Trước năm 1975, nghệ thuật ở Nam Bộ ít được chú trọng nghiên cứu so với ở các vùng miền còn lại trong cả nước. Chiến tranh và tình trạng hoang hóa kéo dài đã trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu vùng đất này nói chung, nghệ thuật ở nơi đây nói riêng. Xét ở góc độ địa lý, Nam Bộ là vùng đất trũng thấp, có một lượng lớn phù sa bồi đắp hàng năm nên nhiều dấu vết nghệ thuật cổ trên vùng đất này vô tình bị thiên nhiên vùi lấp. Điều này dẫn đến việc thiếu những chứng cứ khảo cổ thuyết phục cho công tác nghiên cứu, thậm chí có không ít những thái độ e dè, ngại khó khi tiếp cận các vấn đề nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Nam Bộ cổ.
Tuy nhiên, công tác nghiên cứu miền đất trù phú này cũng đã đạt được nhiều thành tựu, đáng kể có việc chứng minh được sự tồn tại của một nhà nước Phù Nam phát triển ở những thế kỷ đầu tiên sau CN. Nhiều giá trị nghệ thuật cũng được khẳng định và trong đó không thể không kể đến nhóm tượng phật gỗ phát hiện ở Đồng Tháp Mười. Nhóm tượng này được cho là gồm những tượng phật gỗ ra đời sớm và duy nhất Đông Nam Á cho đến thời điểm hiện tại, trong đó tượng Bình Hòa là một tiêu bản điển hình cho nghệ thuật điêu khắc tượng Phật, một viên ngọc của nghệ thuật phật giáo Phù Nam.
Đầu năm 1945, tượng phật bằng gỗ được phát hiện tại Bình Hòa, phía bắc của Đồng Tháp Mười, nên các nhà khảo cổ đã lấy tên địa danh đặt cho tượng. Năm 1947, tượng được đưa về bảo tàng Sài Gòn (Museé de Saigon) với số đăng ký MBB 4840 (nay là bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh với số đăng ký BTLS 1618). Năm 1957, tượng được định niên năm 467. Nếu tính niên đại theo khoảng giới hạn thì tượng có niên đại trong khoảng năm 317 đến năm 617, tức là từ TK IV đến thế kỷ VII. Tuy nhiên, nhà khảo cổ học người Pháp nổi tiếng đương thời Louis Malleret cho rằng, niên đại tượng theo khảo cổ học là TKVI. Tượng cao 134cm, đường kính bệ 38cm, cân nặng 73kg, được làm bằng gỗ bằng lăng. Năm 2014, tượng được công nhận là bảo vật quốc gia.
Giá trị trước tiên của tượng phải kể đến là tính nguyên vẹn. Tượng là tiêu bản điển hình của phong cách tượng Phật đứng thời kỳ Phù Nam. Bên cạnh đó, cho đến hiện tại, trên toàn khu vực Đông Nám Á chưa có phát hiện tương tự về hình mẫu và số lượng tượng gỗ tập trung nhiều như đã phát hiện tại Đồng Tháp Mười. Vì vậy, sự độc nhất vô nhị này càng làm tăng thêm giá trị của pho tượng.
Tượng Bình Hòa mang đặc điểm phong cách nghệ thuật Amaravati vùng Nam Ấn. Tượng đứng trên bệ sen, thân mặc áo choàng dài lệch vai trái, để lộ vai phải, tay phải trong tư thế ban phúc, tay trái nâng lên đỡ vạt áo. Đầu tượng bị mòn nhưng có thấy tóc xoắn ốc, nhỏ, có phần nhô cao của chỏm Usnisha. Nhìn tổng thể, mặt tượng không dài mà có khuynh hướng bầu tròn. Cổ không lớn nhưng hơi ngang, vai gần ngang, eo thon, bụng phình nhẹ, bàn chân to, thô, chân nhìn thấy rõ năm ngón. Trán rộng, mày cong, mắt khép hờ. Sống mũi thanh mảnh, cao trung bình, đầu mũi nhỏ. Miệng nhỏ, mỉm cười, mép phải hơi nhếch lên. Chót cằm nhọn, má hơi bầu. Nhìn nghiêng trông có vẻ đầy đặn. Tất cả tạo thành hình tướng đức giáo chủ Phật giáo đĩnh đạc, thanh thoát và từ bi.
Sau thời kỳ phi thánh tượng kéo dài 6 thế kỷ (TK V trước CN - TKI), hình mẫu tượng phật đứng ở Amavarati là hình mẫu tượng phật đứng đầu tiên được xây dựng theo một quy tắc nghiêm ngặt. Hình tướng đức Phật được tạc dựa theo 32 tướng tốt của Đức A di đà trong kinh Phật. Triết lý đạo đức, từ bi, thuần khiết của đức Phật phải được biểu hiện và đồng nhất biểu thị ở hình tướng bên ngoài. Chính những quy tắc nghiêm ngặt đó trói buộc người nghệ nhân theo một khuôn mẫu nhất định, không chấp nhận mọi sự sáng tạo đi sai lệch quy tắc ban đầu. Điều này làm cản trở những sáng tạo mới trong nghệ thuật điêu khắc tượng Phật. Ta thấy rõ hầu hết các tượng phật ở Sri Lanka trong TKIV đều được sao chép nguyên mẫu phong cách Amaravati, một phần lý do Sri Lanka có mối quan hệ sùng đạo và hầu như rất gần gũi với nghệ thuật vùng Decan (Nam Ấn), nhất định tuân thủ nghiên ngặt qui tắc tạc tượng nguyên mẫu là điều dễ hiểu. Không xa hơn, ở tượng phật Đồng Dương nổi tiếng, các nhà nghiên cứu từng đưa ra giả thuyết cho rằng tượng có thể được mang từ Sri Lanka đến bởi có nhiều điểm giống nhau giữa tượng Đồng Dương và nguyên mẫu tượng Sri Lanka.
