Văn hóa chung cư - nhìn từ hai phía

Chung cư - không gian sống mới của cư dân đô thị

Tôi đã sống ở chung cư 36 năm (1983-2019), nên cũng có ít nhiều trải nghiệm để chia sẻ với người khác về cái gọi là “cư dân chung cư”, “nỗi niềm chung cư”, “văn hóa chung cư”. Đầu tiên, tôi sống ở chung cư đời cũ (từ 1983 đến 2007) tại khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội. Khu tập thể này toàn nhà 5 tầng. Gia đình tôi được phân một căn hộ 21m², tầng 3, nhà số E9 (Nhà nước Thụy Điển viện trợ xây Bệnh viện Nhi đồng Trung ương và tài trợ mua hẳn một tòa nhà E9 để phân cho cán bộ công nhân viên của bệnh viện ở).

Vào thời điểm ấy, được vào sống trong chung cư đã là một niềm vui, vì dẫu sao nhà cửa cũng kiên cố, trên kín dưới lành, sinh hoạt thuận tiện, điện nước đầy đủ. Những dãy nhà cấp 4 lụp xụp (thậm chí mái lợp bằng giấy dầu, mùa hè nóng như thiêu đốt), được thay bằng cả tòa nhà kiên cố, lắp ghép bằng bê tông đúc sẵn. Ở chung cư này, trong khoảng thời gian 24 năm, 4 người trong một nhà, không phải là tiện dụng khi con cái lớn lên, trưởng thành, học hành... Đến năm 1997-2000, chúng tôi theo phong trào chung cũng mở rộng không gian sống lên gấp đôi. Chỉ có một khó khăn lớn là từ khi có xe máy, phải gửi ở tầng 1. Nhưng rồi cái khó ló cái khôn. Các nhà ở tầng 1 thêm một nghề kinh doanh mới - trông giữ xe máy ngày và đêm, hoặc theo tháng. Sống ở chung cư đòi hỏi ứng xử theo nguyên tắc đạo đức “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Nhưng rõ ràng, loại chung cư này có nhiều nhược điểm không tránh khỏi: bị cơi nới tùy tiện/ cái gọi là “chuồng cọp” (rất nguy hiểm khi có hỏa hoạn), mất mỹ quan chung, gây nguy hiểm cho sự bền vững của tòa nhà. Cư dân sống trong các chung cư cũ cứ tự nhiên hắt nước thải, ném rác xuống (như ai đó nói người Việt chỉ sạch trong nhà còn bên ngoài thì makeno-mặc kệ nó); tệ hơn là nuôi chó mèo thoải mái, không trông nom khi chúng bài tiết; đục phá, sửa chữa nhà cửa tự do, gây ô nhiễm môi trường vì tiếng động, bụi bặm, rác thải vô tổ chức. Cái tồn tại lớn nhất ở các khu chung cư/ tập thể cũ là nạn chiếm dụng đất công dưới mặt đất làm sở hữu của cá nhân để lập bãi trông giữ xe, mở quán ăn uống, các trò chơi giải trí, tạo lập chợ cóc gây mất trật tự công cộng, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự, biến thái văn hóa cộng đồng. Chính quyền sở tại đã nhiều lần ra quân, nhưng kết quả thì ai cũng thấy, chỉ làm theo “tháng ra quân”, hay thậm chí “phạt cho tồn tại”, hay vì cấp trên đốc thúc.

Nhưng trong bối cảnh những năm 60-70-80 của thế kỷ trước, các chung cư kiểu cũ là không gian sống đặc trưng theo chế độ bao cấp phổ biến ở các khu tập thể nổi tiếng một thời như: Nam Đồng, Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Giảng Võ, Thành Công, Vân Hồ, Yên Lãng, Thanh Xuân... Dân số Hà Nội tăng lên theo một gia tốc, đặc biệt sau khi mở rộng địa giới hành chính (sáp nhập Hà Tây). Trước sau thì Hà Nội luôn là “địa linh nhân kiệt”, là trung tâm chính trị - văn hóa - giáo dục, nên người người ở các địa phương tìm mọi cách đổ bộ, mọi cách bám chặt, một tấc không đi một ly không rời. Nói tóm lại, trong bối cảnh mới, xét về nhiều phương diện, chung cư là không gian sống chủ đạo của cư dân thời công nghiệp, tiện dụng. Cư dân chung cư tuyệt đại đa số là cán bộ công nhân viên chức làm công ăn lương nhà nước, sống tùng tiệm theo chế độ trước là tem phiếu, đến Đổi mới (1986), và sau đó (từ 1990) theo cơ chế thị trường tự do (sướng khổ tùy vào năng lực cá nhân). Thời đó, mấy ai để tâm đến “văn hóa chúng cư”!

Chung cư mới

Nửa đầu những năm 90 của thế kỷ trước, bắt đầu hình thành những quần thể chung cư mới được xây dựng trong một không gian rộng lớn, phức tạp, đa dạng, đẳng cấp hơn, gọi là “khu đô thị”. Đó là một quần thể kiến trúc dân dụng hiện đại, có thẩm mỹ, có kế sách lâu dài khi chuyển sang xã hội công nghiệp. Thoạt đầu là khu đô thị Trung Hòa, tọa phía Tây Bắc Hà Nội, hướng đất theo phong thủy là vượng (!?). Bây giờ thì hàng loạt khu đô thị mới mọc lên như nấm sau mưa. Khu đô thị Trung Hòa trở nên khiêm tốn và e lệ trước những khu đô thị mới như: Mỹ Đình, Times City, Eco Park... Chung cư trong các khu đô thị mới ưu việt so với chung cư đời cũ. Trước hết, nhà cửa đẹp hơn về hình thức, thiết kế hiện đại hơn, tiện dụng và nhiều tiện ích. Không có vấn nạn chiếm dụng đất công để mưu lợi riêng. Mỗi khu đô thị là một không gian sống vừa khép kín lại vừa mở mang. Nói khép kín vì trong một khu đô thị có đầy đủ dịch vụ văn hóa, ẩm thực, vui chơi giải trí, thể thao... Nói mở vì có những khu đô thị hiện đại có hệ thống trường học từ mầm non lên tận phổ thông trung học, thậm chí cả bệnh viện quốc tế (như khu đô thị Times City).

Từ năm 2007 đến 2018, tôi sống ở chung cư có tên HACINCO (tọa tại số 15, ngõ 107, đường Nguyễn Chí Thanh). Căn hộ của gia đình tôi trên tầng 13, rộng 104 m², ban công hướng Đông - Nam. So với khu tập thể Thành Công thì chung cư này hiện đại hơn vì có hầm để xe (chỉ xe máy), có hệ thống đổ rác tự động, có bảo vệ 24/24 giờ, có hệ thống camera, vệ sinh chung, an ninh trật tự tốt. Nhưng HACINCO chỉ là 1 tòa nhà đơn lập, thiếu hệ thống dịch vụ dân sinh, nên có nhiều sinh hoạt bình thường không được thuận tiện. Và hơn thế, trước mắt chung cư này là ngõ 107 Nguyễn Chí Thanh khét tiếng một thời vì các tệ nạn xã hội. Từ năm 2019, gia đình chúng tôi về sống tại khu chung cư có tên Imperia Garden. Nói gia đình nhưng chỉ có 2 vợ chồng già, sống thoải mái trong căn hộ 104 m² (tầng 22).

Chung cư Imperia Garden chưa phải là nhất, nhì Hà Nội, nhưng cũng có thể xếp hạng theo quan sát của tôi. Nó nhiều tiện ích, đã đành nhưng đặc biệt, có không gian mặt đất cho thư giãn, hưởng thụ (bơi, đi bộ, đánh cờ, sân đồ nướng, các trò chơi cho trẻ nhỏ, nhiều cây xanh). Tọa trên mặt bằng khoảng hơn 4 ha, khu chung cư này cao 35 tầng. Hệ thống bảo vệ nghiêm ngặt, kiểm soát ra vào bằng thẻ từ và vân tay, kẻ xấu khó bề hoạt động, an ninh trật tự nhìn chung khá tốt. Hệ thống dịch vụ ở tầng 1 của 4 tòa nhà (A/B/C/D) khá đầy đủ, từ thực phẩm đến mỹ phẩm, từ quán ăn đến ngân hàng... Giao thông trong khu vực chung cư được tổ chức chặt chẽ (xe đi một chiều, đỗ quá 5 phút bị khóa bánh...). Mỗi căn hộ đều được trang bị hệ thống liên lạc cửa ra vào hiện đại (có camera, loa). Vệ sinh chung khá tốt. Quang cảnh chung cư sáng sủa sạch sẽ, văn minh, hiện đại. Nói thế là căn cứ vào số cư dân chấp hành nội quy, có ý thức văn hóa. Ước tính khu chung cư này có tới hơn 5.000 cư dân sinh sống, nên mỗi tòa nhà có đến 8 thang máy mà vào giờ cao điểm vẫn phải chờ đợi rất lâu lên xuống.

