Di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm (PGTL) là bộ phận của di sản văn hóa dân tộc, đã được xác định qua những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa PGTL là vấn đề cần đặt ra trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam, tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa về văn hóa, khi bản sắc và hiện đại là điều kiện tồn tại và phát triển của văn hóa dân tộc.
1. Về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa
Hiện có nhiều quan niệm, định nghĩa về bảo tồn và phát huy, trong đó, bảo tồn di sản (heritage preservation) được hiểu là những nỗ lực nhằm bảo vệ và giữ gìn sự tồn tại của di sản theo dạng thức vốn có của nó. Phát huy di sản (heritage promotion) là những hành động nhằm đưa di sản văn hóa vào thực tiễn xã hội, là tiềm năng góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội, mang lại những lợi ích vật chất và tinh thần cho con người, thể hiện tính mục tiêu của văn hóa đối với sự phát triển của xã hội. Tác giả bài viết không hướng tới việc phân tích khái niệm mà tập trung vào quan điểm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Quan điểm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa được thể hiện trong nhiều tài liệu đã công bố, tác giả bài viết tập hợp và vắn lược như sau:
Quan điểm về bảo tồn di sản văn hóa: Bảo tồn nguyên dạng giá trị gốc của di sản văn hóa hay gìn giữ sự tồn tại của di sản theo dạng thức vốn có của nó; gắn kết giữa bảo tồn văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể; giữa công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục cộng đồng, đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng.
Quan điểm về phát huy di sản văn hóa: Bảo tồn di sản văn hóa không chỉ là cất giữ mà để phát triển, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, làm cho các giá trị đó tồn tại trong đời sống thực trên cơ sở thu hút sự quan tâm của xã hội. Vì vậy, phát huy di sản văn hóa là đưa giá trị văn hóa đến với cộng đồng, giúp cộng đồng phát triển kinh tế, đáp ứng công tác bảo tồn di sản văn hóa, trong đó đảm bảo: kế thừa có chọn lọc tinh hoa văn hóa, làm cho giá trị di sản văn hóa thấm sâu, lan tỏa vào đời sống cộng đồng xã hội; mở rộng giao lưu văn hóa để làm giàu thêm bản sắc văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa; mục tiêu phát triển bền vững, phát huy phải đáp ứng lại việc bảo tồn theo một quy trình bảo tồn - phát huy - bảo tồn (1).
Quan điểm trên được chúng tôi sử dụng để phân tích, đề xuất bảo tồn và phát huy di sản văn hóa PGTL.
2. Về phát triển bền vững
Khái niệm phát triển bền vững lần đầu được nhắc đến trong văn bản “Chiến lược Bảo tồn thế giới” do Hiệp hội Bảo tồn thế giới (nay là Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế - IUCN) năm 1980, được khẳng định trong báo cáo Tương lai chung của chúng ta của Ủy ban quốc tế về Môi trường và Phát triển (WCED) năm 1987, được bổ sung, hoàn chỉnh tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới ở Nam Phi năm 2002. Gần đây, Liên Hiệp quốc đã đưa ra Chương trình nghị sự 2030 gồm 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững.
Cách diễn giải khái niệm phát triển bền vững tuy khác nhau nhưng có thể hiểu: Phát triển bền vững là sự phát triển đảm bảo nhu cầu phát triển của xã hội hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng phát triển của thế hệ tương lai; là sự gắn kết chặt chẽ và hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; sử dụng tài nguyên, mọi nguồn lực hiện có của xã hội một cách hợp lý, hiệu quả, có trách nhiệm không chỉ cho sự phát triển hiện tại mà còn cho các thế hệ mai sau (2).
3. Di sản văn hóa PGTL
Văn hóa phật giáo là một bộ phận cấu thành văn hóa dân tộc, đóng góp đáng kể vào kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Trong đó, văn hóa PGTL như một biểu tượng của văn hóa phật giáo dân tộc. Với cách hiểu trên, di sản văn hóa PGTL là một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc, bao gồm hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, thể hiện và chuyển tải tư tưởng PGTL.
