Chiều 30-11, sau phiên Bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, tại Trung tâm báo chí Kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng chủ trì Họp báo công bố kết quả Kỳ họp.
Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng chủ trì Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Tại buổi họp báo, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang đã báo cáo tóm tắt kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra ngay sau thành công rất tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII để xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Tại phiên khai mạc kỳ họp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội.
Sau 29,5 ngày làm việc (đợt 1: từ ngày 21-10 đến 13-11-2024; đợt 2: từ ngày 20-11 đến 30-11-2024) với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, chủ động, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với việc xem xét 51 nội dung, nhóm nội dung, bao gồm: 33 nội dung thuộc công tác lập pháp, 18 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời, có 12 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội nghiên cứu.
Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết, bên cạnh đó đã cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác; xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; cùng với đó, Quốc hội đã xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia và nhiều vấn đề quan trọng; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Về công tác nhân sự và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng, Quốc hội đã xem xét, quyết định miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước đối với ông Tô Lâm; bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021–2026 đối với ông Lương Cường; miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội và cho thôi làm đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Bùi Văn Cường thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội đối với ông Lê Quang Tùng; phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2021–2026 đối với ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021–2026 đối với ông Nguyễn Văn Thắng; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2021–2026 đối với ông Nguyễn Văn Thắng, bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021–2026 đối với ông Trần Hồng Minh; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với ông Nguyễn Quốc Đoàn và ông Lê Tiến.
Công tác nhân sự được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, bảo đảm đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt được sự thống nhất rất cao của các vị đại biểu Quốc hội. Sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch nước Lương Cường đã tuyên thệ, phát biểu nhậm chức theo quy định của Hiến pháp.
Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang đã báo cáo tóm tắt kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Xem xét, thảo luận các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024
Quốc hội đã xem xét, thảo luận các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội.
Quốc hội thông qua các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025. Tại Nghị quyết số 158/2024/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025: Quốc hội đề ra mục tiêu tổng quát, 15 chỉ tiêu và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; xác định năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; đồng thời, xác định: tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung cao độ hơn nữa cho bổ sung, hoàn thiện, tháo gỡ vướng mắc trong hệ thống pháp luật, hoàn thành về cơ bản việc xử lý những bất cập, tồn đọng, vướng mắc liên quan đến thể chế và tổ chức thực hiện kéo dài, đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu đổi mới sáng tạo, tạo đột phá phát triển đất nước trong tình hình mới…
Xem xét, thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025–2035
Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025–2035 nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Chương trình gồm 7 mục tiêu tổng quát, 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2035, trong đó, tập trung nguồn lực để giải quyết các vấn đề cấp thiết sau: phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; phát triển nguồn nhân lực văn hóa; hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới; tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình, truyền thông, tuyên truyền về Chương trình.
Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập; được thực hiện trong 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035.
Xem xét, thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam
Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam bằng hình thức đầu tư công với sơ bộ tổng mức đầu tư là 1.713.548 tỷ đồng, nhằm mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, bảo đảm kết nối hiệu quả các hành lang Đông - Tây và với các nước trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng.
Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; dự án đường sắt tốc độ cao được xây dựng với mục đích chính là để vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Phấn đấu đến năm 2035, cơ bản hoàn thành Dự án.
Quốc hội thông qua 18 luật, 4 nghị quyết
Về công tác lập pháp, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 4 nghị quyết quy phạm pháp luật trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ về tư duy trong công tác lập pháp theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp; kiên quyết chống tiêu cực, lợi ích nhóm; những vấn đề mới, đang trong quá trình vận động, thực tiễn biến động thường xuyên, chưa ổn định thì chỉ quy định khung, mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tiễn.
Trong đó có Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được ban hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa, tăng cường phân cấp, phân quyền, khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính; phát huy nguồn lực xã hội, tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Luật gồm 9 chương, 95 điều với một số nội dung mới như: Quy định cụ thể việc xác lập di sản văn hóa theo từng loại hình sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng phù hợp với Bộ luật Dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan; Quy định chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động có tính đặc thù; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tham gia quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Hoàn thiện các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm chính xác, đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Xác định cụ thể các trường hợp điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ I, khu vực bảo vệ II của di tích, khu vực di sản thế giới và vùng đệm của di sản thế giới; quy định nguyên tắc và thẩm quyền thực hiện điều chỉnh ranh giới các khu vực bảo vệ để bảo đảm tính khả thi khi áp dụng trên thực tiễn; Quy định cụ thể việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích; Quy định về quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp; Bổ sung Quỹ bảo tồn di sản văn hóa; (viii) Quy định bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; Bổ sung quy định nhằm hỗ trợ sự phát triển của hệ thống bảo tàng…
Quốc hội cho ý kiến các dự án Luật: Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Nhà giáo, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)… Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo được xây dựng nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo của trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động quảng cáo; tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển; bảo đảm tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan; nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo; năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo...
Trong thời gian 2 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về các lĩnh vực: ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông. Các vấn đề được Quốc hội lựa chọn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề cử tri, Nhân dân cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm…
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo về vấn đề tinh gọn bộ máy, Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, đây là nội dung đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương 10 với những định hướng rất quan trọng. “Tinh gọn bộ máy không phải là giảm đi mà là đảm bảo bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng và đây là vấn đề cần nghiên cứu rất kỹ”- Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh.
Tổng thư ký Lê Quang Tùng cũng cho biết, để triển khai Nghị quyết Trung ương 10, Quốc hội đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW trong sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, do Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng ban. Đến thời điểm này, Quốc hội đang trong quá trình rà soát, đến khoảng cuối tháng 12-2024, đầu tháng 1-2025 sẽ có kết quả.
"Nội dung tinh gọn đang được tiến hành đồng thời nhiều việc, đang triển khai rà soát, nghiên cứu tinh gọn bộ máy của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội. Kết quả sẽ được thông báo rất sớm cho Đảng đoàn Quốc hội, báo cáo Bộ Chính trị và thông tin cho báo chí để tuyên tuyền rộng rãi cho đồng bào, cử tri" - Tổng Thư ký Quốc hội cho biết.
NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội