Ngày nay, sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sự bùng nổ thông tin và môi trường giao lưu văn hóa giữa các vùng, miền ngày càng được mở rộng, mang lại cho văn hóa truyền thống của người Tày ở Định Hóa, Thái Nguyên nhiều mặt tích cực, đồng thời cũng tạo ra những hệ lụy, biểu hiện tiêu cực. Nền văn hóa truyền thống của người Tày nơi đây đang phải đối mặt với nhiều thách thức và có nguy cơ bị mai một rất lớn.
1. Thực trạng biến đổi một số giá trị văn hóa dân tộc Tày ở Định Hóa
Một số giá trị văn hóa vật thể
Cấu trúc làng bản, nhà ở - một loại hình văn hóa vật chất in đậm bản sắc văn hóa truyền thống tộc người đã có những biến đổi rõ rệt. Nhất là tại những khu vực gần thị trấn, thị tứ hay gần các trục đường giao thông, đã xuất hiện những loại hình thức tụ cư mới, đó là những thôn xóm được quy hoạch theo kiểu làng phố, hoặc đường phố. Nhiều nhà sàn gỗ đặc trưng được làm bằng tre và lợp bằng tranh cọ nay đã dần bị thay thế bởi gạch xây và lợp ngói.
Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi cùng các phương thức sản suất mới của người Tày đã làm thay đổi một số công cụ lao động sản xuất truyền thống của họ. Các công cụ thô sơ nay đang chuyển dần sang các công cụ sản xuất cải tiến, hiện đại như máy móc cơ giới.
Trang phục truyền thống của người Tày đã và đang bị thu hẹp dần. Hiện nay, các y phục truyền thống chỉ phổ biến ở các xã vùng sâu, chỉ còn những người già trong làng xã còn giữ lại được những thói quen mặc quần áo truyền thống. Giới trẻ hiện nay đã không còn thói quen mặc trang phục truyền thống, thay vào đó là những trang phục hiện đại. Một số mẫu trang phục truyền thống chỉ còn được sử dụng vào những dịp như đám cưới, lễ hội, lễ tết…
Một số giá trị văn hóa phi vật thể
Các thể loại văn học dân gian dưới, sự tác động của kinh tế thị trường và sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn hiện đại, cũng đang bị co dần lại. Việc sưu tầm các vốn văn hóa tinh thần trong dân gian như truyện cổ, ca dao, dân ca, tục ngữ được nhà nước và chính quyền địa phương tạo điều kiện nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ ngày càng bị mai một. Việc sử dụng ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc mình cũng không còn được người dân gìn giữ.
Lễ hội dân gian cũng đang mất dần đi tính truyền thống, đang bị hiện đại hóa. Nhiều vùng đã mai một các lễ hội dân gian, chỉ còn lưu giữ được lễ hội Lồng tồng nhưng các phần lễ bị lược hóa, đơn giản đi, hiện nay chỉ còn chủ yếu phần hội. Tuy nhiên, trong phần hội, các trò chơi dân gian truyền thống như bắn nỏ, đánh quay, đánh bam… thưa dần, nhường chỗ cho các hoạt động của văn hóa hiện đại như thi đấu bóng đá, cầu lông, biểu diễn văn nghệ bằng tiếng phổ thông.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang chủ trương khôi phục, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Các cấp lãnh đạo trong tỉnh Thái Nguyên cùng huyện Định Hóa cũng đã quan tâm, chỉ đạo việc bảo tồn các giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn.
Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống về văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đã được triển khai thực hiện tích cực thông qua các đề tài cụ thể như: phục dựng đám cưới người Tày ở Lam Vỹ, Định Hóa; tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Việt Bắc, Liên hoan tiếng hát then, đàn tính. Các hoạt động được tổ chức thường xuyên như: lễ hội Lồng Tồng (cầu mùa), tổ chức diễn các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao…
Năm 2010, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch chào mừng thành công Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ I và Tuần văn hóa, du lịch Thái Nguyên; xây dựng và thực hiện đề tài Điều tra di sản văn hóa phi vật thể vùng ATK tỉnh Thái Nguyên gồm trang phục, ẩm thực, văn hóa các dân tộc tại địa bàn huyện Định Hóa. Qua việc triển khai đã thống kê, lưu giữ, bảo tồn được những di sản quý giá như: rối Thẩm Rộc, các làn điệu Then, đàn tính; xây dựng Làng văn hóa Bản Quyên thuộc xã Điềm Mặc huyện Định Hóa.
