TRANG PHỤC VỎ CÂY CỦA NGƯỜI BRU VÂN KIỀU VÀ TÀ ÔI

Bru - Vân Kiều và Tà ôi, hai tộc người bản địa sinh sống tại miền tây Quảng Trị. Do ít có điều kiện quan hệ, giao lưu, trao đổi, tiếp xúc, nên trang phục của họ vẫn còn mang nhiều yếu tố nguyên sơ, đơn giản và nét đặc trưng riêng. Một bộ trang phục truyền thống đầy đủ của đàn ông thường có một cái khố, một cái áo, một tấm choàng; phụ nữ gồm một cái áo, một cái váy và nịt lưng. Áo đàn ông và phụ nữ đều giống nhau, đa phần là áo cổ chui, có thể có tay hoặc không tay, chất liệu bằng vải. Tuy nhiên, người dân ở đây đã sáng tạo ra một loại trang phục có chất liệu hết sức độc đáo và cổ sơ: trang phục bằng vỏ cây (amưng).

Những chiếc áo vỏ cây có đặc điểm giống nhau, đều cấu tạo gồm 3 thân: hai thân trước nối với thân sau qua cầu vai, thân sau gồm hai mảnh, cổ tròn, không cài nút, tay ngắn.

Khố là một tấm vỏ cây dài và hẹp, dùng cho đàn ông, được quấn một đến nhiều vòng quanh bụng.

Áo, khố và tấm choàng được làm từ vỏ của cây pi, một loại cây thân mộc, có lớp vỏ dày từ 4-5cm, mủ có màu trắng rất độc. Người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi thường lấy mủ của loại cây này về làm thuốc độc tẩm vào cung tên để săn thú rừng. Loại cây này rất hiếm, có khi cả một khu rừng rộng của một vùng chỉ có một cây. Để làm được áo hay khố, họ phải vào rừng tìm cho được cây pi để lấy vỏ. Việc lấy vỏ là một công đoạn rất khó khăn, vì loại cây này không dễ bóc vỏ. Trước hết, họ dự tính chiều dài của chiếc áo định may, sau đó đo ngay trên thân cây để tính khổ vỏ cây (khổ vỏ cây sẽ có chiều dài gấp đôi của áo định may). Họ dùng rựa chặt một vòng thân cây ở bên dưới cho đến tận phần gỗ, từ đó đo ngược lên trên theo kích thước dự định, rồi tiếp tục dùng rựa chặt một vòng thứ hai quanh thân. Khoảng cách giữa hai vòng là kích thước của khổ vỏ cây cần lấy để may một chiếc áo. Để lấy được vỏ cây ra khỏi thân cây thì phải bắc giàn để đứng rồi dùng dùi đập mạnh vào thân cây ở phần cần lấy vỏ, cứ thế đập cho đến khi nào vỏ cây dập nát, bong ra thì tháo lấy mang về.

Khi đem vỏ cây về nhà phải dùng một nồi nước sôi có nấu sẵn các loại lá, củ như: lá sả, lá mía, củ gừng giã nhỏ (cứ mỗi khố hay áo thì cần 2kg lá sả, 1kg lá mía, 2kg củ gừng), sau đó bỏ vỏ cây vào nồi nước sôi ngâm trong vòng 10 ngày để cho mủ độc thoát hết ra ngoài. Sau khi ngâm ủ, đem vỏ cây ra phơi nắng, phơi sương trong 1 tuần, đợi cho đến ngày 14 âm lịch của tháng mới đưa ra để khâu áo. Họ kiêng khâu áo vào bất cứ ngày nào trong tháng, trừ ngày 14 âm lịch, để tránh cho người khâu lẫn người mặc khỏi bị nhiễm độc và thần cây pi quở trách. Công việc khâu áo bắt đầu từ 6 giờ sáng và phải làm xong trong ngày, không được để qua ngày thứ hai. Chỉ khâu bằng sợi mây vót nhỏ và mảnh. Khi áo được khâu xong thì 3 ngày sau mới được mặc, tuyệt đối không được mặc ngay khi khâu xong.

Áo, khố vỏ cây thường được mặc khi đi săn trong rừng, phát nương làm rẫy chứ không dùng để mặc thường ngày và trong lễ hội.

         Ngày nay, thông qua tiếp xúc, giao lưu văn hóa, họ tiếp thu những trang phục mới của tộc người khác. Bên cạnh đó, nền kinh tế ngày càng phát triển nên y phục dần thay đổi như người Việt (ngoại trừ những bộ trang phục mang tính lễ hội), do đó việc lấy vỏ cây làm áo trở nên không phù hợp nữa và dần biến mất. Vì thế, việc bảo tồn một loại hình trang phục mang tính đặc thù này trở nên cấp thiết để có thể hiểu thêm về giá trị văn hóa một thời của người Bru Vân Kiều và Tà ôi.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 322, tháng 4-2011

Tác giả : Hoàng Ngọc Thiệp

;