Là một nghệ sĩ khiếm thính, Troy Kotsur phải nỗ lực hơn các bạn diễn gấp nhiều lần để có thể trụ vững và đi tiếp trong nghề diễn.
Với tính tương tác cao, diễn viên là công việc đòi hỏi nhiều đến khả năng giao tiếp, thuộc thoại, biểu hiện cảm xúc… Một diễn viên bình thường nếu muốn thành công cũng cần nhiều đến nỗ lực, tài năng và cả may mắn. Với các nghệ sĩ khiếm thính con đường đến với thành công của họ còn gian nan hơn gấp nhiều lần. Trong lịch sử trao giải Oscar, cũng mới chỉ có duy nhất nữ diễn viên Marlee Matlin, người đã đoạt Oscar 1987 với giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với bộ phim Children of a Lesser God. Và năm nay, tại lễ trao giải Oscar 2022, Troy Kotsur là diễn viên khiếm khính thứ hai trong lịch sử giành được tượng vàng với vai diễn trong phim CODA.
Vai người ngư dân Frank Rossi trong tác phẩm CODA đã giúp Troy Kotsur nhận giải Oscar Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất. Phim cũng giành một Oscar cho phim hay nhất. Trả lời câu hỏi nghĩ gì khi đoạt giải Oscar, Troy Kotsur bật khóc. “Tôi đã quá mệt mỏi vì phải vật lộn về chuyện cơm áo trong nhiều năm. Giờ đây, giải thưởng này đã cứu sống tôi, sự nghiệp và cả gia đình tôi. Tôi từng chấp nhận rất nhiều rủi ro và nếu không có đề cử cùng giải thưởng này, tôi không biết điều gì sẽ xảy ra. Nếu không được chọn đóng CODA, tôi sẽ làm việc tại một nhà hàng thức ăn nhanh hoặc là nhân viên đóng gói tạp hóa”, Troy Kotsur “nói” qua thông dịch viên Justin Maurer.
Màn trình diễn của anh trong vai một người cha khiếm thính, có con gái Ruby - một CODA (con của những người trưởng thành bị điếc) do Emilia Jones thủ vai - đấu tranh với việc quyết định nên theo đuổi tình yêu âm nhạc hay chấp nhận ở nhà và giúp đỡ công việc kinh doanh đánh cá của gia đình đã thật sự chinh phục được Ban giám khảo.
CODA bắt đầu xuất hiện tại LHP Sundance vào tháng 1.2021, nơi Apple TV+ mua quyền phát sóng với giá 25 triệu USD nhưng Kotsur không nhận được bất kỳ khoản tiền nào khiến anh đùa rằng: “Tôi vẫn đang đợi tấm séc của mình”.
Tuy nhiên, việc tham gia trong CODA đã làm phong phú thêm cuộc sống tinh thần của Kotsur theo cách khác. Dàn diễn viên và đạo diễn Sian Heder đã đến thăm Nhà Trắng, nơi họ gặp Tiến sĩ Jill Biden - Đệ nhất phu nhân Mỹ. Bà hỏi họ có muốn chào “Joe” không và chưa kịp trả lời, họ đã có mặt trong phòng Bầu dục gặp Tổng thống Mỹ. “Tôi sẽ không bao giờ quên giây phút Tổng thống nắm lấy cánh tay tôi và mời tôi ngồi vào chiếc ghế của ông trong phòng làm việc”, Kotsur nhớ lại.
Cuộc đời của Kotsur là một chuỗi những bất hạnh. Ngoài việc khiếm thính, anh còn có người bố là một cảnh sát trưởng bị liệt từ cổ trở xuống sau khi một người lái xe say rượu đâm phải. Anh đã nhắc đến người cha quá cố của mình trong bài phát biểu đầy xúc động tại Lễ trao giải Oscar khi cầm trên tay tượng vàng.
Troy Kotsur chia sẻ: “Tôi bị điếc nhưng chưa phải là chuyện lớn. Tôi có thể chơi golf, đi câu cá, cắm trại… nhưng bố tôi thì không. Thậm chí ông không thể tự ăn uống. Bố tôi đã dạy tôi sự hy sinh và lòng dũng cảm”, Kotsur nói về cha đầy kính trọng.
