Tái hiện lễ hội Sayangva của đồng bào Chơ Ro tỉnh Đồng Nai

Trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam năm 2024” và Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII diễn ra từ 15 đến 24-11-2024, Lễ hội Sayangva (Cúng thần Lúa) của người Chơ Ro tỉnh Đồng Nai đã được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) với sự tham dự đông đảo của người dân và du khách.

Người Chơ Ro có tín ngưỡng vạn vật hữu linh nên tôn thờ rất nhiều thần linh như: thần Lúa (Yang Va), thần Nhà (Yang Nhi), thần Rừng (Yang Bri), thần Suối (Yang Dal), thần Rẫy (Yang Re), thần Ruộng (Yang Mơ)... Trong đó, Lễ hội cúng thần Lúa (Sayangva) được người Chơ Ro tổ chức vào dịp thu hoạch xong, chuẩn bị bắt đầu mùa vụ mới, thường vào khoảng tháng 2 đến tháng 3 âm lịch. Đây là lễ hội lớn nhất mang dấu ấn lễ nghi nông nghiệp độc đáo, cũng chính là ngày Tết của đồng bào dân tộc Chơ Ro. Già làng hoặc người lớn tuổi đại diện làm chủ lễ, là người kết nối giữa cộng đồng với các thần linh, cầu khấn thần linh, ông bà tổ tiên, bày tỏ biết ơn vì đã cho cộng đồng một mùa bội thu và cầu xin mưa thuận gió hòa để mùa năm sau nhà nhà được no ấm. Đây cũng là dịp để cầu cầu phúc cho gia đình, dòng tộc và cho cộng đồng.

Đồng bào Chơ Ro đang sinh sống và hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Lễ hội cúng thần Lúa là lễ hội quan trọng nhất trong năm nên người Chơ Ro chuẩn bị cho lễ cúng rất chu đáo, nhiều công việc phải tiến hành sớm như nuôi heo, gà... và đặc biệt là làm rượu cần - vật phẩm không thể thiếu trong lễ hội, vừa để dâng cúng thần linh, vừa để đồng bào và khách quý chung vui trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Rượu của người Chơ Ro (gọi là "xec do") được làm trước lễ nhiều tháng, vì rượu càng ủ lâu càng ngon. Men rượu cần được làm từ các loại dây, vỏ, rễ, thân, lá... có vị cay, nồng, đặc tính nóng của nhiều loại cây rừng quanh nơi đồng bào sinh sống. Công đoạn làm men và ủ rượu đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, nhất là lúc vào rừng đi tìm nguyên liệu dành cho việc chế biến ra những bánh men hoàn chỉnh cũng mất cả tháng trời.

Rượu cần - vật phẩm không thể thiếu trong buổi lễ 

Trước 3 ngày diễn ra lễ hội, già làng cho người làm cây nêu lớn để dựng giữa sân lễ. Theo quan niệm của người Chơ Ro, cây nêu được xem là cây thông thiên, cây giao hòa giữa trời, đất và người, hàm ý gửi “tin báo và mời” đến Yang Va và thần linh, tổ tiên về tham dự lễ hội với cộng đồng, hễ ai thấy cây nêu thì biết rằng làng vào lễ hội. Cây nêu được làm từ cây vàng nghệ hoặc cây tre. Điểm chung cây nêu của người Chơ Ro là phải thẳng, chiều dài từ 3-5m, được làm sạch các cành, mắt ở các đốt lóng. Thân cây nêu được tạo hoa văn bằng cách tạo ô trám (sau khi đốt sẽ tháo băng và hình ô trám). Phía ngọn chặt ngang, chẻ nhiều thẻ. Từ các thẻ tre này được tạo hình một cái phễu. Người Chơ Ro vót các nan có bề ngoài bằng vỏ tre nhưng vẫn giữ màu xanh đan theo các thẻ này. Trên miệng của phễu tre này được trang trí các chùm tia bằng các nan tre vót mỏng, tạo thành các hoa tre màu trắng, uốn cong. Có bốn tia bằng nan tre được cắm trên miệng phễu cao và tỏa cong về bốn hướng. Trên các tia nan này, người Chơ Ro gắn cánh của con gà được dùng làm lễ vật cúng. Còn hai nhánh khác thì gắn các cánh hoặc lông của các con chim săn bắn được. Nếu bắt được chim chèo bẻo thi cánh chim chèo bẻo được gắn vào hai tia còn lại. Cây nêu lớn này được chôn ở sân nhà trước một ngày khi tổ chức lễ hội cúng thần Lúa…

Bên cạnh cây nêu lớn, người Chơ Ro làm thêm hai cây nêu nhỏ (có nơi gọi cảnh Phang, cây Nhang). Hình thức làm cây nêu nhỏ này như cây nêu lớn nhưng chiều dài khoảng 1m. Cây nêu nhỏ được cắm ở bàn thờ trên nhà sàn và kho chứa lúa.

