Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) của dân, do dân, vì dân là một trong những đặc trưng của XHCN mà nhân dân ta xây dựng. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; phát huy dân chủ, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương” (1). Việc xây dựng, phát triển ý thức pháp luật cho người dân Việt Nam phải được xem như thành tố bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Ý thức pháp luật là tổng thể những học thuyết, tư tưởng, quan điểm, quan niệm pháp lý tồn tại trong xã hội, thể hiện mối quan hệ của con người với pháp luật, với quá trình điều chỉnh pháp luật, sự đánh giá về tính hợp pháp hay không hợp pháp trong xử sự của cá nhân, cũng như trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội. Ý thức pháp luật phản ánh những điều kiện vật chất, chính trị, xã hội, lịch sử cần được điều chỉnh bằng pháp luật được biểu hiện thông qua những quan niệm, quan điểm, tình cảm, thái độ pháp lý của các chủ thể; ở trình độ cao hơn nữa là các tư tưởng, học thuyết về nhà nước, pháp luật. Trong ý thức pháp luật thường tồn tại cả những tư tưởng, quan điểm pháp luật đúng đắn, phù hợp với điều kiện của xã hội hiện tại, có ảnh hưởng tích cực đến lợi ích, sự phát triển xã hội, nhưng cũng có những tư tưởng, quan điểm pháp luật sai lầm, không phù hợp, làm ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển xã hội.
Là một bộ phận của hình thái ý thức xã hội, trong quá trình hình thành, phát triển, ý thức pháp luật luôn chịu sự tác động ảnh hưởng của điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, truyền thống của một thiết chế xã hội nhất định. Nước ta xuất phát điểm là một nước thuần về nông nghiệp, đại đa số các tầng lớp trong xã hội đều có nguồn gốc xuất thân từ nông dân. Vì vậy, văn hóa làng xã, mà đặc trưng tiêu biểu là lệ làng đã ăn sâu, bám rễ trong lối sống, nếp nghĩ của người dân, trở thành truyền thống mang bản sắc riêng, độc đáo của mỗi vùng quê, được truyền lại từ đời này sang đời khác. Nhìn lại chiều dài lịch sử dân tộc, chúng ta dễ dàng nhận thấy, bên cạnh pháp luật thành văn được ban hành chính thống thì lệ làng luôn giữ vị trí quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội ở các làng, xã Việt Nam.
Lệ làng là toàn bộ những quy định, lề lối, phép tắc được thể hiện trong tập tục (phong tục, tập quán), hương ước của làng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa tín ngưỡng của từng làng, nhằm điều chỉnh hành vi của dân làng theo những quy định, phép tắc đã được xác định. Với một kết cấu xã hội mang nặng tính cộng đồng mà trụ cột của nó là nhà - làng - nước thì việc quản lý xã hội không chỉ dựa vào pháp luật mà còn cần tới rất nhiều công cụ khác, trước hết là tập tục. Trong số những tập tục còn tồn tại ở nước ta hiện nay, có nhiều tập tục tiến bộ, trở thành cầu nối, tạo môi trường thuận lợi cho pháp luật đi vào cuộc sống, cùng với pháp luật duy trì, quản lý xã hội. Hình thức thành văn đầu tiên của tập tục là hương ước (hương biên, hương khoán, hương lệ, khoán ước, khoán lệ, điều ước, điều lệ). Hương ước bao gồm các điều, các quy ước về nhiều mặt của đời sống cộng đồng như sản xuất, bảo vệ môi trường, cơ cấu tổ chức, quan hệ xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự ở làng xã, thờ cúng, khuyến học, bảo đảm nghĩa vụ với nhà nước, những hình thức thưởng, phạt.
Trang đầu hương ước cổ làng Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình.
