Đặt vấn đề
Xã hội đương đại với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, hội nhập văn hóa diễn ra nhanh chóng dẫn đến đời sống văn hóa của con người có những biến đổi đa dạng và phong phú. Cùng với sự phát triển của đời sống đô thị hiện đại, tư duy nghệ thuật đòi hỏi những không gian chung để thể hiện ý tưởng sáng tạo. Trong đó, không gian sáng tạo không chỉ là nơi diễn ra những sự kiện sinh hoạt cộng đồng, mà còn đem lại nhiều giá trị tinh thần khác nhau, có khi đơn giản chỉ là nơi để người ta thư giãn thưởng thức một ly cà phê, ngắm nhìn một tác phẩm nghệ thuật, hay bộc lộ một cách tự do những ý tưởng sáng tạo phi thương mại… Môi trường văn hóa đó có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, tình cảm, lối sống của người dân. Đến nay, các không gian sáng tạo có sự mở rộng về biên độ, phạm vi; có sự lan tỏa, phát triển từ đô thị đến nhiều vùng, miền của cả nước. Hoạt động phong phú, đa dạng của các không gian sáng tạo đã thu hút sự tham gia đông đảo của các văn nghệ sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên, những người đam mê và có tình yêu nghệ thuật để chia sẻ kinh nghiệm; thảo luận chuyên môn, những vấn đề mà cuộc sống, thời đại đang đặt ra; xây dựng, thiết kế, triển khai thực hiện các dự án văn hóa, nghệ thuật… Do vậy, nghiên cứu hoạt động giáo dục nghệ thuật thông qua các không gian sáng tạo có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.
1. Khái niệm giáo dục nghệ thuật, không gian sáng tạo
Giáo dục nghệ thuật
Giáo dục nghệ thuật bao hàm hai phần chính là “giáo dục” và “nghệ thuật”. Với bản chất của nghệ thuật là rộng lớn, định nghĩa về các loại hình cấu thành của nghệ thuật cũng không nhất quán, thay đổi từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác. Do đó, việc xác định bản chất của giáo dục nghệ thuật cũng có nhiều cách tiếp cận và hiểu biết khác nhau.
Theo lý luận của ngành Giáo dục học, “giáo dục” có thể hiểu theo nghĩa rộng hoặc nghĩa hẹp. Nghĩa hẹp, “giáo dục” tương đương với khái niệm dạy học, nghĩa là quá trình giáo dục phẩm chất đạo đức, hành vi và lối sống cho học sinh trong nhà trường. Còn theo nghĩa rộng, “giáo dục là quá trình toàn vẹn nhằm hình thành và phát triển nhân cách con người, được tổ chức một cách có mục đích, có kế hoạch, thông qua các hoạt động và quan hệ giữa nhà giáo dục và đối tượng giáo dục nhằm truyền đạt và lĩnh hội những kinh nghiệm xã hội loài người đã tích lũy trong lịch sử” (1).
Ở các nước trên thế giới, thuật ngữ “giáo dục nghệ thuật” được diễn giải theo nhiều nghĩa khác nhau, phụ thuộc vào quan niệm và bối cảnh xã hội, dân trí cụ thể của mỗi quốc gia. Các quan niệm này cũng biến đổi theo mỗi giai đoạn phát triển của xã hội.
Theo tổ chức Americans for the Arts định nghĩa: giáo dục nghệ thuật “là sự truyền dạy và thiết kế các chương trình trong tất cả các loại hình nghệ thuật - bao gồm múa, âm nhạc, nghệ thuật thị giác, sân khấu, văn thơ, nghệ thuật đa phương tiện, lịch sử, phê bình và thẩm mỹ, nhưng lại không giới hạn trong các loại hình nghệ thuật kể trên. Thuật ngữ này được dùng theo một nghĩa rộng nhất, bao gồm cả các hoạt động lấy nghệ thuật làm trung tâm và các hoạt động kết hợp nghệ thuật với những bối cảnh trường học và cộng đồng. Giáo dục nghệ thuật bao gồm:
Giáo dục về nghệ thuật: học sinh được học vẽ, viết văn thơ, chơi nhạc, đóng kịch…
Giáo dục thông qua nghệ thuật: học sinh sử dụng các hình thức nghệ thuật để học về các môn học khác trong nhà trường như, sử dụng nghệ thuật múa để học toán (2).
