Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng gồm 10 thành viên do Cục trưởng Cục Điện ảnh Vy Kiến Thành làm Tổ trưởng; Phó Cục trưởng Đỗ Quốc Việt làm Tổ phó thường trực - Ảnh: Cục Điện ảnh cung cấp
Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa được Đảng ta thường xuyên quan tâm, phát triển trong các văn kiện của Đảng. Đây cũng là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong Hội thảo khoa học Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa lâm nguy do Trường Sĩ quan Chính trị kết hợp với Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Tiểu ban Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại - Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức ngày 10-6-2022 tại Hà Nội. Theo PGS,TS Đào Duy Quát: “chủ động bảo vệ Tổ quốc trong thời bình, từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy là kết quả của bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng ta về quốc phòng an ninh, đối tác đối tượng, về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới… Kế sách này được hình thành trên cơ sở nhận định, đánh giá dự báo đúng tình hình, cục diện và các xu hướng vận động phát triển của thế giới, khu vực, trong nước; gắn sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc với xây dựng, đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế, phát triển đất nước” (1).
Trong công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực điện ảnh, chúng tôi thường xuyên suy nghĩ và trăn trở phải làm gì và phải làm như thế nào để có thể trả lời được một cách tốt nhất, thể hiện bằng kết quả công tác, thực hiện nhiệm vụ được giao về một số câu hỏi không còn quá mới nhưng vẫn luôn là câu hỏi khó khi áp dụng vào thực tiễn để minh chứng như: Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là gì? Trách nhiệm này thuộc về ai? Điện ảnh đã góp phần vào những thành công chung của ngành Văn hóa cho dù chưa hoàn toàn tương xứng với vị trí đặc biệt của văn hóa như lời Bác dạy: “Văn hóa soi đường quốc dân đi”. Trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc sáng ngày 24-11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: “văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị... (2). Do đó, từ góc nhìn của công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực điện ảnh, để bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới luôn cần những hành động cụ thể được thể chế hóa từ đường lối chỉ đạo, nghị quyết của Đảng. Vậy thì, câu hỏi ở đây được đặt ra là làm tốt việc quản lý nhà nước về hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng phải chăng là hành động thiết thực, cụ thể góp phần bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới?
Chúng tôi cho rằng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay chính là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Bảo vệ Tổ quốc là nội dung đầu tiên tại điều đầu tiên của Chương IV trong Hiến pháp năm 2013 quy định: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân”. Do đó có thể nói, bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của mỗi người trong chúng ta, của mỗi công dân Việt Nam.
Từ góc nhìn công tác quản lý nhà nước trong hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng, chỉ ở một bình diện trong tổng thể đa diện của ngành Điện ảnh - ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo mũi nhọn này đã cho thấy đây là một hoạt động quản lý còn mang nhiều tính mới, với không ít những cơ hội, thách thức tác động một cách sâu sắc đến việc bảo vệ Tổ quốc trong thời gian qua.
Có thể nói, phổ biến phim trên không gian mạng ngày càng giữ vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội, giúp lan tỏa nhanh hơn những giá trị văn hóa của dân tộc trong cộng đồng. Tuy nhiên, khi thế trận lòng dân chưa được củng cố vững chắc khi mỗi người dân chưa là một chiến sĩ, mỗi gia đình chưa là một pháo đài kiên cố để có thể tự vệ và sinh tồn vững chắc trước những phim ảnh có nội dung xấu, độc hại đang lan truyền mạnh mẽ trên không gian mạng nhiều hơn bao giờ hết thì việc bảo vệ Tổ quốc càng trở nên cấp thiết hơn bất cứ khi nào.
Trên thế giới, sau một thời gian ngỡ ngàng trước hình thức phổ biến phim mới, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã xác định, đánh giá được những tác động tiêu cực đến từ phim ảnh, nội dung số khi chưa được biên tập, phân loại theo quy định của pháp luật của nước sở tại mà đến với công chúng. Những sản phẩm này đã tạo ra không ít những tác động tiêu cực cho xã hội, thậm chí có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của một dân tộc khi chúng bị lợi dụng, biến đổi trở thành công cụ để châm ngòi cho những cuộc biểu tình, kỳ thị chia rẽ sắc tộc... Vì vậy, việc kiểm soát nội dung phim trước khi đưa đến người xem như một trong những điều kiện bắt buộc và trở nên quen thuộc với hoạt động phát hành và phổ biến phim trên thế giới để bảo vệ công dân cũng như để bảo vệ quốc gia, dân tộc đó. Cho dù, việc kiểm soát nội dung chưa bao giờ là dễ dàng và tạo ra không ít áp lực cho những người làm công tác quản lý đặc biệt với hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng.
