VÕ - TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA HỌC

Võ là một trong những lĩnh vực quan trọng trong đời sống của con người. Không một cộng đồng người nào trong quá trình ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội lại không cần đến những tri thức, kỹ năng để tự vệ, chiến đấu để tồn tại, phát triển. Võ thuật cũng chính là một trong những phương thức sinh hoạt mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với những nhu cầu của đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn. Bài viết nhấn mạnh đến vai trò của võ trong đời sống văn hóa của nhân loại, xác định đây là lĩnh vực cần có những nghiên cứu liên ngành, trong đó có văn hóa học - một ngành có thế mạnh trong việc nghiên cứu những vấn đề về nguồn gốc, đặc trưng, chức năng của võ nói chung, võ trong một nền văn hóa dân tộc nói riêng.

, theo nghĩa từ nguyên, thường được dùng đối lập với văn, để chỉ việc “lấy sự uy sức mà phục người” (1). Theo nghĩa chuyên biệt, võ thường được dùng với thuật thành võ thuật, từ dùng phổ biến từ đời nhà Thanh Trung Quốc (1636-1912), để chỉ những kỹ thuật để tự vệ, chiến đấu. Ngôn ngữ phương Tây có thuật ngữ tương ứng là martial arts, trong đó, martial có gốc từ tiếng Latin là martials, nghĩa là thuộc về thần Chiến tranh, martial arts được hiểu là “những kỹ thuật chiến đấu có vũ khí hay không có vũ khí, hoặc các cách thức để đạt chiến thắng trong một trận đánh” (2). Nhìn chung, cách hiểu Đông - Tây về võ, võ thuật cơ bản giống nhau.

Ronald L.Holt - nhà nhân loại nổi tiếng được mời viết mục từ Martial Arts trong Từ điển bách khoa nhân học loại học văn hóa, cho rằng: “Tất cả các dân tộc dường như đều có các dạng thức của nghệ thuật chiến đấu, ít ra cũng là vật hay đánh gậy” (3). Đây cũng là nhận định chung của nhiều nhà nghiên cứu về võ và nguồn gốc của võ. Ronald L.Holt cũng khẳng định về vai trò, ý nghĩa của võ và việc cần thiết phải nghiên cứu chuyên sâu: “Võ thuật là một phần hấp dẫn của văn hóa nhân loại, có những tác động đến tín ngưỡng - tôn giáo, triết học, sự phân tầng xã hội, và thế giới quan. Trước khi có súng đạn, võ thuật có tầm quan trọng sống còn trên chiến trường và nó còn như một hệ thống để phòng vệ. Võ thuật đáng được nghiên cứu từ góc độ nhân loại học vì các lý do: những người thực hành võ là hiện thân của những mẫu anh hùng, làm cho võ thuật trở thành những biểu tượng có nghĩa và có tính nghi lễ. Hệ thống võ thuật là một bản sắc xã hội đặc thù, triết học và có căn tính tập thể. Một số thực hành võ thuật như là hệ thống tôn giáo có tính ma thuật và việc hiểu những nguồn gốc sinh học và văn hóa của sự xung đột của con người là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhân loại học” (4).

Thực tế, với tầm quan trọng và ý nghĩa trong lịch sử văn hóa nhân loại nói chung, trong mỗi nền văn hóa nói riêng, võ thuật không chỉ đáng được quan tâm nghiên cứu từ góc độ nhân loại học. Theo Jaimie Lee Barron, Viện Nghiên cứu Võ thuật, Khoa học và Giáo dục (Anh), võ thuật cần được nghiên cứu từ nhiều ngành và chuyên ngành khác nhau về lịch sử, giá trị và ý nghĩa. Theo ông, bên cạnh nhân loại học, còn có các ngành triết học, tâm lý học, xã hội học, thần học/tôn giáo học và cả sử học, đều cần quan tâm đến nghiên cứu võ thuật. Nếu như nhân học, sử học giúp làm rõ nguồn gốc, vai trò và lịch sử võ thuật, thì triết học cần đi sâu nghiên cứu những vấn đề thuộc về mỹ học, đạo đức học trong võ thuật, tất nhiên là nghiên cứu nguồn gốc có tính tôn giáo của võ thuật như mối quan hệ giữa võ thuật với Phật giáo, Đạo giáo… Ngoài ra, tâm lý học nghiên cứu những vấn đề thuộc về tâm lý, tính cách và ứng xử trong võ thuật. Jaimie Lee Barron còn cho rằng võ thuật chính là nguồn liệu phong phú để các nhà xã hội học nghiên cứu về lịch sử và xã hội đương đại. Tuy có sự quan tâm nhất định, nhưng nhiều ngành nghiên cứu học thuật vẫn chưa thực sự đi sâu vào nghiên cứu về võ, võ thuật như một đối tượng chuyên biệt, hoặc với tư cách là một chuyên ngành. Võ là một thuật ngữ rất quen thuộc, nhưng có thể thấy võ hầu như chưa bao giờ một ngành nghiên cứu chuyên sâu về võ từ góc độ học thuật như các ngành nghiên cứu về văn.

Văn hóa học cũng không tránh được tình trạng chung của nhiều ngành khoa học khác trong việc chưa thật sự chú ý đến việc nghiên cứu chuyên sâu về võ thuật như một chuyên ngành. Đã đến lúc cần phải đặt vấn đề nghiên cứu văn hóa võ từ góc độ văn hóa học để góp phần nghiên cứu một cách toàn diện, chuyên sâu về một lĩnh vực đặc thù trong lịch sử văn hóa nhân loại nói chung, trong lịch sử văn hóa các dân tộc nói riêng.

Trước hết, nghiên cứu văn hóa học về võ cần làm rõ mối quan hệ giữa võ và văn hóa. Xưa nay, võ thường được đặt đối lập hoặc song hành với văn, văn ở đây dễ bị đồng nhất là văn hóa. Thực ra, từ góc nhìn văn hóa học và từ quan điểm hệ thống, dễ thấy quan hệ giữa võ và văn hóa là mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung, giữa bộ phận và tổng thể. Văn hóa học vừa xem văn hóa là đặc trưng riêng biệt của con người trong quy chiếu với các loài động vật khác, vừa xem văn hóa là sản phẩm của một cộng đồng người cụ thể, là các truyền thống văn hóa riêng biệt, phân biệt cộng đồng này với cộng đồng khác. Theo đó, mỗi nền văn hóa của một cộng đồng là một hệ thống với các thành tố, bộ phận quan hệ tổng hòa, hữu cơ, làm nên đặc trưng, đặc điểm của nền văn hóa đó trong mối quan hệ so sánh với nền văn hóa khác. Xét từ nhu cầu và chức năng, võ là bộ phận không thể thiếu của một hệ thống văn hóa trong quá trình chủ thể văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội của mình như đã nêu. Với tư cách là một bộ phận của văn hóa, một mặt, võ có thể thuộc vào một thành tố văn hóa nào đó tùy quan điểm nghiên cứu, như văn hóa vật chất hay văn hóa tinh thần, văn hóa vật thể hay văn hóa phi vật thể… mặt khác, võ quan hệ tương tác với các bộ phận văn hóa khác và thể hiện được các đặc trưng mang tính hệ thống của một nền văn hóa. Một nền võ thuật của một dân tộc thường phản ánh được văn hóa nhận thức của dân tộc đó trên các bình diện về thế giới quan, nhân sinh quan, lối sống, trình độ tri thức cũng như nhiều đặc trưng mang tính bản sắc của dân tộc đó.

Thứ hai, nghiên cứu văn hóa học về võ cần làm rõ nguồn gốc, vai trò và đặc trưng của võ nói chung, của một nền văn hóa võ nói riêng. Về nguồn gốc, có thể thấy võ có nền tảng từ quá trình ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội của một cộng đồng, từ tri thức và kỹ năng chiến đấu được tích lũy và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác theo quy luật trao truyền của văn hóa. Tuy nhiên, nguồn gốc của võ khi xem xét võ với tư cách là một hệ thống gồm cả lý thuyết lẫn kỹ năng có tính chuyên biệt lại không đơn giản. Điều thú vị là với các học giả phương Tây, dù vẫn còn là giả thuyết, một số cho rằng nguồn gốc võ thuật có thể từ văn hóa Hy La cổ với môn võ đối kháng Pankration, gồm cả các tư tưởng được truyền bởi quân đội của Alexander Đại đế vào TK IV trước CN, nhưng phần lớn các học giả đều cho rằng nguồn gốc võ thuật đến từ châu Á, có thể từ Ấn Độ hoặc Trung Quốc. Bởi võ thuật châu Á, đặc biệt là võ thuật Trung Quốc, vừa có lịch sử lâu đời, vừa có tính hệ thống cao với chiều sâu triết học uyên áo, đúng như Mikhael Finn xác định: “Mặc dù Ấn Độ là cái nôi của cả Phật giáo và nhiều loại tư tưởng liên quan đến võ thuật nhưng hàng trăm hệ thống võ thuật lại phát triển ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Thái Lan…” (5).