Một quan niệm được cộng đồng các nước thừa nhận một cách rộng rãi đó là: “Giáo dục nghệ thuật có mục đích chuyển giao di sản văn hóa nghệ thuật cho các thế hệ, làm cho đối tượng giáo dục có khả năng tạo dựng ngôn ngữ nghệ thuật riêng và phát triển toàn diện về nhận thức tình cảm. Do đó, giáo dục nghệ thuật tác động đến đối tượng giáo dục ở cả khía cạnh học thuật và nhân cách. Có hai cách tiếp cận khác nhau của giáo dục nghệ thuật là: (i) giáo dục về nghệ thuật với hàm ý truyền dạy các nguyên tắc và phương thức thực hành loại hình nghệ thuật, khơi dậy sự nhạy cảm về thẩm mỹ và tạo điều kiện xây dựng bản sắc văn hóa cho mỗi cá nhân; (ii) giáo dục thông qua nghệ thuật hàm ý nghệ thuật như một công cụ để học tập các môn học khác và là phương tiện giảng dạy nhằm đạt được các mục tiêu giáo dục nói chung” (3).
Như vậy, có thể nói, giáo dục nghệ thuật là các hoạt động giáo dục liên quan đến nghệ thuật, hoặc coi nghệ thuật như một phương tiện, công cụ trung gian cho một đích đến khác. Cũng có thể hiểu, đó là các hoạt động giáo dục lấy nghệ thuật làm trung tâm hoặc kết hợp, lồng ghép nghệ thuật trong giáo dục. Ở bài viết này, chúng tôi đề cập đến hai phương thức chủ yếu của giáo dục nghệ thuật. Đó là: giáo dục về nghệ thuật nhấn mạnh vào mục tiêu tạo nên sự hiểu biết, khả năng thưởng thức, thực hành và sáng tạo một loại hình nghệ thuật cụ thể. Nội dung của hoạt động giáo dục là các tri thức và kỹ năng về nghệ thuật. Hoạt động giáo dục này chủ yếu dựa vào thực hành với việc hướng dẫn và rèn luyện các kỹ năng của các loại hình nghệ thuật cụ thể như: hoạt động dạy vẽ, dạy nhạc…; giáo dục thông qua nghệ thuật là các hoạt động sử dụng nghệ thuật như một công cụ, hay phương pháp để thực hiện các nội dung giáo dục khác như dùng mỹ thuật để dạy về lịch sử, văn hóa…
Không gian sáng tạo
Ở nước ta thuật ngữ “không gian sáng tạo” xuất hiện trong chương trình toàn cầu kinh tế sáng tạo của Hội đồng Anh, triển khai tại Việt Nam vào năm 2014. “Không gian sáng tạo là một địa điểm, có thể là địa điểm thực hoặc địa điểm trực tuyến, là nơi đem những con người sáng tạo đến với nhau. Đó là nơi tụ họp, chia sẻ không gian và hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh, cũng như thu hút cộng đồng trong các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa và công nghệ” (4). Không gian sáng tạo là nơi mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa và sáng tạo có thể hợp tác, kết nối và hỗ trợ lẫn nhau để tạo thành một cộng đồng thống nhất. Ở đây cung cấp các dịch vụ hỗ trợ như: cho thuê mặt bằng, hỗ trợ không gian trưng bày cho các nghệ sĩ, cũng như truyền thông và kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật… Ngoài ra, không gian sáng tạo còn có thể được sử dụng làm địa điểm giải trí, giúp đưa nghệ thuật gần hơn với cộng đồng.
2. Giáo dục nghệ thuật thông qua không gian sáng tạo ở Hà Nội
Các không gian sáng tạo ở Hà Nội hiện nay
Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, hiện nay Hà Nội có khoảng trên 60 không gian sáng tạo, trong đó có 42 không gian văn hóa nghệ thuật, 7 không gian làm việc chung và một số không gian sáng tạo khác. Có thể kể đến một số không gian sáng tạo như: phố đi bộ Hồ Gươm, phố bích họa Phùng Hưng, phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Ngoài ra, còn có dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân cùng hệ thống các bảo tàng, viện nghệ thuật, trung tâm văn hóa. Các trường đại học, nhà hát và nhà triển lãm… (5). Tất cả đã tạo nên một bức tranh nghệ thuật đa dạng. Đối với không gian tư nhân, có những địa điểm như: Ơ kìa Hà Nội, Hanoi Grapevine, Six Space, Vụn Art, Manzi, Liu lo Art, Hub Café, Tổ Chim Xanh, Phù Sa Lab… Bên cạnh đó, Heritage Space là một không gian nghệ thuật độc lập dành cho các hoạt động liên ngành như: triển lãm nghệ thuật, thư viện, âm nhạc và trình diễn, chiếu phim, các chương trình giáo dục và trao đổi đa ngành. Điều hành bởi nhóm giám tuyển và nhà tổ chức chương trình nghệ thuật, Heritage Space cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa và nghệ thuật ở Hà Nội.
