Vận dụng “Đề cương về văn hóa Việt Nam” 1943 vào xây dựng môi trường văn hóa quân sự

“Đề cương về văn hóa Việt Nam” là văn kiện có tính cương lĩnh về văn hóa, văn nghệ của Đảng, được công bố khi nước nhà chưa được độc lập, dân ta chưa được tự do; sự kiện này khẳng định sự phát triển tư duy chiến lược của Đảng về văn hóa cách mạng Việt Nam.

Đề cương đã thể hiện sự trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn đất nước; trên cơ sở đó, xác định nội dung cơ bản của nền văn hóa mới ở Việt Nam và chỉ rõ: “Nền văn hóa mà cuộc cách mạng văn hóa Đông Dương phải thực hiện sẽ là văn hóa xã hội chủ nghĩa” (1). Về cuộc vận động xây dựng nền văn hóa dân chủ mới, Đề cương xác định phải phấn đấu theo 3 nguyên tắc: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa. Nền văn hóa mới ở Việt Nam là “một thứ vǎn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung”(2) là nền văn hóa cách mạng nhất và tiến bộ nhất. Cùng với đó, Đề cương khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương là vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa.

Những nội dung cơ bản của “Đề cương văn hóa Việt Nam” đã đáp ứng được đòi hỏi cấp bách của thực tiễn cách mạng, định hướng sự phát triển và phát huy vai trò của văn hóa, thực sự trở thành vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng trên mặt trận văn hóa, tập hợp, cổ vũ nhân dân ta, nhất là giới trí thức, văn nghệ sĩ, hăng hái tham gia cách mạng. Giá trị của Đề cương đã lan tỏa đến từng tổ chức, từng lĩnh vực; trong đó có văn hóa quân sự Việt Nam, đây thực sự là động lực, sức mạnh góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam 80 năm qua.

Môi trường văn hóa quân sự (môi trường văn hóa trong Quân đội nhân dân Việt Nam) “là toàn bộ các giá trị vật chất và tinh thần hợp thành một chỉnh thể trong không gian và thời gian xác định, tác động đến quá trình hình thành, nuôi dưỡng và hoàn thiện những phẩm chất văn hóa của quân nhân; có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện nhân cách người quân nhân cách mạng. Chính trong môi trường văn hóa mà mỗi cán bộ, chiến sĩ, bằng hoạt động thực tiễn xã hội, tiếp nhận các giá trị văn hóa quân đội để phát triển, hoàn thiện phẩm chất, nhân cách”(3). Thực tế cho thấy, môi trường văn hóa quân sự tốt đẹp, lành mạnh sẽ là nhân tố rất thuận lợi để giáo dục, bồi dưỡng, phát triển nhân cách người quân nhân cách mạng, xây đắp nên tình đồng chí, đồng đội cao cả; tạo ra động lực động viên, thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ rèn luyện, phấn đấu vươn lên, khắc phục mọi khó khăn; đồng thời, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Môi trường văn hóa quân sự trong sạch, lành mạnh là bức tường thành vững chắc vô hiệu hóa sự tấn công của những yếu tố phản văn hóa, bảo vệ “trận địa” tư tưởng văn hóa của Đảng trong môi trường quân đội. Vì vậy, xây dựng môi trường văn hóa quân sự là vấn đề cơ bản và cấp thiết trong sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay. 

Những người lính chung vui với đồng bào Thái trong Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đang được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hướng đến xây dựng quân đội hiện đại vào năm 2030. Trong khi đó, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam nhằm âm mưu xóa bỏ nền tảng chính trị tư tưởng của Đảng, trong đó lấy phá hoại về tư tưởng - văn hóa là khâu đột phá nhằm phi chính trị hóa quân đội; làm cho quân đội xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng và mất phương hướng chiến đấu, mất niềm tin vào mục tiêu, con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Vận dụng những giá trị của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” vào xây dựng môi trường văn hóa quân sự hiện nay đảm bảo thiết thực và hiệu quả, cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Thứ nhất, quán triệt sâu sắc tính Đảng trong “Đề cương về văn hóa Việt Nam” nhằm định hướng xây dựng môi trường văn hóa quân sự.

Trên cơ sở nắm vững và vận dụng sáng tạo lý luận tiền phong của giai cấp công nhân là chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng xác định đúng đắn những quan điểm, tư tưởng, nội dung, định hướng cơ bản để văn hóa Việt Nam có phương hướng hoạt động đúng đắn, góp phần tích cực thúc đẩy cách mạng tiến lên đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, ấm no hạnh phúc cho nhân dân. “Đề cương về văn hóa Việt Nam” đòi hỏi hoạt động văn hóa của nhân dân, của mỗi tổ chức và cá nhân cần quán triệt sâu sắc tính Đảng; tính Đảng của nền văn hóa quán xuyến tất cả các khâu các bước của quá trình xây dựng. Trên cơ sở xác định tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam: “văn hóa mới Việt Nam do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo chủ trương chưa phải là văn hóa xã hội chủ nghĩa hay văn hóa Xô viết (như văn hóa Liên Xô chẳng hạn)”(4), cùng với đó, cần: “phối hợp mật thiết phương pháp bí mật và công khai thống nhất mọi hoạt động văn hóa tiến bộ dưới quyền lãnh đạo của đảng vô sản mác-xít”(5).

