Triển vọng phát triển du lịch của làng nghề hoa giấy Thanh Tiên

Trong xu thế hội nhập và mở cửa hiện nay, làng nghề truyền thống đang dần lấy lại vị trí quan trọng của mình trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc. Bởi lẽ, làng nghề truyền thống như một hình ảnh đầy bản sắc, chứa đựng tinh hoa văn hóa của từng vùng miền, khẳng định nét đẹp riêng, sự độc đáo riêng vốn có của nó.

 

Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh thành có nhiều làng nghề truyền thống nhất ở Việt Nam và khi nhắc đến các làng nghề ở Huế thì không ai là không biết tới một làng nghề khá quen thuộc: làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên (xã Phú Mậu, Thừa Thiên Huế).

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, biến cố của thời gian, làng nghề hoa giấy Thanh Tiên có lúc tưởng chừng sắp bị mai một, thất truyền. Thế rồi, từ niềm đam mê làm hoa giấy bà con quyết tâm giữ nghề truyền thống của cha ông để lại, thêm hệ thống các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển làng nghề của chính quyền địa phương, của huyện, của tỉnh…, tất cả đã thổi một luồng sinh khí mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên như hôm nay.

Ông Nguyễn Hóa - Trưởng thôn Thanh Vinh, đồng thời là người làm hoa giấy nhiều nhất trong làng, chia sẻ: Những năm đầu thập niên hai mươi của thế kỷ trước, làng hoa giấy truyền thống Thanh Tiên chỉ còn lác đác vài ba hộ làm hoa và chỉ quanh quẩn với vài mẫu hoa cũ để thờ cúng. Đến nay, làng đã phát triển lên hàng chục hộ, rồi tiếp tục hoàn thiện mẫu thiết kế, hoàn chỉnh các kỹ thuật chế tác hoa giấy… sao cho sắc hoa ngày càng rực rỡ, đa dạng; cánh hoa ngày càng uyển chuyển, lung linh; nhành hoa ngày càng mềm mại, thanh nhã. Trước đây, hoa giấy Thanh Tiên chủ yếu dùng để thờ cúng ở am miếu, bếp thờ Táo quân…, và mỗi năm chỉ tổ chức sản xuất có một mùa, đó là dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc. Ngày nay, hoa giấy Thanh Tiên được sản xuất quanh năm, không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh (tức thờ cúng) mà còn dùng để trang trí, trưng bày ở các quán cà phê, khách sạn, nhà hàng, quán bar, phòng trà… trên địa bàn thành phố Huế và một số nơi của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, người dân làng Thanh Tiên đã nhận được một số đơn đặt hàng lên tới hàng chục chồng hoa giấy để trưng bày ở các nhà hàng, quán cà phê… trên địa bàn tỉnh. Đó là dấu hiệu tốt lành rất đáng mừng, bà con làng Thanh Tiên rất phấn khởi, bởi từ đây sẽ mở ra triển vọng mới, thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên. 

 Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, ở nhà riêng của một số hộ gia đình ở trong làng đã đều đặn tổ chức trưng bày sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên và tiếp đón nhiều đoàn khách trong nước, quốc tế đến tham quan, tìm hiểu, học tập về nghề truyền thống. Bình quân, mỗi tháng dân làng đón hàng chục đoàn học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, thậm chí còn có vài đoàn học sinh Tiểu học đến từ tỉnh bạn Quảng Trị đến tham quan, hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm làm “nghệ nhân nhí”. Ngoài ý nghĩa tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch, góp phần cải thiện thu nhập cho một bộ phận người dân làng Thanh Tiên, nó còn mang giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và các cháu học sinh, sinh viên.

