Chữ trò được sử dụng khá nhiều trong kịch hát truyền thống, với nội dung, ý nghĩa, vận dụng thực tiễn khác nhau như: cấu trúc mảnh trò, có tích mới dịch nên trò, trò diễn, trò nhời… Về nội hàm, khái niệm trò đã được nhiều công trình nghiên cứu đề cập. Mảnh trò được xem xét chủ yếu về phương diện cấu trúc, trò nhời tập trung ở lời đối thoại, trò diễn là những động tác biểu đạt một nội dung nào đó… Song thực tế, chữ trò trong mọi trường hợp đều gợi sự chuyển động mang một đặc trưng cơ bản của sân khấu là diễn xuất. Hình ảnh chuyển động đó kích thích sự liên tưởng tới hoạt động của con người, thể hiện theo một phương thức với những quy ước nhất định… Chữ trò trong mọi khái niệm của sân khấu truyền thống là kết quả cuối cùng được khái quát khi văn chương đối thoại có sự tham gia của diễn xuất, nhằm tạo hiệu quả cho mục đích nghe nhìn.
Gọi là mảnh trò, không gọi là trích đoạn hay tiểu phẩm vì trong đó, không chỉ là văn chương đối thoại mà còn có sự gắn kết với diễn xuất của nghệ sĩ biểu diễn, được đúc kết qua thời gian. Nếu như kịch thái Tây coi kịch bản văn học là hình thức nghệ thuật đầu tiên, quan trọng nhất quyết định sự thành bại của tác phẩm sân khấu, thì kịch hát truyền thống coi kịch bản, tích diễn chỉ là cái cớ ban đầu, hiệu quả chủ yếu do sáng tạo của nghệ sĩ biểu diễn, người sáng tạo trò diễn. Ngày nay, chúng ta được đọc tuồng, chèo cổ, dưới dạng kịch bản văn học, thực chất sản phẩm văn học đó là kết quả cuối cùng của quá trình sáng tạo lâu dài, là sự bồi đắp của các nghệ nhân dân gian qua các thời kỳ. Kịch bản chèo, tuồng cổ tồn tại độc lập dưới dạng tác phẩm văn học, chúng ta có thể đọc, cảm nhận được những giá trị của nó, nhưng chèo, tuồng cổ dưới dạng vở diễn sân khấu thì phụ thuộc vào tài năng các nghệ nhân dân gian. Hiệu quả vở diễn vượt xa ý tưởng ban đầu của kịch bản (tích). Những câu văn hay như: “Thày như táo rụng sân đình, Em như gái dở đi rình của chua” của Thị Mầu sẽ không gây ấn tượng nếu không gắn với cô gái có thân hình bốc lửa, dáng đi lượn mình xà, đôi mắt lúng liếng với những toan tính nhằm thỏa mãn nhu cầu trong từng bước đi động tác.
Cấu trúc mảnh trò là một trong những yếu tố làm nên đặc sắc của kịch hát truyền thống, mỗi mảnh trò có tính độc lập tương đối. Mảnh trò thực chất là một đoạn, một cảnh, một màn, thậm chí một lớp được cắt ra từ vở diễn. Tuy nhiên, không phải cứ cắt tùy tiện bất kỳ đoạn kịch nào rồi gọi đó là mảnh trò. Tính chất độc lập tương đối của mảnh trò tùy thuộc vào việc sắp trò, bày trò, hay thuật ngữ ngày nay thường dùng là tổ chức hành động có sự gắn kết giữa nội dung và hình thức thể hiện thông qua tình huống, sự kiện. Dù chỉ là một đoạn, một mẩu trong câu chuyện dài, cấu trúc mảnh trò vẫn phải mạch lạc, rõ ràng giúp người xem nắm bắt được nội dung, thông điệp cần chuyển tải. Tính độc lập tương đối của mảnh trò phụ thuộc vào điểm bắt đầu và kết thúc của mẩu chuyện được mang ra kể. Song giữa các mảnh trò lại tồn tại mối liên hệ, tạo nên sự gắn kết cho một tích diễn.