Từ vấn đề nguồn gốc, văn hóa học có thể tập trung nghiên cứu võ và văn hóa võ từ góc độ vùng văn hóa và tiếp xúc, tiếp biến văn hóa. Từ góc độ này, có thể thấy ở Đông Á có một vùng đồng văn về võ và văn hóa võ. Đó là vùng văn hóa chịu ảnh hưởng sâu sắc của tinh thần Đạo học, của triết lý âm dương trong truyền đạt và thụ đắc võ học. Nhiều nhà nghiên cứu phương Tây thừa nhận rằng trong nền võ thuật của họ không có nhiều từ ngữ đặc thù mang đậm tính chất triết học và đạo học như trong nền võ thuật Á Đông, nhất là những thuật ngữ như khí, võ đạo… Theo Wojciech J. Cynarski và Joanna Skowron, “võ thuật từ châu Á đến các nước phương Tây từ rất sớm và rất nhiều nội dung, nhất là từ võ thuật Trung Quốc, không thể dịch ra ngôn ngữ châu Âu và chính sự thiếu kiến thức về văn hóa dẫn đến sự hiểu biết thiếu đầy đủ về các nội dung thuộc về võ thuật này” (6). Chính từ tính chất vùng văn hóa này, có thể đi sâu nghiên cứu võ từ góc độ tiếp xúc và tiếp biến văn hóa để thấy được tính thống nhất trong đa dạng của những truyền thống võ, qua đó nhận diện được bản sắc của một nền văn hóa võ nhất định.

Thứ ba, nghiên cứu văn hóa học về võ trong bối cảnh hiện nay cần đặc biệt chú trọng đến vấn đề bảo tồn và phát huy các truyền thống võ. Xã hội càng hiện đại, kỹ thuật càng phát triển, võ theo nghĩa truyền thống chủ yếu dùng để tự vệ, chiến đấu ngày càng mất đi vai trò nếu không có những nhận thức đúng đắn, ứng xử phù hợp. Phương Tây hiện đại hóa dẫn đến sự mất mát nhiều truyền thống võ thuật quý báu của họ, vốn rất phát triển từ thời cổ đại và nở rộ thời kỳ Phục hưng (TK XV, XVI). Tuy nhiên, cũng trong bối cảnh hiện đại hóa xã hội toàn diện nhưng võ Nhật Bản lại có bước phát triển độc đáo. Người Nhật trong lịch sử có cách tiếp biến võ thuật từ Trung Hoa để xây dựng cho mình một văn hóa võ đạo đặc sắc. Khi hiện đại hóa theo mô hình xã hội hiện đại phương Tây, người Nhật đã kế thừa, phát huy và hiện hóa nhiều mặt, trong đó có võ thuật vừa mang đậm truyền thống võ triết, võ đạo Á Đông, vừa hiện đại, khoa học được cả thế giới biết đến, ngưỡng mộ. Võ đạo (budo) chính là một thuật ngữ đặc thù của Nhật Bản, có ảnh hưởng sâu đậm đến nhiều lĩnh vực văn hóa Á Đông và thế giới, trong đó tất nhiên có lĩnh vực võ. Chính yếu tố đạo làm võ thuật Á Đông có chiều sâu, có một nền văn hóa võ đạo độc đáo, bản sắc. Bảo tồn văn hóa võ, trước hết phải nhìn võ dưới góc độ di sản văn hóa.

Liên hệ đến trường hợp võ và văn hóa võ ở Việt Nam, có thể nói, nằm trong truyền thống văn hóa Á Đông, với lịch sử có nhiều đặc thù, Việt Nam có truyền thống võ và có một nền văn hóa võ đích thực. Tuy nhiên, việc nghiên cứu về võ dân tộc chưa thật tương xứng với truyền thống và di sản văn hóa võ của dân tộc. Những công trình nghiên cứu về võ dân tộc gần đây như Bước đầu tìm hiểu võ học Việt Nam của Mai Văn Muôn (2006), Võ cổ truyền Việt Nam của nhiều tác giả do Lê Kim Hòa chủ biên (2012), và đặc biệt là công trình đồ sộ Lịch sử võ học Việt Nam của Phạm Phong (2013)… là những công trình đáng quý nhưng vẫn còn thiên về lịch sử, kỹ thuật, nghệ thuật. Còn thiếu những công trình nhìn từ góc độ nghiên cứu văn hóa, trong đó có văn hóa học, để đi sâu vào những vấn đề về nguồn gốc, đặc trưng và bản sắc của văn hóa Việt với tư cách là một nền văn hóa võ. Mặt khác, từ thực tiễn võ, có thể thấy võ thuật truyền thống của Việt Nam vô cùng phong phú, nhiều môn phái, nhiều đặc trưng, nhưng tính thống nhất của võ Việt trên tinh thần hiện đại hóa phù hợp với bối cảnh toàn cầu và hội nhập hiện nay dường như vẫn chưa được rõ nét. Đó là trách nghiệm của những người luyện võ, cũng là trách nhiệm của những nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam hiện nay.

____________

1. Thiều Chửu, Hán Việt tự điển, Nxb Văn hóa Thông tin, 1999, tr.290.

2, 3, 4, 5. Encyclopedia of Cultural Anthropology, New York, 1996, tr.736, 736, 738, 736.

6. Wojciech J. Cynarski và Joanna Skowron, An analysis of the conceptual language used for the general theory of martial arts - Japanese, Polish and English terminolog, Ido Movement for culture, Journal of Martial Arts Anthropology, Vol. 14, No. 3, 2014, pp. 49-66.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 407, tháng 5 - 2018

Tác giả : NGUYỄN VĂN HIỆU

;