bão, chỗ này thường sóng gió rất mạnh, thuyền qua đây phải hết sức cẩn thận: Kín Đũa thì sống, trống đũa thì chết.
Hầu như ở làng nào cũng có “cuốn lịch” hằng năm thông tin công cụ đánh bắt từng loại cá, lịch những ngày nước sinh, nước cường từng tháng, nhật trình đi biển vào Nam ra Bắc cho đến kinh nghiệm về ăn uống, dưỡng sinh, trị bệnh từ những hải vật quý của vùng biển quê hương.
2. Tri thức dân gian trong ẩm thực, chăm sóc sức khỏe
Tri thức dân gian của người Vân Đồn còn được thể hiện trong việc tận dụng những thực vật ven biển phục vụ cho đời sống sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt trong bữa ăn. Trong quá trình điền dã tại địa phương, chúng tôi được người dân cho thưởng thức hai loại thực vật gắn liền với đời sống của người dân, đó là quả mắm và quả bứa.
Cây mắm và cây sú vẹt là hai loại cây phổ biến mọc ven biển được người dân Quan Lạn cấy xung quanh đảo để chắn sóng bảo vệ đảo, ngăn ngừa mưa lũ khi mùa bão, sóng dâng. Bên cạnh đó, rừng mắm, sú còn tạo môi trường sống cho các loại cá tôm trú ngụ. Theo cụ Phạm Danh Mại, 92 tuổi, cây mắm đã cứu đói người dân trên đảo qua nạn đói năm 1945. “Cái năm Ất Dậu ấy, nước ta chết đói nhiều vô kể, ở ngoài đảo này cũng vậy thôi. Người dân đói khổ lầm than vô cùng. Giá như trên rừng còn có củ mài, củ sắn mà ăn thì ở đây chỉ có cây sú cây vẹt. Ấy vậy mà những năm đấy vào mùa tháng 5, tháng 6 âm lịch, rừng mắm quanh làng lại đơm hoa kết trái trĩu quả. Người dân đua nhau xuống rừng mắm hái quả về bổ ra, nấu sôi rồi ngâm với nước và nấu chín ăn được nên cả làng mới thoát khỏi nạn đói năm đó” (3). Câu chuyện “quả mắm cứu đói dân làng năm 1945” đã được người cao tuổi truyền lại và răn dạy con cháu có ý thức bảo tồn loài cây ven biển này cho đến nay.
Ngày nay, quả mắm được cho là đặc sản của Quan Lạn, được xào với ngao, sò hoặc thịt ghẹ, cua kết hợp với lạc và gia vị. Đây là đặc sản của địa phương mà chỉ khi thiết đãi khách hoặc trong những ngày vui của gia đình, người Quan Lạn mới dùng món ăn đặc biệt này.
Quả bứa là một loại quả cùng họ với quả măng cụt, mọc ven các triền núi ven biển trên đảo Minh Châu. Khác với quả măng cụt, quả bứa có mùi hương dễ chịu, có vị chua, vỏ màu xanh khi chín vỏ màu vàng, mọi người vẫn thường sử dụng quả bứa làm gia vị cho các món canh chua hoặc món cá kho. Bứa thường được hái khi quả chín hoặc gần chín, sau đó tách hạt giữ lại phần vỏ, vỏ được thái mỏng và phơi khô bảo quản dần để làm thuốc hoặc dùng để nấu canh chua, kho cá... Vỏ bứa nấu canh chua hay kho cá thường được cho vào nồi cùng các loại nguyên liệu khác ngay từ đầu, khi cá chín hoặc nồi canh hoàn thành cũng là lúc vị chua của vỏ bứa hòa tan khiến món ăn trở nên đượm vị, chua nhưng không bị nồng.
Một điểm khác biệt khiến vỏ bứa được ưa chuộng hơn các loại quả khác, đặc biệt là với người dân vùng biển đó là bứa thường được phơi khô, không cần bảo quản lạnh, không cầu kỳ, chỉ cần cho vào hũ hoặc túi bóng buộc kín là sử dụng được vài năm.
Sá sùng là một sản phẩm đặc sản từ biển của Quan Lạn, “Thường thì sá sùng được người dân trên đảo dùng để bồi bổ cho cơ thể khi bị suy kiệt và đặc biệt rất tốt cho sức khỏe của sản phụ sau khi sinh nở”(4). Sá sùng thường được chế biến: con tươi thường được người dân nấu với lá lốt và cho thêm một ít gia vị là tỏi. Nếu chế biến sá sùng khô thường rán vàng tươi để cảm nhận hương vị thơm ngon của sá sùng.
