Những năm qua, việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao (VHTT) luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) quan tâm. Từ nguồn kinh phí của Nhà nước và nguồn kinh phí do nhân dân, doanh nghiệp đóng góp, nhiều thiết chế VHTT đã được đầu tư xây dựng khang trang, góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ (VHVN), luyện tập thể dục thể thao (TDTT) trên địa bàn ngày càng phát triển.
Nhà văn hóa thôn Tân Quang, xã Quang khải được xây dựng khang trang với 100% kinh phí do nhân dân đóng góp
Tích cực đóng góp xây dựng thiết chế VHTT
Đưa chúng tôi đi tham quan nhà văn hóa thôn Tân Quang, ông Trần Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Quang Khải vui mừng chia sẻ: Đây là một trong những công trình tiêu biểu trên địa bàn xã do nhân dân trong thôn đóng góp kinh phí xây dựng. Công trình được hoàn thiện từ năm 2019 có diện tích khoảng 100m2, kinh phí xây dựng hơn 800 triệu đồng. Sau khi hoàn thiện, công trình là nơi thường xuyên tổ chức hội họp của các đoàn thể, chính quyền và là nơi sinh hoạt của các CLB văn hóa, thể thao thôn.
Không chỉ có vậy, điều đặc biệt của Quang Khải thể hiện ở con số 8/8 xóm trên địa bàn xã đều có một Nhà văn hóa riêng, đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ hoạt động, kinh phí xây dựng hoàn toàn do nhân dân đóng góp. Tiêu biểu trong đó có Nhà văn hóa xóm 4, mới hoàn thiện vào năm 2020 với diện tích 80m2, kinh phí xây dựng hơn 250 triệu đồng.
Cơ sở vật chất VHTT khang trang, đầy đủ đã góp phần đem lại những bước phát triển mạnh mẽ trong phong trào VHTT ở xã Quang Khải. Đến nay, xã có 3 CLB VHVN, hàng chục CLB thể thao với 38% số người tập luyện thể thao thường xuyên.
Sân vận động huyện Tứ Kỳ được quy hoạch từ năm 2010 với diện tích khoảng 8.000m2. Tháng 6/2020, huyện đầu tư quy hoạch và xây dựng các công trình thể thao gồm: sân vận động, nhà thể thao đa năng và bể bơi thông minh. Từ đó đến nay, nhà thể thao đa năng được khai thác tốt với hoạt động đều đặn của các CLB cầu lông, bóng bàn, cờ vua, cờ tướng. Tuy nhiên, việc khai thác sân vận động bị hạn chế bởi điều kiện mặt sân không đảm bảo. Nguyên nhân là do nhu cầu của người dân khá lớn, trong khi nguồn kinh phí của Nhà nước hạn hẹp, chỉ đủ thực hiện quy hoạch và san nền mặt sân.
“Sân vận động huyện được quy hoạch ở vị trí đẹp, diện tích lớn, tuy nhiên trước đây chỉ sử dụng trong các đợt tuyển quân hay Đại hội TDTT, thời gian còn lại thì gần như bỏ hoang, ngập cỏ dại. Sân vận động trở thành nơi chăn thả gia súc của người dân, thậm chí vào các đợt dọn vệ sinh, cán bộ Trung tâm VHTT huyện còn phát hiện rất nhiều kim tiêm còn dính máu của các đối tượng nghiện hút bỏ lại ở các góc sân. Điều này khiến những người công tác trong ngành VHTT như chúng tôi vô cùng trăn trở” - ông Đỗ Trọng Hà, Phó Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Tứ Kỳ chia sẻ.
Để giải quyết vấn đề này, Trung tâm VHTT huyện đã tham mưu cho UBND huyện vận động doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng để việc khai thác sân vận động đạt hiệu quả. Đến tháng 6/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Tứ Kỳ đã ra Nghị quyết số 29 về việc nhất trí chủ trương cho công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ CTECH CTI Hải Dương đầu tư xây dựng và tài trợ một số hạng mục của sân vận động trung tâm huyện, góp phần hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, trên khuôn viên của sân vận động trung tâm, đơn vị đã và đang thi công các hạng mục như: sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân bóng chuyền hơi, bóng chuyền da, hố nhảy xa, đường piste và hệ thống các máy tập đa năng, đèn chiếu sáng với tổng kinh phí khoảng 10 tỷ đồng. Công trình dự kiến hoàn thiện vào cuối tháng 12/2021, hứa hẹn sẽ đáp ứng tối đa nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân trên địa bàn, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đồng thời mang lại diện mạo khang trang cho địa phương.