Di sản văn hóa phi vật thể PGTL bao gồm tư tưởng, văn học, lễ hội... liên quan đến/ có yếu tố PGTL. Di sản văn hóa vật thể PGTL bao gồm các công trình kiến trúc, tác phẩm mỹ thuật,... liên quan đến/ có yếu tố PGTL. Di sản văn hóa PGTL tồn tại trong một chỉnh thể thống nhất góp phần chuyển tải giá trị tư tưởng, phản ánh lịch sử hình thành và phát triển của PGTL. Chúng tôi đề cập đến một số di sản văn hóa phi vật thể và vật thể của PGTL như một minh chứng sống động cho khả năng tồn tại và phát triển của trong văn hóa dân tộc ta, một tâm thức Trúc Lâm trong trong lòng mỗi người:
Tư tưởng
Tư tưởng là di sản văn hóa độc đáo, đặc sắc nhất của di sản văn hóa PGTL. Tính dân tộc và tinh thần nhập thế là đặc trưng riêng của PGTL. Chính điểm này làm cho PGTL tồn tại và hòa nhập vào cuộc sống, nếp suy nghĩ và trở thành đạo Phật của dân tộc. Tính dân tộc thể hiện ngay từ nguồn gốc ra đời của PGTL. Trần Nhân Tông, người sáng lập thiền PGTL đã ý thức về một tôn giáo riêng, một hệ tư tưởng riêng độc lập, phù hợp với dân tộc. Tính dân tộc thể hiện ở cách hành đạo giản dị mà không giản đơn, “vui với đạo”, “đói ăn, mệt ngủ”, luôn giữ tâm thanh tịnh, tự tại nội tâm. Lối sống PGTL đã góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam cả trong quá khứ và hiện tại.
Văn học
Văn học là di sản văn hóa tinh thần góp phần chuyển tải tư tưởng PGTL, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tiêu biểu nhất trong văn học PGTL là thơ thiền. Thơ thiền trở thành một phần của đời sống tinh thần, nghệ thuật thời nhà Trần, thể hiện rõ tính dân tộc và tinh thần nhập thế. Tác giả của những vần thơ thiền cũng đồng thời là những danh nhân văn hóa. Tiêu biểu trong số họ phải kể đến Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông, Huyền Quang… Trong đó, Trần Thái Tông (1218-1277) sáng tác chủ yếu là thơ sám hối. Chủ đề sám hối giúp chúng ta lý giải động cơ, mục đích sáng tác và khám phá thế giới tâm hồn Trần Thái Tông. Tên tuổi Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung (1230-1291) gắn với tập thơ thiền đặc sắc Thượng sĩ ngữ lục. Thơ ông phóng khoáng, là tiền thân của những bài thơ ngông, thơ cuồng đặc sắc trong lịch sử văn học của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Tản Đà... Nét độc đáo trong thơ thiền Trần Nhân Tông (1258-1308) là tư tưởng nhập thế trong tinh thần cư trần lạc đạo, đạo với đời là vô phân biệt, đều có, đều không. Huyền Quang là đại biểu ưu tú nhất của dòng thơ thiền thiên về trữ tình nước ta. Bên cạnh thơ thiền, văn học PGTL còn nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Thánh đăng ngữ lục, Thiền uyển tập anh ngữ lục hay còn gọi là Thiền uyển tập anh, Thượng sĩ ngữ lục, Thạch thất mị ngữ, Hương Hải thiền sư ngữ lục… Trong đó, Thiền uyển tập anh là tác phẩm tiêu biểu nhất, có giá trị về sử học, triết học, ngôn ngữ và văn học tập hợp ghi chép về hành trạng, lời giảng đạo, vấn đáp của “các vị anh tú trong vườn thiền”.
Lễ hội
Lễ hội là thành tố văn hóa tiêu biểu của di sản văn hóa PGTL. Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) là một trong những lễ hội lớn nhất vào mùa xuân ở Việt Nam. Đây là lễ hội trọng điểm trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt. Lễ hội Yên Tử diễn ra từ tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch. Ngoài lễ hội vào mùa xuân, hằng năm, tại đây cũng diễn ra những hoạt động tưởng niệm. Những nghi lễ và hoạt động tưởng niệm chứng tỏ ý thức hướng về cội nguồn, dân tộc. Điều này thể hiện sự hòa nhập của PGTL với văn hóa bản địa, trở thành một phần trong văn hóa dân tộc. Ngoài ra còn phải kể đến lễ hội Côn Sơn (Lễ hội chùa Hun) tại Chí Linh, Hải Dương, bắt nguồn từ ngày giỗ Trúc Lâm Đệ Tam Tổ - Huyền Quang, diễn ra từ ngày 15 đến ngày 22 tháng 1 âm lịch. Từ thời Lê Sơ, lễ hội chùa Côn Sơn được tổ chức quy củ, đến năm 2012 đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Một lễ hội đặc sắc nữa của di sản văn hóa PGTL là lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm (Hội chùa La) tổ chức từ ngày 12 đến ngày14 tháng 2 âm lịch, tại Yên Dũng, Bắc Giang. Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm là dịp tưởng nhớ công lao Tam tổ, thể hiện tinh thần nhập thế linh hoạt của PGTL. Năm 2013, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.