Bên cạnh đó, hải sâm cũng là thức bồi bổ tốt sức khỏe của người dân. Hải sâm thường được chế biến xào với mộc nhĩ, tai lợn, ngao với đúng cách ăn trên đảo Quan Lạn. Thông thường hải sâm được người dân trên đảo dùng trong các bữa tiệc hoặc thiết đãi khách quý.
Ngoài sản vật có nguồn gốc từ biển cả tốt cho sức khỏe, người dân còn biết dùng các sản vật từ biển để chữa bệnh, duy trì sức khỏe như: cá ngựa để trị hen xuyễn; sao biển để lợi tiểu, tán sỏi thận, chống còi xương... “Ngày xưa thì ở đây thuốc men hiếm, chủ yếu sống dựa vào thiên nhiên, biển cả là chủ yếu, các bệnh sơ sơ thì thuốc nam, còn bệnh hiểm nghèo phải đưa vào đất liền để chữa. Nói về các con dưới biển mà làm thuốc thì nhiều nhưng các con có công dụng phổ biến mà người dân chúng tôi hay dùng ví thử như con cá ngựa thì dùng chữa hen xuyễn. Ở đây chúng tôi phải ngâm bốn loại cá ngựa với rượu: đỏ, trắng, vàng, đen và uống vào mỗi buổi sáng sớm có tác dụng chữa trị hen. Chỉ khi kết hợp bốn loại cá ngựa này lại mới có tác dụng. Bên cạnh đó, người dân ở đây còn sử dụng con sao biển ngâm để tán sỏi và lợi tiểu. Sao biển khô được tán nhuyễn cho trẻ em sử dụng chống còi xương như ruốc cóc trong đất liền” (5).
Như vậy với các kinh nghiệm sử dụng thực vật để chế biến các món ăn có nguồn gốc từ biển, người dân Quan Lạn đã khéo léo sử dụng các tri thức dân gian để cứu đói cho người dân hay sử dụng bứa để chế biến thành các món ăn ngon. Tất cả các tri thức này được người dân đúc kết và truyền nhau từ đời này qua đời khác. Hiện nay, các tri thức này vẫn còn được sử dụng rộng rãi trong mỗi bữa ăn của người dân trên đảo. Có thể nói, những tri thức dân gian của cư dân Vân Đồn phong phú, từ tri thức về con nước, mùa cá, về thời tiết, những điểm hiểm nguy, cho đến những kiêng kỵ về lễ tục được phản ánh qua hệ thống thơ, ca, hò, vè với nhiều sắc thái khác nhau. Điều này minh chứng cho văn hóa dân gian của cư dân nơi đây gắn liền và chịu tác động bởi biển cả từ thế hệ này qua thế hệ khác.
3. Kết luận
Cuộc sống gắn liền với biển đã mang lại cho cư dân Vân Đồn vốn kinh nghiệm đánh bắt và sử dụng hiệu quả những gì khai thác được. Đó là những kinh nghiệm về nhận thức nguồn lợi hải sản, nhận diện ngư trường phong phú. Biển hiện diện trong văn hóa giúp người dân ghi nhớ vốn tri thức, đồng thời sáng tạo ra những ngư cụ, hình thức đánh bắt riêng đối với từng mùa, từng loại hải sản nhất định. Không dừng lại ở đó, những tri thức dân gian này giúp ngư phủ ứng phó với thiên nhiên, xác định được thời gian đánh bắt và vị trí đánh bắt một cách hiệu quả. Đồng thời, trải qua thời gian sinh sống và thích nghi lâu dài với biển, cư dân Vân Đồn đã tìm tòi và sử dụng các sản vật từ biển bồi bổ cho con người. Hơn hết, biển trong tri thức dân gian còn có giá trị quan trọng trong nghiên cứu văn hóa cư dân biển đảo Vân Đồn, vùng biển địa đầu Tổ quốc.
________________
1. Phạm Quốc Duyệt, Dặm dài Quan Lạn, Nxb Văn học, Hà Nội, 2016, tr.213-214.
2. Võ Quang Trọng, Văn hóa dân gian các làng ven biển, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số tháng 12-2005.
3. Phỏng vấn ông Phạm Danh Mại, 92 tuổi, đảo Quan Lạn.
4. Phỏng vấn ông Hoàng Xuân Khương, 35 tuổi, cán bộ văn hóa xã Quan Lạn.
5. Phỏng vấn ông Phạm Quốc Duyệt, 72 tuổi, đảo Quan Lạn.
6. Tư liệu ghi chép điền dã của tác giả ở đảo Quan Lạn, tháng 12-2017.
Tác giả: Thành Thu Trang
Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020