Hiện nay, vấn đề xây dựng văn hóa quân sự Việt Nam nói chung, môi trường văn hóa quân sự nói riêng, đòi hỏi mỗi tổ chức và cá nhân, mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam phải quán triệt sâu sắc nguyên tắc tính Đảng trong hoạt động văn hóa của mình. Quán triệt tính Đảng trong xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong thời kỳ mới nhằm góp phần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong các hoạt động quân sự, làm cơ sở để xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện. Tích cực, chủ động nhận diện và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của chủ nghĩa đế quốc trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, “phi Đảng hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết và chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư…; khắc phục có hiệu quả các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, chiến sĩ; chủ động chống “tự diễn biến”, “tự suy thoái” trong mỗi đảng viên, quần chúng, cán bộ, chiến sĩ trong các đơn vị.

Thứ hai, xây dựng môi trường văn hóa quân sự hàm chứa những giá trị nền văn hóa mới, tiên tiến.

“Đề cương Văn hóa Việt Nam” đã nêu lên một trong những phương hướng xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam, đó là “khoa học hóa”. “Khoa học hóa” được hiểu: Nền văn hóa hội tụ những giá trị mới, tốt đẹp, hiện đại; đồng thời, “chống lại tất cả những cái gì làm cho vǎn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”(6). Tính khoa học được hiểu là hướng dẫn các hoạt động văn hóa mới ở Việt Nam biết kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những giá trị tốt đẹp trong của văn hóa nước ngoài, có giá trị thúc đẩy tính tích cực của các chiến sĩ cách mạng luôn vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Chính vì vậy, trong xây dựng môi trường văn hóa quân sự hiện nay, cần tăng cường giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống và kết hợp giá trị văn hóa mới, tiến bộ.

Bối cảnh quốc tế trong giai đoạn hiện nay có nhiều sự thay đổi, nhất là xu thế toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ cùng nhiều thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống... Trong bối cảnh đó, hệ giá trị văn hóa Việt Nam đã có những biến đổi lớn. Một bộ phận cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong quân đội có xu hướng chuyển từ đề cao các giá trị tinh thần, đạo đức sang đề cao các giá trị vật chất, kinh tế; xu hướng coi trọng các giá trị tình cảm sang coi trọng giá trị pháp lý; xu hướng dựa vào tập thể, đề cao cộng đồng chuyển sang khẳng định cái tôi, giá trị tài năng cá nhân; xu hướng tôn trọng kinh nghiệm sang đề cao tri thức khoa học, trọng tài năng, thực lực; xu hướng sống theo tôn ti, trật tự chuyển sang đòi hỏi cuộc sống tự do, bình đẳng. Vì vậy, việc xây dựng môi trường văn hóa quân sự phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời phát triển với những giá trị văn hóa mới, tiên tiến một cách phù hợp với môi trường hoạt động quân sự.

Thứ ba, xây dựng môi trường văn hóa quân sự mang đậm dấu ấn của dân tộc Việt Nam.

Một trong những phương hướng xây dựng nền văn hóa đã được “Đề cương về văn hóa Việt Nam” xác định, đó là “Dân tộc hóa” (“chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập”(7)). Hiện nay chúng ta đang xây dựng và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc; đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới. Qua đó, không ngừng nâng cao lòng yêu nước, khí phách anh hùng, độc lập, tự chủ, dũng cảm kiên cường trong chiến đấu quyết tâm bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Đó cũng là những phẩm chất cao quý của con người Việt Nam, trở thành những giá trị cốt lõi làm nên bản sắc văn hóa quân sự Việt Nam như: yêu nước, tự chủ, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân… Chính vì vậy, xây dựng môi trường văn hóa quân sự phải mang đậm dấu ấn của dân tộc Việt Nam.

Hiện nay, để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phải phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa quân sự: trong đó, bồi đắp lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giáo dục truyền thống, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống yêu nước, đoàn kết chống kẻ thù xâm lược, với tinh thần gắn bó, sẻ chia, tương thân tương ái...; đặc biệt là phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” với những tiêu chí cụ thể, xứng đáng là đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, “Trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân”, có tinh thần “bách chiến, bách thắng”, có kỷ luật, tự giác, nghiêm minh, có tình đồng chí, đồng đội và tinh thần nhân văn, nhân đạo, gắn bó mật thiết với nhân dân, chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng thiêng liêng, cao quý; nhằm góp phần xây dựng “thế trận lòng dân”, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Thứ tư, xây dựng môi trường văn hóa quân sự là nơi vun trồng nhân cách cho mọi quân nhân.