Mảnh trò nối tiếp mảnh trò, cách xác định khác là sự kiện nối tiếp sự kiện tạo nên một câu chuyện. Mặc dù đặc trưng cơ bản trong cấu trúc kịch hát truyền thống là tích diễn - thân trò với trò ngoài tích, được sắp đặt trên nguyên tắc các mảnh trò, nhưng cũng không thể bóc hẳn những mảnh trò mang lại tiếng cười ra khỏi tích. Ví dụ những mảnh trò cười trong tích diễn về cuộc đời Thị Kính nếu bóc ra vở Quan Âm Thị Kính cũng không còn gì để xem.
Tư duy mảnh trò là hệ quả của hình thái sân khấu kể chuyện. Cứ mỗi biến cố trong câu chuyện, người ta lại tìm cách nhấn mạnh, gây ấn tượng người xem, rồi tùy theo nội dung, tính chất, mục đích của câu chuyện để huyền thoại hóa hay hài hước hóa. Song nhìn chung, cứ nói đến chữ trò lập tức liên tưởng tới những diễn biến bất thường. Xu hướng chủ đạo trong các vở truyền thống là tìm cách gây cười. Nếu thống kê toàn bộ số lượng mảnh trò trong các vở truyền thống thì những mảnh trò tuyệt nhiên không có tiếng cười là con số ít.
Khái niệm có tích mới dịch nên trò đã chỉ ra một nguyên tắc cơ bản của quá trình sáng tạo, nhận được sự đồng tình của đa số. Tích là cốt truyện, là thân trò. Thông qua tích truyện với các tình huống, xung đột, nhân vật bộc lộ tính cách, mục đích hành vi… Trò là hiệu quả từ diễn xuất. Tích có hay, kịch bản có phong phú với những tình huống hấp dẫn, ý tưởng sâu sắc, tính cách nhân vật đa dạng, lời đối thoại sắc sảo được thể hiện trong kết cấu hợp lý, có sức thuyết phục mới có cơ sở để sáng tạo trò diễn. Tích hay mới có trò hay, kịch bản phải là mảnh đất phì nhiêu thì người sáng tạo trò diễn mới có cơ hội để trổ tài, dịch những ý tưởng của tích thành trò. Trò là kết quả sáng tạo diễn xuất nhằm lấp đầy khoảng trống còn lại của ngôn ngữ kịch bản, làm nên tính chất sống động của ý tưởng văn học, thỏa mãn nhu cầu nghe nhìn của tác phẩm sân khấu. Những tìm tòi, sáng tạo nhằm làm cho tình huống của tích khắc họa sâu sắc hơn, diễn biến sắp xếp mạch lạc, động tác biểu đạt bằng ngôn ngữ hình thể, lời nói, câu hát được vận dụng phù hợp, thái độ đúng mục đích, sinh động, có sức biểu cảm sẽ làm nên trò diễn. Như vậy, những gì ngôn ngữ sân khấu cho phép nhằm chuyển hóa ý tưởng văn học thành thực tế sống động, mang lại cảm xúc thẩm mỹ cho người xem thông qua nghe nhìn trực tiếp đều trở thành trò. Sân khấu nước ngoài cũng rất coi trọng tính trò. Người Nga khi nói đến từ igra (игра) cũng hiểu là trò, khi người ta nói vở diễn không có igra có nghĩa là vở diễn không có trò, không có gì để xem. Trò trong trường hợp này được hiểu là trò diễn gắn với cốt truyện.
Trò trong vở diễn được dịch ra từ tích, phản ánh ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, trò mang lại tiếng cười vẫn gây ấn tượng mạnh hơn cả. Có trò cười gắn với tích, có trò ngoài tích, được khái quát trong hai phương thức điển hình gọi là: trò diễn và trò nhời. Cách gọi trên đã xác định sự khác biệt của trò, nhưng thực chất lại có sự gắn kết chặt chẽ, bổ sung cho nhau, cái nọ kích thích cái kia, cùng đi tới tận cùng hiệu quả lớp trò muốn đạt được. Nhời chưa thành trò nếu không được nói bằng một phương thức thể hiện của diễn xuất.