Song, trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung và dân tộc thiểu số nói riêng đã và đang gặp rất nhiều khó khăn. Làm thế nào để bảo tồn, phát huy được các tinh hoa, giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, tránh được sự thất truyền, lai căng đồng thời xóa bỏ được các tập quán, hủ tục lạc hậu của một số dân tộc thiểu số trên địa bàn, đó chính là những vấn đề quan tâm không chỉ đối với lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền mà chính ngay người dân tộc thiểu số cũng đang rất trăn trở.
2. Định hướng, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Tày ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên
Cần tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa người Tày trong sự biến đổi văn hóa hiện nay. Thường xuyên quán triệt, thực hiện vận dụng sáng tạo, có hiệu quả đường lối của Đảng, Nhà nước về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tộc người vào tình hình cụ thể trên địa bàn. Gắn việc bảo tồn phát huy giá trị, bản sắc văn hóa tộc người Tày với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy, chính quyền huyện, tỉnh trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay.
Phát huy vai trò trách nhiệm, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tộc người Tày huyện Định Hóa nói riêng và các tộc người nói chung trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học về văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, quy hoạch, dự án phát triển văn hóa vào thực tiễn địa phương. Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của chính quyền, đoàn thể các cấp, toàn thể nhân dân về vai trò của văn hóa truyền thống đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Chú trọng, đầu tư và nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, đặc biệt trong việc thống kê, lập hồ sơ các di sản văn hóa; khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, bảo quản, truyền dạy, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể. Gắn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Tày ở địa phương với phát triển du lịch cộng đồng.
Có chính sách tạo điều kiện bảo vệ, phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc. Khuyến khích sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại, lưu giữ các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian...; duy trì những phong tục tập quán lành mạnh của các dân tộc; phục hồi, phát triển các nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu; nghiên cứu, ứng dụng các tri thức về y, dược học cổ truyền; khôi phục, nâng cao các lễ hội truyền thống, bài trừ hủ tục có hại đến đời sống văn hóa của nhân dân; chống các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa trong tổ chức hoạt động lễ hội; duy trì, phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống dân tộc, các tri thức dân gian khác. Phát huy vai trò của trưởng dòng họ, già làng, trưởng bản, đặc biệt là nghệ nhân dân gian trong việc phục hồi, trao truyền, duy trì hoạt động các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng Tày; có cơ chế, chính sách động viên cụ thể để họ gắn bó và phát huy vốn tri thức vô giá cho các thế hệ hôm nay.
Trong việc bảo tồn, phát huy truyền thống của người Tày ở Định Hóa, cần phải đặc biệt chú trọng đến việc củng cố và phát triển ý thức cộng đồng. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa phương gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể ở địa phương. Tăng cường xây dựng đội ngũ hạt nhân làm nòng cốt trong mọi hoạt động văn hóa ở cộng đồng, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền ý thức tự hào, tự tôn văn hóa của tộc người.
Thực hiện tốt công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương một cách khoa học và có hệ thống thông qua việc tư liệu hóa, vật thể hóa hệ thống di sản văn hóa nhằm nhận diện và xác định mức độ tồn tại, giá trị và sức sống của từng loại di sản văn hóa trong cộng đồng, trên cơ sở đó, đề xuất phương án bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả.
Tăng cường, đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, giao lưu, hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Nâng cao nhận thức của người dân đối với di sản văn hóa của dân tộc mình, khơi dậy trong họ tình yêu đối với văn hóa cha ông và cho họ thấy họ được hưởng lợi từ sinh hoạt văn hóa đó.
Cần có các biện pháp nhằm kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần của người Tày ở huyện Định Hóa dựa trên các nguyên tắc: kế thừa có tính phê phán, chọn lọc, cụ thể như sau:
Đối với nhà sàn truyền thống: Hiện nay, đang có xu hướng bị mất đi, nên chính quyền địa phương cần có những chính sách hỗ trợ và giúp đỡ người dân có ý thức để bảo lưu các ngôi nhà và nâng cao hơn nữa các giá trị của nó. Đồng thời, khuyến khích đồng bào dân tộc giữ lại những ngôi nhà sàn. Có các chính sách khen thưởng cho những gia đình giữ lại được nếp nhà truyền thống. Phục dựng lại những ngôi nhà sàn truyền thống bằng những vật liệu truyền thống. Kế thừa lại truyền thống dựng nhà của người Tày nhưng có thể sáng tạo cho phù hợp với đời sống hiện đại hiện nay mà không làm mất đi bản sắc văn hóa vốn có của nó, tiếp thu có chọn lọc những yếu tố tốt đẹp. Có thể xây dựng lại những ngôi nhà sàn bằng những vật liệu tự nhiên chứ không phải bằng xi măng cốt thép, từ đó, vẫn có thể giữ lại nét truyền thống của nhà sàn.
