Vấn đề nữ quyền là một phạm trù lịch sử. Trải qua mỗi thời đại, vấn đề nữ quyền được nói đến với những biểu hiện cụ thể khác nhau. Tuy nhiên, bản chất của sự xuất hiện ý thức nữ quyền trong mọi thời đại đều xuất phát từ bất bình đẳng nam - nữ trong xã hội.
Trong cuộc đấu tranh xã hội về quyền con người, sự tiến bộ trong nhận thức đã dẫn đến ý thức về vấn đề nữ quyền. Thuật ngữ phong trào nữ quyền (Feminism) được Fourier đưa ra lần đầu tiên vào năm 1830 và đến năm 1837 được chính thức đưa vào trong từ điển tiếng Pháp. Trên thế giới đã xuất hiện một số thuyết nữ quyền như nữ quyền tự do, nữ quyền xã hội chủ nghĩa, nữ quyền Mác xít.
Thuyết nữ quyền tự do (hay nữ quyền tư sản): Được bắt đầu vào TK XVIII với những tác phẩm của Mary Wollstonecraft (1759- 1799). Bà là người phụ nữ đầu tiên đã viết một tiểu luận chính trị về quyền con người (Sự xác minh về quyền con người, 1970). Năm 1972, bà viết tiếp Sự biện minh cho các quyền của phụ nữ. Thuyết nữ quyền tự do đã đề cập đến những vấn đề quan trọng nhất trong sự bất bình đẳng nam nữ, yêu cầu xã hội thừa nhận người phụ nữ cũng có khả năng và trách nhiệm như nam giới trong mọi lĩnh vực. Thừa nhận điều đó cũng có nghĩa là thừa nhận tự do, thừa nhận sự bình đẳng của người phụ nữ.
Thuyết nữ quyền xã hội chủ nghĩa: Có cơ sở từ học thuyết về chủ nghĩa xã hội, xuất hiện trong những thập kỷ đầu TK XIX ở Pháp, Anh. Các nhà lý luận nữ quyền xã hội chủ nghĩa đầu tiên là Saint Simon (1760 - 1825), Charles Fourier (1772 - 1837) người Pháp và Robert Owen (1772 - 1858) người Anh. Thời kỳ đầu, người ta quan tâm đến vấn đề bình đẳng, quyền công dân, vị trí người phụ nữ trong hệ thống chính trị… Sau đó, Thompson (1775 - 1844) cho rằng sự độc lập về kinh tế và quyền theo đuổi về nghề nghiệp của phụ nữ chỉ đạt được trong xã hội có tính hợp tác. Giải phóng phụ nữ đòi hỏi sự thay đổi hệ thống kinh tế xã hội theo hướng chủ nghĩa xã hội. Charlttoe Perkins Gilman (1860 - 1945) khẳng định tầm quan trọng trong việc độc lập về kinh tế của người phụ nữ. Những quan điểm của thuyết nữ quyền xã hội chủ nghĩa nhấn mạnh tính cộng đồng và chống lại chủ nghĩa cá nhân. Họ cho rằng quyền bình đẳng chỉ có đầy đủ ý nghĩa khi xác nhập quyền sở hữu chung và sự hợp tác thay thế tài sản cá nhân và sự cạnh tranh.
Thuyết nữ quyền Mác xít: Lần đầu tiên được nhắc đến vào năm 1930, khi một số nhà Mác xít đã gắn lý luận Mác xít với lý luận về nữ quyền và tên tuổi của một số nhà nữ quyền Mác xít như A.M.Kolontai ở Nga, Clara Zetkin ở Đức và Emma Goldman ở Mỹ. Nội dung cơ bản của thuyết nữ quyền Mác xít thể hiện trong quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề giải phóng phụ nữ. Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê nin về phụ nữ chủ yếu dựa trên quan điểm của Ăngghen trong cuốn Nguồn gốc gia đình của chế độ tư hữu và của nhà nước và những nghiên cứu của bà A.M.Kolontai.
