Trải qua hơn hai thập kỷ hình thành, phát triển, nhạc jazz Việt Nam tiếp tục khẳng định được diện mạo và phong cách riêng. Các nghệ sĩ, nhạc sĩ tiêu biểu như: Lưu Quang Minh, Quyền Văn Minh, Quyền Thiện Đắc, Phạm Tuấn Hùng, Nguyễn Tiến Mạnh... đã dần định hình con đường sáng tạo nghệ thuật ngẫu hứng dựa trên cơ sở kế thừa những tinh hoa của nhạc jazz thế giới, kết hợp với những nét độc đáo của âm nhạc dân gian Việt Nam. Một số nghệ sĩ, nhạc sĩ, du học sinh Việt Nam theo học tại các nước có nền nhạc jazz tiên tiến như: Mỹ, Thụy Điển, Pháp, Ba Lan... đã giao hòa nền văn hóa bản địa với quốc tế.
1. Trong chuyển soạn dân ca
Với loại hình âm nhạc kén người nghe như jazz, người nghe sẽ dễ cảm thụ hơn khi bắt gặp trong đó một giai điệu, làn điệu dân ca quen thuộc. Hơn nữa, giai điệu và làn điệu của dân ca Việt Nam cũng là chất liệu mới cho các sáng tác của các nghệ sĩ, nhạc sĩ jazz quốc tế. Với tài năng, trình độ và đặc biệt là tính sáng tạo của nghệ thuật ngẫu hứng, những giai điệu dân ca đã được vang lên trong ngôn ngữ jazz với những cung bậc, màu sắc khác nhau, tạo nên cảm xúc không chỉ quen thuộc, mà còn mới, lạ đối với người nghe. Qua nghiên cứu về ngôn ngữ của giai điệu trong các tác phẩm chuyển soạn dân ca theo phong cách jazz, chúng tôi phân loại, hệ thống dựa trên hai tiêu chí: sử dụng hoàn toàn bài dân ca và sử dụng một phần, đoạn, câu của bài dân làm chủ đề cho tác phẩm.
Sử dụng hoàn toàn bài dân ca làm chủ đề cho tác phẩm jazz
Khác với tác phẩm dân ca Việt Nam, jazz là loại hình âm nhạc có cấu trúc, hình thức chặt chẽ bởi sự kết nối, giải quyết, biến đổi giữa các hợp âm trong đó có các bè chứa đựng quãng chromatics. Chính vì vậy, hầu hết hòa âm được viết trong các tác phẩm nhạc jazz standard đều sử dụng những tiến trình hợp âm: II-V, V-I, II-V-I, I-VI-II-V-I, I-II-III-IV… Những tiến trình hợp âm này cũng thường được sử dụng làm form để các nghệ sĩ có thể dựa trên đó mà ngẫu hứng một cách khoa học. Tuy nhiên, do có sự kết hợp với dân ca, chịu ảnh hưởng từ đặc điểm truyền khẩu, truyền ngón, nên chúng luôn biến đổi. Việc kết hợp đòi hỏi tính sáng tạo, khéo léo, tỉ mỉ của người nghệ sĩ, nhạc sĩ sao cho phù hợp với ngôn ngữ jazz mà vẫn giữ vững được cốt cách và tinh thần của tác phẩm dân ca.
Ví dụ, tác phẩm Xòe hoa - dân ca Thái, do GS Håkan Rydin - Học viện Hàn lâm Âm nhạc Malmö, Thụy Điển chuyển soạn.
Giai điệu: tác giả đã sử dụng hoàn toàn giai điệu nguyên gốc của tác phẩm, tuy nhiên, tuyến giai điệu được bố trí thành 2 phần, theo hình thức AB. Cũng chính nhờ sự bố trí khoa học, hợp lý này, nên phần ngẫu hứng của tác phẩm nằm ở phần A. Phần B đóng vai trò tái hiện lại giai điệu với ngôn ngữ mới, tạo điểm nhấn, cao trào của giai điệu tác phẩm.
Hòa âm: giữa phần A và B, hợp âm và tiến trình hợp âm khác nhau. Trong ô nhịp đầu tiên của phần A với phần B tác giả đã vận dụng thủ pháp điệu thức song song, điều này thể hiện ở giữa sự biến đổi của hai hợp âm C và Am.
Các tiến trình hợp âm I-VI-II-V-I đã được vận dụng ngay trong 4 ô nhịp đầu của đoạn A cùng với những tiến trình hợp âm I-V, II-V với việc sử dụng nốt 3 làm gốc.
Hơn nữa, việc sử dụng hợp âm D11 và G11 tạo màu sắc rộng, tươi sáng cho tác phẩm. Đặc biệt là thủ pháp bè bass đi chromatic liền bậc từ nốt A xuống nốt E được sử dụng ở tiến trình hòa âm trong 5 ô nhịp đầu của phần B.
