Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư - soạn thảo được Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương thông qua tháng 2-1943, đăng toàn văn trên Tạp chí Tiên Phong, số 1 (cơ quan vận động văn hóa mới thuộc Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam xuất bản) ra ngày 10-11-1945. 80 năm (1943-2023), ánh sáng dẫn đường của Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn phát tỏa những giá trị cốt tủy từ phương diện lý luận và thực tiễn - theo quan điểm mác-xít, về vai trò của văn hóa trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và kiến quốc thời đại Hồ Chí Minh.
Các nhà văn đang duyệt Báo Văn Nghệ ở trụ sở Hội Văn nghệ trong kháng chiến chống Pháp - Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia
1. Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 - xác lập các giá trị cốt lõi, nền tảng, bền vững
Truyền thống văn hiến - văn hóa giúp chúng ta nhận thức sâu sắc và đầy đủ về một nền văn học chân chính, phát triển bền vững phải luôn luôn dựa chắc trên nền tảng văn hóa. Dân tộc Việt Nam trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước đã tựa vững trên truyền thống của một nền văn hiến - văn hóa tinh hoa đáng tự hào: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Nguyễn Trãi - Bình Ngô đại cáo). Quan điểm “đến hiện đại từ truyền thống” (nhan đề công trình nghiên cứu đặc sắc của PGS Trần Đình Hượu, xuất bản 1996) được coi là phương pháp luận nghiên cứu khả thi vận dụng cho các ngành nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Ngoại trừ 1000 năm Bắc thuộc, trong 1000 năm độc lập tự chủ, dân tộc Việt Nam thường xuyên phải đối diện với các thế lực ngoại bang để bảo vệ cương giới chủ quyền lãnh thổ, chiến thắng ngoại xâm bởi: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (Hồ Chí Minh). Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và đọc tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2-9-1945 đề cao độc lập dân tộc như một quyền tối cao và thiêng liêng của một nhà nước mới Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. TK XXI, nhân loại đang đứng trước những khủng hoảng nhân đạo do các cuộc chiến tranh khu vực, sắc tộc gây nên vì rất nhiều lý do khác nhau. Hơn bao giờ hết, vấn đề “dân tộc” lại trội bật lên hàng đầu, quan thiết nhất trong tâm thức 8 tỷ người trên hành tinh, đặc biệt trong các “tổng hành dinh” của nhiều quốc gia trên khắp các châu lục. Dân tộc đã trở thành “từ khóa” trong chính cương văn hóa của mỗi quốc gia dẫu cho “trái đất là ngôi nhà chung của thế giới”.
Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 đề ra ba nguyên tắc vận động văn hóa mới: dân tộc hóa - đại chúng hóa - khoa học hóa. Thứ tự các nguyên tắc không phải được sắp xếp ngẫu nhiên, mà là chủ đích, có tính chiến lược, thể hiện tầm nhìn tương lai của một cương lĩnh - luận cương văn hóa, biểu thị vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cần thiết phải “ôn” lại không khí lịch sử - văn hóa - văn học từ sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ (1939-1945), sau sự kiện Nguyễn Ái Quốc lênh đênh bốn biển 30 năm trời (1911-1941) tìm đường cứu nước, trở về Tổ quốc lãnh đạo cách mạng Việt Nam; sự ra đời của Mặt trận Việt Minh, phong trào cách mạng trong nước có nhiều biến chuyển mạnh mẽ và khả quan. Văn học công khai trên văn đàn vào những năm 1940-1945, nếu không nói là khủng hoảng thì cũng rơi vào tình trạng “bối rối” do ảnh hưởng của thời cuộc, đâu đó có những “tiếng thở dài”, những “vô nghĩa”, “khổ đau”, “cô độc”, rút vào “tháp ngà”, hoặc “hướng thượng”, thậm chí tìm đến “say” để quên thời cuộc nhiễu nhương; tích cực hơn thì trốn (trú ngụ) vào thiên nhiên. Văn hóa, văn học cần một sự quật khởi, vùng lên để phục hưng tinh thần dân tộc vốn giàu có truyền thống “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa” (Huy Cận). Nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng từng bày tỏ: “Đi hết dân tộc chúng ta sẽ gặp nhân loại” (Di cảo).
Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 đã hóa thân vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, lý luận cần và đã được kiểm chứng trong quá trình hiện thực hóa, bởi “Lý thuyết thì xám còn cây đời mãi mãi tươi xanh” (Goethe). Tháng 4-1943, Hội Văn hóa cứu quốc được thành lập, hoạt động bên cạnh các tổ chức khác của Mặt trận Việt Minh (thành lập từ 1941). Các thành viên của Hội Văn hóa cứu quốc là những nhà văn tài năng như: Học Phi (Chủ tịch), Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi, Thép Mới. Các đồng chí được Đảng cử lãnh đạo Hội Văn hóa cứu quốc như: Lê Quang Đạo, Trần Độ, Vũ Quốc Uy, Trần Quốc Uy đều là những trí thức có tầm và tâm nên hòa hợp được với văn nghệ sĩ, khéo léo và mềm mỏng trong ứng xử nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo trên lập trường chính trị mác-xít. Thực tiễn đã chứng minh sức thuyết phục của ba nguyên tắc vận động văn hóa trong bản Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 của Đảng mang tính khai phóng, như cách chúng ta gọi là “kim chỉ nam” hoạt động văn hóa, văn học. Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh một vấn đề: vì sao các nhà văn theo khuynh hướng sáng tác hiện thực chủ nghĩa trước 1945 (Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng, Nam Cao, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Kim Lân, Bùi Hiển...) lại nhạy cảm hơn với diễn biến thời cuộc “một ngày bằng hai mươi năm”, đến với cách mạng sớm hơn so với các nhà văn theo khuynh hướng sáng tác lãng mạn chủ nghĩa (Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Chế Lan Viên...). Không khó giải thích hiện trạng này nếu chúng ta thống nhất nhận định: các nhà văn hiện thực, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, có nhiều cơ hội gần gũi nhân dân lao động nghèo khổ hơn nên dễ chia sẻ những nỗi thống khổ, lầm than của đồng loại cùng cảnh ngộ của những người “áo ngắn”. Có thể là một kết quả tất yếu khi nhà văn gần gũi và cảm thông với nhân dân lao động nghèo khổ thì lòng yêu nước cũng dễ dàng bắt rễ từ đó. Lòng yêu nước như một lò lửa, một đôi cánh nâng tinh thần dân tộc bay lên trong thời đại bão tố cách mạng với ý nghĩa như bằng “ngày hội của quần chúng” (V.Lênin). Thực tiễn văn học đã chứng minh: tác phẩm của các nhà văn hiện thực dễ đến với người lao động hơn các tác phẩm của các nhà văn lãng mạn trong nhóm Tự lực văn đoàn hay các thi sĩ trong phong trào Thơ mới. Đó là một thực tế khách quan không thể không công nhận. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt rõ “đại chúng hóa” (hiểu là một nguyên tắc vận động văn hóa) trong bản Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 với khái niệm “văn hóa đại chúng” (hiểu là quy luật điều tiết của cơ chế thị trường, khi tác phẩm văn học nghệ thuật cũng là một thứ hàng hóa) đang là một xu hướng hấp dẫn số đông công chúng nghệ thuật hiện nay (chú trọng và quan tâm đến chức năng giải trí).
