Nhu cầu sự kiện văn hóa ở Hà Nội những năm gần đây

Hà Nội - vùng đất đa dạng văn hóa truyền thống hiện đại đan xen, những tác động văn hóa Đông Tây đương đại của thời kỳ hội nhập văn hóa toàn cầu hóa đã làm thay đổi diện mạo các giá trị văn hóa, tạo nên nhiều hình thức hoạt động văn hóa sáng tạo mới. Với sự tham gia tích cực của các ngành công nghiệp văn hóa, các thành phần kinh tế văn hóa, dịch vụ văn hóa phát triển đã làm cho hoạt động văn hóa nghệ thuật trở nên sôi động, trong đó hoạt động sự kiện văn hóa là điểm nhấn nổi bật về sáng tạo những năm gần đây. Hoạt động sự kiện đã tạo ra nhiều hình thức nghệ thuật mới, mang tính thích ứng chuyên nghiệp cao, được công chúng yêu thích, xã hội ghi nhận.

Hội sách Hà Nội - Ảnh: Hồng Vân 

1. Tổng quan sự kiện văn hóa Hà Nội

Hoạt động sự kiện văn hóa ở thành phố Hà Nội phát triển nở rộ sau năm 2000 khi kinh tế có những bước tăng trưởng mới, hội nhập sâu rộng hơn với thế giới. Từ sự kiện cá nhân đến các sự kiện của Nhà nước đều được xã hội quan tâm đầu tư bài bản, với phạm vi sự kiện rộng, nhiều hình thức nghệ thuật mới đa dạng... từ các nội dung đề tài sự kiện phong phú gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, kinh tế, văn hóa, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp, hoạt động phi lợi nhuận... Các sự kiện văn hóa đã tạo cho Thủ đô có nhiều hình thức sự kiện, sự kiện đơn lẻ, sự kiện nhóm, chuỗi phát triển mạnh... Những năm gần đây, do cạnh tranh của thị trường sự kiện lớn, việc thúc đẩy dịch vụ sự kiện chuyên nghiệp tạo ra nhiều hình thức sự kiện mới, chủ động mở rộng hợp tác công tư nên các sự kiện phát triển thuận lợi hơn, ngay cả trong các đơn vị sự kiện. Sản phẩm sự kiện được sáng tạo ứng dụng nhiều nơi đã tác động giúp sự kiện gây được tiếng vang lan tỏa xa hơn.

Theo thống kê dân số năm 2019, thành phố Hà Nội có 9,4 triệu dân, là nơi tập trung nhiều sự kiện văn hóa lớn của cả nước, của doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, công ty, hội nhóm diễn ra thường xuyên. Đặc biệt, là sân chơi của các tổ chức sự kiện văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp ở nhiều cấp độ khác nhau; các chuyên gia đều có chung nhận định, hoạt động sự kiện ở Hà Nội những năm gần đây đã phát triển nhanh, nhiều màu sắc, có dáng vóc nghệ thuật mang tầm cao mới, và tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế văn hóa xã hội Thủ đô. Sự kiện văn hóa Hà Nội diễn ra hầu hết các tháng trong năm, mở đầu là lễ hội truyền thống mùa Xuân, ngày kỷ niệm đất nước, sự kiện triển lãm nghệ thuật, sự kiện giải trí, biểu diễn nghệ thuật và Hà Nội đã trở thành nơi hội tụ văn hóa, tiếp thu, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa nghệ thuật của cả nước.

Sự kiện văn hóa những năm gần đây được đầu tư quy mô lớn cho thấy, nhu cầu cần thiết về sự kiện cũng như ảnh hưởng của nó đến bức tranh văn hóa xã hội. Sự phát triển các dịch vụ văn hóa sự kiện cần có những sáng tạo mới để đáp ứng được nhu cầu xã hội, đồng thời cần sự quan tâm của Nhà nước và các doanh nghiệp nhằm đổi mới nhiều hơn nữa đối với các hình thức sự kiện trong giao lưu hợp tác quốc tế văn hóa ở Thủ đô.

2. Thực trạng sự kiện văn hóa ở thành phố Hà Nội

Sự kiện văn hóa ở thành phố Hà Nội diễn ra liên tục với nhiều sự kiện lớn nhỏ, quy mô hình thức sự kiện rất đa dạng, nhiều sắc thái mới với sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp quần chúng nhân dân trong xã hội.