Tiết tấu: tác giả giữ nguyên nhịp 2/4 của tác phẩm, tuy nhiên điều đặc biệt ở đây là sử dụng tiết tấu đặc trưng của jazz Bắc Âu even 8th (hay còn được gọi là Straight 8th). Điều này không chỉ mang lại sự mềm mại, vui tươi của tác phẩm mà còn giúp mở rộng màu sắc, âm vang của bộ trống, cũng như sự tự do trong sáng tạo của tác phẩm.
Chất liệu dân tộc trong tuyến ngẫu hứng: để nhấn mạnh chất liệu của âm nhạc truyền thống Việt Nam, tác giả đã sắp xếp các hợp âm, tiến trình hợp âm với sự liên kết một cách khéo léo trên form ngẫu hứng của tác phẩm. Với những tiến trình hợp âm này, các nghệ sĩ ngẫu hứng có thể hoàn toàn sử dụng chung một thang âm ngũ cung C trưởng hay còn được gọi là thang âm Đô cung, mà không phải biến đổi nhiều thang âm khác nhau trên toàn bộ form solo. Điều này đã tạo nên chất liệu hoàn toàn Việt Nam trong tuyến ngẫu hứng của các nghệ sĩ jazz.
Chuyển soạn bài dân ca Xòe hoa là một trong những trường hợp tiêu biểu của việc sử dụng hoàn toàn bài dân ca làm chủ đề cho tác phẩm jazz.
Sử dụng một phần, đoạn, câu của bài dân ca làm chủ đề cho tác phẩm jazz
Việc làm này đòi hỏi các nhạc sĩ hết sức thận trọng trong việc chọn lựa phần, đoạn, câu của bài dân ca, cũng như cách kết hợp với ngôn ngữ của jazz mà không làm mất đi tính thẩm mỹ, cốt cách, tinh thần của tác phẩm gốc. Hầu hết việc chuyển soạn dân ca theo cách này nằm ở những tác phẩm dân ca quen thuộc, phổ biến rộng rãi với công chúng. Ví dụ, tác phẩm Bèo dạt mây trôi, dân ca đồng bằng Bắc Bộ, do tác giả Nguyễn Tiến Mạnh, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chuyển soạn.
Giai điệu: tuyến giai điệu được bố trí thành 2 phần, theo hình thức AB. Phần ngẫu hứng mở của tác phẩm nằm ở phần A được lặp đi lặp lại. Phần B đóng vai trò chuyển solo, cũng như tạo điểm nhấn, cao trào của giai điệu tác phẩm. Tác giả đã lược bỏ giai điệu phần đầu của bài dân ca, thay thế bởi intro với ngẫu hứng mở (có thể lặp đi, lặp lại) trong 4 ô nhịp, giữa 2 hợp âm DΔ7 và D11.
Việc lược bỏ phần đầu giai điệu giúp cho tác phẩm phù hợp hơn với cấu trúc, hình thức của một tác phẩm nhạc jazz. Bên cạnh đó, Bèo dạt mây trôi là tác phẩm quen thuộc đối với công chúng Việt Nam, việc lược bỏ sẽ tạo màu sắc mới cho tác phẩm bằng tính sáng tạo của ngẫu hứng ngay từ phần intro.
Hòa âm: việc sử dụng giữa hai hợp âm DΔ9 và D11 trong tuyến ngẫu hứng đòi hỏi các nghệ sĩ jazz phải xử lý chính xác giữa hợp âm 7 trưởng và át. Ngoài ra, ở phần B là sự xuất hiện của hợp âm trưởng thứ để tạo màu sắc tương phản giữa 7 trưởng và 7 thứ cũng như tiến trình II-V-I của tác phẩm. Đặc biệt thủ pháp thủ pháp bè bass nhắc lại và đi chromatic liền bậc cũng được sử dụng ở trong tác phẩm.
Tiết tấu: tác giả đã thay đổi nhịp gốc của tác phẩm chuyển thành nhịp 4/4 và thay thế vào đó bằng tiết tấu even 8th. Đặc biệt, thêm 2 ô nhịp trước phần B của tác phẩm, tạo nên khoảng trống để các nhà ngẫu hứng có thể tạo nhiều âm hình, màu sắc của tiết tấu trong ngẫu hứng cũng như làm phù hợp với hình thức và cấu trúc của jazz.
Chất liệu dân tộc trong tuyến ngẫu hứng: ngoài các thang âm nguyên vị, thang âm biến đổi, thay thế của nhạc jazz được phép sử dụng trong tuyến ngẫu hứng, tác phẩm cũng có thể dùng thang âm ngũ cung D của Việt Nam trong tuyến giai điệu solo ở phần A.
Bèo dạt mây trôi là một trong những tác phẩm tiêu biểu sử dụng một phần, đoạn, câu của bài dân ca làm chủ đề cho tác phẩm jazz.
