Vũ Lâm là một trong những nghệ sĩ trẻ năng động, miệt mài với nghệ thuật nhiếp ảnh. Anh không ngừng đổi mới, tìm kiếm đề tài và ý tưởng mới cho công việc của mình. Vừa qua, anh đến với vùng đất đỏ Tây Nguyên để trải nghiệm và sáng tác. NSNA Vũ Lâm đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật về chuyến đi thú vị này.
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Vũ Lâm
•Tây Nguyên là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, đặc biệt cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, đến với Tây Nguyên anh có cảm nhận gì về phong cảnh, con người, văn hóa của vùng đất này?
- Tôi cảm thấy yêu thích vẻ đẹp phong cảnh đặc trưng của vùng đất đỏ bazan với sự hoang sơ, hùng vĩ nơi đây. Ở đó tôi được chiêm ngưỡng những dãy núi cao, thảo nguyên rộng lớn và những cánh đồng bạt ngàn. Ở đây, còn có sự thân thiện, nhiệt tình của người dân, cùng với nhiều nét đặc sắc của văn hóa, trong đó có nhịp điệu của Cồng chiêng với nguồn gốc lịch sử rất lâu đời và gắn liền với cuộc sống hằng ngày, lễ hội và các nghi lễ truyền thống của người dân. Tất cả những điều đó, mang đến cho tôi nhiều cảm xúc, niềm yêu thích, qua những trải nghiệm, tôi cảm nhận được cái hay, cái đẹp của vùng đất cao nguyên. Vì thế, tôi đã ghi lại, lưu giữ vào ống kính của mình những khoảng khắc tuyệt vời về phong cảnh, con người, văn hóa độc đáo của vùng đất này.
Không gian văn hóa Cồng chiêng với người dân Tây Nguyên
•Trong quá trình sáng tác ở Tây Nguyên, những hình ảnh nào đã thu hút và để lại ấn tượng đối với anh?
- Tôi đến với Tây Nguyên trong một khoảng thời gian khá dài, được ăn ở cùng với người dân đã khiến cho tôi thêm hiểu và yêu mến nền văn hóa đặc sắc này. Ví dụ như nhà Rông, là một trong những nét đặc trưng văn hóa nổi bật của đồng bào dân tộc cư ngụ tại Tây Nguyên. Đây là nơi diễn ra toàn bộ mọi sinh hoạt cộng đồng của buôn làng như: thực thi các luật tục, nơi tiếp khách, nơi diễn ra các sự kiện trọng đại của buôn làng, nơi già làng tập hợp dân làng để bàn luận những việc quan trọng của buôn làng, của đất nước. Đồng thời, là nơi có sự kết nối tâm linh trong cộng đồng và truyền đạt cho thế hệ trẻ về những giá trị văn hóa truyền thống... Đến với Tây Nguyên, bất cứ ai cũng sẽ đến thưởng lãm vẻ đẹp của nhà Rông và tôi cũng vậy sẽ không để lỡ cơ hội được chụp lại hình ảnh di sản văn hóa này. Trước tôi, cũng đã có nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh khai thác, chụp với nhiều góc cạnh khác nhau. Còn tôi, hướng sáng tác sẽ là đi sâu vào những khoảnh khắc sinh hoạt đời thường, giản dị của người dân bản địa. Hay hình ảnh những chiếc mặt nạ gỗ cũng đem đến cho tôi nhiều ấn tượng thú vị bởi chúng có một vai trò vô cùng quan trọng trong việc truyền tải thông điệp về tôn giáo và xã hội. Mặt nạ gỗ là một trong những tác phẩm điêu khắc trang trí mang tính nghệ thuật cao và gắn bó chặt chẽ với đời sống tâm linh của người dân vùng cao nơi đây. Những chiếc mặt nạ gỗ gắn với cơ thể, gương mặt của con người, là phục sức độc đáo và là đạo cụ trong việc cúng bái, nhảy múa trong các lễ hội... Để có được những bức ảnh người dân với những chiếc mặt đầy ấn tượng, tôi và các đồng nghiệp đã phải nhờ người dân phục dựng lại lễ hội múa Xoang của người Ba na, trong đó có lễ bỏ mả Pơ-thi để chụp và thu vào ống kính những khoảnh khắc đẹp đó.
Mặt nạ gỗ gắn với đời sống tâm linh của người dân vùng đất đỏ bazan
Vẻ đẹp của người con gái Tây Nguyên
• Vẻ đẹp của phong cảnh cũng những người dân cũng xuất nhiều trong các tác phẩm, anh có thể chia sẻ đôi chút về những bức ảnh đó?