Đã từ rất lâu, khán giả của kịch hát truyền thống có thói quen thưởng thức tích diễn thông qua hình thức sân khấu có sự góp mặt của nhiều phương tiện biểu hiện như: hát, múa, nói, diễn. Mỗi phương tiện sáng tạo được vận dụng vào mục đích chuyển tải nội dung theo cách riêng. Khi là sự kết hợp cùng lúc tất cả các phương tiện nhằm tạo hiệu quả như trong lớp trò Thị Mầu ghẹo tiểu, khi lại vận dụng riêng lẻ độc lập như múa của Súy Vân giả dại, hát như trong Thị Kính, nói như trong Tuần Ty Đào Huế… Để lớp trò thực sự đạt hiệu quả, người sáng tạo phải vận dụng diễn xuất vào mọi phương thức dù đó là múa, hát hay nói. Diễn xuất phải hiện hữu, chi phối mọi hình thức biểu đạt. Động tác, thái độ, cử chỉ, hành vi được quy nạp vào trò diễn sẽ không mang lại hiệu quả nếu chỉ được thể hiện một cách máy móc, khô cứng, khuôn mẫu theo những quy ước sẵn có. Lời sẽ không hay, không có ý nghĩa, không gây ấn tượng người xem nếu không được thể hiện đúng với ngữ nghĩa do tình huống, tính cách, hành động quy định. Lời văn đối thoại có thể rất hay do người đọc cảm thụ khi nằm trên giấy, nhưng sẽ rất nhạt nhẽo, vô duyên khi trên sân khấu, người diễn không thể hiện được mục đích, ý nghĩa của lời nói với giọng điệu, thái độ phù hợp.
Diễn xuất là đặc trưng cơ bản làm nên hình thái sân khấu, không chỉ được thực hiện một cách máy móc theo những quy ước mang tính kỹ thuật thuần túy, mà còn là sản phẩm của sự sáng tạo đời sống tinh thần, được biểu hiện thông qua bản thân người diễn. Đồng thời, diễn xuất góp phần hoàn thiện, làm phong phú hơn cả về nội dung, hình thức cho ý tưởng văn học, tạo nên mảnh trò, trong đó có trò mang lại tiếng cười, thỏa mãn nhu cầu nghe nhìn của khán giả. Trò chỉ thực sự trở thành trò khi có sự tham gia của diễn xuất.
Từ kiến giải trên, có thể dễ dàng nhận thấy, tính trò hình thành do sự góp mặt của diễn xuất trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản về tính ước lệ, cách điệu, trình thức, mô hình hóa và chuyển hóa mô hình. Diễn xuất đã làm nổi bật tính trò trong các khái niệm về trò của kịch hát truyền thống và tập trung ở hình thái gây cười.
Vở diễn truyền thống được tách bạch làm hai phần: thân trò do bác thơ soạn ra và những trò ngoài tích do các nghệ sĩ ứng tác ngẫu hứng thêm vào trong quá trình biểu diễn. Thân trò thường gồm những sự kiện quan trọng của cốt truyện với tình huống hành động thể hiện rõ tính cách, số phận nhân vật. Trò ngoài tích tuy không tham gia vào cốt truyện, giải quyết những xung đột nhưng lại có giá trị dẫn chuyện, làm giảm căng thẳng của tình huống kịch. Đó là các lớp diễn của hề gậy, hề mồi được ông trùm cho phép pha trò tùy ý. Những lớp trò này thường không gắn bó với tích, có thì vui, không có cũng chẳng sao, song thực tế, hình thức này đã làm nên sức hấp dẫn đáng kể cho các vở diễn truyền thống. Không hiếm khi các nghệ sĩ hứng diễn cao quá làm cho trò lạc xa khỏi tích. Tính ứng diễn hay trò ngoài tích được xếp vào một hình thái trò khá phổ biến, bao quát trên diện rộng trong một vở diễn.
Không chỉ hài hước hóa khi kể chuyện thông qua các mảnh trò trong tích, mà cách pha trò, tán, đùa được bộc lộ khá nhiều trong phần ứng diễn. Nếu thân trò được ấn định bởi các lớp diễn, sự kiện, tình tiết tạo nên bố cục chặt chẽ về nội dung, thì phần ứng diễn lại rất tự do, phóng khoáng. Thói quen pha trò tùy ý đã tạo phản ứng tích cực cho người xem nên các nghệ sĩ biểu diễn đưa cả thói quen này vào các lớp diễn thuộc thân trò. Hiệu quả đó bộc lộ khá rõ khi các lớp diễn thuộc thân trò có sự tham gia của nhân vật chính với hề hoặc nhân vật hài.