Đối với trang phục truyền thống: Những bộ y phục màu sắc, hoa văn phong phú và đồ trang sức của người Tày là những nét đẹp truyền thống, vừa nói lên tính cách tâm lý, vừa thể hiện trình độ thẩm mỹ của tộc người Tày. Cũng cần có những chính sách phù hợp để bảo tồn và phát huy giá trị của những trang phục truyền thống như: sưu tập các mẫu trang phục cổ, đồ trang sức đi kèm; tuyên truyền khuyến khích nhân dân mặc lại trang phục truyền thống của mình trong các dịp liên hoan, lễ hội, cưới hỏi và các sinh hoạt văn hóa cộng đồng; có thể thay đổi chất liệu cho phù hợp với điều kiện hiện nay của người dân. Tổ chức các buổi giao lưu biểu diễn trang phục truyền thống của các dân tộc trong huyện. Từ đó, người dân thấy được nét đẹp của những bộ trang phục, qua đó thêm yêu và có ý thức giữ gìn. Trang phục truyền thống của dân tộc Tày có thể được xem là tiềm năng du lịch, chính là ở sự độc đáo và tính chất thủ công của nó. Đó cũng là nét quyến rũ của du lịch các vùng, miền. Để bảo tồn các giá trị cũng như tính độc đáo của trang phục, cần có những dự án đầu tư, hỗ trợ cho sản xuất các sản phẩm trang phục truyền thống.
Đối với các thể loại văn học, nghệ thuật: Sưu tầm văn hóa dân gian, lựa chọn những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc Tày cũng như văn hóa các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện, để đưa vào phòng văn hóa truyền thống của huyện, làm phong phú thêm hiện vật phản ánh giá trị văn hóa truyền thống của tộc người. Thành lập các câu lạc bộ âm nhạc, đồng thời mời nghệ nhân dạy cho trẻ em trong thôn bản các bài dân ca của dân tộc mình. Sưu tầm các bài hát qua việc ghi chép, qua trí nhớ của người già, từ đó tập hợp lại thành sách về dân ca Tày và thông các cuộc hội thảo về phát hành sách để quảng bá và giới thiệu. Thành lập các đội văn nghệ, duy trì, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, duy trì các đội văn nghệ ở thôn bản. Khai thác các tiết mục dân gian, tranh thủ sự trao truyền của các bậc nghệ nhân, già làng để những giá trị văn hóa có thể được lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Đối với các phong tục tập quán, tín ngưỡng: Vận động từ bỏ những yếu tố gây cản trở cho sự phát triển của xã hội, như tục chữa bệnh bằng các hình thức phép thuật… Tuyên truyền thông qua trưởng bản, trưởng họ, già làng, những người có uy tín trong cộng đồng tộc người, để người dân hiểu và tự giác loại bỏ những hủ tục. Nâng cao hơn những phong tục tập quán, tín ngưỡng có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của người dân như: tục thờ cúng tổ tiên, những nghi thức trong đám cưới của người Tày…
Đối với các lễ hội dân gian: Cần có kế hoạch khôi phục lễ hội truyền thống của đồng bào Tày. Tìm kiếm các bài dân ca, làn điệu dân gian, các trò chơi dân gian để thu hút đông đảo quần chúng tham gia lễ hội, tạo môi trường văn hóa lành mạnh. Trước mắt và lâu dài, phải làm cho các lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào Tày song hành cùng với những loại hình văn hóa hiện đại. Có định hướng trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian, hạn chế, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Phục hồi và nâng cao một số lễ hội tiêu biểu để có thể tổ chức định kỳ hàng năm.
Nếu chúng ta có chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, được toàn dân và các cấp, các ngành tham gia, hưởng ứng thì nhất định, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa sẽ đạt được nhiều thành tựu mới, góp phần nâng cao đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc.
Tác giả: Nguyễn Thanh Thủy
Nguồn: Tạp chí VHNT số 449, tháng 1-2021