Trong tiếng Việt, khái niệm quyền cho phụ nữ (women’s right) và nữ quyền (feminism) được gọi như nhau. David Marr đã bàn đến quyền cho phụ nữ trong bài viết khá chi tiết The 1920s Women’s Rights Debates in Vietnam (Tranh luận về quyền phụ nữ ở Việt Nam những năm 1920) (1), trong đó ông nêu tên hai người là Phan Bội Châu và Phạm Quỳnh là những đại diện tiêu biểu sớm lên tiếng về vấn đề quyền phụ nữ ở Bắc Kỳ.
Trên thực tế, tờ báo sớm nhất bàn đến vấn đề quyền phụ nữ ở Bắc Kỳ là Đông Cổ tùng báo và sau đó là Đông Dương tạp chí, đều do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút. Nguyễn Văn Vĩnh đã gửi thông điệp: nữ quyền chính là sự lên tiếng của bản thân phụ nữ về các vấn đề của mình. Khái niệm nữ quyền mà ông nêu lên đã phát động một trào lưu bàn về các quyền của phụ nữ. Bài đầu tiên của mục Nhời đàn bà trên Đông Dương tạp chí số ra năm 1013 có nêu nguyên nhân căn cốt cho cuộc vận động nữ quyền, đó chính là việc phụ nữ được đến trường học “nhờ nhà nước mở nữ học đường, để cho lũ đào tơ được tập tành kim chỉ bút nghiên... giá có được ăn nói thì cũng khả dĩ có kinh có điển được, không phải bàn hú họa như năm xưa nữa”.
Phong trào nữ quyền của phụ nữ châu Âu phát triển mạnh mẽ từ sau cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Cùng với những trào lưu văn hóa phương Tây du nhập vào Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc, phong trào này cũng đã ảnh hưởng và có tác động không nhỏ tới xã hội Việt Nam. Năm 1917, Quy chế về giáo dục Đông Dương được ban hành trở thành tiền đề dấy lên các cuộc bàn luận sôi nổi về nữ học, nữ quyền. Các quan chức giáo dục của chính quyền thực dân như Tôn Thất Đàm, Trịnh Thu Tâm, Nguyễn Đình Tỵ, Trần Thúc Cáp, Vũ Ngọc Liên... và các học giả tên tuổi như Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Học, Phạm Ngọc Thiều... kể cả phụ nữ như bà Đạm Phương đều viết báo hoặc diễn thuyết về vấn đề này. Người ta nói đến nhiều về địa vị thấp kém của phụ nữ Việt Nam, sự bất bình đẳng trong vấn đề giáo dục, mà nguyên nhân được cho là “nước ta từ xưa câu nệ về mấy câu sáo ngữ sách Tàu, nói đàn bà chẳng khôn khéo gì... là giống phụ thuộc đàn ông” hoặc “vì tin vào thuyết âm dương, đàn bà là nhu phải thuận cương, phải tam tòng nên không chú ý đến dạy dỗ”. Do đó, các học giả cũng đã thống nhất trong việc coi giáo dục là biện pháp quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng nam nữ. Tuy nhiên, cũng bởi tư tưởng Nho giáo đã trở thành căn cốt trong tư duy, chi phối nhận thức chính trị, xã hội của người Việt Nam suốt một thời gian dài, nên giải pháp giáo dục mà các học giả đưa ra mới chỉ hướng đến nhằm giúp phụ nữ làm tốt việc nội trợ “con gái phải học để nhân cách hoàn toàn” để “hiểu được tam tòng, tứ đức”. Quyền bình đẳng về chính trị bị coi là “một ảo tưởng” và “bình đẳng tự do là quyền của đàn ông, đàn bà dùng không có lợi”.
Những năm đầu Pháp thuộc, cuộc sống của phụ nữ vẫn là cuộc sống lầm than của những nạn nhân một đất nước thuộc địa. Nhiều phụ nữ trở thành công nhân trong các xưởng máy, xí nghiệp. Do không được học hành như nam giới nên người phụ nữ bị bóc lột nặng nề hơn. Họ phải làm nhiều giờ nhưng lương thấp hơn so với nam giới. Ở nông thôn, sự bần cùng hóa đã khiến cho nhiều gia đình tan tác, chia lìa, nhiều phụ nữ nông dân phải tha phương cầu thực, hoặc ra thành phố làm thuê, hoặc trở thành gái điếm… Dù ở đâu, người phụ nữ cũng thường bị khinh rẻ, bị xúc phạm về nhân phẩm. Sang đầu TK XX, vị thế của người phụ nữ Việt Nam đã có những thay đổi nhất định, vấn đề phụ nữ được quan tâm và trở thành vấn đề nóng được dư luận xã hội chú ý, thể hiện qua văn học yêu nước và báo chí cách mạng với các tác giả tiêu biểu Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc, Đặng Văn Bẩy, Trần Thiện Tỵ, Bùi Thế Phúc.
