Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào là quốc gia có nhiều di tích, cổ vật nằm rải rác ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, phản ánh sự hình thành và kế thừa hàng ngàn năm lịch sử, văn hóa, trí tuệ và niềm tin của cộng đồng dân cư địa phương. Các di sản ấy đã trở thành tài nguyên văn hóa quan trọng đối với quốc gia và nhân dân. Trong bài phát biểu tại Đại hội lần thứ IV Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã nói: “Việc quản lý bảo tồn văn hóa như: phong cách sống, tập quán và tín ngưỡng thành di sản văn hóa có giá trị của quốc gia; là điều cần thiết cơ bản của nhân dân lao động. Dân tộc Lào là dân tộc có lối sống gắn liền với thiên nhiên, như văn hóa nông nghiệp, thủ công nghiệp và tôn thờ đạo Phật, một nền văn hóa hài hòa giữa văn hóa nông nghiệp, thủ công nghiệp và niềm tin tín ngưỡng có từ hàng ngàn năm trên mảnh đất rộng lớn này”.
1. Thực trạng việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở Viêng Chăn
Nghị quyết về văn hóa trong thời kỳ mới được thông qua tại Hội nghị toàn quốc lần thứ 9 Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa V), ngày 1-10-1994, đã xác định nhiệm vụ của việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa như sau: “Bảo vệ, phục hồi, phát triển và sử dụng giá trị di sản văn hóa hợp tình hợp lý, trước hết là trong nghệ thuật, nghệ thuật học, cổ vật, khảo cổ học, các địa cổ, nơi tôn nghiêm, địa danh quan trọng về lịch sử, cảnh quan, truyền thống và bản sắc văn hóa quốc gia để trở thành nguồn kiến thức và là địa danh du lịch văn hóa của quốc gia...”.
Hiện nay, Lào đang trong thời kỳ của quá trình chuyển đổi, không chỉ trên phương diện kinh tế, mà còn tác động lớn cả về phương diện xã hội. Việc mở cửa và phát triển đất nước hiện nay đã làm cho môi trường tự nhiên và cảnh quan đô thị có sự thay đổi không nhỏ, đây là điều không thể tránh được. Trước vấn đề trên, Chính phủ Lào gặp khó khăn trong việc tạo ra sự cân bằng giữa thực hiện công cuộc hiện đại hóa đất nước, nâng cao mức sống của người dân, đồng thời, vẫn phải bảo vệ, gìn giữ được nguồn gốc và bản sắc văn hóa của dân tộc. Tình hình bảo vệ, gìn giữ và bảo tồn di sản quốc gia của CHDCND Lào nói chung và Thủ đô Viêng Chăn nói riêng thể hiện trên một số góc độ sau:
Một là, sự thay đổi ở Lào hiện nay, đặc biệt về kinh tế, thương mại cùng với việc mở rộng đầu tư nước ngoài và phát triển du lịch ngày càng tăng, dẫn đến sự thay đổi xã hội. Vì vậy, các quyết định của Chính phủ sẽ không hiệu lực nếu quần chúng nhân dân không thấm nhuần và không có ý thức trách nhiệm, đặc biệt cấp địa phương và cấp tỉnh, nếu không có biện pháp tuyên truyền, giáo dục thiết thực.
Một vấn đề phức tạp nữa là có rất nhiều bộ, ngành liên quan cùng tham gia và có liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản, như: Bộ Giao thông và Công chính, Bộ Giáo dục và Thể thao, Bộ Công - Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường, Cơ quan Bản đồ thành phố, Tổ chức Tôn giáo, Bộ An ninh, Bộ Nội vụ... nhưng lại thiếu sự phối hợp hài hòa theo thẩm quyền và trách nhiệm. CHDCND Lào đã thành lập Ủy ban Di sản quốc gia, có nhiệm vụ thúc đẩy việc tổ chức thực hiện công tác theo các quy định được nêu trong Nghị quyết của Chính phủ và có trách nhiệm ngăn chặn đối với các sự việc vi phạm quy chế về bảo vệ di sản quốc gia của tỉnh, địa phương, tư nhân.
