Tương đồng và khác biệt trong văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An

     Ở miền Tây Nghệ An có 5 tộc người thiểu số gồm: Thái, Thổ, Khơ mú, Mông và Ơ đu. Mỗi tộc người đều có những nét văn hóa đặc sắc, tạo nên một vùng văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc. Nói đến văn hóa vật chất, người ta thường nhắc tới: ăn, ở, mặc. Bên cạnh đó cũng đề cập tới: đồ gia dụng, nhạc cụ, kiến trúc dân gian, công cụ sản xuất, phương tiện vận chuyển và đi lại… Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi chỉ đề cập đến sự tương đồng và khác biệt giữa các tộc người qua khía cạnh: ăn, ở và mặc.

 

     1. Ăn, uống

     Các tộc người thiểu số ở miền Tây Nghệ An thường sử dụng gạo, ngô, khoai, sắn, kê, củ mài, bột báng, củ nâu; các loại thịt, cá, ếch nhái, tôm, cua, côn trùng, nhuyễn thể; các loại rau măng… trong bữa ăn hằng ngày. Họ thường luộc, xào, nấu, đồ, nướng, vùi gio bếp, sấy khô, lam, rang, canh; làm chua, nộm, tái, moọc, lạp, ăn ghém, nặm pịa... Các món ăn của họ không quá cầu kỳ, ít mỡ, quen sử dụng muối, mắm. Một số món ăn vừa bổ dưỡng, vừa là vị thuốc cho sức khỏe. Khi có khách hay có việc hệ trọng, nam giới thường nấu ăn, nữ chỉ đồ xôi, nhặt rau cỏ, chuẩn bị bát đĩa, mâm.

     Các tộc người thiểu số ở miền Tây Nghệ An đều uống rượu cần, rượu trắng. Trước đây, sau bữa cơm, phụ nữ, trẻ em thường uống nước lã (nước suối, nước mỏ); đàn ông uống nước chè. Rượu cần chỉ uống trong các dịp lễ tết, cưới xin, lên nhà mới, cúng tạ ơn tổ sư nghề trong lễ xăng khan/ ki xà. Sau này, họ phổ biến uống rượu trắng.

     Các tộc người cũng có những nét đặc trưng riêng trong cách ăn, mặc, ở. Đối với người Thái, họ có xôi đồ, cơm lam, bánh chưng, cơm tẻ; xôi trộn vừng đen, xôi trộn thịt gà, xôi sắn, xôi nướng, xôi ngô, xôi cốm, xôi kê; các loại xôi màu (xôi cẩm, xôi tím, xôi gấc); ngô, sắn độn đồ; bánh rán, sừng bò... Họ chế biến những món ăn từ thịt (nấu canh, luộc, muối chua, rang, lạp, moọc, nướng, sấy, gác bếp); cá (nướng, nấu canh chua trộn tấm, rang, muối chua, gác bếp, lam, moọc, lạp, vùi gio, chẻo, đồ), côn trùng (rang, nấu măng chua), rau măng (nấu canh, đồ, nộm, muối chua, ăn ghém, moọc rêu, chấm mắm tôm)… Người Thái uống rượu trắng là chủ yếu. Trong bữa ăn, nam giới ngồi mâm thấp, gian phía ngoài; nữ ngồi ghế mây mâm cao, gian phía trong. Người cao tuổi, khách ngồi phía trên, mâm thấp. Xưa, mỗi người có bát canh riêng, chung ép xôi, đĩa muối ớt, nay canh, đĩa muối ớt và nước chấm chung, bát cơm riêng, vừa ăn, vừa uống rượu. Trong bữa ăn, họ kiêng gõ vào bát đĩa, tuyết đối không để tóc lẫn trong cơm, rau, canh... Trẻ em, người già thường được ưu tiên món ngon. Bố chồng không chung mâm con dâu, anh chồng không ngồi chung mâm với em dâu, con rể không ngồi chung mâm mẹ vợ, không được ngồi ghế mây, mà phải ngồi ghế gỗ.