Ở Việt Nam, hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng được xác định tại Luật Điện ảnh số 06/2006 nhưng trên thực tế, việc quản lý hoạt động này mới được thực định rõ ràng và có những giải pháp quản trị cụ thể hơn tại Luật Điện ảnh số 05/2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023. Tính mới là thuộc tính còn hiện hữu đậm nét trong công tác quản lý của hoạt động này nhưng nhờ có sự vào cuộc mạnh mẽ của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đặc biệt với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ VHTTDL và Cục Điện ảnh được giao đầu mối tổ chức thực hiện nên công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này có sự đổi thay tích cực và tiến gần hơn đến sự hoàn thiện. Hành lang pháp lý mới cùng nhiều cải cách trong thủ tục hành chính cùng những giải pháp đổi mới khi áp dụng công nghệ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng theo xu hướng phát triển trên thế giới, phù hợp thông lệ quốc tế, với tình hình phát triển của xã hội Việt Nam theo đúng đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, giữ vững chủ quyền an ninh và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, phát huy tối đa hiệu quả để điện ảnh trở thành ngành mũi nhọn trong công nghiệp văn hóa, trở thành yếu tố then chốt trong thực hiện thành công công nghiệp văn hóa.
Hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng ở nước ta phát triển một cách bùng nổ trong khoảng thời gian ngót chục năm qua. Do đó, với một số điều kiện giản đơn, hầu như ai muốn cũng có thể tiếp cận được với phim ảnh, nội dung số trên môi trường này. Hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng mang lại nhiều hiệu quả tích cực như góp phần nâng cao đời sống tinh thần, khuyến khích sáng tạo, nghiên cứu, học tập... Bên cạnh đó, cũng có những tác động không tích cực đã và đang đặt ra không ít thách thức cho điện ảnh Việt Nam, cho công tác quản lý nhà nước, đặc biệt đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, không ít những phim có nội dung không phù hợp, vi phạm pháp luật của Việt Nam vẫn đến được người xem như: Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta (Put your head on my shoulder), Bà Ngoại trưởng (Madam Secretary), Chiến tranh Việt Nam (The Vietnam War)... Trong khi đó, kho phim của mỗi nhà cung cấp phim trực tuyến có tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bộ phim quy đổi ra hàng triệu giờ xem, đủ để đáp ứng cho rất nhiều khán giả ở mọi lúc, mọi nơi. Nhìn trên góc độ phát triển kinh tế, phổ biến phim trực tuyến trong nước có xu hướng bị các nhà phổ biến phim trực tuyến ngoài nước áp đặt vị thế bất lợi khi họ định hình “cuộc chơi”. Điều này làm cho nhiều tổ chức phổ biến phim trực tuyến trong nước một lần nữa phải lo lắng, liệu rằng họ có rơi vào tình huống như những nhà sản xuất có phim phổ biến phim tại rạp?
Chúng tôi nhận thức một cách sâu sắc rằng, tất cả những suy nghĩ và hành động thiết thực hướng về Tổ quốc một cách tích cực, mang tính xây dựng đều là sự đóng góp vào công cuộc kiến thiết và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, tìm ra những giải pháp đồng bộ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng sẽ góp phần phát triển, phát huy tiềm năng, thực hiện thành công chiến lược công nghiệp văn hóa, để điện ảnh Việt Nam trở thành một thị trường phát triển vươn tầm thế giới cũng là góp phần đắc lực vào công cuộc dựng xây, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Để làm tốt công tác bảo vệ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng, chống nội dung xấu độc trên không gian mạng, những bộ phim có nội dung xâm phạm chủ quyền quốc gia, xuyên tạc sự thật lịch sử và vi phạm thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam trên không gian mạng.
Thứ ba, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và tổ chức nhân lực, phương tiện kỹ thuật để thực hiện kiểm tra nội dung phim, đồng thời thực hiện triệt để việc phân loại hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng.
Thứ tư, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước có liên quan để thực hiện các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định pháp luật.
Thứ năm, cần có giải pháp để cha mẹ, người giám hộ của trẻ có thể tự kiểm soát, quản lý, đảm bảo trẻ em xem phim trên không gian mạng đúng độ tuổi theo quy định.
Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và ngăn chặn kịp thời đối với phim vi phạm được phát hành, phổ biến trên không gian mạng.
Thứ bảy, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phim trên không gian mạng nói riêng và phim được phổ biến tại Việt Nam nói chung.
____________________
1. PGS.TS Đào Duy Quát, Phát huy vai trò của công tác tư tưởng trong bảo vệ Tổ quốc, từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy, baochinhphu.vn, 26-3-2023.
2. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhandan.vn, 24-11-2021.
TS ĐỖ QUỐC VIỆT
Nguồn: Tạp chí VHNT số 536, tháng 6-2023