2. Văn hóa soi đường cho quốc dân đi
“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” là khẩu hiệu có tính chiến lược được Lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh đề ra trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (11-1946). Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (7-1948), khẩu hiệu “Kháng chiến hóa văn hóa. Văn hóa hóa kháng chiến” được quán triệt đầy đủ và sâu sắc. Trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm Hội họa năm 1951, Người khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Khái niệm “văn hóa mới” hình thành trong bối cảnh đấu tranh cách mạng được hiểu như là đồng nghĩa với “văn hóa cứu quốc”, “văn hóa yêu nước”. Những nội hàm này trùng phùng với tính chất của cuộc Cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo toàn dân tiến hành thành công trong suốt chiều dài lịch sử 1930-1945: Độc lập dân tộc và Dân chủ xã hội. Trong Thư gửi Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (7-1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của nhân dân ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng” (1). Nếu hiểu đó là lời hiệu triệu văn hóa thì rõ ràng “gánh một phần rất quan trọng” chính là “sứ mệnh” của văn hóa: “Nhiệm vụ của văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của nhân dân, mà còn phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới biết. Các nhà văn hóa của ta phải có những tác phẩm xứng đáng chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền những gương mẫu oanh liệt kháng chiến kiến quốc của con cháu đời sau”. Như vậy, rõ ràng dân tộc và thế giới, cũng như thời sự và lâu dài chính là những cặp phạm trù biểu thị mục tiêu của sáng tạo văn hóa, hiểu theo ý nghĩa là những “nguyên tắc vận động văn hóa” có tính chiến lược, rất khác với khái niệm “văn hóa đại chúng” hiện nay được hiểu theo tinh thần của chủ nghĩa dân túy.
Cũng trong sự kiện Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (7-1948), đồng chí Trường Chinh đã đọc báo cáo Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam (sau này khi in thành sách có tên: Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam), trong đó nhấn mạnh: “Về xã hội lấy giai cấp công nhân làm gốc. Về chính trị, lấy độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc. Về tư tưởng, lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm gốc. Về sáng tác văn nghệ, lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc” (2). Đường lối chung (nguyên tắc/ chiến lược) là không thay đổi. Nhưng sự vận dụng (sách lược/ chiến thuật) thì mềm dẻo, uyển chuyển phù hợp với thực tiễn cách mạng trong từng giai đoạn cụ thể để đề cao, nhấn mạnh, tập trung vào từng yêu cầu nhiệm vụ đối với văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ. Tất cả chuyển động trên một đại lộ - độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
“Văn hóa còn thì dân tộc còn” là tinh thần chủ đạo trong bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba (11-2021) của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nền văn hóa mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc. Đảng đã đánh giá cao sự đóng góp của văn học nghệ thuật Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc suốt chiều dài lịch sử 1945-1975: “Xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại ngày nay” (3). Tuy nhiên, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu lên thẳng thắn những việc chưa làm được: “Văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một các đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị…”, “Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người” (4). Ngay sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, những chủ trương, chính sách văn hóa lớn của Đảng và Nhà nước đã đi vào thực tiễn, hướng tới các trọng tâm chiến lược: xây dựng nhân cách văn hóa, (vì “Tột cùng văn hóa là con người”); xây dựng không gian văn hóa nhân văn, (vì “Muốn con người trở nên nhân đạo hơn thì phải tạo ra hoàn cảnh nhân đạo hơn” - C.Mác); triển khai công nghiệp văn hóa, đầu tư đào tạo tài năng văn học nghệ thuật, đẩy mạnh xuất khẩu văn hóa... Nói cho cùng, nếu nhân loại 8 tỷ người biết đến Việt Nam là trước hết biết đến một đất nước có truyền thống văn hiến - văn hóa - văn học hơn là một trong những đầu tàu hay điển hình kinh tế tăng trưởng tương lai trong khu vực thời đại toàn cầu hóa, hội nhập ngày càng sâu rộng. Không ngẫu nhiên khi GS Ahn Kyong-hwan, Đại học Chosun Hàn Quốc, dịch giả kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du sang tiếng Hàn Quốc đã xác tín: “Việt Nam là một đất nước văn hiến mãi mãi vì có tác phẩm Truyện Kiều bất hủ”. Vì lẽ đó, mọi nỗ lực tối đa, cuối cùng của chúng ta là xây dựng một xã hội dân giàu - nước mạnh - công bằng - dân chủ - văn minh trên nền tảng văn hóa phát triển bền vững.