Phan Bội Châu được coi là nhà lãnh tụ cách mạng quan tâm nhiều nhất đến vấn đề phụ nữ giai đoạn này, là người đặt những viên gạch đầu tiên xây đắp nền móng cho một hệ thống quan điểm tiến bộ về phụ nữ. Khi viết về phụ nữ, trước tiên, nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu kêu gọi họ tham gia cứu nước. Ông khơi dậy ở họ lòng tự hào của con cháu bà Trưng, bà Triệu và khẳng định niềm tin, phụ nữ có khả năng làm cách mạng. Bên cạnh đó, Phan Bội Châu cũng nhấn mạnh địa vị, vai trò của phụ nữ trong xã hội, đồng thời nêu cao vấn đề giải phóng phụ nữ. Từ đó, Phan Bội Châu khẳng định “quyền lợi mà người phụ nữ đáng được hưởng và phải được hưởng, trước hết là quyền sống, quyền làm người, rồi cao hơn nữa là quyền bình đẳng với nam giới, quyền công dân”.
Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện một quan điểm mới trong việc nhìn nhận vấn đề nữ quyền. Đó là quan điểm hướng tới phụ nữ lao động và gắn vấn đề nữ quyền, giải phóng phụ nữ với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Hơn thế nữa, bước đầu Người đã đề ra những biện pháp cụ thể, thiết thực tiến tới giải phóng phụ nữ, cũng như thực hiện bình đẳng nam nữ. Thời gian hoạt động ở Pháp, những bài báo của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian này đã cho thấy một bức tranh chân thực về đời sống của phần lớn phụ nữ Việt Nam. Khi hoạt động ở Trung Quốc, Người đã dành chuyên mục Phụ nữ đàn trong báo Thanh niên để nói về vấn đề phụ nữ và tuyên truyền, vận động phụ nữ. Trong Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), 1 trong 10 nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng tư sản dân quyền là thực hiện nam nữ bình quyền. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng tháng 10 - 1930, Đảng đã ra Nghị quyết về vận động phụ nữ và giải phóng dân tộc: “Lực lượng phụ nữ là một lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia cuộc đấu tranh cách mạng thì cách mạng không thể thắng lợi được, cũng như nếu phụ nữ đứng ngoài cuộc đấu tranh cách mạng của công nông thì không bao giờ đạt được mục đích phụ nữ được giải phóng”. Trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, có một số khẩu hiệu đấu tranh đòi quyền lợi cho phụ nữ: “Quyền đàn bà ngang quyền đàn ông”, “phản đối cha mẹ ép gả”, “phản đối chế độ nhiều vợ”, “Đánh đổ hủ tục khinh thị đàn bà”…
Có thể nói, việc nhận thức vấn đề nữ quyền thời kỳ này với nội dung của khái niệm nữ quyền và giải phóng phụ nữ không còn giới hạn trong quan niệm coi sự bất bình đẳng nam nữ chỉ là sự bất bình đẳng trong vấn đề giáo dục nữa mà được bao gồm cả quyền bình đẳng về chính trị, quyền bầu cử, ứng cử, quyền lao động và tự do hôn nhân.