- Hình ảnh sinh hoạt của người dân Tây Nguyên luôn mang đến cho tôi cảm giác yên bình, đó là vẻ đẹp thân thiện, hòa mình vào thiên nhiên, vì thế ống kính của tôi đã thu lại những nét đẹp đó. Trong các tác phẩm của tôi, có xuất hiện hình ảnh các cụ già với những nếp nhăn, nụ cười tươi rói, và đặc sắc với tập tục căng tai - đây là một trong những phong tục có từ lâu đời của dân tộc Brâu Tây Nguyên.
Người Brâu có tập tục đặc biệt là cà răng, căng tai. Trong đó, lễ cà răng là sự kiện đánh dấu sự trưởng thành của những người con trai, con gái, sau đó họ sẽ tự do yêu đương. Nếu cà răng là một tín hiệu bắt đầu yêu đương, thì căng tai của nữ là một quá trình lâu dài, gắn với sự trưởng thành trên đường đời của phụ nữ Brâu. Căng tai được bắt đầu từ khi bé gái 1 đến 2 tuổi, đã được xâu lỗ tai để đeo khuyên. Khi mới xâu lỗ tai, các cô gái Brâu đeo một mẩu tre nhỏ. Mẩu tre này được thay đổi bằng những đôi khuyên tai to dần lên, to đến mức làm cho đôi dái tai bị đứt hẳn. Nếu dái tai người con gái nào bị đứt thì xem là tín hiệu may mắn cho cả làng. Tục căng tai không chỉ là một cách làm đẹp của người con gái mà còn thể hiện sự giàu có của gia đình và được đàn ông ngưỡng mộ... Hình ảnh các cụ già trong các bức ảnh của tôi, là những người còn lại của thế hệ trước thực hiện tục lệ này.
Hình ảnh cụ già với tập tục căng tai
Cùng với hình ảnh người dân, thì phong cảnh của Tây Nguyên đã làm nao lòng biết bao nhiêu con người và tôi cũng vậy. Đến nơi đây, điều cuốn hút tôi là sự hoang sơ, quyến rũ của thác nước K50 giữa vùng đất đại ngàn Tây Nguyên. Thác nước thuộc khu bảo tồn Kon Chư Răng, huyện K’Bang (nằm ở phần giáp ranh giữa hai tỉnh Gia Lai và Bình Định), cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 80km. Thác K50 là món quà kỳ diệu mà tạo hóa đã dành tặng cho mảnh đất Gia Lai, là nơi có sức hút khó tả, đã làm thổn thức trái tim không chỉ của những người đam mê du lịch, khám phá, trải nghiệm, trong đó có cả những người làm nghệ thuật và các nhiếp ảnh gia. Sức hút ấy đến từ vẻ đẹp rừng núi, hoang sơ của thiên nhiên, khung cảnh thác nước sinh động cùng với ánh sáng tự nhiên là sự kết hợp hoàn hảo để có thể tạo nên những bức ảnh tuyệt vời. Hay hình ảnh mộc mạc của những bông hoa cà phê trắng muốt, tinh khiết như vẻ đẹp của những cô gái Tây Nguyên, được nở rộ vào tháng “mùa con ong đi lấy mật”, giữa vùng đất đỏ bazan đã thu hút biết bao du khách phương xa. Hoa cà phê không chỉ đẹp mà còn có mùi hương thơm nồng nàn, quyến rũ, với tôi là một dấu ấn khó quên khi đến với vùng đất này...
Vẻ đẹp của thác K50
• Sau những ngày sống và sáng tác ở Tây Nguyên, đọng lại trong nghệ sĩ những cảm xúc gì?
- Rất nhiều tình cảm và cảm xúc mà tôi đã có được khi đến với nơi đây. Những con đường đất đỏ, hàng cây cà phê, người dân mộc mạc... dường như đã in dấu vào tâm trí và làm tôi nhớ da diết khi rời xa mảnh đất này. Chính vì thế, thông qua các tác phẩm của mình, tôi mong muốn gửi gắm sự yêu quý của mình đối với Tây Nguyên, cũng như hy vọng người xem có thể hình dung và cảm nhận rõ hơn về vẻ đẹp của con người cũng như cảnh vật nơi đây. Nếu có cơ hội tôi vẫn muốn quay lại vùng đất này không chỉ một lần, mà rất nhiều lần nữa.
• Thời gian tới, những sáng tác của anh sẽ hướng đến vùng đất nào?
- Tôi may mắn nhiều lần đã đến với các tỉnh của vùng núi Tây Bắc để trải nghiệm cuộc sống nơi đây cũng như sáng tác. Dự định thời gian tới, tôi sẽ tìm hiểu và lưu giữ lại những nghi lễ của người dân tộc thiểu số của vùng đất này.
• Cảm ơn NSNA Vũ Lâm về cuộc trò chuyện này.
Sinh hoạt của người dân bên nhà Rông
NGỌC BÍCH - Ảnh: VŨ LÂM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 544, tháng 8-2023