Ảnh Báo điện tử Quảng Bình
Lệ làng có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng làng xã, là những chuẩn mực nhằm điều chỉnh hành vi cá nhân trong các hình thức tổ chức xã hội ở những phạm vi như dòng họ, ngõ xóm, làng bản, thậm chí ở cả cộng đồng lớn. Theo tác giả Bùi Xuân Đính: “Những quy ước đó được tuân thủ qua nhiều thế hệ, trở thành những thông lệ pháp lý và là cương lĩnh về nếp sống của từng cộng đồng dân cư Việt ở nông thôn, một công cụ để điều hòa các công cụ xã hội, một tri thức dân gian về quản lý cộng đồng” (2). Trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, có nhiều mối quan hệ, nhiều lĩnh vực xã hội pháp luật chưa điều chỉnh thì hương ước, tập tục ở một mức độ nào đó vẫn cùng với pháp luật tham gia điều chỉnh các mối quan hệ, góp phần ổn định xã hội. Đảng, Nhà nước ta tiếp tục khẳng định vai trò của hương ước, tập tục đối với các cương lĩnh về nếp sống: “Sự xuất hiện trở lại của hương ước (hương ước mới) đang đóng góp nhất định vào quá trình quản lý, dân chủ hóa ở nông thôn nước ta hiện nay” (3). Do đó, chúng ta không thể tuyệt đối hóa vai trò của pháp luật mà bỏ qua vai trò của tập tục, những công cụ điều chỉnh xã hội khác. Bởi vì, khi pháp luật xuất hiện thì tập tục cũng không mất đi, pháp luật chỉ thay thế một phần chứ không thay thế tập tục hoàn toàn trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Pháp luật dù là một công cụ, phương tiện quan trọng để duy trì bảo vệ trật tự xã hội, nhưng đó không phải là công cụ vạn năng có thể giải quyết được mọi vấn đề, hay được tất cả mọi người chấp nhận. Đặc biệt, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, việc kết hợp hài hòa giữa giữa pháp luật với tập tục là hết sức cần thiết, khi mà tập tục còn chi phối đến đời sống của họ. Điều này được khẳng định trong Điều 3, Bộ Luật Dân sự (năm 2005): “Trong những trường hợp pháp luật không quy định, các bên không có thỏa thuận thì có thể áp dụng tập quán; nếu không có tập quán thì áp dụng các quy định tương tự của pháp luật. Tập quán, các quy định tương tự của pháp luật không được trái với quy tắc quy định trong Bộ luật này” (4). Hay như khoản 4 và 5, Điều 409 Bộ Luật Dân sự (năm 2005) cũng khẳng định: “4. Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải quyết theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng; 5. Khi hợp đồng thiếu một số điều khoản thì có thể bổ sung theo tập quán đối với loại hợp đồng đó tại địa điểm giao kết hợp đồng” (5).
Thực tế hiện nay, ở các cộng đồng dân cư, nhất là ở nông thôn và miền núi, khi có tranh chấp liên quan đến đất đai, vay mượn tài sản, hôn nhân gia đình… hầu hết các trường hợp trên, tập tục sẽ được sử dụng để giải quyết trước tiên. Chỉ khi nào những vụ việc ấy không thể giải quyết bằng tập tục, thì người dân mới nhờ đến chính quyền, pháp luật can thiệp. Thậm chí trong nhiều trường hợp khi chính quyền, pháp luật đã giải quyết nhưng người dân vẫn không đồng tình với cách giải quyết đó mà tìm ra cách giải quyết khác, đó là kết hợp giữa pháp luật, tập tục bảo đảm vừa có tình, có lý để được hai bên dễ dàng chấp thuận.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực vẫn còn có những hủ tục đang là rào cản đối với nếp sống văn minh, gây cản trở tới nhận thức, thái độ thực thi pháp luật. Nhiều bộ phận dân cư Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, manh mún, phân tán, với những tập tục, tập quán phức tạp, rườm rà, do vậy ý thức pháp luật của người dân còn thấp. Một bộ phận dân cư chưa có thói quen sống, làm việc theo pháp luật, thường tìm cách trốn tránh các quy định của pháp luật, tùy tiện trong việc chấp hành kỷ luật lao động, sinh hoạt, làm việc. Tư tưởng cục bộ, địa phương chủ nghĩa dẫn đến tình trạng cục bộ, địa phương trong việc ban hành các chính sách thu hút đầu tư vô nguyên tắc, kéo bè cánh, nhất là những người cùng địa phương vào các vị trí, cơ quan nhà nước quan trọng. Tư tưởng chỉ đạo của tư duy cục bộ địa phương là: “Đi việc làng thì bênh việc họ, đi việc họ thì bênh việc phái, đi việc phái thì bênh việc anh em. Đã là nghĩa vụ phải bênh nhau thì phải bênh tuốt, việc đúng, việc sai đều bênh nhau cả. Đó là nghĩa vụ, trách nhiệm, đạo lý, pháp lý của người cùng làng, cùng quê, ai không làm như vậy thì coi như là kẻ không còn tình làng, nghĩa xóm” (6). Tâm lý ngại ra tòa, không thích giải quyết, không có thói quen giải quyết các tranh chấp bằng con đường tư pháp, thiếu thiện cảm với người đại diện chính quyền, thờ ơ với cái sai, cái xấu, đôi khi có một số người còn cổ súy cho cái sai, cái xấu.
