Văn hóa ứng xử của cộng đồng là một trong những biểu hiện sinh động góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc; là tín hiệu để nhận diện, phân biệt giữa các nền văn hóa. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, những nét độc đáo, “tinh tế trong ứng xử, giản dị trong lối sống” đã trở thành hằng số văn hóa, là truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh giao lưu, hội nhập hiện nay, bên cạnh những nét đẹp trong văn hóa ứng xử là sự xuất hiện và tồn tại của những hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp hằng ngày. Việc nhận diện những hành vi lệch chuẩn trong ứng xử là việc làm cần thiết để có biện pháp điều chỉnh, nhằm tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh ở nước ta hiện nay.
Nói đến văn hóa ứng xử là nói đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức được hình thành trong quá trình tương tác giữa các cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng, giữa các thế hệ thông qua hành vi giao tiếp (ngôn ngữ, cử chỉ) nhằm hướng tới những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, do nhận thức hạn chế và thiếu phông văn hóa nhất định, không ít cá nhân đã có những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, có những lời nói, hành động bất nhã ở những nơi công cộng. Tình trạng này ngày càng xuất hiện nhiều ở mọi lứa tuổi thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, gây nhiều bức xúc, nghi ngại trong xã hội.
Tại một số cảng hàng không, du khách trong và ngoài nước đã phải chứng kiến không ít hành vi quá khích, mang tính bạo lực của một số hành khách tấn công nhân viên hàng không. Họ không chỉ văng ra những lời nói thô tục, đe dọa mà còn có những hành động xúc phạm đến thân thể người khác.
Cụ thể như ngày 18-10-2016, hai hành khách Trần Dương Tùng và Đào Vịnh Thuấn (cán bộ Sở Giao thông vận tải Hà Nội) đã có những lời lẽ chửi bới, hành hung nhân viên hàng không sân bay Nội Bài (Hà Nội) do đứng nhầm cửa ra máy bay nên bị từ chối phục vụ, đồng thời hai ông này nghi ngờ bị quay clip nên đã có hành động hành hung nữ nhân viên. Những lời nói, hành động xô xát, đánh đập nữ nhân viên của hai nam hành khách nhanh chóng được phát tán trên mạng xã hội, gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận, phản ánh hành vi ứng xử thiếu văn hóa trong đó có cả người mang danh cán bộ nhà nước ở những nơi công cộng. Hay như gần đây là vụ hành khách Lê Thị Hiền (Đại úy Công an quận Đống Đa, Hà Nội) đã có những lời lẽ, hành vi mạt sát nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) khi bị từ chối nhận quá cước hành lý ngày 11-8-2019, đã bị dư luận lên án.
Không chỉ ở ga hàng không mà ở các bến tàu xe, trên những cung đường quốc lộ, tình trạng chen chúc, xô đẩy, không nhường nhịn khi mua vé của hành khách; tình trạng tranh giành, bắt khách dọc đường của chủ xe; cảnh quát tháo, đánh chửi nhau giữa những băng nhóm bảo kê ở bến tàu khiến cho không gian công cộng ở nhiều nhà ga, bến tàu trở nên nhộn nhạo, hỗn loạn với sự pha trộn của những tiếng lóng, hội thoại chợ búa, khiến nhiều người sợ hãi. Dường như ở nhiều nhà ga, bến xe hiện nay, những người làm quản lý chỉ quan tâm đến việc lên xuống của hành khách, sự ra vào của các chuyến xe và số doanh thu, còn việc thực thi những nguyên tắc, quy định về văn hóa ứng xử, về nếp sống văn minh nơi công cộng thì vẫn chưa được lưu tâm? Vì thế, dù nhà ga trưng ra những tấm biển cấm nhưng hành khách và người nhà xe vẫn thản nhiên hút thuốc, uống rượu...