Từng bước hoàn thiện
Những công trình kể trên là một trong số ít dẫn chứng cho thấy hiệu quả tích cực từ phong trào xã hội hóa, góp phần hoàn thiện các thiết chế VHTT tại huyện Tứ Kỳ. Việc chung tay đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế VHTT huyện đã góp phần tô đẹp bức tranh quê hương, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tập luyện TDTT ngày càng cao của nhân dân. Hiện nay, huyện có 105 Nhà văn hóa và 105 sân thể thao thôn, 23 sân vận động và 23 Nhà văn hóa xã, 1 sân vận động huyện, 1 Nhà văn hóa huyện. Các thiết chế đều đảm bảo theo tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, rất nhiều công trình đã phản ánh tích cực hiệu quả từ nguồn kinh phí xã hội hóa, cho thấy sự năng động, sáng tạo trong cách làm của các địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Lăng, Chủ tịch UBND xã Minh Đức cho rằng: “Nếu chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí Nhà nước thì sẽ rất khó khăn trong việc hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các thiết chế VHTT. Mỗi địa phương cần nhận định rõ tầm quan trọng của văn hóa có tác động tích cực đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, từ đó tạo tiền đề cho việc tích cực vận động nhân dân, doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp xây dựng thiết chế, đồng thời tích cực vận động người dân tham gia sôi nổi các phong trào VHTT, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, nâng cao dân trí cho người dân địa phương”.
Hệ thống thiết chế VHTT ngày càng hoàn thiện đã góp phần đẩy mạnh phong trào VHVN, TDTT trên địa bàn huyện phát triển mạnh mẽ, đời sống tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao. Theo thống kê, đến nay tỷ lệ người dân tập luyện thể thao thường xuyên đạt 39%, tỷ lệ gia đình thể thao đạt 35%, số CLB, nhóm tập luyện TDTT là 247. Các môn thể thao phổ cập ngày càng rộng rãi như: Bóng chuyền, bóng bàn, bóng đá, cầu lông, dân vũ, đạp xe, bơi lội, võ vật... Toàn huyện có 132 CLB, đội văn nghệ quần chúng, thu hút đông đảo người dân tham gia. Việc tham gia sinh hoạt hoàn toàn do người dân tự nguyện đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động. Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa, nhiều CLB có thể đảm bảo được kinh phí mua sắm trang phục biểu diễn, nhạc cụ, duy trì sinh hoạt và tham gia các hội thi, hội diễn các cấp. Từ sự nhiệt tình, trách nhiệm và niềm say mê văn nghệ, thể thao của nhiều người dân mà các CLB tại các địa phương đã khôi phục và duy trì được bộ môn nghệ thuật truyền thống như hát chèo, hát ca trù... Tuy sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19 gây tác động xấu nhưng nhiều CLB, đội văn nghệ quần chúng vẫn cố gắng vượt khó để giữ lửa cho các thành viên, có thể là phân chia thành viên tập luyện theo buổi, hoặc tìm kiếm những tiết mục, chương trình biểu diễn qua kênh youtube để tự tập luyện tại nhà rồi khớp lại…
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Trọng Hà, Phó Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Tứ Kỳ cho biết: Người dân có thể hưởng lợi trực tiếp từ sự đầu tư xã hội hóa, bởi khi cơ sở vật chất các thiết chế được hoàn thiện sẽ tạo cơ sở để tổ chức các hoạt động, đưa phong trào VHTT phát triển, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân. Dựa vào điều này, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện xây dựng, đẩy mạnh các hoạt động VHTT từ cấp xã tới cấp huyện, đặc biệt là với những xã có thiết chế VHTT đầy đủ để có thể khai thác triệt để, tránh tình trạng đầu tư lãng phí. Đồng thời, tích cực phối hợp với phòng Văn hóa Thông tin và các phòng chuyên môn, các xã trên địa bàn rà soát, tham mưu bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách và huy động xã hội hóa để bổ sung đầu tư hoàn thiện các thiết chế VHTT còn thiếu. Phối hợp với đơn vị trực thuộc Sở VHTTDL tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác VHTT ở cơ sở nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, điều hành hoạt động các NVH, cũng như khả năng tham mưu và tổ chức các hoạt động văn hóa có chất lượng tại cơ sở, nhằm tổ chức các hoạt động thiết thực, phù hợp với nhu cầu của người dân.
Sân vận động trung tâm huyện dần hoàn thiện từ nguồn kinh phí xã hội hóa
NGUYỄN TRƯỜNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 483, tháng 12-2021