XÂY DỰNG LỐI SỐNG VĂN HÓA CHO SINH VIÊN TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY

Hiện nay, toàn cầu hóa là một xu thế tất yếu khách quan, có tác động sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, Việt Nam có những cơ hội đi tắt, đón đầu, rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là sự thay đổi về lối sống của con người cũng đứng trước những nguy cơ, thách thức không nhỏ. Chính vì vậy, xây dựng lối sống văn hóa cho các tầng lớp nhân dân nói chung và sinh viên nói riêng là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết.

Lối sống được biểu hiện thông qua hoạt động sống của con người trên mọi lĩnh vực, được quy định bởi phương thức sản xuất của xã hội, nên con người trong mỗi xã hội có lối sống khác nhau. Lối sống văn hóa là những thói quen hành xử đẹp đẽ của cá nhân hoặc cộng đồng; là yếu tố quan trọng để xây dựng xã hội tốt đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh; là nền tảng để xã hội phát triển bền vững… Sinh thời, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cốt lõi của lối sống văn hóa chính là nhân sinh quan, thế giới quan cách mạng, tiến bộ, nó được thể hiện trong lao động sản xuất, trong cuộc sống hằng ngày như, cách ăn mặc, cách ở, việc đi lại, khi làm việc, truyền thống coi trọng đạo lý, nghĩa tình…”. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác, trong Nghị quyết trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đảng ta khẳng định: “Xây dựng và phát huy lối sống mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn”. Đây chính là những định hướng quan trọng trong xây dựng lối sống văn hóa cho các tầng lớp nhân dân nói chung và sinh viên nói riêng của Đảng hiện nay. Bởi, xây dựng lối sống văn hóa cho nhân dân không những có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược xây dựng nền văn hóa mới, con người mới của Đảng mà còn là mục tiêu, yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.

Tính đến năm 2015, cả nước có khoảng 2,36 triệu sinh viên đại học, cao đẳng với 219 trường đại học, 217 trường cao đẳng. Sinh viên là tầng lớp xã hội đặc thù, đang trong quá trình định hình nhân cách, đạo đức, lối sống. Đồng thời, họ tràn đầy sức sống, có hoài bão, ước mơ, năng động, sáng tạo, được đào tạo một cách cơ bản, toàn diện theo tất cả các chuyên ngành, nhạy bén với cái mới, tiếp thu nhanh các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại, nắm trong tay tri thức thời đại, chìa khóa cho sự phát triển bền vững của đất nước. Nói về vị trí, vai trò của thanh niên nói chung và sinh viên nói riêng, Nghị quyết Trung ương 7, khóa X đã khẳng định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Tuy nhiên, sự tác động toàn cầu hóa, trong đó có sự thâm nhập lối sống phương Tây, đã làm cho sinh viên Việt Nam cởi mở, năng động, tự lập, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hơn. Song, sự thâm nhập lối sống đó cũng mang lại những ảnh hưởng tiêu cực, làm cho lối sống con người ngày càng xa dần các giá trị, đạo lý, thuần phong mỹ tục của dân tộc…

Trong những năm qua, việc xây dựng lối sống văn hóa cho sinh viên luôn được Đảng, Nhà nước, gia đình, nhà trường và toàn xã hội quan tâm. Thông qua các hoạt động giáo dục, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đã tạo môi trường lành mạnh để sinh viên rèn luyện, trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức cao đẹp, lối sống nghĩa tình, tuân thủ pháp luật, từng bước hoàn thiện nhân cách. Với tư cách là chủ nhân tương lai của đất nước, các thế hệ sinh viên Việt Nam đã xung kích trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, tham gia các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, chăm sóc thiếu niên, nhi đồng; tuyên truyền phổ biến pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội; giữ gìn trật tự an toàn giao thông; tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa… Những hoạt động đó phần nào đã thể hiện được tâm hồn và lối sống đẹp của sinh viên Việt Nam. Đặc biệt, trong Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 - 2030, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã nhấn mạnh: “Phần lớn thanh thiếu nhi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển của đất nước, sống có trách nhiệm với tổ quốc, gia đình và bản thân, có ước mơ, hoài bão, kiến thức, kỹ năng, sức khỏe tốt, tư duy năng động, sáng tạo, lạc quan, tự tin, dám nghĩ, dám làm; có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.