Sự kiện văn hóa ở Hà Nội thường xuất phát từ nhu cầu dịch vụ của Nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở. Về phía Nhà nước, hoạt động sự kiện thực hiện theo kế hoạch năm, hằng năm có nhiều chương trình sự kiện lớn, nhỏ được Nhà nước đầu tư, mục đích để khuyến khích các phong trào, phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh văn hóa như Hội nghị APEC lần thứ 14, SEA Games 31… Những sự kiện văn hóa lớn luôn là trọng tâm kéo các sự kiện khác của quần chúng; phong trào hội nhập đã tạo cho sự kiện văn hóa phát triển. Các doanh nghiệp quảng cáo, công ty dịch vụ... luôn quan tâm quảng bá qua sự kiện nhằm giới thiệu sản phẩm dịch vụ với mục đích xây dựng hình ảnh thương hiệu sản phẩm, chia sẻ những giá trị văn hóa của doanh nghiệp.

Sự kiện chào mừng SEA Games 31 tại Hà Nội - Ảnh: Nam Nguyễn

Chương trình hòa nhạc Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2019 do 95 nghệ sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng London biểu diễn tại phố đi bộ Hồ Gươm. Chương trình sử dụng hệ thống âm thanh hiện đại nhất tại khu vực châu Á lúc đó (âm thanh cho phép khán giả ngồi ở khu vực sân khấu có thể cảm nhận rõ nét nhất âm thanh chuẩn xác của từng nhạc cụ như trong nhà hát, với sân khấu ngoài trời có sức chứa 1.000 người), công chúng vẫn có thể thưởng thức buổi diễn thông qua màn hình LED 400 inch được đặt tại đường Đinh Tiên Hoàng, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Buổi hòa nhạc nhằm kết nối người dân, du khách Thủ đô với nền âm nhạc thế giới, đồng thời thúc đẩy quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thông qua các chương trình nghệ thuật đỉnh cao ở không gian phố đi bộ. Sự kiện văn hóa Carnival đường phố Hà Nội 2019 tại phố đi bộ Hồ Gươm với sự tham gia biểu diễn của 80 nghệ sĩ chuyên nghiệp Việt Nam và quốc tế. Người dân và du khách đến với phố đi bộ Hồ Gươm được hòa mình trong không khí lễ hội đường phố náo nhiệt, được chiêm ngưỡng màn diễu hành tưng bừng, những vũ điệu Carnival châu Mỹ nóng bỏng, những màn trình diễn nghệ thuật hấp dẫn như múa lửa, múa trống, xiếc, cùng những giai điệu âm nhạc quốc tế sôi động. Carnival đường phố Hà Nội không chỉ mang tới cho người dân và du khách đến Thủ đô dịp cuối tuần một không khí giải trí sôi động, vui tươi mà còn là một thông điệp về sự hội nhập, phát triển của “thành phố vì hòa bình”. Những sự kiện văn hóa đó như món ăn tinh thần cho người dân và du khách Hà Nội trong những ngày hè. Sự kiện Không gian văn hóa Hàn Quốc tại phố đi bộ Hà Nội với mục đích đẩy mạnh quan hệ hợp tác giao lưu văn hóa, du lịch hai nước nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc. Chương trình sự kiện diễn ra với nhiều hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu, vui chơi, giải trí thú vị dành cho khách tham dự đặc biệt là giới trẻ. Các gian hàng văn hóa, du lịch, dịch vụ, trải nghiệm trượt tuyết, du lịch Hàn Quốc bằng kính thực tế ảo, trải nghiệm đắp người tuyết, trải nghiệm ẩm thực Hàn qua nếm thử các món ăn truyền thống của Hàn Quốc… “Lễ hội kích cầu du lịch và giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2021” tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, nhà Bát Giác, đường Lê Thạch, đường Lê Lai và Cung thiếu nhi Hà Nội với quy mô 200 gian hàng quảng bá sản phẩm kích cầu du lịch đại diện 12 tỉnh, quảng bá hàng ngàn tour du lịch, sản phẩm du lịch mới, đa dạng các hình thức khuyến mãi cũng được giới thiệu tới du khách cả nước. Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố Hàng Khay, phố Tràng Tiền, phố Hàng Bài và triển lãm áo dài trong không gian tượng đài Lý Thái Tổ, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 tối 2-12 là sự kết hợp giữa âm nhạc, ánh sáng và trình diễn áo dài 3 miền Bắc - Trung - Nam của Hà Nội - Huế - TP.HCM… Lễ hội Bia Hà Nội 2022 tại Cung thể thao Quần Ngựa tái hiện lại không gian thành phố Hà Nội mang đậm cảm hứng văn hóa và tràn đầy hơi thở giao thoa, đưa người dân Thủ đô hòa mình vào những trải nghiệm mới. Khách tham dự có cơ hội hòa mình vào từng con phố đặc trưng mang đậm màu sắc của các thương hiệu bia nổi tiếng. Chương trình “Gặp gỡ mùa Thu Hà Nội năm 2022” với sự tham gia biểu diễn của 80 nghệ sĩ âm nhạc chuyên nghiệp. Các tiết mục khai thác sự phong phú, đa dạng của âm nhạc dân tộc được thể hiện độc đáo qua các nhạc cụ truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Sự đổi thay của đất nước làm sự kiện văn hóa truyền thống có nhiều đổi thay tiếp biến trong nội dung, hình thức nghệ thuật. Lễ hội truyền thống tiếp tục duy trì mở rộng với quy mô sự kiện ngày càng rầm rộ, được xã hội hóa rộng rãi như: lễ hội đền Sóc (Phù Linh, Sóc Sơn) tổ chức vào tháng Giêng âm lịch, ca ngợi công ơn của Thánh Gióng đã có công đánh đuổi giặc Ân. Sự kiện đã thu hút số đông người tham gia, nghi thức lễ, hội được cộng đồng dân cư tham dự nhiệt tình với niềm tự hào tâm linh của người Việt Nam trong con mắt của người nước ngoài. Cứ vào đầu xuân, Hà Nội lại diễn ra rất nhiều sự kiện lễ hội truyền thống mang nhiều sắc màu của dân tộc Việt. Bên cạnh sự kiện truyền thống xuất hiện, nhiều sự kiện văn hóa hiện đại mới được đầu tư bài bản, tạo sức lan tỏa cho một nền văn hóa mang bản sắc Việt Nam riêng biệt, đó là các chương trình thể hiện nội dung rõ ràng, nhằm quảng bá hình ảnh đoàn kết thúc đẩy Việt Nam phát triển như: lễ hội đường phố quảng bá du lịch tại Hà Nội, lễ hội Hoa Ban - Điện Biên, lễ hội Hoa Phượng - Hải Phòng...