Còn khi tham gia giao thông ở những đô thị lớn, vì vội, vì mục đích cá nhân, người đi đường sẵn sàng liều mình, bất chấp luật pháp để đua chen từng cm, sẵn sàng đáp trả bằng những lời nói thô tục, những câu chửi đổng khi người khác lỡ va chạm, vô tình cản trở người lưu thông phía sau…
Hay như sân vận động là một thiết chế văn hóa - thể thao, nơi con người giao lưu, gặp gỡ, thi đấu, tranh tài, thể hiện tài năng, sức mạnh, sự khéo léo, thông minh với tinh thần đoàn kết, công bằng, chiến thắng. Tuy nhiên, vì tâm lí “con gà tức nhau tiếng gáy”, “ăn miếng, trả miếng”, không để người khác hơn mình, vì sự háo danh, bệnh thành tích khiến nhiều người lầm lạc trong suy nghĩ, dẫn đến những hành động sai lầm và cách ứng xử thiếu tình người. Vào tối ngày 11-9-2019, trong trận đấu giữa Hà Nội FC gặp CLB Dược Nam Định tại vòng 22 V - League, tại sân Hàng Đẫy (Hà Nội), cổ động viên Vũ Trung Trực (quê Nam Định) đã ném pháo sáng làm thương 1 cổ động viên Hà Nội, gây tổn hại lớn đối với những người yêu bóng đá, làm gia tăng mối lo ngại của người dân khi đến sân cổ vũ bóng đá.
Trong không gian của các khu di tích, danh lam thắng cảnh, bên cạnh những nét đẹp truyền thống trong văn hóa ứng xử (hướng về sự linh thiêng, tôn kính, thanh tịnh), hiện nay, trước những tác động xấu của nền kinh tế thị trường, sự du nhập của những lối sống mới khiến nhiều người có hành vi ứng xử thiếu văn hóa. Có thể kể đến những hành vi như: xả rác bừa bãi, viết bậy, ngồi lên các cổ vật đến cách ứng xử trong lựa chọn trang phục (hở hang, lòe loẹt), dành quá nhiều tiền vàng, đồ mã, hương hoa, lễ phẩm, thậm chí có cả thuốc phiện khi dâng lễ…
Ở nước ta hiện nay, trong bối cảnh chuyển đổi của nền kinh tế, đời sống văn hóa, xã hội có những biến chuyển mạnh mẽ với sự giao thoa giữa cái cũ - cái mới; giữa truyền thống và hiện đại nên bên cạnh những điều tốt đẹp, tích cực, tiến bộ là sự trỗi dậy của những tập tính, thói quen xấu cần phải được nhận diện để loại trừ, nhằm hướng đến sự văn minh, tích cực.
Để xây dựng văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự nơi công cộng, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, có những giải pháp căn bản sau đây:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của mỗi người dân về tầm quan trọng của văn hóa ứng xử nơi công cộng. Không gian, môi trường công cộng chỉ thực sự trong sạch, lành mạnh với những giá trị nhân văn, tiến bộ khi có sự chung tay, góp sức của mỗi người với tinh thần, ý thức tự giác, trách nhiệm.
Để hình thành nên môi trường văn hóa, các cấp ủy đảng và chính quyền cần quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, tiêu biểu như các nghị quyết: Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó cần thực hiện tốt mục tiêu: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách” (1). Đồng thời, thực hiện tốt những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020 của Chính phủ (Quyết định số 581/QĐ-TTg, ngày 6 - 5 - 2009) nhằm đưa văn hóa thấm sâu vào mọi hoạt động, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo những giá trị tốt đẹp để con người có cơ hội, điều kiện phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tâm hồn.
Đối với các cơ quan quản lý phụ trách, điều hành hệ thống thiết chế văn hóa công cộng, trên cơ sở bám sát những quy định, hướng dẫn của Chính phủ, bộ, ngành, nhất là Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg, ngày 2 - 8 - 2007 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước, từ đó xây dựng bộ quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức trong mỗi cơ quan, đơn vị, ngành nghề, phù hợp với phong tục, tập quán và nét văn hóa đặc trưng của từng vùng miền.