Cũng theo ông Nguyễn Hóa, những năm qua, gia đình ông còn tiếp đón nhiều đoàn khách nước ngoài, họ đến từ các nước như: Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nha…, họ đi theo tour tuyến (từ 5-10 người/lượt) hoặc cùng đi với công ty du lịch lữ hành tổ chức. Thông qua đó, các nghệ nhân đã góp phần giới thiệu làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên, giới thiệu nét đẹp văn hóa làng quê đến với du khách gần xa. Những câu thơ dí dỏm, để lại nhiều tình cảm tốt đẹp, đã tạo ấn tượng mạnh cho du khách và chắc họ cũng không bao giờ quên khi rời xa làng quê Thanh Tiên yên bình: “Ai về viếng cảnh Thanh Tiên / Có trông bông giấy rất riêng quê mình / Hoa giấy ấm áp nghĩa tình / Lưu dấu du khách bóng hình nơi đây”.

Thiết nghĩ, phát triển làng nghề gắn với du lịch là hướng đi đúng đắn và phù hợp, được nhiều nước ưu tiên trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch như hiện nay. Chính vì vậy, làng nghề hoa giấy Thanh Tiên có nhiều lợi thế khi Huế được chọn xây dựng trở thành thành phố festival đặc trưng của Việt Nam, là nơi hội tụ và phát triển các làng nghề truyền thống đặc trưng và trên thực tế, hình ảnh bông hoa giấy Thanh Tiên đã có mặt tại các triển lãm, trưng bày, góp phần làm nên các kỳ festival nghề truyền thống Huế ấn tượng, thu hút khá nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, chiêm ngưỡng.

 Nghị quyết lần thứ XIV của Đảng bộ xã Phú Mậu (nhiệm kỳ 2020-2025) đã chỉ rõ những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển các làng nghề truyền thống ở địa phương trong tình hình mới, trong đó có làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để người dân làng Thanh Tiên có động lực, tiếp thêm sức mạnh và nguồn cảm hứng để các nghệ nhân ở đây không ngừng sáng tạo, cải tiến mẫu mã, cũng như thay đổi tư duy sản xuất, thay đổi nhận thức, tìm kiếm đối tác, thị trường để tiêu thụ sản phẩm du lịch.

Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 9/7/2019, quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 đã mở ra tầm nhìn chiến lược, mở ra triển vọng mới, càng củng cố thêm cơ sở pháp lý vững chắc để thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề truyền thống của tỉnh nhà, trong đó có làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên nói riêng.

Muốn lưu giữ và giới thiệu được những nét văn hóa đặc sắc của làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên tới du khách và bạn bè quốc tế gần xa, cần phải có sự nghiên cứu chuyên sâu, bài bản, kỹ lưỡng hơn, phải tham vấn ý kiến đến từ các chuyên gia, các nhà văn hóa, nhà sử học… Có như vậy, công tác đầu tư phát triển du lịch làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên mới thật sự có hiệu quả và đi đúng hướng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương Phú Mậu - một xã thấp trũng và còn nghèo của thành phố Huế.

Tuy nhiên, cũng phải nghiêm túc nhìn nhận, chỉ ra một số thực trạng mà làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên hiện đang gặp phải:

Thứ nhất, so với quy mô dân số của khu dân cư Thanh Tiên là 140 hộ, 600 khẩu, trong đó chỉ có 30 hộ làm hoa giấy trong dịp Tết Nguyên đán, mang tính chất thời vụ và 3 cơ sở làm hoa sen giấy thường xuyên với khoảng 20 lao động là còn quá khiêm tốn với một làng nghề truyền thống. Nguyên nhân của vấn đề này là do nhu cầu về đời sống kinh tế nên bà con chủ yếu làm các nghề khác nhau như may mặc, mộc, xây dựng, buôn bán… đem lại nguồn thu nhập ổn định hơn và cao hơn.

Thứ hai, công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm làng nghề chưa được chú trọng đúng mức, chưa thực hiện thường xuyên, đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế, mức tiêu thụ sản phẩm chưa cao, chủ yếu là phục vụ dịch vụ du lịch trải nghiệm làng nghề.

Thứ ba, hạ tầng giao thông phục vụ du lịch làng nghề còn nhiều hạn chế, bất cập. Mặc dù trong thời gian qua, giao thông nông thôn đã được huyện, tỉnh quan tâm đầu tư nhưng giao thông đường bộ nối liền trực tiếp Phú Mậu và thành phố Huế chưa được đầu tư, các bến thuyền dọc sông Hương nối giao thông đường thủy từ thành phố.Huế đi Phú Mậu chưa có nên đã ảnh hưởng đến du lịch làng nghề tại Phú Mậu nói chung và Thanh Tiên nói riêng.

