Xoài có nguồn gốc từ miền đông Ấn Độ. Cho đến nay, Ấn Độ là quốc gia trồng và tiêu thụ xoài nhiều nhất. Với người dân Ấn Độ, xoài không chỉ ngon, bổ dưỡng mà còn là quốc trái, gắn liền với sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, văn chương, y học và mỹ thuật. Xoài được xem như báu vật, vua của các loại trái, là loại quả đầu tiên được nhắc đến trong kinh thư cách đây 4.000 năm. Kinh Veda ghi lại rằng xoài (kani) là thức ăn của các vị thần. Vì thế xoài được xem là trái quý để dâng vua và thần thánh.
Trái xoài gắn với nhiều sự tích của Ấn Độ, như chuyện tình nàng Suryabai - con gái thần mặt trời. Thần thoại Ấn Độ cũng xuất hiện nhiều vị thần ngồi dưới gốc xoài như Ambika, Shiva... Hoàng đế Mughal Akbar còn cho trồng 100.000 cây xoài ở Darbhanga, Bihar và gọi vùng đất này là thành phố xoài (Lakhi Bagh).
Xoài xuất hiện trong nhiều câu chuyện về cuộc đời đức Phật. Lần nhập hạ thứ sáu, đức Phật đã thần thông đánh bại những kẻ ly khai giáo hội và tà đạo dưới một gốc xoài cổ thụ. Hay khi đức Phật tọa dưới gốc xoài, mọi vườn cây trong vùng thay nhau nở hoa, đậu quả liên tục. Trái xoài được xem là thứ quả linh thiêng, có phép lạ, truyền đạt những lời mong ước đến đức Phật.
Các đường cong trên trái xoài luôn là nguồn cảm hứng cho họa sĩ, nhà thiết kế mỹ thuật. Phần lớn những họa tiết trong nghệ thuật vẽ trên cơ thể (henna) ở Ấn Độ đều lấy từ hình trái xoài. Người dân dùng họa tiết hoa xoài để trang trí trên sari, khăn choàng, mũ, chăn mền, thảm... Hình trái xoài còn xuất hiện trên nhiều loại vòng trang sức. Theo các nghiên cứu khảo cổ ở Harappan, cách đây 4400 năm, phụ nữ Ấn Độ đã từng đeo những đôi khuyên tai hình trái xoài thon thả, và cách đây 2500 năm có nhiều vòng cổ duyên dáng hình hạt xoài có tác dụng xua tà. Màu xanh và màu đỏ của lá xoài là hai màu sắc chủ đạo trên trang phục của người Ấn Độ ở miền nam. Riêng màu đỏ hồng của quả được chọn làm màu khăn áo của phụ nữ với ý nghĩa biểu trưng sự phúc lành.
Đối với tín đồ Hindu và phật tử, lá, hoa, trái, cây xoài đều là những linh vật đem lại cuộc sống thanh bình, ấm no, sinh sôi, thịnh vượng, tình yêu và hạnh phúc. Người dân thích sử dụng trái xoài trong các lễ hiếu hỷ. Ở nhiều vùng, người dân có phong tục lấy một nồi đất đổ đầy nước, thả một quả dừa, lá, hoa và quả xoài tươi lên trên. Nồi đất tượng trưng cho đất, nước tượng trưng cho sự sống, lá xoài là cuộc sống sinh động, còn quả dừa là sự viên mãn, đủ đầy. Tất cả có ý nghĩa cầu phúc và tôn kính nữ thần thịnh vượng Lakshmi. Những ai hiếm muộn thường đứng dưới gốc xoài, đợi quả rụng thì đón lấy để cầu xin trời đất cho một đứa con. Người dân ở Kanchipuram thường lui tới ngôi đền Ekambareswar, nơi có một cây xoài 3.500 tuổi. Họ tin rằng ai ăn quả sẽ sinh được nhiều con.
Y học Ấn Độ từ xưa đã dùng xoài để giúp thanh lọc cơ thể, điều hòa hệ tiêu hóa, tuần hoàn; dùng lá xoài non, vỏ xoài khô, hạt xoài làm thuốc đánh răng, chữa viêm lợi, sốt, thấp khớp, cầm máu; dùng gỗ xoài để đóng bàn ghế, đồ mỹ nghệ.
Người dân Ấn Độ có nhiều món ăn làm từ xoài. Với xoài chưa chín có món nước sốt athanu, xoài khô moramba, amchur hoặc chấm muối ớt, tương. Với xoài chín có xoài dầm sữa, đường, mứt xoài mangada, curry... Xoài cũng có thể nấu thành canh với đậu đỏ, ớt đỏ. Ngày tết Kannada cũng không thể thiếu món mứt xoài.
Hàng năm, cứ đến mùa xoài, Ấn Độ lại tổ chức nhiều lễ hội tôn vinh các loại xoài địa phương. Vào dịp đó, người dân đóng vai các vị thần, diễn lại thần tích dưới bóng xoài, hái hoa xoài để cúng nữ thần Saraswati, dâng xoài chín lên đức Phật, thần Shiva, thần Ganesha để cầu mong một năm an lạc, ấm no, hạnh phúc.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 349, tháng 7-2013
Tác giả : Chu Mạnh Cường