     Khác với người Thái, người Khơ mú và Ơ đu phổ biến ăn xôi trắng, nay ăn cơm tẻ, ngô, sắn độn với gạo nếp, tẻ. Hầu như không có bánh trái. Họ cũng có những cách chế biến thức ăn độc đáo từ thịt (nấu canh, rang, nướng, ướp có mùi, gác bếp); cá (canh chua, nướng); côn trùng (nướng); các loại rau măng (nấu canh, muối chua, ăn sống chấm muối ớt, mắm tôm)... Họ uống rượu cần quanh năm, vì vị rượu tốt cho đường tiêu hóa. Vào mùa làm nương, người Khơ mú và Ơ đu coi bữa sáng là một trong hai bữa chính, bữa trưa là phụ. Nếu có khách thì nam, nữ ngồi mâm riêng. Gia chủ nhường phần lớn thức ăn cho khách. Trong mâm thường chỉ để một vài bát thức ăn, có khi dùng chung thìa, chung bát muối ớt, ép xôi. Khi chỉ có gia đình, vợ chồng, con cái ngồi chung mâm.

     Còn người Mông phổ biến ăn cơm tẻ. Đồ nếp chỉ sử dụng trong dịp tết, nghi lễ tín ngưỡng. Ngô đồ kiểu mẻn mén, xôi ý dĩ, xôi kê. Có bánh nếp giã. Phương thức chế biến đồ ăn đặc trưng là luộc, hầm. Cá thường xào, nướng, nấu canh. Các loại rau măng chủ yếu là nấu canh, luộc, ăn ghém. Ít ăn côn trùng. Người Mông cũng ăn bữa chính buổi sáng. Khi có khách, nam, nữ ngồi mâm riêng. Thức ăn, đĩa muối ớt để bát chung, cơm bát riêng, song có khi không dùng bát; ngồi mâm gỗ hình vuông, vừa ăn vừa uống rượu. Họ sử dụng thìa, ít dùng đũa. Cơm chan canh với món xào là công thức phổ biến và là nét đặc trưng của tộc người này.

     Đối với người Thổ, họ ăn cơm tẻ, cơm lam, cơm độn ngô đồ, xôi chỉ dùng ngày Tết, nghi lễ; khoai lang, sắn thường độn tẻ hoặc luộc, đồ. Có một số loại bánh: chưng, rán, gai, tét, bánh sừng, bánh cuốn, bánh ngô. Họ thường sử dụng thịt luộc, xào, rang, nấu canh, nấu cháo, ninh nhừ; cá luộc, rán, rim, kho, ướp làm mắm. Món đặc trưng của người Thổ là kho, rim, om chuối đậu (ốc). Các loại rau măng thường luộc, ăn sống, muối chua, nấu canh tấm. Trong bữa ăn, nam ngồi gian có ma nhà, nữ ăn trong bếp hoặc ngồi với khách.

     2. Ở (nhà cửa)

     Ở phía Tây Nghệ An, các tộc người thiểu số thường ở nhà sàn, nhà đất, sống trong các bản với hình thức mật tập, đường phố. Họ xây dựng nhà cửa chủ yếu dùng ngoãm, gỗ tròn, cột chôn, lợp lá cọ/ cỏ gianh, sau chuyển sang gỗ xẻ, mộng trơn/ thắt, cột kê kê, lợp ngói, phibrôximăng rồi nhà xây gạch. Trong nhà, không gian được chia thành phần trên, dưới, trong, ngoài. Đều coi nơi thờ ma nhà là chốn linh thiêng và có một số kiêng cữ nhất định.

     Về sự khác biệt, trước tiên là người Thái. Họ thường ở nhà sàn, sau này, khu vực thị trấn, thị tứ, dọc đường, trung tâm xã... nhiều người làm và ở nhà đất, nhà xây. Nhà Thái dựng bằng gỗ, mét, lợp ngói/ lá cọ/ cỏ gianh, phibrôximăng. Nhà xây gạch có thêm sắt thép, xi măng, lợp tôn. Họ sử dụng gỗ xẻ, mộng thắt, mộng trơn; cột tròn hoặc vuông. Phổ biến là nhà sàn cột kê 3 gian, 5 gian với hệ thống dầm, xà ngang, dọc, sàn và vách thưng ván gỗ, mái có cầu phong, ly tô đóng đinh, lợp ngói. Nhà Thái gồm nơi thờ/ ban thờ ma nhà/ gia tiên, khu tiếp khách, nơi ngủ của khách, khu buồng ngủ, khu bếp nấu/ chạn bát, khu phụ. Các nơi kiêng kỵ gồm: cột ma nhà, cột hồn, cột bếp. Họ kiêng ngủ song song dưới cây quá giang, nằm duỗi chân về phía ma nhà, dùng chân gạt củi đang cháy, khạc nhổ vào bếp lửa, vào buồng ngủ gia chủ, đội nón, vác dao vào nhà, ngủ màn trằng khu ma nhà... Khi có ta leo và cành lá xanh cắm dưới chân hay đầu cầu thang là dấu hiệu cấm người ngoài lên nhà.

     Người Thổ cũng ở nhà sàn, song nhà đất vẫn phổ biến hơn. Hiện nay, hầu hết đều ở nhà xây. Họ phổ biến thuật mộng thắt, gồm cột, vì kèo, khung mái, trải lớp lót gỗ trên cầu phong trước khi lợp ngói. Nhà ở của họ gồm: ban thờ gia tiên, khu buồng ngủ, nơi tiếp và dành cho khách ngủ, khu bếp ở nhà ngang. Các kiêng cữ trong nhà gần giống với người Kinh.

     Người Khơ mú, Ơ đu hầu như ở nhà sàn, nhà đất, nhà xây rất ít. Họ vẫn phổ biến dựng nhà bằng gỗ, nứa, mét, song, mây, lợp cỏ gianh, ngói, phibrôximăng. Một số nơi vùng sâu, vùng xa vẫn lợp lá mây. Nhà gồm khung sườn, mộng trơn hay ngoãm, hệ thống dầm ngang, dọc bằng gỗ tròn tùy nhà cột kê hay cột chôn; hệ thống sườn mái bằng gỗ, cây măng đắng, nứa, buộc lạt mây. Sải tay, gang tay vẫn là đơn vị đo lường phổ biến, trừ nhà kê do thợ miền xuôi thi công. Nhà ở thường có: khu thờ ma nhà (gian phía sau), khu buồng ngủ/ cũng có nhà không có buồng, bếp nấu. Họ kiêng không vào gian thờ ma nhà, không vác cành lá xanh lên nhà. Giống người Thái, ta leo và cánh lá xanh ở chân cầu thang cũng là dấu hiệu kiêng kỵ người lạ lên nhà.

     Còn người Mông thường ở nhà đất dựng bằng gỗ (hoặc xây gạch). Nhà người Mông vẫn dựng bằng gỗ, gạch, gỗ pơ mu; lợp ngói, phibrôximăng. Có nơi lợp ván gỗ sa mu, pơ mu. Họ thường sử dụng kỹ thuật đục, đẽo, mộng trơn, bộ khung gồm cột, kèo, khung mái buộc dây mây hay đóng đinh. Nhà có nơi thờ ma nhà, cột thiêng, giàn gác, buồng chủ nhà, bếp nấu, bậu cửa chính. Đây cũng là những nơi kiêng kỵ.

     3. Trang phục

     Các tộc người thiểu số ở miền Tây Nghệ An hầu như mặc trang phục màu đen, riêng người Thái có thêu dệt hoa văn. Phụ nữ Thái mặc váy múc (có sọc trắng), váy đán (váy thường), váy mí (kỹ thuật y cát) và váy lót (có sọc trắng, đen). Váy gồm 3 phần: cạp, thân, chân váy thêu hoa văn. Phía trong của mép gấu váy bao giờ cũng đư­ợc đáp một dải vải đỏ viền quanh gấu. Thắt lư­ng của phụ nữ Thái là một dải vải màu (tím, xanh lá cây), làm bằng sợi tơ tằm. Khăn đội đầu có 2 loại: khăn thường (không thêu hoa văn) và khăn tại (hai đầu thêu hoa văn, đính tua sợi màu). Phụ nữ Thái mặc kiểu áo ngắn, màu đen, cài khuy trước ngực.

     Phụ nữ Thái Đen dùng trang sức bằng bạc, nhôm, gồm: hoa tai, nhẫn đeo tay, vòng đeo cổ, vòng đeo tay, trâm cài tóc, xà tích... với nhiều kích cỡ, kiểu loại, tiết diện khác nhau. Phụ nữ khi đã lấy chồng thường búi tóc ngược. Họ chỉ đeo đồ trang sức trong những dịp hội hè, tế lễ. Các loại túi đeo, giỏ, hộp đựng kim chỉ cũng là những trang sức thường được phụ nữ Thái sử dụng.

     Nam giới Thái mặc áo sơ mi cổ đứng, xẻ ngực, ống tay rộng; khuy cài bằng cúc đồng hoặc dây vải; cắt may bằng vải nhuộm chàm, màu xanh sẫm hoặc đen, xẻ tà. Quần kiểu chân què, đũng rộng, cắt may bằng vải chàm. Phần cạp rộng khoảng 5cm, sau khi mặc, người ta dùng dây vải để thắt. Trang sức nam giới ít chủng loại, phổ biến nhất là đeo nhẫn bạc. Nhà quý tộc, nhà giàu thường đeo vòng bạc có tiết diện tròn hai hoặc ba khoanh, ở khuỷu tay trái. Các bé trai thường đeo vòng cổ đến 5 - 6 tuổi.

     Người Thổ không có nghề trồng bông, dệt vải, nên phụ nữ mặc váy giống người Thái, áo giống người Kinh. Riêng khăn đội đầu màu trắng, giống kiểu khăn của phụ nữ Mường. Một số nhóm đội khăn kiểu phụ nữ Thái. Nhóm Kẹo, Mọn và Cuối trước kia cũng mặc 2 loại áo là áo cánh và áo dài. Áo cánh thuộc loại áo tứ thân để mặc với váy, cắt khâu từ vải màu trắng, đỏ, xanh hoặc nâu, thường cắt thẳng không có eo, chỉ dài tới gần mông, cổ tròn có nẹp chạy vòng qua cổ xuống vạt áo, có khuy, hai ống tay dài và khá hẹp. Áo cánh là loại áo mặc thường ngày, còn trong lễ hội của thôn làng họ mặc loại áo dài cài khuy ở nách giống như áo dài của nam giới, chỉ khác nhau về màu sắc, cụ thể là các màu hồng, đen hoặc đỏ thẫm.

     Yếm của phụ nữ Thổ giống phụ nữ Việt, chỉ là một vuông vải màu đỏ, màu đen hoặc màu chàm, có dây buộc ở cổ và đeo ở nách. Trước đây, do váy không có dây chun hoặc dây dút buộc nên họ dùng dây lưng để giữ chặt. Đó là một miếng vải lụa màu xanh hoặc vàng, rộng, khi dùng buộc trước hoặc sau lưng. Ở một vài nơi, phụ nữ Thổ đội khăn màu trắng, vuông, có một góc thêu hoa văn hình con rết và con rồng, xung quanh thêu viền dạng dích dắc bằng chỉ màu. Trong khi đó, phụ nữ Thổ ở xã Nghĩa Yên lại đội khăn xếp bằng lụa nhiễu đen hoặc vải đen giống như phụ nữ Việt trước đây. Đồ trang sức nữ gồm: vòng tay, vòng cổ, trâm, hoa tai. Nam giới trước đây mặc hoàn toàn giống người Thái, nay họ mặc quần áo kiểu người Kinh.