Sau giải thưởng, điều gì tiếp theo sẽ đến với Kotsur? Hiện vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Một số khán giả lo lắng rằng chiến thắng Oscar qua phim CODA có thể không thay đổi nhiều cuộc đời nam diễn viên khiếm khính này. Liệu Hollywood sẽ bắt đầu sử dụng các diễn viên khiếm thính để kể câu chuyện của chính họ hay đây chỉ là một may mắn không lặp lại?
Nữ đạo diễn Sian Heder bày tỏ: “Tôi luôn canh cánh nỗi sợ này. Đó là lý do tại sao tôi tạo ra vai diễn cho Kotsur bởi tôi muốn đảm bảo rằng anh ấy tiếp tục được làm việc và có thêm nhân vật khác để đóng. Những gì tôi làm hi vọng sẽ truyền cảm hứng cho những người sáng tạo, nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn để tạo ra những vai diễn cho anh”.
Riêng Troy Kotsur, hành trình đóng CODA là những kỷ niệm không phai trong đời. “Vào ngày đầu tiên bấm máy, tôi nhớ mình nhận ra tất cả thành viên trong đoàn đều rất lo lắng và không biết phải tiếp xúc hay làm việc với các diễn viên khiếm thính như thế nào. Tôi nhớ lại sự căng thẳng đó và có một chút khó xử. Sau đó, chúng tôi lên tàu, ra ngoài biển khơi và đoàn phim cho rằng cần người đóng thế vì quá nguy hiểm đối với những diễn viên khiếm thính khi ở trên một chiếc thuyền đánh cá. Sau đó, họ phát hiện ra chúng tôi đã nhanh chóng thích ứng và mọi thứ đều ổn. Vì vậy, đoàn phim loại bỏ các pha đóng thế”.
Từ cuộc đời của chính mình, Troy Kotsur cho biết điều quan trọng nhất đối với trẻ khiếm thính là cha mẹ tham gia vào cuộc sống, chú ý đến những nhu cầu cụ thể của chúng. Đôi khi cha mẹ không muốn học ngôn ngữ ký hiệu nên muốn làm cho đứa con bị điếc nghe và nói được. Bố từng hỏi khi tôi còn nhỏ, khoảng 12 hoặc 13 tuổi về việc cấy ghép ốc tai điện tử nhưng tôi luôn nói không. Tôi đánh giá cao việc bố để tôi lựa chọn chuyện này và rất hạnh phúc với con người hiện tại của mình. Tại sao tôi phải thay đổi để phù hợp với thế giới bên ngoài? Đây là chính tôi. Tôi là một người khiếm thính và nếu bạn học cách tương tác với mọi người thì họ sẽ học cách tương tác với bạn. Tôi đã kiên nhẫn với thế giới bên ngoài. Giờ đã đến lúc thế giới bên ngoài phải kiên nhẫn với tôi. Tôi nghĩ rằng ngôn ngữ ký hiệu là đẹp. Khi chúng ta có ngôn ngữ này chúng ta có thể trò chuyện dưới nước hay môi trường khắc nghiệt. Ngôn ngữ ký hiệu có rất nhiều lợi ích”.
Cảnh trong phim CODA
Troy Kotsur nhớ lại, khi còn nhỏ ông thường xem phim hoạt hình chủ yếu là Tom&Jerry vì rất ít lời thoại. Đó chỉ là những cảnh mèo và chuột đuổi nhau. “Ngày hôm sau, tôi đi học bằng xe buýt của trường. Tất cả những đứa trẻ khiếm thính cùng đi trên xe buýt và tôi kể cho chúng nghe về tập phim hôm trước. Một số đứa thậm chí nhà không có TV vào thời điểm đó. Tôi kể câu chuyện về Tom&Jerry và không bao giờ quên ánh mắt mấy đứa bạn sáng lên, rồi cười lớn. Điều này đã dẫn tôi đến với nghề diễn trên sân khấu, truyền hình và cả điện ảnh. Tôi chỉ muốn làm cho khán giả cảm thấy vui vẻ”.
MY LAN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 499, tháng 5-2022