Văn hóa chung cư nhìn từ hai phía

Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Rồi đây chúng ta sẽ xây dựng nhiều những ngôi nhà đẹp, nhưng trước hết và quan trọng hơn là xây những con người đẹp sống trong đó”. Văn hóa chung cư nhìn từ hai phía như tiêu đề chúng tôi đặt, chính là văn hóa ứng xử của cư dân chung cư, nhìn từ hai phía.

Trước hết là chủ thể chung cư. Tôi quan niệm chủ thể chung cư không ai khác chính là cư dân chung cư (chứ không phải là, như ai đó nói, chủ đầu tư hay ban quản lý, ban quản trị do cư dân bầu nên). Cư dân chung cư bây giờ đa dạng và phức tạp hơn trước. Nếu như thời bao cấp cư dân chung cư tuyệt đối là người Việt Nam (người nước ngoài đã có khu ở riêng ), là công chức/ công nhân/ viên chức nhà nước, làm công ăn lương, sống với truyền thống đạo lý, phong tục tập quán Việt Nam, nên có thể nói cư dân chung cư trước đây đơn thuần, thống nhất, đáng tin cậy, dễ hòa đồng, theo lối những “xóm làng hiện đại”. Thế giới phẳng ngày nay đã khiến cư dân chung cư trở nên đa dạng, phức tạp, thiếu thống nhất khi người nước ngoài vào Việt Nam ngày càng đông (riêng công dân Hàn Quốc vào sống lâu dài ở Việt Nam đã có hơn 100.000 người). Đang có một cuộc xâm lăng văn hóa do làn sóng người nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam. Mang đến cái tốt, cái tích cực thì không nhiều, mang đến hậu họa thì không ít (ví dụ cụm chung cư ở Đồ Sơn, Hải Phòng chứa chấp khoảng 400 con bạc là công dân Trung Quốc vừa bị trục xuất về nước sau một thời gian dài tác oai tác quái, gieo rắc đỏ đen cờ bạc trên đất Việt). Người nước ngoài tràn vào Việt Nam mua nhà, thuê chung cư sinh sống, làm việc, sản xuất kinh doanh đủ thứ trên trời dưới đất không thể không ảnh hưởng đến đời sống của cư dân bản địa. Ngay ở Imperia Garden, cách nay chưa lâu, đã xảy ra sự việc một người đàn ông nước ngoài quấy rối tình dục một bé gái trong thang máy. Camera đã ghi đủ nhưng không hiểu vì sao, vụ việc bị chìm xuồng. Không ít người nước ngoài sống ở các chung cư mang đến lối sống theo văn hóa và tập tục của xứ sở xa lạ, gieo rắc vào Việt Nam nhiều tác hại cho phong hóa Việt (họ đâu có khai sáng), gây nên hệ lụy cho người Việt trước mắt và lâu dài.

Nhưng tôi muốn nói nhiều hơn về văn hóa ứng xử chốn chung cư của người Việt ta. Ở chung cư, một vấn nạn hàng đầu là chuyện đi thang máy. Nơi tôi ở chưa lâu nhưng thấy thang máy phải bảo trì nhiều. Ban đầu, tôi nghĩ là chất lượng thang máy khi lắp đặt không tốt. Nhưng sau tìm hiểu thì té ngửa là do cư dân sử dụng không khoa học, nếu không nói là bừa bãi. Chẳng hạn, hai người trong 1 căn hộ đi vào thang máy, kẻ trước nhanh, người sau chậm nên đương nhiên người trước phải giữ thang, mà giữ thường lâu. Một lần không sao, nhiều lần thì có chuyện. Một người không sao, nhiều người thành hậu quả. Đã có thang chuyên chở hàng nhưng nhiều người cứ vô tư hồn nhiên chuyển hàng cồng kềnh và nặng nề vào thang máy chỉ chở người. Hỏi làm sao thang máy lại không nhanh phải được bảo trì (!?). Cư dân ra vào thanh máy chung cư, tôi thấy, theo lối “đường ta ta cứ đi”, nghĩa là thấy thang mở là ập vào ngay không cần biết có người từ trong ra hay không nên xảy ra nhiều va chạm. Người mát tính thì chửi thầm “lũ nhà quê”, người nóng tính thì quát “mắt mù à?”. Đã có xô xát vì chuyện ra vào thang máy thiếu văn minh.

Vấn nạn thứ hai ở chung cư là thiếu hẳn lời “xin lỗi” hay “cảm ơn”. Một bận đi thể dục sớm, qua cửa kính, tôi nhìn thấy một cô gái ra hiệu từ phía trong mở dùm cửa, có lẽ vì không mang thẻ. Tôi ấn dấu vân tay vào nốt tròn đỏ, cửa mở, cô gái vọt ra đi thẳng. Tôi nhìn theo và nghĩ “chắc cô này người ngoài hành tinh”(?!). Còn cô ấy có lẽ nghĩ đó là nghĩa vụ của một người đàn ông chân chính (!?). Đi đụng nhau, giẫm chân lên nhau, đẩy cửa không quan sát nên đập vào đầu người khác mà không xin lỗi là “chuyện thường ngày ở huyện” nơi chốn chung cư tôi đã ở, đang ở.

Vấn nạn thứ ba ở chung cư, nếu mình ở dưới thì liệu tính đến khả năng chịu đựng tiếng ồn của căn hộ phía trên (trẻ con đi xe bánh đặc, kê dọn bàn ghế, tiếng khoan đục tường tự do, tiếng băm thớt của mấy người già không thích dùng máy xay thịt...). Tôi đã chứng kiến hơn một lần, ông ở nhà dưới đỏ mặt tía tai cãi nhau với ông ở nhà trên.

Vấn nạn thứ tư ở chung cư là nạn xả rác và hút thuốc không đúng nơi quy định. Đã có biển báo chỉ dẫn, cấm đoán rõ ràng nhưng rồi mọi việc vẫn cứ xảy ra liên miên, không vô tiền mà lại khoáng hậu. Trẻ con và cả người lớn xả thải vật thể lạ trong cầu thang máy là chuyện cứ như chỗ không người.

Còn văn hóa chung cư nhìn từ phía khác? Từ phía nhà thầu và ban quản lý? Có thể nói vắn tắt như sau: cả hai ban này chỉ chú ý làm sao thu được nhiều và nhanh tiền của khách hàng mà thôi, đã có trường hợp khách hàng khiếu nại về thiết kế, tiến độ, chất lượng không đúng như hợp đồng ban đầu nên đòi lại tiền. Nhưng tiền đã chui vào túi nhà thầu thì như “gió vào nhà trống”, khó mà móc ra. Nên sinh ra cù nhầy, câu giờ, đùa dai giữa bên bán và bên mua. Còn ban quản lý nào cũng thế thôi, có chuyện gì cư dân kiến nghị/ khiếu nại thì cách tốt nhất là đổ/ đá quả bóng lên cho nhà thầu, theo lối “con kiến mà leo cành đa...”. Nhiều chủ đầu tư đã ém số tiền bảo trì mà khách hàng nộp khi mua nhà. Cũng họp lên họp xuống, cũng đơn từ kiến nghị, khiếu nại nhưng số vụ được giải quyết chỉ chiếm phần trăm rất nhỏ (vì hình như do nhóm lợi ích?!). Tình trạng xuống cấp của các chung cư đời mới cũng diễn ra với tiến độ rất nhanh, không như cam kết về chất lượng ban đầu của nhà thầu. Ban quản lý nhìn chung ngại/ lười/ trốn duy tu bảo dưỡng vì cái khoản này khó gặm khách hàng (!?). VTV1 lúc 18h, ngày 5-10-2019 đưa tin ở TP.HCM, chủ đầu tư thuê đầu gấu đến nhũng nhiễu, dọa nạt, đòi nợ thuê ban quản trị của chung cư X, tấn công phóng viên đến đưa tin (!?).

Bài viết của tôi không lý thuyết dài dòng, chỉ là những trải nghiệm cá nhân muốn chia sẻ với mọi người chủ đề “Văn hóa chung cư - nhìn từ hai phía”. Mong được đối thoại trên tinh thần cởi mở, dân chủ.

                   Hà Nội, tháng 10-2019

 

Tác giả: Bùi Việt Thắng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11 - 2019

 

;