Tuy nhiên, các không gian sáng tạo này không chỉ ở trung tâm thành phố mà cả các quận, huyện ven đô… Chưa bàn đến chất lượng của các không gian sáng tạo, điều này cho thấy nhu cầu thưởng thức, hay sự xuất hiện các không gian này là một xu hướng của xã hội đương đại, xu hướng lan tỏa văn hóa toàn cầu.
Hà Nội gắn liền với quá trình phát triển lịch sử của Việt Nam, ở đây có rất nhiều công trình kiến trúc, nghệ thuật, không gian sẵn có, việc kết hợp với giáo dục nghệ thuật để đánh thức không gian, nơi chốn là rất cần thiết. Có thể kể đến một số không gian, dự án tiêu biểu như:
VICAS Art Studio là một trong những không gian nghệ thuật đầu tiên trong cả nước do Nhà nước quản lý thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, có chức năng nghiên cứu, hỗ trợ, phát triển các sáng tạo và thử nghiệm về nghệ thuật đương đại; kết nối trao đổi nghệ thuật trong nước và nước ngoài. Không gian sáng tạo này tổ chức trưng bày nghệ thuật theo các chủ đề khác nhau như: Mãi yêu, Vòng xoáy của sự im lặng, Rác xuân, Qua miền Tây Bắc, Hư hư thực thực… mang ý nghĩa xã hội, giúp xây dựng thương hiệu cho nghệ sĩ, kết nối nghệ sĩ với thị trường và khán giả.
Dự án phố bích họa Phùng Hưng ra mắt đã nhận được sự đón nhận nhiệt tình của người dân Hà Nội và du khách. Dự án là khởi đầu cho ý tưởng mới, một thử nghiệm của Hà Nội khi đưa nghệ thuật vào cuộc sống. Điều đáng nói, khu vực vỉa hè phố Phùng Hưng vốn là chợ xe máy cũ, tập kết phế thải nên việc biến khu vực này thành một không gian nghệ thuật công cộng có ý nghĩa trong việc tạo ra một môi trường văn hóa cho người dân. Những tác phẩm đa dạng về chất liệu và cách thức sáng tạo, giàu tính tương tác, gợi mở cho công chúng về một Hà Nội 36 phố phường đã chạm tới ký ức của cộng đồng. Trong những năm qua, hàng triệu lượt khách đã đến xem và tương tác với các tác phẩm nghệ thuật trong khuôn khổ dự án.
Điểm qua hai không gian sáng tạo tiêu biểu ở Hà Nội, chúng tôi nhận thấy, giáo dục nghệ thuật không chỉ có khả năng đánh thức không gian của một khu vực hay thành phố, mà còn có khả năng kết nối quá khứ với hiện tại, lịch sử với văn hóa, nghệ thuật với giáo dục.
Giáo dục nghệ thuật thông qua không gian sáng tạo
Một là, nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên của giáo dục nghệ thuật chính là giáo dục sự nhận thức, tình yêu đối với những giá trị mang tính bản sắc của nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Từ đó, mỗi người Việt Nam sẽ có ý thức trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, đã được khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, và sẽ không bao giờ bị “hòa tan” trong quá trình hội nhập văn hóa thế giới. Một số khảo sát được tiến hành trong thời gian vừa qua đã chỉ ra: những giá trị văn hóa cổ truyền đang dần bị lấn át và suy giảm mức độ yêu thích và coi trọng, nhất là trong một bộ phận giới trẻ. Giới trẻ Việt Nam hôm nay, phần nhiều không yêu thích do không hiểu được những giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống.