Trong môi trường văn hóa quân sự, xây dựng và phát triển nhân cách cán bộ, chiến sĩ là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để quân đội có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ Đảng, nhân dân giao phó. Nhân cách con người nói chung, nhân cách cán bộ, chiến sĩ nói riêng được hình thành và phát triển do tác động quyết định của yếu tố môi trường, trong đó có văn hóa. Nhận thức đúng vai trò của nhân tố văn hóa, đòi hỏi các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cần phát huy tính tích cực của văn hóa trong xây dựng nhân cách quân nhân, đáp ứng với đòi hỏi của hoạt động quân sự.

Quá trình xây dựng môi trường văn hóa quân sự phải thực sự là nơi vun trồng nhân cách quân nhân, phải làm cho quân nhân có đời sống tình phong phú, lành mạnh. Quá trình xây dựng nhân cách, xây dựng tập thể cần phát huy tốt vai trò của các mối quan hệ, ứng xử giữa các quân nhân. Bản thân mối quan hệ giữa các quân nhân đã được phản ánh trong điều lệnh quân đội với những nguyên tắc căn bản như chỉ huy - phục tùng, tập thể và nhân ái. Trong Quân đội Việt Nam, “đồng cam cộng khổ” cũng đã trở thành một truyền thống quý báu, được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ gìn giữ và phát triển. Bên cạnh đó, trong điều kiện đặc thù của hoạt động quân sự cần thường xuyên coi trọng việc xây dựng mối quan hệ, ứng xử có văn hóa giữa các quân nhân. Những mối quan hệ, ứng xử thiếu văn hóa, những xung đột xảy ra trong tập thể quân nhân cần phải được loại trừ ra khỏi cuộc sống, hoạt động tập thể. Bởi những hiện tượng ấy sẽ phá vỡ các mối quan hệ qua lại giữa các quân nhân, làm căng thẳng cuộc sống và hoạt động chung của tập thể, từ đó làm giảm sút hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

Thứ năm, đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện phi văn hóa trong môi trường quân sự.

“Đề cương về văn hóa Việt Nam” xác định, để xây dựng một nền văn hóa cách mạng phải “kịch liệt chống những xu hướng vǎn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm... Nhưng đồng thời cũng phải chống xu hướng vǎn hóa quá trớn của bọn tờrốtkít”(8). Đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với cuộc đấu tranh chống các quan điểm, tư tưởng sai trái, phản động về văn hóa nói chung cũng như với các biểu hiện phi văn hóa trong môi trường quân sự nói riêng.

Hiện nay, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và cả những thách thức không nhỏ. Đáng chú ý là những thách thức: Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng còn nghiêm trọng. Những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có chiều hướng diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”... Vì vậy, xây dựng môi trường văn hóa quân sự theo tinh thần của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” là tích cực đấu tranh chống các loại văn hóa phi vô sản, bảo vệ đường lối văn hóa cách mạng của Đảng, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 355-CT/QUTW ngày 20-4-2017 của Thường vụ Quân uỷ Trung ương “Về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn học nghệ thuật trong quân đội giai đoạn hiện nay”, đồng thời, nắm vững phương hướng, mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong giai đoạn cách mạng mới. Tập trung phê phán những khuynh hướng văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí trái với đường lối của Đảng, xa rời hiện thực, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc; phát huy hiệu quả của các lực lượng trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

80 năm đã trôi qua, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” vẫn còn nguyên giá trị về lý luận và thực tiễn, là ngọn hải đăng soi sáng cách mạng văn hóa ở Việt Nam, tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa cho sự phát triển bền vững của đất nước. Nghiên cứu “Đề cương về văn hóa Việt Nam” trong bối cảnh hiện nay càng thấy rõ hơn những giá trị, ý nghĩa, tầm nhìn chiến lược của Đảng về phát triển nền văn hóa Việt Nam nói chung và xây dựng môi trường văn hóa quân sự nói riêng. Những giá trị của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” sẽ có sức sống trường tồn, mãi tỏa sáng trong đời sống, hoạt động của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

TS NGUYỄN VĂN TRƯỜNG - Chủ nhiệm khoa Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Ths LÊ THỊ THÙY LINH - Hệ 5 - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

____________________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 7 (1940 - 1945), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.316.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 7 (1940 - 1945), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.320.

3. Hà Đức Long, Xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội nhân dân Việt Nam theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 18-2-2023.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 7 (1940-1945), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.319.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 7 (1940-1945), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.321.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 7 (1940-1945), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.320.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 7 (1940 – 1945), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.320.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 7 (1940 – 1945), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.319.

;