Tuy nhiên, với tượng Bình Hòa, nghệ nhân vẫn áp dụng quy tắc tạc tượng phong cách Amaravati, đồng thời có những sáng tạo riêng mang tính bản địa của cư dân Nam Bộ cổ: Thứ nhất, tượng Bình Hòa sử dụng gỗ bằng lăng sẵn có tại địa phương. Bằng lăng là loại gỗ thân lớn, dẻo, bền, phù hợp dùng để tạc tượng. Chọn lựa một vật liệu gần gũi, tận dụng mọi tài nguyên sẵn có, trong điều kiện Nam Bộ thiếu những vật liệu bền vững như đá, kim loại, sự lựa chọn này là một quá trình lao động và sáng tạo nghiêm túc. Thứ hai, ngoài việc bám sát các đặc điểm cốt lõi như dáng đứng trên bệ sen, tay bắt ấn, thân khoác áo choàng dài lệch vai để lộ vai phải, phần nếp áo choàng được người Phù Nam sáng tạo khác so với nguyên mẫu. Thay vì lớp áo gợn sóng song song mượt mà từ đầu đến chân, để cố tình che đi sự thể hiện của cơ bắp, nghệ nhân Phù Nam đã giản lược đi các lớp gợn sóng và thay bằng lớp áo mỏng, ôm sát thân, để lộ rõ phần gấu áo ngang bụng, độ lõm sâu để lộ hai chân căng tròn. Sự khác biệt này cho phép ta liên tưởng đến các tượng phong cách Gupta (TK VI), theo triết lý yoga, ngực phồng to bởi làn hơi thở giữ lại trong lồng ngực, eo thóp lại, áo sát thân lộ rõ cơ thể rắn chắc. Tuy nhiên, lối thể hiện khỏe khoắn này có thể là những sáng tạo riêng của chính nghệ nhân Phù Nam bởi hai lý do: Sự căng tràn trong cơ bắp của tượng Phù Nam không làm mất đi vẻ thanh thoát, thánh thiện của đức A di đà, nhìn từ tổng thể pho tượng; triết lý nghệ thuật Gupta trưởng thành từ hai trường phái Mathura và Gandhara, theo tông phái Đại thừa, có xu hướng truyền bá về phía Bắc Ấn hơn là về phía Nam Ấn, trong khi trường phái Amaravati theo tông phái tiểu thừa, tôn thừa giáo lý Phật giáo nguyên thủy, cơ hội gặp nhau và ảnh hưởng nhau giữa hai phong cách trong giai đoạn TKVI là hơi sớm. Nếu có chăng là sự kết hợp giữa hai phong cách Amaravati và Gupta trên tượng Bình Hòa thì đây là sự kết hợp tài tình của các nghệ nhân tạc tượng Phù Nam. Còn nếu đó là sự sáng tạo riêng của cư dân Phù Nam thì những biểu hiện trên tượng Bình Hòa được xem như là điểm tương đồng về nghệ thuật giữa một bên là một quốc gia mới thành lập, một bên là quốc gia có nền nghệ thuật phát triển lâu đời. Điều này cho thấy nghệ thuật tạc tượng phật Phù Nam đã đạt tới một trình độ nhất định.
Nghệ thuật Phật giáo không bao giờ quay lại những phong cách cũ nhưng ta có quyền, có nhiệm vụ kế thừa và phát huy nó, có quyền tự hào về nó. Trong xu hướng toàn cầu hóa nghệ thuật, đã đến lúc mà ta cần xem xét đến vai trò của biểu tượng văn hóa, nhất là các biểu tượng văn hóa thiêng liêng từ quá khứ. Bản thân người viết bài chưa từng thấy một sự mô phỏng tượng Phù Nam nào được chế tác và trưng bày. Đa số các tượng được tạc dưới sự ảnh hưởng của phong cách Gupta và Trung Hoa, nó nhiều đến nỗi trở thành một trào lưu. Hàng ngàn năm trước, tổ tiên chúng ta đã từng có những bước tiến vượt bậc trong nghệ thuật thì ngày hôm nay chí ít, chúng ta cũng vì mục đích thể hiện tình đoàn kết với chính quá khứ của mình mà ra sức nghiên cứu, tìm hiểu, ôn lại lịch sử đó. Hy vọng nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng, trong thời gian tới, sẽ mở ra một hướng đi khác, vừa truyền thống hơn lại vừa mới mẻ hơn.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 383, tháng 5-2016
Tác giả : NGUYỄN PHƯỚC HOA ĐĂNG