Tuy nhiên, dưới tác động của mặt trái kinh tế thị trường, lối sống sinh viên biểu hiện một số lệch lạc, như: thực dụng, không có lý tưởng, ăn mặc phản cảm, ứng xử không hợp với đạo lý truyền thống, ít tham gia vào các hoạt động cộng đồng… Về vấn đề này, trong Chỉ thị nêu trên, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng nhấn mạnh: “Một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Một số ít thanh niên bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong giới trẻ diễn biến phức tạp”.

Mức độ toàn cầu hóa diễn ra ngày càng nhanh, vừa tạo ra thời cơ thuận lợi, vừa mang lại những khó khăn, thách thức đối với việc xây dựng lối sống văn hóa cho sinh viên. Để thực hiện tốt công tác xây dựng lối sống văn hóa cho sinh viên, nhà trường cần thực hiện tốt những nội dung, biện pháp cơ bản sau:

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong xây dựng lối sống văn hóa cho sinh viên. Đây là biện pháp giữ vị trí quan trọng hàng đầu đối với việc xây dựng lối sống văn hóa cho sinh viên, bởi, cơ chế cấu trúc hành động của con người bao giờ cũng đi từ nhận thức tới tình cảm, niềm tin, hình thành động cơ, ý chí quyết tâm. Mặt khác, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giảng viên, tạo sự thống nhất cao, tạo ra sức mạnh tổng hợp, đảm bảo cho quá trình xây dựng lối sống văn hóa của sinh viên được tiến hành một cách tích cực, chủ động, khắc phục được những hạn chế, thiếu sót. Nhà trường cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giảng viên về vị trí, vai trò của lối sống văn hóa trong đời sống hàng ngày cũng như trong hoàn thiện nhân cách sinh viên. Để thực hiện được, nhà trường cần xây dựng hệ tiêu chí lối sống văn hóa, trong đó, xác định rõ các giá trị, chuẩn mực. Trên cơ sở đó, xác định các cách thức, biện pháp giáo dục để chuyển hệ giá trị, chuẩn mực trở thành những yêu cầu từ bên trong của mỗi sinh viên. Đồng thời, công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động giáo dục phải thực sự khoa học, cụ thể, sát thực, bám sát các tiêu chí đã xác định; thường xuyên kiểm tra, uốn nắn, đảm bảo cho quá trình xây dựng lối sống văn hóa của sinh viên diễn ra đúng định hướng. Bên cạnh đó, cần kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong xây dựng lối sống văn hóa cho sinh viên. Mỗi cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên cần học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức không ngừng, xây dựng cho mình lối sống trong sạch, lành mạnh, thực sự là tấm gương sáng cho sinh viên noi theo.

Gắn việc xây dựng lối sống văn hóa cho sinh viên với toàn bộ quy trình giáo dục đào tạo của nhà trường. Đây là biện pháp cơ bản nhất, thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa dạy chữ, dạy nghề, dạy người trong quá trình giáo dục, đào tạo. Thực chất, quá trình này tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa việc bồi dưỡng, trang bị kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo với việc giáo dục, định hướng những chuẩn mực, thói quen, hành vi của lối sống văn hóa cho sinh viên. Để làm được điều đó, nội dung, chương trình giáo dục, đào tạo phải bảo đảm tính cân đối, toàn diện, kết hợp giữa hệ giá trị mới với kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống. Khối kiến thức trang bị cho sinh viên cần được cân nhắc phù hợp với mục tiêu, yêu cầu giáo dục, đào tạo của từng trường về: quan điểm, lý tưởng sống; hệ giá trị, hành vi lối sống văn hóa; kỹ năng ứng xử, giải quyết các mối quan hệ xã hội… Bên cạnh đó, cần tích cực đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Ngoài ra, trong quá trình thực hành giảng bài, giảng viên cần căn cứ vào nội dung để xây dựng những tình huống sư phạm đa dạng, sát thực.

Xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh, tạo điều kiện để sinh viên học tập, rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Muốn có xã hội tốt phải có con người tốt. Muốn có con người tốt phải có môi trường tốt. Đây là quan hệ biện chứng, thiên biến vạn hóa giữa xã hội và con người” (1). Môi trường văn hóa lành mạnh có vai trò quan trọng đối với đời sống con người nói chung và đối với việc xây dựng lối sống văn hóa nói riêng, làm cho văn hóa thực sự trở thành nhân tố tích cực thúc đẩy con người hoàn thiện nhân cách, lối sống. Muốn vậy, trước hết, nhà trường cần phải nâng cao nhận thức cho giảng viên, cán bộ, công chức và toàn thể sinh viên về vị trí, vai trò của việc xây dựng môi trường văn hóa học đường trong sạch, lành mạnh đối với việc xây dựng lối sống văn hóa. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, như:  thư viện, đọc sách báo, văn nghệ quần chúng,  câu lạc bộ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí, các cuộc thi tìm hiểu…, hướng tất cả các hoạt động đó vào nâng cao nhận thức về lối sống văn hóa cho sinh viên. Đồng thời, mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các lớp, các khóa trong trường, các trường với nhau; củng cố, xây dựng, phát triển mối quan hệ văn hóa lành mạnh giữa thày trò, bạn bè, tập thể lớp với nhau. Ngoài ra, cần tăng cường xây dựng nguồn lực, cơ sở vật chất cho các hoạt động xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, tổ chức đoàn thể, nhân dân địa phương để quản lý, giáo dục, rèn luyện sinh viên.

Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong xây dựng lối sống văn hóa cho sinh viên. Tại Hội nghị cán bộ Đảng trong ngành giáo dục (6 - 1957), Hồ Chí Minh đã nói: “Giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt đến mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn” (2). Sự phối hợp chặt chẽ giữa ba môi trường giáo dục trên, một mặt, đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức, định hướng hoạt động giáo dục theo một mục đích, tác động tổ hợp tạo sức mạnh kích thích, thúc đẩy quá trình phát triển lối sống văn hóa của sinh viên; mặt khác, tránh sự tách rời, vô hiệu hóa lẫn nhau gây cho các em tâm trạng nghi ngờ, hoang mang, dao động trong việc lựa chọn, định hướng các giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Việc xây dựng lối sống văn hóa cho sinh viên là một quá trình lâu dài, diễn ra ở nhiều môi trường khác nhau, liên quan đến nhiều mối quan hệ xã hội phức tạp, nên cần sự quan tâm, kết hợp chặt chẽ nhiều lực lượng xã hội. Trong đó, nhà trường giữ vai trò định hướng, uốn nắn những hành vi của sinh viên theo chuẩn mực giá trị xã hội; gia đình đóng vai trò quyết định đến việc hình thành đạo đức, lối sống cho các em. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, tất cả đều vì mục tiêu giáo dục, đào tạo sinh viên thành những công dân hữu ích. Bên cạnh đó, cần phê phán các quan điểm sai trái, lệch lạc khi cho rằng: giáo dục đạo đức, lối sống của sinh viên là công việc của riêng nhà trường.

Chủ động, tích cực đấu tranh ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực lối sống phương Tây và các tệ nạn xã hội. Đây là biện pháp giữ vai trò quan trọng trong xây dựng lối sống văn hóa cho sinh viên hiện nay. Bởi, lối sống là một phạm trù xã hội rộng lớn, bao hàm nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, nhiều tầng lớp, giai cấp xã hội. Mặt khác, dưới tác động của toàn cầu hóa, mặt trái kinh tế thị trường, những ảnh hưởng tiêu cực của lối sống mới như tư tưởng thực dụng, hiện sinh, chạy theo đồng tiền, sống ảo, sống thử, sống buông thả… đang len lỏi vào mọi mặt đời sống xã hội. Vì vậy, nhà trường cần tích cực, chủ động khắc phục những tàn dư của lối sống cũ, tệ nạn xã hội, đấu tranh chống ảnh hưởng tiêu cực của lối sống tư sản bằng nhiều biện pháp, hình thức như: tuyên truyền, giáo dục lối sống mới, nêu gương cá nhân, tập thể điển hình.

Nhìn chung, xây dựng lối sống văn hóa là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư thích đáng nhằm tạo điều kiện tối đa cho sinh viên học tập, lao động, cống hiến. Mỗi trường học phải trở thành một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống.

______________

1. Phạm Văn Đồng, Văn hóa và đổi mới, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.71.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.591.

  

Nguồn : Tạp chí VHNT số 389, tháng 11-2016

Tác giả : NGUYỄN HẢI SINH

;