Cây nêu nhỏ được cắm ở bàn thờ 

Trong lễ hội Sayangva phần thực phẩm để dâng lên các Yang và đãi khách rất quan trọng, trong đó, cơm lam (piêng đình), bánh giầy (piêng pup) là những món ăn không thể thiếu. Cơm lam được nấu bằng gạo nếp trong ống lồ ô (hoặc nứa) và nướng trên lửa than hồng. Để cơm thêm ngon, hấp dẫn, đồng bào cho thêm nước cốt dừa vào gạo nếp và không quên cho thêm một ít muối cho vị thêm đậm đà. Vào trước ngày khai lễ, những người có sức khỏe, thanh niên trai tráng của làng vào rừng lựa chọn, mang về những thân lồ ô, nứa không quá già. Lồ ô được chặt theo từng lóng đem vệ sinh cho sạch trước khi cho gạo nếp vào. Gạo nếp ngon sau khai đã được ngâm đem ngâm cho vào ống lồ ô, rồi đem nấu trên lửa than. Để cho cơm chín đều phải biết canh độ nóng của than thường xuyên xoay ống, khoảng hơn 30 phút cơm chín. Khi cúng cộng đồng thường để cả ống trên bàn thờ, khi ăn cộng đồng dùng dao tước bỏ lớp vỏ bên ngoài ống cơm lam rồi cắt thành từng khúc ngắn hoặc tách hẳn ống ra lấy cơm.

Bánh giầy được làm trước lễ cúng một ngày nhưng phổ biển đồng bào làm bánh ngay trong ngày cúng Yang Va vì bánh sẽ thơm, mềm và ngon hơn. Ngoài cơm lam, bánh giầy, trong lễ hội người Chơ Ro còn chuẩn bị các món như đọt mây nướng (xiêng), canh bồi (pay ploi), lá bếp (nhíp) nướng...

Đồng bào Chơ Ro chuẩn bị cơm lam (piêng đình) trong buổi lễ

Bánh giầy (piêng pup) trong buổi lễ 

Theo phong tục, người Chơ Ro khi thu hoạch luôn để lại một vạt lúa đẹp nhất có những bông, chín vàng và trĩu hạt. Những bông lúa được bó lại bằng rơm, che bằng lá chuối hoặc mái tranh, rào xung quanh bằng tre gai để bảo vệ. Bởi theo quan niệm của người Chơ Ro, thần Lúa trú ngụ trên những bông lúa này, chờ đến khi tổ chức lễ hội đến rước về trú ngụ trong kho. Khi mặt trời vừa lên, nghi thức rước hồn lúa chính thức được tiến hành. Người được chọn thực hiện nghi thức rước hồn Lúa là người phụ nữ lớn tuổi (người Chơ Ro gọi người phụ nữ này là “mây va”) - người có đạo đức, uy tín, cùng vài người được chọn đi theo để phụ giúp.

Trước khi đoàn đi rước hồn lúa, chủ lễ đến trước bàn Nhang vái xin Yang cho phép được đi rước hồn đang ở ngoài rẫy về làm lễ cúng. Đến vạt lúa, “mây va” thực hiện nghi thức khấn vái để rước hồn lúa. Nội dung khấn nhằm báo cho hồn lúa biết hôm nay làng tổ chức lễ cúng thần Lúa nên ra đây mời hồn lúa từ rẫy về nhà dự lễ và sau đó vào trú ngụ trong kho lúa, đừng ở ngoài rẫy mà bị nắng gió, bị chim, chuột, thú rừng phá...; cầu xin hồn lúa thuận lòng cho đoàn rước được cắt những bông lúa này để hồn lúa cũng theo đó mà về... Trên đường về, “mây va” chặt hai cây chuối và hai cây mía bỏ vào gùi.

“Mây va” thực hiện nghi thức khấn vái để rước hồn lúa

Khi đoàn người rước hồn lúa về khu cây nêu ở giữa sân, “mây va” "trình báo" cho thần linh, tổ tiên chứng giám. Sau trình lễ vật ở cây nêu, chủ lễ nhận và mang các lễ vật lên bàn thờ Nhang, thực hiện các nghi lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, cho lúa luôn đầy kho, năm nào cũng có lúa ăn đến khi giáp hạt, bà con trong làng không ai bị đói kém, những loại cây trồng hoa màu cho nhiều củ trái và không bị thú rừng phá phách, cuộc sống mạnh khỏe.

Chủ lễ thực hiện các nghi lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu 

Sau khi cúng xong ở kho lúa, cũng là kết thúc nghi lễ cúng Yang Va. Già làng mời các vị cao niên, các vị khách quý đến bên bàn thờ uống rượu cần. Người phụ nữ lớn tuổi nhất bao giờ cũng được mời uống trước, qua đó biểu thị lòng biết ơn công lao của người phụ nữ, bởi theo quan niệm của cộng đồng thì phụ nữ tiêu biểu cho sự cai quản, chăm sóc nhà cửa, chịu đựng nhiều khó khăn, thiệt thòi, vất vả trong việc sinh nở, chăm con cái, lo toan công việc trong gia đình cũng như ngoài nương rẫy...

Trong lễ hội Sayangva của người Chơ Ro ở các địa phương tại Đồng Nai không thể thiếu những hoạt động hấp dẫn như: thi đấu các môn thao (bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố, bịt mắt đập niêu...) và tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc như đàn tre, đàn môi, hát đối đáp... Đây là phần cuốn hút người dân tham gia, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong lễ hội.

Đồng bào Chơ Ro trình diễn cồng chiêng trong lễ hội

Lễ hội cúng Thần Lúa là phong tục đặc sắc, văn hóa truyền thống lâu đời, không chỉ thể hiện lòng biết ơn, sự mong muốn mà ở đó còn thể hiện tinh thần đoàn kết và sức mạnh của cộng đồng dân tộc Chơ Ro. Đây là hoạt động thiết thực và ý nghĩa do chính chủ thể văn hóa thực hiện nhằm giới thiệu phong tục tốt đẹp của người Chơ Ro tại “Ngôi nhà chung” và cũng là cơ hội để đồng bào Chơ Ro quảng bá việc gìn giữ những phong tục, nghi lễ, những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình tới du khách khi đến tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Bài, ảnh: MINH PHẠM 

;