Hai là, việc sửa chữa, trùng tu thiếu tính khoa học, hiểu biết chuyên môn đặc thù, dẫn đến trùng tu tùy tiện, không tôn trọng môi trường, làm mất giá trị lịch sử của các di sản. Đối với các vấn đề trên, Cục Bảo tàng và Cổ vật trước đây, nay là Cục Di sản - Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch, vẫn chưa có phương án, giải pháp hiệu quả nào để kiểm tra, quản lý và đấu tranh chống lại những hành động gây thiệt hại này.
Ba là, chúng ta nhận thấy rằng, việc mở cửa phát triển đất nước không thể tránh khỏi sự thay đổi môi trường tự nhiên và cảnh quan đô thị. Hiện nay, ở nhiều ngóc ngách, đường phố, đặc biệt là ở thủ đô Viêng Chăn, có vô số các tòa nhà kiến trúc với nhiều kiểu dáng khác nhau, đa dạng màu sắc, rất phong phú mà không phù hợp với môi trường hay tập quán địa phương. Việc xây dựng các tòa nhà theo kiểu dáng kiến trúc nước ngoài này được rất nhiều người yêu thích nhưng là họ không biết được đâu là thẩm mỹ, đâu là sự phô trương giàu có.
Chính quyền không thể ép người dân theo một kiến trúc lịch sử nào cũng không thể bắt buộc họ chấm dứt việc tu bổ, xây dựng. Có điều chắc chắn rằng, việc xây dựng hành lang pháp lý, quy chế và luật pháp là điều cần thiết và ưu tiên lớn của quốc gia, đặc biệt để ứng phó kịp thời với những áp lực từ bên ngoài và trước tham vọng, lợi ích cá nhân của một ai đó. Tuy nhiên, văn hóa là một thực tế của sự tiến hóa, biến động của xã hội và do đó, rất khó xác định các tiêu chí và điều kiện áp dụng chính xác cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản chung.
Bốn là, trong vấn đề bảo tồn di sản, một rào cản khác không nhỏ, đó là sự mai một các nghề truyền thống. Việc làm cần thiết là phải xem xét lại về vấn đề này bằng cách khảo sát kiểm kê, thu thập dữ liệu trên phạm vi toàn quốc, đánh giá thế mạnh của từng địa phương trong việc bảo vệ di sản văn hóa, bao gồm cả phần khảo sát của chuyên gia nước ngoài nhằm khuyến khích mạnh mẽ việc chuyển giao chuyên môn, kiến thức; cũng như sớm khắc phục sự thiếu hiểu biết của Ban phụ trách.
Năm là, di sản văn hóa của CHDCND Lào bao gồm nhiều dân tộc, bộ tộc và những phong tục, tập quán, sự đa dạng này chính là tài sản phong phú giàu có của đất nước. Nhưng dưới góc độ bảo tồn, việc thống nhất chặt chẽ sự đa dạng là rất khó, khi sự phát triển đô thị hóa một cách tự nhiên vẫn diễn ra hằng ngày. Mặt khác, chúng ta cũng không thể thay đổi đất nước để trở thành bảo tàng về phong tục tập quán. Phải luôn cố gắng kiểm soát sự thay đổi và duy trì sự đa dạng tự nhiên không để bị mất đi, tạo sự hài hòa giữa cái cũ và cái mới, giữa dân tộc này với dân tộc khác, giữa thủ đô và các tỉnh thành để có thể kiên định giữ vững sự giàu có của phong tục tập quán trong một khối thống nhất của quốc gia mà không xung đột với hiện đại.
2. Giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở Viêng Chăn
Trên cơ sở điều tra thực trạng của công tác bảo tồn, giữ gìn di sản văn hóa và di tích lịch sử của nước CHDCND Lào nói chung và thành phố Viêng Chăn nói riêng, trước mắt, chúng tôi đưa ra một số giải pháp sau đây:
Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, xác định chính xác giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của các di tích đó và tiến hành khoanh vùng các đối tượng cần phải bảo vệ: bao gồm toàn bộ khung cảnh thành phố xưa và các loại di tích thủ đô Viêng Chăn.
Đây là nhân tố quan trọng có ý nghĩa then chốt, quyết định và cần được tiến hành trước tiên. Phải nhận định rằng, dân trí của nhân dân hiện nay đã nâng cao hơn trước, phương tiện thông tin đại chúng khá sắc bén, công cuộc kiến thiết ngày một gia tăng, nên cần thiết phải khảo sát và nghiên cứu, lấy kết quả khoa học phục vụ quần chúng nhân dân có được giá trị lịch sử văn hóa của Lào một cách khoa học, chính xác và có giá trị thẩm mỹ cao.
Triển khai kiểm kê, phân loại cụ thể theo giá trị của từng di tích, lựa chọn các di tích tiêu biểu có giá trị để lập hồ sơ xin Nhà nước xếp hạng.
Một di tích chỉ có trong tay một hồ sơ di tích đã được kiểm kê, phân loại khảo tả và nghiên cứu khoa học thì việc quản lý di tích mới có khoa học, việc xếp hạng, bảo tồn và phát huy di tích mới có thể thực thi một cách trôi chảy được.
Tăng cường công tác giáo dục một cách toàn diện trong nhân dân, vì dân và vì sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của cộng đồng dân tộc, quốc gia.
Một mặt tuyên truyền giáo dục đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, mặt khác tuyên truyền pháp luật bảo vệ di tích tới quảng đại quần chúng nhân dân lao động và ý nghĩa, giá trị khoa học của di tích văn hóa. Đây là công việc thường trực của mỗi cán bộ bảo tàng, không chỉ thông qua sách vở, báo, đài, truyền hình mà còn cả những đợt công tác ngắn ngày ở các bản làng xa xôi. Chỉ có như vậy, nhân dân mới tự giác tham gia công tác phát hiện, bảo vệ di tích, ngăn chặn kịp thời các hành động phá hoại và sự xuống cấp của di sản văn hóa dân tộc.
Tu bổ tôn tạo di tích kết hợp với khai thác di tích một cách hợp lý.
Điều khó khăn lớn nhất hiện nay là di tích xuống cấp nghiêm trọng nhưng kinh phí tu sửa thì không đáp ứng. Một số cơ quan du lịch Trung ương hoặc địa phương thường khai thác di tích lịch sử văn hóa mà không có đầu tư thích đáng. Những di tích cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp của cơ quan du lịch đăng ký khai thác chúng. Đó là biện pháp hữu hiệu để có ngân sách cho việc trùng tu di tích. Tuy nhiên, khi có kinh phí, việc trùng tu di tích phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc bảo tồn nguyên trạng. Không thể chạy theo thị hiếu nhất thời, thương mại hóa mà gây tổn hại đến di tích.
Phân cấp quản lý một cách cụ thể.
Các tổ chức ở địa phương như: Hội Tôn giáo Lào; Ủy ban thủ đô; Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch; Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch thủ đô... cần phối hợp với nhau để động viên phong trào, có chính sách, chế độ đãi ngộ thích đáng với những điển hình tiên tiến, đồng thời nghiêm khắc xử lý đối với những kẻ xâm phạm di tích.
Phải tiến hành thành lập trung tâm quản lý di tích trực thuộc UBND Thủ đô Viêng Chăn và các cơ quan văn hóa, bảo tàng. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức và quản lý việc trùng tu, tôn tạo các di tích và tham mưu cho các lãnh đạo trong việc lựa chọn những biện pháp tối ưu nhằm bảo tồn, phát huy di tích. Các cơ quan ban ngành phải có sự kết hợp hoạt động đồng bộ vì đó là lợi thế để cho ngành kinh doanh du lịch vừa có hiệu quả, vừa giữ được nét văn hóa trong thời gian khai thác.
Lập thứ tự ưu tiên và tập trung kinh phí đối với các di tích bị hư hại nghiêm trọng cần phải được tu bổ, tôn tạo trong khi chưa có đủ điều kiện về kinh phí để tiến hành các công việc tu bổ đồng loạt nhằm hạn chế sự xuống cấp và nguy cơ bị phá hoại một số di tích có giá trị đặc biệt.
Đào tạo và tập huấn đội ngũ cán bộ nhân viên chuyên ngành bảo tồn, bảo tàng và quản lý di tích. Đây là một giải pháp nhằm tạo ra khả năng đáp ứng những nhu cầu mà hoạt động bảo tồn đòi hỏi. Bao gồm việc đào tạo cán bộ quản lý văn hóa, bảo tồn di tích và hướng dẫn viên tại di tích.
Quy hoạch khu du lịch là vấn đề quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển văn hóa, đặc biệt là các công trình kiến trúc Phật giáo. Cần có giải pháp mang tính chiến lược lâu dài cho cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, điện, nước và khu du lịch tại chùa.
Tác giả: Somkiethtisak Kingsada
Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9 - 2019