Các sự kiện Team building những năm gần đây được ưa chuộng, các đơn vị sự kiện chuyên nghiệp đã đưa ra những kế hoạch cụ thể, hoạt động sự kiện nhóm, tạo nên sự tương tác giữa cá nhân tập thể đã thôi thúc mọi người tham gia hành động. Team building được tổ chức với nhiều hình thức khác nhau riêng lẻ, kết hợp, nhằm tạo nên thông điệp phù hợp với các hoạt động như biểu diễn nghệ thuật, hội nghị, tiệc cưới... Sự phát triển của doanh nghiệp sự kiện đã gắn kết các hoạt động văn hóa, đem lại lợi ích kinh tế, văn hóa, gắn kết mối quan hệ mật thiết các nhóm xã hội như Team building của công ty qua hoạt động văn hóa ngoài trời nhằm gắn kết các thành viên trong sinh hoạt cộng đồng văn hóa Việt.

3. Những yếu tố vĩ mô tác động đến sự kiện văn hóa

Để tổ chức thành công một sự kiện, các đơn vị tổ chức sự kiện thường sử dụng tối ưu các nguồn lực, nhân lực, vật lực, nghệ thuật, cung ứng dịch vụ trung gian, khách hàng cốt lõi, khách hàng tiềm năng, nhà đầu tư sự kiện và những yếu tố liên quan khác có liên quan chặt chẽ đến đơn vị tổ chức sự kiện và sự kiện có ảnh hưởng trực tiếp đến quy trình tổ chức sự kiện. Các yếu tố bên trong doanh nghiệp tổ chức như nguồn lực của nhà tổ chức sự kiện (resource), nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, kinh nghiệm tổ chức sự kiện, các mối quan hệ với nhà cung ứng dịch vụ, với chính quyền địa phương… để có thể thực hiện triển khai được các sự kiện. Cung ứng dịch vụ bổ trợ sự kiện như địa điểm - nơi tổ chức sự kiện, cách thức phục vụ, hình thức giải trí, phong cách trang trí, âm thanh ánh sáng, sử dụng các kỹ xảo hiệu ứng đặc biệt... Sự thay đổi bất kỳ từ nhà cung ứng sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động sự kiện. Khách hàng là đối tượng chính mang lại nguồn thu cho đơn vị tổ chức sự kiện, những đòi hỏi của khách hàng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tổ chức sự kiện. Công ty tổ chức sự kiện luôn phải tạo ra các sự kiện phù hợp với nhu cầu khách hàng đặt ra.

Các công ty sự kiện luôn phải quan tâm đến đối thủ cạnh tranh để đưa ra các chính sách, cạnh tranh hợp lý với quy luật cung cầu trong xã hội. Quá trình cạnh tranh này sẽ ảnh hưởng đến sự kiện, ảnh hưởng đến kinh phí, chương trình, ý tưởng... do tác động từ đối thủ cạnh tranh.

Chính quyền cư dân nơi diễn ra sự kiện được giới hạn trong một phạm vi địa lý nào đó và chịu ảnh hưởng trong thời gian tiến hành sự kiện, phạm vi giới hạn lớn hay nhỏ còn tùy theo mức độ ảnh hưởng cũng như quy mô của sự kiện. Phạm vi này có thể là xóm thôn, phường xã, tại một cơ quan, hay trường học rộng hơn có thể là một thành phố, điểm du lịch, vùng lãnh thổ, quốc gia… Chính quyền cư dân nơi diễn ra sự kiện có thể ủng hộ hoặc hạn chế các hoạt động nơi tổ chức sự kiện, có thể tạo thuận lợi hoặc gây khó khăn cho doanh nghiệp khi tổ chức thực hiện. Để tổ chức thành công một sự kiện, doanh nghiệp phải tạo lập, duy trì và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền nơi diễn ra sự kiện.

Các yếu tố vĩ mô trong tổ chức sự kiện là các lực lượng mang tính xã hội rộng lớn có tác động ảnh hưởng tới hoạt động tổ chức sự kiện.

Môi trường nhân khẩu sự kiện được xác định là dân số, quy mô, mật độ, nhận thức văn hóa, phân bố dân cư, tuổi tác, giới tính, sắc tộc, nghề nghiệp... là đối tượng tạo ra các loại dịch vụ thị trường về sự kiện. Chính vì vậy, môi trường nhân khẩu là mối quan tâm hàng đầu cho các nhà hoạt động marketing dịch vụ sự kiện văn hóa. Những khó khăn thường gặp là sự cạnh tranh giữa các tổ chức hoạt động quảng cáo sự kiện gây nhiễu loạn thông tin sự kiện, làm cho việc xây dựng thương hiệu trở nên khó khăn hơn, ảnh hưởng tài chính đầu tư cho quảng cáo sự kiện nhiều và tốn kém... những cạnh tranh này ngày càng trở nên mạnh mẽ.

Tác động từ bối cảnh bên ngoài khó đoán định, sau gần ba năm phòng chống dịch COVID-19 quyết liệt ở Hà Nội (2020-2022), đã làm cho các sự kiện văn hóa hầu như bị ảnh hưởng hoàn toàn. Cùng với cuộc chiến Nga - Ukraina đã làm cho tình hình kinh tế thế giới - Việt Nam khó khăn, kéo theo hệ lụy kinh tế, đồng thời gây tác động không nhỏ đến các sự kiện văn hóa ở Hà Nội. Tuy nhiên, xu hướng về cuối năm 2022 diễn biến khả quan hơn, dịch vụ sự kiện văn hóa có xu hướng hoạt động trở lại.

4. Đánh giá chung

Những năm gần đây, các tổ chức văn hóa doanh nghiệp, hội nhóm, tổ chức phi lợi nhuận hoạt động ngày một tăng, sự kiện văn hóa đã khởi sắc và thể hiện tốt hình thức sự kiện nghệ thuật văn hóa nâng cao tính chuyên nghiệp. Các sự kiện văn hóa đã trở nên hiện đại cùng những giá trị văn hóa truyền thống địa phương được nâng lên tầm cao mới, tạo nên những hình thức nghệ thuật sự kiện sáng tạo với những sắc thái mới.

Tiếp thu giá trị văn hóa chọn lọc, ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào các chương trình sự kiện đã làm thay đổi hình thức nội dung sự kiện, làm cho nghệ thuật sự kiện trở nên sống động hiệu quả. Đây là những bước tiến mới trong những năm gần đây, đã tạo nên dấu ấn cho chương trình sự kiện văn hóa, đảm bảo tính hiệu quả, mục tiêu đề ra trong hoạt động sự kiện văn hóa ấn tượng tại ở Hà Nội; đồng thời, đáp ứng được tính chuyên nghiệp trong phân khúc thị trường sự kiện. Dịch vụ sự kiện văn hóa đã khẳng định được vị trí tầm quan trọng của nó và đó là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân. Sự kiện văn hóa phát triển đã thu hút được lượng du khách lớn trong hoạt động văn hóa là động lực cho các nhà đầu tư sự kiện phát triển du lịch ở Thủ đô. Sự phô diễn sự kiện văn hóa thường tồn tại dưới dạng một sản phẩm văn hóa sáng tạo, quy trình từ kịch bản nghệ thuật dưới sự chỉ đạo của người dẫn, sản phẩm sự kiện được thể hiện qua lời dẫn chương trình, biểu diễn nghệ thuật ca múa nhạc, trang trí mỹ thuật, âm thanh, ánh sáng... nếu không đồng bộ sẽ không mang lại hiệu quả sản phẩm sự kiện.