Thứ tư, mặc dù chất lượng sản phẩm hoa giấy không ngừng được cải thiện, tuy nhiên, sản phẩm còn cồng kềnh, dễ nhàu nát, khó bảo quản, không thuận tiện trong việc vận chuyển của du khách nên ảnh hưởng đến sức mua từ sản phẩm du lịch này.

Thứ năm, năng lực, kinh nghiệm làm du lịch của một số cơ sở còn nhiều hạn chế, chủ yếu là hoạt động tự phát, riêng lẻ. Đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, tiếp khách du lịch, khả năng giới thiệu về sản phẩm và làng nghề truyền thống của một số cơ sở còn hạn chế nên chưa thu hút mạnh du khách đến tham quan và chưa thực sự tạo dấu ấn để du khách trở lại trong những lần tiếp theo.

Với thực trạng nêu trên, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên, cũng như công tác bảo tồn làng nghề gắn với phát triển du lịch, cụ thể như sau:

Trước hết, phải nâng cao nhận thức cho người dân Thanh Tiên về sản phẩm hoa giấy của làng mình. Phải tìm cách thế nào đó để phát triển, cải tiến, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm làng nghề. Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quản lý chất lượng sản phẩm du lịch làng nghề. Đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, kể cả đường bộ và đường thủy, để du khách dễ dàng đi lại thuận tiện, tạo vành đai kết nối Phú Mậu - Huế, Huế - Phú Mậu. Tổ chức đào tạo hướng dẫn viên du lịch là con em người địa phương để giúp tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân làm du lịch ở đây, bởi họ còn hạn chế về kỹ năng giao tiếp, thuyết trình sản phẩm. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc hơn nữa để giúp đỡ các hộ dân Thanh Tiên làm du lịch ngày càng chuyên nghiệp hơn, như tìm kiếm đối tác, hợp tác với các công ty du lịch lữ hành, nhà tổ chức sự kiện, tổ chức tour tuyến;  cần thành lập “Hiệp hội làng nghề hoa giấy Thanh Tiên” nhằm quy tụ, tập hợp các hộ dân làm hoa giấy với nhau, để hoạt động bài bản, khoa học, có tổ chức quy củ hơn. Bởi vì, nếu có liên kết hợp tác với nhau thì mới tạo sức mạnh tổng hợp để phát triển du lịch làng nghề.

Ngoài ra, cần phải tổ chức hội thảo, hội nghị, có đánh giá, tổng kết hằng năm và rút ra bài học kinh nghiệm để khắc phục dần những hạn chế yếu kém, tiếp tục phát huy tiềm năng thế mạnh của làng nghề hoa giấy Thanh Tiên.

Nghị quyết số 1264 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 27/4/2021 đã sáp nhập xã Phú Mậu vào thành phố Huế kể từ ngày 1/7/2021. Thiết nghĩ, đây là “thời cơ” thuận lợi để xã này được cấp trên tiếp tục quan tâm, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng trong thời gian sớm nhất, đặc biệt là trục giao thông Huế đi Phú Mậu sẽ dễ dàng thuận tiện hơn, nhằm kích cầu phát triển du lịch làng nghề ở địa phương, trong đó có làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên.

Dự án khu đô thị Thanh Tiên sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không xa, khi đó sản phẩm du lịch hoa giấy và hoa sen giấy Thanh Tiên sẽ được phát triển tương xứng, mở ra triển vọng mới, tạo nguồn thu nhập khá cao và ổn định cho bà con nhân dân ở khu dân cư Thanh Tiên, qua đó cũng đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương Phú Mậu nói riêng và thành phố Huế nói chung. 

Tiếp đón khách quốc tế đến tìm hiểu, học tập về nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên

 

VÕ VĂN DẦN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 504, tháng 7-2022

 

;