Qua không gian sáng tạo nghệ thuật, cả người lớn và trẻ nhỏ được quan sát, cảm nhận, đắm mình trong trí tưởng tượng, thưởng thức, sáng tạo mà không bị bó hẹp bởi những lớp học, bức tường của các gallery, các bảo tàng, phòng trưng bày… Ở đó, con người thấy được những giá trị của nghệ thuật và cũng có cảm hứng cho những sáng tạo nghệ thuật. Vì thế, nghệ thuật được công chúng tiếp nhận, thẩm thấu một cách tự nhiên, mà không có cảm giác là đối tượng của quá trình giáo dục.
Hai là, giáo dục thông qua nghệ thuật: sử dụng nghệ thuật như công cụ để đạt mục tiêu giáo dục đa dạng như: giáo dục về lịch sử, văn hóa, các vấn đề xã hội, thị hiếu thẩm mỹ… cho công chúng nói chung, giới trẻ nói riêng. Các dự án nghệ thuật với mục tiêu giáo dục có chủ điểm, có tính năng tương tác cao sẽ góp phần không nhỏ trong việc định hướng nhận thức cho giới trẻ trước bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng như hiện nay.
Giáo dục nghệ thuật thông qua không gian sáng tạo đã và đang được cộng đồng quan tâm. Với những không gian như: Ơ kìa Hà Nội, Hanoi Grapevine, Six Space… đã phần nào thể hiện được vai trò phát triển giáo dục nghệ thuật của mình đối với công chúng. Tuy nhiên, nhiều khía cạnh tích cực như: làm đẹp cảnh quan, mở rộng không gian giải trí đô thị, tái hiện văn hóa, lịch sử Hà Nội… mục tiêu giáo dục nghệ thuật chưa thật sự được quan tâm và đầu tư đúng mức.
3. Nâng cao vai trò không gian sáng tạo trong giáo dục nghệ thuật
Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đang có nhiều cơ hội để phát triển. Do đó, Hà Nội cần nhận thức và đánh giá các không gian sáng tạo không chỉ giới hạn ở mức trực tiếp, gián tiếp mà còn ở những giá trị gia tăng mà chúng mang lại. Những không gian này không chỉ góp phần tạo ra bản sắc văn hóa, mà còn góp phần trong việc quảng bá hình ảnh và tăng cường sức hấp dẫn của Thủ đô. Ngoài ra, chúng còn có thể tác động tích cực đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội thông qua các tác động lan tỏa.
Xây dựng chính sách giáo dục nghệ thuật
Tại Quyết định số: 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ nhiều nội dung liên quan đến giáo dục nghệ thuật đã được Chính phủ đề cập, thể hiện tiền đề nhận thức quan trọng về vai trò của giáo dục văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, nhận thức này cần được nâng cao, toàn diện hơn. Thời gian qua, khi nói đến giáo dục nghệ thuật, nhiều nhà giáo dục nghệ thuật thường chỉ chú trọng tới đối tượng nhà trường phổ thông, coi đây là khu vực quan trọng để có thể tiến tới mục tiêu giáo dục nghệ thuật cho toàn xã hội trong tương lai: “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Phải nhìn nhận: giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông có vai trò rất quan trọng, bên cạnh đó, cần có cái nhìn toàn diện về công tác này, bởi ngoài thời gian học tập ở trường, phần lớn thời gian trẻ em sống với gia đình. Do vậy, công tác giáo dục nghệ thuật cần phải đa dạng hơn về không gian và phương thức tiến hành.
Thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành để hoàn thiện chính sách tạo điều kiện phát triển không gian sáng tạo.
PGS,TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ: “Hiện nay, các không gian sáng tạo đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động, dẫn đến việc hình thành, tồn tại và ngừng hoạt động của các không gian sáng tạo ở Thủ đô có chu trình rất nhanh. Rõ ràng, chúng ta không thể ứng xử với các không gian sáng tạo như doanh nghiệp bình thường, vì đặc điểm của các không gian này mang tính thử nghiệm, hướng tới cộng đồng. Thực tiễn cho thấy, một thành công trong lĩnh vực sáng tạo có thể đem lại rất nhiều lợi nhuận cho người sáng tạo, cộng đồng và quốc gia, như sự phát triển của Facebook, Uber, Grab, Amazon… mặt khác, cũng cho thấy khoảng 80% các ý tưởng táo bạo đã bị thất bại. Nuôi dưỡng ước mơ, sáng tạo phải được thực hiện theo cách khác thông thường, vì vậy, chính quyền thành phố cần có những chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch đô thị, chính sách thuế, xác định rõ ràng hơn địa vị pháp lý của các không gian sáng tạo là những tổ chức phi lợi nhuận, vì cộng đồng, thì các không gian sáng tạo ở Thủ đô mới có thêm những cơ hội phát triển” (6). Như vậy có thể thấy, để một không gian sáng tạo xuất hiện trước công chúng, cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia về chuyên môn, hội đồng giám tuyển và các nghệ sĩ. Mặt khác, cơ chế phối hợp cần được thực hiện một cách khách quan và trách nhiệm hơn vì cộng đồng. Tránh tình trạng nhiều không gian sáng tạo bị lãng quên, bị công chúng bài xích hoặc hoạt động không hiệu quả.
Đào tạo nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực luôn là nhân tố quan trọng để thực hiện thành công bất kỳ dự án hay hoạt động nào. Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, đến nay giáo dục liên ngành trong các cơ sở đào tạo đại học tại Việt Nam còn rất nhiều hạn chế, trong các trường mỹ thuật, trường kiến trúc việc đào tạo hay trang bị những kiến thức về nghệ thuật đương đại, nghệ thuật công cộng rất hạn hẹp. Vì vậy, từ góc độ quản lý, cần có chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác quản lý trong lĩnh vực thẩm duyệt các tác phẩm nghệ thuật, không gian sáng tạo ở Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.
Về phía các nghệ sĩ, trong giáo dục nghệ thuật, các nghệ sĩ vừa đóng vai trò một nghệ sĩ sáng tác, vừa đóng vai trò là thày giáo, là các nhà giáo dục. Chính vì vậy, nghệ sĩ tham gia các dự án nghệ thuật cần được trang bị những kiến thức và hiểu biết cơ bản về giáo dục và giáo dục nghệ thuật. Người nghệ sĩ cần xác định giáo dục nghệ thuật là nội dung, là mục tiêu quan trọng của mỗi tác phẩm, mỗi dự án nghệ thuật. Và đối tượng giáo dục nghệ thuật mà mỗi tác phẩm, mỗi dự án hướng tới là cộng đồng không phân biệt lứa tuổi, trình độ, giới tính.
Kết luận
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự ra đời và phát triển của các không gian sáng tạo ở Hà Nội, cùng các hoạt động giáo dục gắn liền với nó đã và đang nhận được sự quan tâm của chính quyền và cộng đồng. Vì vậy, những năm gần đây, hoạt động giáo dục nghệ thuật thông qua các không gian sáng tạo có những bước phát triển đáng khích lệ. Tuy nhiên, hoạt động này cũng đang đứng trước không ít thách thức, trong đó có sự lấn át của các sản phẩm văn hóa ngoại lai, sự lấn át của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh văn hóa, nghệ thuật nước ngoài đã và đang ảnh hưởng lớn đến những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong nước, nhất là trong cách thức tổ chức, quản lý, điều hành và lan tỏa những giá trị, sản phẩm, không gian sáng tạo trong đời sống xã hội. Đứng trước thực tế đó, bài viết đưa ra một số giải pháp thích hợp, hiệu quả để phát triển không gian sáng tạo và hoạt động giáo dục nghệ thuật gắn với không gian sáng tạo ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
__________________
1. Hà Thị Đức, Giáo trình Giáo dục học đại cương, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2009, tr.9.
2. Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Giáo trình giáo dục nghệ thuật, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2009, tr.12.
3. Phạm Bích Huyền, Hoạt động giáo dục nghệ thuật của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn quốc gia, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017, tr.18.
4. Báo cáo của Hội đồng Anh.
5, 6. PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Phát triển các không gian sáng tạo ở Hà Nội, tapchicongsan.org.vn, 7-2-2020.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thế Sơn, Vai trò của nghệ thuật công cộng trong không gian đô thị, Tạp chí Kiến trúc, số 7, 2020.
2. Bàn về vai trò của giáo dục nghệ thuật trong cuộc sống, redsvn.net, 30-6-2023.
Ths ĐINH VĂN HIỂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 569, tháng 5-2024