Hạt nhân của văn hóa ứng xử là những chuẩn mực, quy tắc đạo đức do cộng đồng sáng tạo và thực hành, vì thế, vai trò của những thế hệ đi trước, những người lớn tuổi, đội ngũ cán bộ, đảng viên có sức mạnh và tầm ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng xã hội. Để xây dựng văn hóa ứng xử, cần nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu của những người có trách nhiệm với những lời nói, việc làm thống nhất, vì lợi ích của cộng đồng, tạo điểm tựa tinh thần và là tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách, phong cách để mọi người học tập, noi theo.
Thứ hai, để hình thành lối ứng xử văn minh, lịch sự, cần nâng cao chất lượng công tác giáo dục trong mỗi gia đình, nhà trường và xã hội, nhất là vấn đề giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách, trang bị những kỹ năng và lối sống đẹp, nhất là đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Trong các cơ sở giáo dục, cần thực hiện nhất quán, đồng bộ việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-TW, ngày 4-11-2013 của BCH Trung ương khóa XI (2013), trong đó chú trọng đến việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân cho người học.
Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, trước sự tác động mạnh mẽ của các loại hình phương tiện truyền thông mới (internet, mạng xã hội, truyền hình kỹ thuật số), sự xâm nhập của lối sống lai căng, thực dụng, các gia đình cần quan tâm hơn đến việc trao truyền những giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ, dành nhiều thời gian trò chuyện, chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những biến động trong tâm sinh lý con em mình để có những cách giáo dục, uốn nắn phù hợp. Đối với các cơ sở giáo dục, bên cạnh việc trang bị hàm lượng tri thức cần thiết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục những bài học về đạo đức, truyền thống văn hóa, lối sống, kỹ năng ứng xử, hành vi giao tiếp đúng chuẩn mực cho các thế hệ học trò. Tăng cường những giờ học ngoại khóa, những buổi dã ngoại học tập kinh nghiệm thực tiễn và xử lý những tình huống phát sinh từ cuộc sống, hình thành nên những thói quen tốt với cách hành xử văn minh, lịch thiệp, để họ xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước.
Thứ ba, cùng với việc học tập tinh hoa văn hóa truyền thống với những bài học về đối nhân xử thế của cổ nhân; hình thành những chuẩn mực, giá trị đạo đức mới qua quá trình tiếp biến văn hóa, văn minh nhân loại, cần xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật với những điều khoản quy định chặt chẽ về cung cách ứng xử của mỗi người khi giao tiếp ở nơi công cộng; có chế tài xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức và quy tắc xã hội, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để vừa giáo dục, vừa răn đe, giúp mỗi người biết điều chỉnh hành vi, suy nghĩ để sống và làm việc tốt hơn.
Bên cạnh nâng cao ý thức của mỗi người khi tham gia sinh hoạt văn hóa nơi công cộng thì việc quan tâm đầu tư về nguồn nhân lực, tài chính trong việc tạo dựng, kiến thiết hệ thống các thiết chế văn hóa một cách đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân (như hệ thống cảng, nhà ga, sân vận động, thư viện, nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng, công viên, khu vui chơi giải trí…) cũng sẽ là một giải pháp quan trọng, thiết yếu để nâng cao chất lượng văn hóa ứng xử nơi công cộng.
Có thể nói, xây dựng văn hóa ứng xử là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài, bắt đầu từ vấn đề giáo dục, nhận thức của mỗi người. Để kiến tạo không gian, môi trường văn hóa công cộng lành mạnh với cung cách ứng xử văn minh, lịch sự của mỗi người, cần tạo dựng nền tảng văn hóa với những giá trị, chuẩn mực đạo đức và hệ thống pháp luật đủ mạnh, được thực thi một cách tự giác, nghiêm minh. Cần lên án và loại trừ những biểu hiện “lệch chuẩn” trong hành vi giao tiếp, ứng xử của một số người ở nơi công cộng; đồng thời thường xuyên thực hành và lan tỏa những giá trị, hình ảnh đẹp để xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện - động lực quan trọng nhất để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
_______________
1. https://thuvienphapluat.vn
Tác giả: Nguyễn Huy Phòng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12- 2019