Như vậy, pháp luật, lệ làng đều là những công cụ hỗ trợ lẫn nhau trong điều chỉnh các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, để phát huy vai trò của lệ làng trong việc nâng cao ý thức pháp luật cho người dân cần phải thống nhất về nhận thức, hành động những vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, cần phải nhận thức rõ ảnh hưởng tích cực, tiêu cực của lệ làng đến ý thức chấp hành pháp luật của người dân. “Trên thực tế, có thể ví hương ước như một bộ luật của làng, có những mặt tích cực, hạn chế: từ khía cạnh tích cực, hương ước đã gắn kết mọi thành viên trong làng thành một cộng đồng chặt chẽ, tổ chức, quản lý có hiệu quả các mặt của đời sống làng xã, duy trì trật tự kỷ cương, tạo ra môi trường sống ổn định, an toàn cho cả cộng đồng, củng cố các giá trị đạo lý, nhân bản, xây dựng ý thức cộng đồng làng xã, gắn ý thức cộng đồng làng xã với ý thức quốc gia… Bên cạnh đó, hương ước cũng chứa đựng không ít những hạn chế khiến nó trở thành công cụ duy trì tính khép kín, cục bộ làng xã, cản trở hiệu lực thi hành của pháp luật, tính thống nhất trong hoạt động quản lý nhà nước” (7). Phải loại bỏ nguyên tắc phép vua thua lệ làng, đặt pháp luật trên tập tục. Nói cách khác, việc áp dụng tập quán không được trái với những nguyên tắc của pháp luật hoặc những điều luật đã quy định. Hương ước là sự chấp nhận các tục lệ, các tập quán riêng của mỗi làng xã trên nguyên tắc không được trái với phép nước, không phương hại đến luật pháp hiện hành. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, “sự ám ảnh về câu tục ngữ phép vua thua lệ làng đã làm cho không ít người hoài nghi, thậm chí còn coi hương ước là một sản phẩm độc hại. Thật ra, phép vua thua lệ làng là sản phẩm của một thời kỳ nhà nước phong kiến suy yếu, bất lực không quản lý nổi làng xã, phó mặc cho nó tự quyết định lấy người lãnh đạo của mình… Nếu như có nhà nước mạnh, có chính sách đúng, biết quản lý chặt chẽ từ khâu xây dựng cho đến việc thi hành hương ước thì làm sao lệ làng lại có thể thắng được phép vua” (8).
Thứ hai, Nhà nước phải quản lý chặt chẽ việc xây dựng hương ước, lệ làng, bảo đảm sự thống nhất giữa pháp luật, lệ làng trong điều chỉnh các quan hệ xã hội. Thực hiện yêu cầu trên, ngày 31-3-2000, Bộ Tư pháp, Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL), Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT/BTP-BVHTT-BTTUBMTTQVN, quy định về nội dung, hình thức, trình bày, thủ tục ban hành quy ước mới của cộng đồng dân cư. Theo đó, quy ước mới của cộng đồng dân cư được gọi chung là hương ước, được xác định là văn bản quy phạm xã hội, trong đó quy định các quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân, nhằm giữ gìn, phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp, truyền thống văn hóa trên địa bàn làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật. Như vậy, một mặt luật nhà nước dựa vào hương ước, lệ làng để đi vào đời sống xã hội; mặt khác Nhà nước lại kiểm soát việc xây dựng hương ước, lệ làng. Hương ước, lệ làng không chỉ thể hiện phép nước mà còn là sự bổ sung quan trọng cho phép nước. Đồng thời, tính cưỡng chế của các hương ước lại dựa vào phép nước. Nói cách khác, hương ước không chỉ bị quy định bởi luật nước mà về phần mình, nó cũng chi phối mạnh mẽ đến luật nước.
Thứ ba, xây dựng nếp sống mới, hành động theo pháp luật cho người dân. Sống theo những quy tắc ứng xử nhất định là cuộc sống của con người có ý thức. Trong cuộc sống con người thường có 3 loại quy tắc xử sự: theo đạo đức, theo tập quán, phong tục và theo pháp luật. Đối với từng người, tùy theo hoàn cảnh, môi trường, nghề nghiệp sinh sống mà mỗi loại quy tắc ấy có sự tác động, để lại trong họ những dấu ấn khác nhau. Nhiều người, nhiều vùng rất coi trọng nguyên tắc xử sự về phong tục, tập quán. Ai vi phạm đến phong tục tập quán của họ thì bị căm ghét, ai tôn trọng phong tục tập quán của họ thì được tôn trọng. Cũng có rất nhiều vùng tôn trọng lễ giáo, đạo đức, họ thường lấy nó làm thước đo mẫu mực trong phân xử phải trái về các hành vi của con người hơn là dựa vào các quy tắc xử sự về pháp luật. Tuy nhiên, quy tắc xử sự theo phong tục tập quán, đạo đức là hoàn toàn dựa trên cơ sở tự nguyện không ai ép buộc, cưỡng bức nên khó đạt được sự thống nhất trong cộng đồng. Còn quy tắc xử sự theo pháp luật phát huy được tác dụng to lớn trong điều chỉnh quan hệ xã hội của con người, để duy trì, bảo vệ trật tự, an ninh chung của quốc gia. Những quy tắc về mặt phong tục, đạo đức nào có lợi chung thì được chuyển hóa thành quy tắc pháp luật. Ngược lại, những quy tắc phong tục, đạo đức nào có hại thì bị pháp luật cấm đoán. Sống có kỷ cương, pháp luật, hành động theo pháp luật là yêu cầu của lối sống mới XHCN, là nội dung thiết yếu nhất trong xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay. Nếu Nhà nước không kiên quyết xây dựng nếp sống có pháp luật, hành động theo pháp luật thì các mục tiêu ổn định mọi mặt của đời sống xã hội không thể thực hiện được. Trước đây, ông cha ta cũng đã nhận rõ tác hại của một xã hội không có kỷ cương, Lê Quý Đôn khẳng định: “Kỷ cương là lẽ pháp hành chính, đầu mối lớn, căn bản lớn để trị thiên hạ. Cho nên vua Thái Khang làm rối loạn kỷ cương thì nhà Hạ mất, vua U, vua Lệ bỏ sạch kỷ cương thì nhà Chu diệt vong” (9). Song, muốn nếp sống có kỷ cương, pháp luật trở thành hiện thực, cần phải trải qua quá trình rèn luyện, kiên trì đấu tranh, khắc phục nếp sống tự do, tùy tiện, vô tổ chức, vô kỷ luật hoặc nói một đằng làm một nẻo, làm cho kỷ cương xã hội bị buông lỏng, pháp chế chậm được tăng cường. Trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau: không ngừng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật, động viên, khen thưởng thiết thực kịp thời những gương tốt, kiên quyết đấu tranh, khắc phục xử lý nghiêm minh mọi vi phạm pháp luật; tổ chức tốt việc thực hiện pháp luật; củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức, hoạt động của bộ máy kiểm tra của Đảng, thanh tra của Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện pháp luật của các cấp, ngành, địa phương.
_______________
1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.79.
2. Bùi Xuân Đính, Hương ước và quản lý làng xã, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr.9.
3. Văn phòng Quốc hội, Nghiên cứu lập pháp Hương ước, số 8, 8-2003, tr.63.
4. Phạm Duy Nghĩa, Góp phần tìm hiểu văn hóa pháp luật, Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008, tr.1.
5. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Bộ Luật Dân sự, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.174 - 175.
6. Lê Đức Tiết, Ý thức pháp luật, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr.63, 58.
7, 8. Đào Trí Úc (chủ biên), Hương ước trong quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.11, 71.
9. Tư tưởng Việt Nam TK XVIII, VL 554, Thư viện Khoa học quân sự, tr.191.
Tác giả: Nguyễn Mạnh Tường
Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 - 2018