 Sự kiện văn hóa là tổ hợp của các yếu tố văn hóa xã hội như ý thức, vật chất, thể chế, tài chính, công nghệ, luật pháp, con người, thiết bị... Sự kiện văn hóa diễn ra sẽ có tác động đến hầu hết các mặt đời sống xã hội, các cá nhân, cộng đồng chủ thể các bên liên quan sự kiện trong đó có tác động mong muốn và không mong muốn. Trên thực tế, sự kiện văn hóa diễn ra có thể làm thay đổi đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng, miền, đất nước. Những sự kiện văn hóa có quy mô ảnh hưởng lớn thì tác động của nó sẽ có hệ quả xã hội càng lớn.

Sự kiện văn hóa chuyên biệt như các triển lãm mỹ thuật, trình diễn thời trang ca nhạc, lễ hội, du lịch, cưới hỏi... mỗi sự kiện sẽ có tác động khác nhau đến đối tượng công chúng riêng của nó, các đơn vị sự kiện gồm nhiều ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau. Do vậy, thành phần tham dự sự kiện công chúng sẽ khác nhau.

Quy luật xã hội phát triển thì nhu cầu tổ chức sự kiện ngày một tăng, các thành phần trong xã hội đều có nhu cầu về tổ chức sự kiện. Vậy, tổ chức cácsự kiện phải vận động thích ứng với yêu cầu mới đặt ra như sáng tạo sự kiện, hình thức, tính mới, hợp tác giữa các đơn vị sự kiện, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đầu tư tài chính... thì mới đáp ứng được nhu cầu sự kiện trong các tổ chức Nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân. Các đơn vị tổ chức sự kiện phải có khả năng chuyên biệt, ứng biến mới làm cho những sáng tạo sự kiện trở nên ấn tượng, cùng với xây dựng truyền thông sự kiện qua thông điệp cho phù hợp từng sự kiện. Đồng thời, việc hoàn thiện chất lượng nghệ thuật trong các tổ chức sự kiện sẽ làm cho xã hội có nhu cầu càng nhiều hơn về sự kiện văn hóa.

______________

Tài liệu tham khảo

1. Bùi Quang Thắng, Tổ chức lễ hội như là tổ chức sự kiện, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 318 (tháng 12), 2010, tr.24-31.

2. Đoàn Minh Châu, Cấu trúc lễ hội đương đại, Nxb Khoa học xã hội, 2011.

3. HêLen Marriage, Quản lý festival nghệ thuật, (tài liệu - Quỹ Ford), Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2003.

4. Kế hoạch Tổ chức Lễ hội Hoa Ban năm 2021 và Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch Điện Biên lần thứ VII, UBND tỉnh Điện Biên, 2021.

5. Lưu Văn Nghiêm, Tổ chức sự kiện, Nxb Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2012.

6. Nguyễn Quang Lê (chủ biên), Khảo sát thực trạng Văn hóa Lễ hội truyền thống của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001.

7. Nguyễn Văn Hậu, Tổ chức sự kiện theo chuẩn mực văn hóa, Nxb Lao động, 2015.

8. PV, Kích cầu du lịch Thủ đô sau dịch COVID-19 với “Lễ hội du lịch và văn hóa ẩm thực Hà Nội 2021”, baotintuc.vn, 3-4-2021.

9. Lê Nam, Nhiều sự kiện đặc sắc tại Lễ hội Áo dài du lịch Áo dài du lịch Hà Nội 2022, kinhtedothi.vn, 26-11-2022.

10. Quỳnh Anh, Sự kiện Lễ hội Bia Hà Nội 2022, laodong.vn, 30-11-2022.

11. V.H, Gặp gỡ mùa Thu Hà Nội năm 2022, cadn.com.vn, 10-10-2022.

TS HOÀNG MINH CỦA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 521, tháng 1-2023

;