Những năm qua, tỉnh An Giang chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, quy hoạch khu vực sân bãi để phục vụ nhu cầu tập luyện thể dục -thể thao (TDTT) cho người dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia các môn thể thao. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho nhân dân mà còn giúp bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số Khmer và Chăm sinh sống ở các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú, Châu Thành, Thoại Sơn, thị xã Tân Châu, TP. Châu Đốc… đã tích cực vận động nhân dân đóng góp xây dựng sân bãi và kinh phí tập luyện, giao lưu thi đấu TDTT thường xuyên.
An Giang quan tâm phát triển các môn thể thao dân tộc góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc
Vào dịp Tết, lễ hội truyền thống hay kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương thường tổ chức nhiều giải thi đấu thể thao và hội thao. Bên cạnh những môn thể thao hiện đại thì các môn thể thao truyền thống, dân tộc và trò chơi dân gian: đua thuyền, đua bò, đẩy gậy, kéo co, đội cà om lấy nước... cũng được quan tâm, duy trì tổ chức. Tiêu biểu nhất là các hoạt động thi đấu thể thao tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng bào DTTS Khmer và Chăm được Sở VHTTDL phối hợp các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống luân phiên tổ chức hằng năm.
Anh Chau Bo Tha ở ấp Vĩnh Tâm, xã Vĩnh Trung (huyện Tri Tôn, An Giang) cho biết: “Sau những giờ làm việc, tôi thường hẹn các anh em đá banh (bóng) để vui chơi và rèn luyện sức khỏe. Khi địa phương phát động thi đấu các giải thể thao cấp huyện, tỉnh, ngoài bóng đá, tôi còn tham gia bóng chuyền, kéo co…”. Còn anh Sô Les ở ấp Phũm Xoài, xã Châu Giang (TX. Tân Châu - An Giang) chia sẻ: “Ngoài tham gia các chương trình văn nghệ, tôi tích cực tham gia các hoạt động thể thao, nhất là môn đẩy gậy. Ngoài việc rèn luyện sức khỏe, giữ gìn môn thể thao truyền thống của dân tộc, tôi còn có nhiều dịp giao lưu và học hỏi lẫn nhau khi tham gia thi đấu”.
Ông Trương Bá Trạng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh An Giang cho biết: Thời gian qua, An Giang, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT cho người dân; chú trọng phát triển các môn thể thao hiện đại có nhiều người tham gia chơi. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân, đặc biệt ở các xã vùng đồng bào DTTS lựa chọn các môn thể thao để rèn luyện sức khỏe. “Bên cạnh đó, ngành còn quan tâm phát triển các môn thể thao dân tộc: Kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo, đội cà om lấy nước và các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các môn TDTT quần chúng trong các đối tượng dân cư và trường học phát triển phong phú; nhiều môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được khôi phục. Qua đó, góp phần duy trì, phát triển các môn thể thao dân tộc và giúp ngành Thể thao tuyển chọn được các VĐV năng khiếu để đào tạo, bồi dưỡng để thi đấu tại các hội thao trong khu vực và cả nước. Đây là hoạt động góp phần giữ gìn bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam” - ông Trạng nói.
Để phát huy thế mạnh của TDTT trong đồng bào dân tộc, Sở VHTTDL An Giang còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tập luyện và thi đấu thể thao. Đồng thời, hỗ trợ chuyên môn thi đấu, khôi phục, bảo tồn các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian. Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển phong trào TDTT phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán của mỗi vùng đồng bào dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, thể chất và tinh thần của người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi.
PHƯƠNG NGHI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 477, tháng 10-2021