Khái niệm nữ quyền mặc dù được đem ra thảo luận sôi nổi và tạo thành dư luận mạnh mẽ trên báo chí và trong xã hội đầu TK XX, nhưng có nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều về vấn đề này. Theo tác giả Đặng Thị Vân Chi (2), có 3 khuynh hướng chính. Đó là ủng hộ nữ quyền, cho đây là tư tưởng tiến bộ “hợp với nhân đạo và công lý”. Những người ủng hộ quan niệm này tiêu biểu có Nguyễn Văn Bá, Huỳnh Thúc Kháng, Cao Văn Chánh, Trịnh Đình Rư... Trái với khuynh hướng ủng hộ nữ quyền là khuynh hướng phê bình nữ quyền. Phê bình nữ quyền không chỉ là quan điểm của những người chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo như Phạm Quỳnh, Tôn Thất Đàm, mà ngay cả những trí thức Tây học tư sản như Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long… Mặc dù biết quyền bình đẳng nam nữ là một tư tưởng tiến bộ, nhưng vì quyền lợi chính trị cá nhân họ vẫn phản đối nữ quyền. Ngoài hai khuynh hướng trên còn có khuynh hướng nhận thức được thân phận nô lệ của người Việt Nam dưới thời Pháp thuộc nên chủ trương quay sang vận động giải phóng phụ nữ khỏi ràng buộc của lễ giáo phong kiến. Diệp Văn Kỳ cho rằng: “Người Việt Nam không phải là kẻ làm luật mà chỉ là kẻ chịu luật”, hay “ngay nam giới cũng chỉ có quyền nằm canh đóng thuế” thì “đối với phụ nữ chỉ còn chuyện giải phóng, giải phóng ở phong tục, giải phóng ở gia đình, giải phóng ở xã hội và hoàn toàn giải phóng”. Hay như Phan Khôi đã chỉ ra: “Mình không có quyền chính trị và quyền giáo dục trong tay thì có ý kiến chi cũng là vô dụng cả”, nên ông tập trung “chỉ trích Khổng giáo, đả phá chế độ đại gia đình”, vì chị em phụ nữ mà “xóa cái luật nam tôn, nữ ty, giảng lại cái nghĩa chữ trinh, bênh vực sự cải giá là vô tội” (3).
Nói về ý thức nữ quyền ở Việt Nam, các học giả đều khẳng định nó đã manh nha xuất hiện trong lịch sử bởi vai trò to lớn của người phụ nữ đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, cũng như nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Ý thức về vai trò, vị thế của người phụ nữ được thể hiện khá rõ trong ca dao, tục ngữ, văn học viết, phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, pháp luật Việt Nam, nhưng phải đến đầu TK XX, trong bối cảnh lịch sử nhất định, vị thế của người phụ nữ Việt Nam mới được quan tâm và đưa ra bàn thảo sôi nổi trên các diễn đàn, trong báo chí cách mạng, văn học yêu nước. Nhiều tờ báo đã đăng tải nội dung này như Thùng dầu, Búa liềm, Cờ vô sản, Công nông binh, Hồn lao động, Người lao khổ, Hồn trẻ… Ý thức nữ quyền ở Việt Nam đầu TK XX thực sự đã được định hình rõ nét, trở thành tiền đề vững chắc cho sự phát triển của tư tưởng nữ quyền ở Việt Nam trong những thập niên tiếp theo, nhất là từ khi có ánh sáng của Đảng soi đường.
Năm 2015, khi nhận giải Oscar năm 2015, nữ diễn viên Patricia Arquette đã phát biểu: “chúng ta cần quyền bình đẳng cho phụ nữ ở Hoa Kỳ ngay lúc này”. Tuy cô Arquette nhắm đến vấn đề bình đẳng lương bổng làm trọng tâm cho bài diễn văn của mình, thì vấn đề nữ quyền nói chung, dẫu ở Hoa Kỳ hay bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, vẫn đang là vấn đề về quyền con người cần được quan tâm trong xã hội, cho dù đã có những thay đổi đáng kể trong những thập niên vừa qua. Luật pháp đã có những tiến bộ nhất định trong vấn đề thực thi và bảo vệ nữ quyền. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh, sự tiến bộ đó cần cả một quá trình rất dài mới có thể đạt được.
____________
1. Báo Nam Phong, số 03 - 1927.
2. Đặng Thị Vân Chi, Vấn đề phụ nữ trên báo chí tiếng Việt trước năm 1945, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008.
3. Huỳnh Phan Anh, Nhất Linh và Bướm trắng, Văn, số 156 - 1970.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 391, tháng 1-2017
Tác giả : NGUYỄN THỊ THANH THỦY