3. Văn học Việt Nam tiệm tiến văn hóa
Tiếp biến văn hóa là quy luật tồn tại của bất kỳ nền văn hóa nào từ cổ chí kim từ Đông sang Tây. Trong thế giới phẳng - mở trên nền tảng toàn cầu hóa, không gian mạng và số hóa thì động hướng hội nhập ngày càng sâu rộng là tất yếu, khách quan. Nhưng như một quá trình kép, hội nhập văn hóa đồng thời phải đi liền với bảo hộ văn hóa. Ngoại lực và nội sinh như hai mặt của một tờ giấy. Nhìn bình tĩnh sẽ thấy tiếp biến văn hóa đang nảy sinh vấn đề mất cân đối giữa tiếp thu có lựa chọn thông minh và ứng dụng sáng tạo. Văn hóa Việt hiện nay nói chung, đang có xu hướng “Âu - Mỹ hóa” (như cách người ta nói về một “giấc mơ Mỹ”), rõ nhất là trong tâm thức và hành xử của người trẻ, bởi họ có cái nỗi niềm chung khi muốn trở/ hóa thành “công dân toàn cầu”. Không có gì là không đúng. Nhưng cái đúng và cái hay lại đôi khi khập khiễng, không song hành, không hô ứng. Vấn đề bản sắc văn hóa đang được đặt lên bàn nghị sự ở tầm quốc gia, song có lẽ, không quan thiết với từng cá nhân hay giai tầng cụ thể nào đó. Vì sao? Chẳng hạn cách đây chưa lâu, có cuộc tranh luận mang tính học thuật, không phân thắng thua giữa hai phái về lý do và nguyên nhân chúng ta từ bỏ chữ tượng hình để sử dụng quốc ngữ (Latinh) nên đã dẫn đến mất gốc (mất bản sắc) so với Nhật Bản và Hàn Quốc, là hai nước trước đây đều nằm trong khu vực “đồng văn” (đồng văn hóa Hán, văn tự Hán) cùng Việt Nam. Cách kiến giải này không thuyết phục số đông vì chữ viết, suy cho cùng, chỉ là phương tiện. Tiếp biến văn hóa đích thực là dựa trên nền tảng của tiến hóa, tiến bộ, phát triển bền vững, nếu không đúng phương hướng lớn (có tính khai phóng/ khai sáng) như thế, thì còn lại chỉ có thể là “tiếp thu”, “tiếp nhận” có tính thụ động, bị động, nhất thời, cục bộ.
Giấc mơ văn hóa có tính vĩnh hằng với bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong lịch sử loài người. Nói gần hơn cả là giấc mơ về những văn sản để đời với nhân loại trong nghệ thuật ngôn từ như Đường thi của Trung Quốc, Chiến tranh và hòa bình của Nga, Những người khốn khổ của Pháp... Nhưng bao trùm lên là giấc mơ Nobel văn học đang khuấy động, gây men nhiệt huyết các nhà văn thế giới và Việt Nam những năm gần đây. Rất nhiều ý kiến trái ngược xung quanh “giấc mơ Nobel văn học” với hơn 1.000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay. Có người coi là câu chuyện làm quà của những ai nhàn tản, vô sự. Có người coi là một thứ ảo ảnh/ ảo tưởng theo lối Đông Ki-xốt. Không ít người tin tưởng dù còn mong manh và mơ hồ về một ngày Việt Nam được xướng tên ở Viện Hàn lâm Nghệ thuật Hoàng gia Thụy Điển và ai đó bước lên bục danh dự đọc diễn từ. Nhưng, hãy cứ mơ ước còn hơn không, vì “không thành công cũng thành nhân”.
Nhưng giấc mơ văn hóa nhân văn về một nền văn học xanh có lẽ gần gũi, thiết thực, khả thi hơn cả với chúng ta. Trong lĩnh vực kinh tế đã có phương châm “không đánh đổi kinh tế lấy môi trường”. Một trong những tiêu chuẩn của một quốc gia sống hạnh phúc là “môi trường xanh”. Chiến dịch trồng 1 tỷ cây xanh được Nhà nước phát động và được toàn dân hưởng ứng nồng nhiệt gần đây lẽ nào không “phả” vào văn hóa, văn học nghệ thuật một luồng sinh khí mới?! Con người là một phần của tự nhiên (cũng có thể nói chính xác hơn con người là tự nhiên). Trong quá khứ, con người đã đối xử thiếu thiện chí với bà mẹ tự nhiên vĩ đại nên đôi lúc nhận hậu quả của thiên tai chính từ nhân tai. Mơ ước về một nền “văn học xanh” đang nhen nhóm và có cơ hội triển nở khi nhà văn nhận lấy sứ mệnh, bằng ngôn từ văn học, tô điểm cái đẹp cho thế giới bằng màu xanh thắm của tự nhiên và màu xanh trong của tâm hồn con người. Thật thú vị khi Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, năm 2021, trao cho tập truyện ngắn Người bay trong gió xanh của nhà văn Phạm Duy Nghĩa. Tiếp nối các bậc tiền nhân gắng gỏi chắt chiu và giữ gìn văn học xanh từ Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Thành Long, Đoàn Giỏi, Nguyễn Minh Châu... đã có những người chạy tiếp sức như các nhà văn: Đỗ Chu, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Thế Hùng, Phạm Duy Nghĩa. Theo cách nói của nhà văn mặc áo lính này thì: “Khi viết mà không đưa thiên nhiên vào tác phẩm của mình, dù chỉ một chút thôi, thì tôi không thể nào viết được. Cái tạng của tôi là thế. Cũng bởi vậy mà các trang viết của tôi khó lòng thoát ly khỏi không gian miền núi, và cho dù viết về không gian nào khác thì tôi cũng cố tình thả vào trong đó một ít cây. Về điểm này tôi thích Nguyễn Tuân, khi ông đòi thiên nhiên phải có vị trí xứng đáng trong văn học. Trong tùy bút Cây Hà Nội, ông chất vấn, “không có một bóng cây nào trên đường đi của lũ nhân vật, thì cái phong cảnh tiểu thuyết ấy có nên đưa ra làm mẫu mực không?”. Nguyễn Minh Châu cũng từng kêu gọi Sống mãi với cây xanh, và truyện ngắn ấy ông đã đề cập một vấn đề “về lâu dài hết sức quan trọng”, đó là tình yêu thiên nhiên gắn liền với vẻ đẹp tâm hồn con người” (5).
Đưa dân tộc ra thế giới bằng những kỳ đài văn hóa - Danh nhân văn hóa thế giới, xét cho cùng chính là một giấc mơ văn hóa Việt Nam thời hiện đại (TK XX và XXI). Năm 2021, danh sách các Danh nhân văn hóa Thế giới của Việt Nam được nối dài thêm bằng tên tuổi của nữ sĩ Hồ Xuân Hương (Bà chúa thơ Nôm) và nhà văn Nguyễn Đình Chiểu. Tự hào cao đồng thời trách nhiệm càng cao trước nhân loại khi Việt Nam với biểu tượng Hồ Chí Minh - Văn hóa tương lai như cách thể hiện tiên tri của nhà báo - nhà văn tài năng Nga O. Mandelstam đã viết về Người cách nay đúng 90 năm, trong bài báo nổi tiếng Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản - Nguyễn Ái Quốc (6).
_____________
1. Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học 1945-1954, Hồi ức kỷ niệm, Nxb Khoa học xã hội, 1995, tr.10.
2. Nguyễn Đăng Mạnh (chủ biên), Lịch sử văn học Việt Nam, tập III, Nxb Đại học Sư phạm, 2007, tr.13.
3. Nguyễn Minh Thông, Góp phần tìm hiểu quan điểm lý luận văn nghệ qua một số bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vanhoanghethuat.vn, 20-8-2022.
4. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Báo Nhân Dân điện tử, 24-11-2021.
5. Phạm Duy Nghĩa, Thêm chất xanh cho ngòi bút, Tạp chí Văn hóa quân sự, số 2, 2022, tr.53.
6. O. Mandelstam, Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản - Nguyễn Ái Quốc, Báo Ngọn lửa nhỏ, số 39, 23-12-1923.
BÙI VIỆT THẮNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 524, tháng 2-2023