2. Trong các sáng tác mang chất liệu của âm nhạc truyền thống
Đây là phương thức sáng tác không bị bó buộc bởi các tác phẩm dân ca, mà tự do trong sáng tạo về ngôn ngữ giai điệu, hòa âm, âm hình tiết tấu. Tuy nhiên, phương thức sáng tác này đỏi hỏi các nhạc sĩ, nghệ sĩ vận dụng kiến thức về hòa âm, giai điệu, tiết tấu trong tính sáng tạo của ngẫu hứng một cách bài bản. Sự kết hợp, tiết chế, hài hòa về thang âm trong ngôn ngữ giai điệu, chất liệu, màu sắc của hòa âm, tiết tấu… phải làm cho công chúng vẫn cảm nhận được bản sắc dân tộc. Các sáng tác theo dạng này có thể lấy cảm hứng, cảm xúc từ một bài dân ca, làn điệu dân ca, chất liệu, thang âm của âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Ví dụ, tác phẩm Cô gái nhạc jazz của tác giả Lưu Quang Minh, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Theo tác giả, Cô gái nhạc Jazz được viết dựa theo cảm hứng và cảm xúc từ tác phẩm Lúng liếng - dân ca quan họ Bắc Ninh.
Phần intro: giai điệu phần mở đầu của tác phẩm với nốt 7, 9, cùng các nốt sớm ở bậc 3 của hợp âm sau, đã được tác giả vận dụng khéo léo hiệu quả để tạo màu sắc và sự đong đưa của giai điệu, trong những tiến trình hợp âm II-V và V-I ở các hợp âm F-9, Bb9 và G-7, C9.
Tiết tấu: toàn tác phẩm sử dụng tiết tấu salsa. Phần intro, tiết tấu salsa được chia làm 2 ô nhịp một riff, chứa đựng tiết tấu đảo phách sớm ở ô nhịp trước và tiết tấu đảo phách muộn ở ô nhịp sau, mang lại hiệu quả cao, tạo sự duyên dáng, hiệu ứng cho người nghe.
Hình thức của tác phẩm: ngoài phần intro, giai điệu của tác phẩm được viết với hình thức AB trong 20 ô nhịp. Trong đó phần A ở 8 ô nhịp đầu, B ở 12 ở nhịp còn lại. Đặc biệt, là sự xuất hiện của form ngẫu hứng nằm ở phần C, nhấn mạnh việc sử dụng chất liệu Việt Nam trong tuyến ngẫu hứng. Đây cũng là một trong những thủ pháp đã được rất nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ jazz nổi tiếng trên thế giới ngày nay sử dụng, nhằm phát huy tối đa sức sáng tạo, sự linh hoạt, tự do của các nhà ngẫu hứng.
Tuyến giai điệu: tác giả sử dụng khéo léo hình thức đối đáp giữa bè giai điệu và tính sáng tạo của ngẫu hứng ngay trên chủ đề của tác phẩm. Điều này được thực hiện ở phần A trong tuyến giai điệu ở 2 ô nhịp, bè đối đáp ngẫu hứng cho piano ở 2 ô nhịp tiếp theo trong những tiến trình hợp âm F-7 Bb9 và G-13 C11. Âm hình đối đáp trong giai điệu tiếp tục được thực hiện trong phần B của tác phẩm.
Thang âm của giai điệu: tác giả đã kết hợp giữa 2 thang âm ngũ cung F thứ (F Vũ) và thang âm F thứ Blues trong tác phẩm. Tác giả sử dụng thang âm ngũ cung F thứ trong phần A, thang âm F thứ Blues trong phần B với những nốt Blues nằm trong tuyến giai điệu. Điều này tạo nên sự cân đối, hài hòa giữa Đông và Tây cho tác phẩm, vừa mang ngôn ngữ của jazz mà vẫn đong đầy chất liệu ngũ cung của Việt Nam.
Hòa âm: ngoài các tiến trình hợp âm sử dụng II-V, V-I, các hợp âm biến đổi để phản ánh màu sắc, tạo điểm nhấn của giai điệu. Bên cạnh đó còn có sự thay đổi màu sắc trong cùng một hợp âm G-7 với G-Δ7/D (G thứ trưởng trên nốt bậc 3 làm bè bass) ở cuối phần intro. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng rất nhiều thủ pháp về hòa âm khác nhau, đặc biệt trong đó là thủ pháp hòa âm song song (Chord Parrallel) giữa bậc II-V lùi xuống 1 cung, cũng như sử dụng hợp âm thay thế tritone ở hợp âm cuối trong form ngẫu hứng của tác phẩm.
Chất liệu dân tộc trong tuyến ngẫu hứng: Việc sử dụng hòa âm song song và hợp âm thay thế trong form solo là tiền đề để các nhà ngẫu hứng có thể phần lớn sử dụng những nốt trong thang âm ngũ cung F Vũ, tạo nên chất liệu hoàn toàn Việt Nam, song song với những thang âm mà jazz vẫn sử dụng.
Qua phân tích những thủ pháp, ta có thể thấy được rõ nét tính sáng tạo của nhạc sĩ trong các sáng tác mang chất liệu của âm nhạc truyền thống. Những sáng tạo này đã góp phần tạo nên diện mạo riêng cho jazz Việt Nam, đồng thời là chất liệu giúp các nghệ sĩ biểu diễn, ngẫu hứng, mở rộng ngôn ngữ jazz.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016
Tác giả : NGUYỄN TIẾN MẠNH