Di tích
Các di tích hiện gắn với PGTL đang phát huy giá trị trong đời sống xã hội. Ngoài giá trị nghệ thuật, kiến trúc, các công trình này còn mang ý nghĩa lưu niệm danh nhân, gắn với cuộc đời, sự nghiệp của các bậc cao tăng, danh nhân văn hóa của đất nước là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang…
Yên Tử là cái nôi khởi nguồn của PGTL. Khu di tích này đã được Nhà nước xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Chùa Hoa Yên là trung tâm của hệ thống chùa, tháp Yên Tử, nơi Trần Nhân Tông tu hành và giảng đạo. Khu di tích còn có vườn Tháp Huệ Quang, trong đó có Tháp Tổ Huệ Quang, nơi lưu giữ xá lị Trần Nhân Tông và tháp của các thiền sư đã tu hành ở đây. Hệ thống chùa, miếu, tháp, thảm thực vật… minh chứng độc đáo về di sản văn hóa PGTL. Ngoài Yên Tử, chùa Côn Sơn (Liêu Kỳ Lân, Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự, chùa Hun) cũng là di tích tiêu biểu trong hệ thống di sản văn hóa PGTL. Chùa Côn Sơn, tương truyền được khởi dựng từ TK X. Cuối TK XIII, Trần Nhân Tông đã dựng Liêu Kỳ Lân để đào tạo tăng ni, phát triển đạo pháp. Năm 1329, Pháp Loa xây dựng và mở rộng phong cảnh Côn Sơn. Năm 1330 - 1334, Huyền Quang về chùa Côn Sơn trụ trì và thuyết pháp. Tại đây, Huyền Quang đã tôn tạo mở rộng chùa Côn Sơn, xây dựng Cửu Phẩm liên hoa, soạn nhiều kinh sách, đào tạo hàng ngàn tăng ni. Chùa Vĩnh Nghiêm (chùa Đức La, chùa La) là một trong những di tích tiêu biểu của PGTL. Chùa hiện lưu giữ hệ thống tượng Phật phong phú (70 pho tượng) bằng gỗ và đất, trong đó có bộ tượng tròn thờ Tam tổ Trúc Lâm. Đặc biệt, chùa còn lưu giữ kho mộc bản, gồm 7 kệ, bảo quản khoảng 3.000 tấm ván khắc chữ Nôm - Hán để in kinh sách, với 34 đầu sách. Chùa Phổ Minh là một trong những di sản văn hóa vật chất đại diện cho văn hóa PGTL. Đây là nơi gắn với sự truyền đạo và hiện lưu giữ xá lị của Trần Nhân Tông. Di tích có giá trị nhất là tháp Phổ Minh cao 13 tầng, tầng 11 là nơi lưu giữ xá lị Phật (3). Có thể thấy di sản văn hóa PGTL là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam không chỉ trong quá khứ mà còn ở hiện tại và tương lai.
4. Đề xuất bảo tồn và phát huy di sản văn hóa PGTL gắn với phát triển bền vững
Bảo tồn không có nghĩa chỉ quan tâm đến quá khứ quên đi hiện tại và tương lai, mà trái lại phải làm tăng thêm và phát triển giá trị di sản văn hóa PGTL một cách bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Trong đó, yếu tố kế thừa và cách tân, vừa truyền thống, vừa hiện đại, nội sinh và ngoại sinh, giao lưu và tiếp biến văn hóa… cần được nhìn nhận, xem xét một cách thấu đáo, toàn diện. Đây là căn cứ để đề xuất bảo tồn và phát huy di sản văn hóa PGTL vì sự phát triển bền vững.
Một là, con người là trung tâm, là mục tiêu của phát triển bền vững. Xu hướng chung của thế giới ngày nay là hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, phải hướng tới cộng đồng. Cần có cơ chế chia sẻ lợi ích với cộng đồng từ hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đối với di sản văn hóa PGTL, cần trang bị cho cộng đồng (sư trụ trì, thiền sư, ni sư, thiền sinh, người dân địa phương) ý thức được giá trị to lớn, độc đáo của di sản, từ đó tạo dựng ý thức trân trọng, gìn giữ di sản, tạo việc làm cho cộng đồng sống trong khu vực di sản. Để cộng đồng tham gia vào công tác phục dựng, giới thiệu và bảo vệ di sản (nghi thức trong lễ hội, giới thiệu về di tích, tham gia nghi thức thực hành thiền để lĩnh hội giá trị tư tưởng PGTL).
Hai là, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả di sản văn hóa PGTL. Mỗi loại hình di sản văn hóa cần có cách tiếp cận và phương pháp bảo tồn đặc thù, đặc biệt với di sản văn hóa PGTL. Đó là phương pháp tiếp cận liên ngành, thậm chí xuyên ngành (Bảo tồn, Bảo tàng, Khảo cổ học, Quản lý văn hóa, Nhân học văn hóa, Tôn giáo học, Xã hội học, Kinh tế chính trị, Môi trường,…), tìm ra các giải pháp khoa học nhằm hạn chế tác hại của thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu để bảo tồn di sản vì sự phát triển bền vững. Các di sản văn hóa PGTL cần áp dụng phương pháp “bảo tồn tĩnh” và “bảo tồn động”. Với các di tích, tác phẩm nghệ thuật cần áp dụng phương pháp bảo tồn nhằm gìn giữ tối đa nguyên dạng giá trị gốc, tức là hướng tới “bảo tồn tĩnh”. Với tư tưởng, văn học, lễ hội cần áp dụng “bảo tồn động”, kết hợp nghiên cứu khoa học và giáo dục cộng đồng nhằm nhân rộng, lan tỏa giá trị của di sản. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về sưu tầm, phục dựng và trùng tu di sản.
Ba là, tăng cường năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực phát triển bền vững. Do đặc điểm và tính đặc thù trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa PGTL, cần quan tâm đến chủ thể bảo tồn và phát huy của di sản. Đó là các nhà sư, nhà quản lý và người dân. Tạo ra sự kết hợp hài hòa của 3 chủ thể, phân định nghĩa vụ, trách nhiệm quản lý của cả 3 chủ thể quản lý này. Đồng thời, thường xuyên bồi dưỡng kiến thức về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa PGTL thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn và để họ thâm nhập vào các hoạt động cụ thể. Chỉ khi cân đối trách nhiệm và quyền lợi của các chủ thể quản lý mới đảm bảo sự phát triển bền vững.
Bốn là, áp dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật hiện đại vào bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa PGTL như: xây dựng phần mềm quản lý hệ thống dữ liệu, sử dụng vật liệu hiện đại trong tu bổ, xây mới các hạng mục trong quần thể di sản; xây dựng trang thông tin điện tử quảng bá đối với di sản tiêu biểu,…
Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về giá trị di sản, xây dựng lòng tự hào đối với di sản. Ngoài các công tác tuyên truyền thông thường như sử dụng tranh, ảnh, tờ rơi, sách báo nên kết hợp với hoạt động văn nghệ, liên hoan, hội chợ, giao lưu văn hóa, tổ chức các buổi nói chuyện về di sản do các nhà khoa học, cán bộ quản lý văn hóa, thiền sư đảm nhiệm… để giới thiệu về di sản văn hóa PGTL. Kết hợp với các công ty lữ hành xây dựng chương trình du lịch chuyên biệt như: du lịch hành hương, tâm linh, khảo cổ, thiền gắn với các địa danh và không gian văn hóa PGTL. Duy trì các sinh hoạt thiền, khóa tu thiền là cách thức hợp lý để truyền tải và lan tỏa tư tưởng PGTL.
Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động bảo tồn, tôn tạo và khai thác giá trị di sản; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi phá hoại giá trị di sản. Đồng thời, khuyến khích, động viên những ý tưởng, sự đóng góp để bảo tồn và phát huy di sản.
Bảy là, đề nghị Bộ VHTTDL sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là di sản thế giới và Phật hoàng Trần Nhân Tông là Danh nhân văn hóa thế giới. Đây cũng là cơ sở để khẳng định vị thế của di sản văn hóa PGTL, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Lời kết
Di sản văn hóa PGTL chính là sức mạnh nội sinh quan trọng của dân tộc ta trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, trong quá trình hội nhập quốc tế. Việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa PGTL cũng chính là góp phần đưa di sản độc đáo của dân tộc ngày càng tỏa sáng trên toàn thế giới, trở thành dòng chảy văn hóa của nhân loại trong thời đại mới.
_______________.
Tài liệu tham khảo
1. Trương Quang Học, Việt Nam - Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ IV, Hà Nội, 2012.
2. Phạm Văn Đức, Phát triển bền vững và vai trò của khoa học xã hội đối với phát triển bền vững ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, tháng 2-2015.
3. Dương Thị Thu Hà, Văn hóa Thiền tông trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2019.
Tác giả: Dương Thị Thu Hà
Nguồn: Tạp chí VHNT số 431, tháng 5-2020