Trò trong tích hay trò ngoài tích chủ yếu được thể hiện qua lời đối thoại nên được gọi là trò nhời. Lời đối thoại mang tính trò được chú trọng từ nội dung đến biện pháp tu từ nhằm tạo nên những đối đáp sắc sảo mang tính hành động, đặc biệt, tính hài của ngôn ngữ đối thoại được khai thác đến mức tối đa. Khi khảo sát trên phương diện văn bản, lời đối thoại gợi lên trong trí tưởng tượng của người tiếp nhận những hình ảnh mang tính trò. Tuy nhiên, đó mới chỉ là hình ảnh tưởng tượng của người đọc do từ ngữ gợi lên. Tính trò của ngôn ngữ sẽ thực sự thành trò, gây ấn tượng mạnh khi lời đối thoại được diễn viên thể hiện thông qua diễn xuất, đi kèm với lời nói là thái độ, mục đích, cung cách, giọng điệu. Mặt khác, lời nói được diễn đạt đồng thời với những biểu hiện của hình thể thông qua cử chỉ, dáng dấp, nét mặt sẽ làm nên hiệu quả hành động, khắc họa sâu đậm tính trò trong ngôn ngữ. Bằng một cử chỉ bất thình lình, với thái độ vừa quan trọng, vừa trêu chọc, giễu cợt, coi thường, Mẹ Đốp dơ tay bốc ngang mồm xã trưởng cho vào ruột tượng, đồng thời nói “ăn khoán cũng vào đây này” đã khắc họa trọn vẹn một hành động. Bị bất ngờ, xã trưởng giật mình phản ứng lại. Sự kết hợp ăn ý giữa hai hành động đối nghịch đã kích thích tiếng cười.
Lớp Thị Mầu lên chùa nếu đọc kịch bản hiệu quả nghệ thuật không thể sâu sắc, lung linh như khi xem biểu diễn. Lớp diễn đã tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ, từ mô hình, đến xử lý diễn xuất, múa, hát, đối thoại đều tinh tế. Ngoài lớp diễn Thị Mầu lên chùa, còn có rất nhiều các mảnh trò điển hình khác như: Phú ông - Nô - Thị Mầu, Việc làng… Cùng với chèo, tuồng có tính kinh điển hơn trong xây dựng kịch bản nhưng hiệu quả vở diễn vẫn do người thực hiện trò diễn mang lại. Trên cơ sở nguyên lý sáng tạo, kỹ năng thể hiện mang đặc trưng của thể loại, người diễn viên sáng tạo vai diễn theo trình thức đã được xác định. Như vậy, nếu chỉ có kịch bản hay, sân khấu chưa mang lại giá trị tuyệt đối, tác phẩm sân khấu phải là sự kết hợp của nhiều bộ môn nghệ thuật, trong đó diễn xuất của diễn viên giữ vai trò trung tâm.
Tính trò của lời biểu hiện sinh động, gây ấn tượng mạnh khi người diễn làm bật ý nghĩa tiềm ẩn đằng sau câu chữ, đặc biệt là ý nghĩa gây cười. Lời văn trên văn bản có thể làm người đọc cười, nhưng cũng lời văn đó khi nói trên sân khấu có thể không gây cười, không hiệu quả do diễn xuất không phù hợp, không bật ra được ngữ nghĩa của câu nói. Ngược lại có trường hợp câu đối thoại đọc trên văn bản không gợi lên tiếng cười, nhưng từ trong ý thức người diễn đã tạo được sự bất thường thông qua thái độ, cách biểu cảm hợp với quy luật đã làm cho khán giả cười. Cùng một nhân vật truyền thống, có người diễn hay tạo hiệu quả gây cười, có người diễn không hay, không hấp dẫn, không gây cười. Điều này cho thấy những mảnh trò hay sẽ định hình vai trò quan trọng của diễn xuất.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 389, tháng 11-2016
Tác giả : LÊ MẠNH HÙNG