     Trước kia, người Khơ mú và Ơ đu cũng không trồng bông, dệt vải. Toàn bộ quần áo, váy, khăn… đều mua hoặc đổi vải của người Thái. Sau này, do học được cách dệt vải nên nhiều gia đình đã tự may mặc. Bộ y phục của phụ nữ Khơ mú, Ơ đu gồm: áo, váy, khăn đội đầu, dây lưng và xà cạp. Trong đó, váy, dây lưng, khăn đội đầu và xà cạp đều giống người Thái. Riêng áo thì khác. Đó là kiểu áo ngắn, xẻ ngực, cắt may bằng vải chàm đen; cổ liền hình trái tim, can nẹp bằng vải đỏ và được khâu đáp thêm hai dải hoa văn chạy dọc từ cổ áo xuống mép tà; khuy cài bằng dây vải. Trang sức gồm: vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, trâm cài tóc bằng bạc, nhôm, chỉ sử dụng nhiều trong các dịp tết lễ, cưới xin, hội hè. Trang phục nam giới cũng giống người Thái, gồm: quần chân què, áo cánh 3 túi, cài khuy bằng dây vải, được cắt may bằng vải nhuộm chàm, màu đen. Hiện nay, nam giới chủ yếu mặc theo y phục người Kinh.

     Không giống như các nhóm Mông khác ở Việt Nam, người Mông ở miền Tây Nghệ An hầu như không có nghề dệt. Họ chủ yếu cắt may bằng các loại vải mậu dịch (vải láng đen, vải nhung, lụa màu). Riêng tấm trang trí gắn với cổ áo sau vai, gọi là pàn tau, được thêu cầu kỳ bằng chỉ màu, kim tuyến.

     Phụ nữ nhóm Mông Hoa mặc váy, áo ngắn, cài khuy bên nách phải, tay áo hẹp, gồm nhiều khoanh vải màu can ghép với nhau. Váy trang trí đường diềm, cách mép gấu 3cm. Váy dệt bằng vải lanh, hoa văn được tạo bằng kỹ thuật nhuộm sáp ong rồi nhuộm chàm. Váy có nhiều nếp gấp, gồm thân và cạp, có dây đính 2 đầu thân và cạp để thắt buộc giữ trước khi thắt dây lưng.

     Còn phụ nữ nhóm Mông Trắng thì mặc quần, áo dài xẻ ngực, ống tay rộng. Khi mặc, phía trước và phía sau quấn thêm 2 mảnh vải màu đen hoặc vải hoa với mục đích trang trí. Mảnh vải phía thân sau đôi khi là vải lanh màu trắng. Phụ nữ Mông Trắng quấn xà cạp bằng vải màu đen. Áo may bằng vải lanh hoặc vải lụa, xa tanh, cổ tròn, vạt phía trước dài hơn vạt phía sau, ống tay hẹp, mép ống tay thêu hoa văn, bên trong được đáp thêm mảnh vải khác màu, lật ra phía ngoài... Đồ trang sức độc đáo của phụ nữ là vòng cổ bằng bạc hoặc nhôm; khuyên tai, nhẫn và bịt răng vàng. Nam thường mặc quần áo màu đen. Hiện nay, hầu hết nam giới đều mặc như người Kinh. Những người luống tuổi thường đội mũ nồi, đeo trang sức như nhẫn, đồng hồ, đèn pin.

     Có thể nói, sự tương đồng và khác biệt trong cách ăn, mặc, ở của các tộc người thiểu số miền Tây Nghệ An đã tạo nên sự độc đáo riêng của văn hóa mỗi tộc người, góp phần vào sự đa dạng văn hóa Việt Nam. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, luôn là việc làm cần thiết, cần sự giúp sức của toàn xã hội.

 

Tác giả: Vi Văn An

Nguồn: Tạp chí VHNT số 420, tháng 6-2019

 

;