Chiều ngày 13-4-2024, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra buổi ra mắt cuốn sách “Thư cho em” của tác giả Hoàng Nam Tiến. Thông qua những lá thư thời chiến, tác phẩm kể lại cuộc tình kéo dài hơn 40 năm của Thiếu tướng Hoàng Đan và vợ ông là bà An Vinh – nữ đại biểu Quốc hội những khóa đầu. Hoàng Nam Tiến - Tác giả cuốn sách chính là con trai út của hai người.
Tác giả Hoàng Nam Tiến, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu và biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy tại buổi ra mắt cuốn sách
Trong buổi ra mắt cuốn sách, tác giả Hoàng Nam Tiến đã kể về sự ra đời của tác phẩm này. Khi cha anh – Thiếu tướng Hoàng Đan qua đời vào năm 2003, bà An Vinh đã yêu cầu con cháu thu xếp để những bức thư và nhật ký của hai ông bà sẽ đi theo ông Hoàng Đan về thế giới bên kia. Hoàng Nam Tiến đã “to gan trái lời mẹ”, giữ lại hơn 400 lá thư của ba mẹ trong suốt hơn 40 năm, từ những năm 1953. Và Thư cho em ra đời, với những câu chuyện mà anh tâm đắc nhất khi lần giở lại những bức thư ghi lại hành trình tình yêu của ba mẹ mình. Cuốn sách là món quà mà người con trai út Hoàng Nam Tiến tặng cho cha mẹ mình “với tất cả niềm thương nhớ”.
“Trong lòng tôi, không tình yêu nào có thể đẹp hơn tình yêu của ba mẹ, không sự trìu mến nào có thể nhiều hơn sự trìu mến ba dành cho mẹ, không sự bao dung nào có thể lớn hơn sự bao dung mẹ dành cho ba” – Hoàng Nam Tiến đã viết như vậy về ba mẹ mình trong cuốn sách Thư cho em.
Toàn cảnh buổi ra mắt sách "Thư cho em"
Rất nhiều những câu chuyện tình yêu của cha mẹ mình đã được tác giả Hoàng Nam Tiến chia sẻ: “Cuốn sách được sắp xếp theo dòng thời gian của những bức thư, cũng là dòng đời của cuộc sống, chiến đấu của ba mẹ tôi. Những kỷ niệm từ thời trước chiến dịch Thượng Lào, khi ba tôi xin phép đơn vị rồi đạp xe 1.300km từ Điện Biên về Nghệ An rồi ngược lên Lạng Sơn để gặp và xin cưới mẹ tôi. Những lá thư kéo dài qua bao dấu mốc lịch sử của dân tộc: chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Chiến dịch đường 9 - Khe Sanh năm 1968, Quảng Trị năm 1972, Sài Gòn năm 1975, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 - 1984... Những lá thư ấy đã trở thành sợi dây buộc chặt tình yêu của hai người. Ba tôi từng hứa với mẹ tôi rằng: “Tháng 5-1954 kết thúc đánh Pháp, anh về cưới em”. Cuối tháng 8-1972, ông viết thư cho bà: “Nếu năm nay kết thúc chiến tranh, anh về sống bên em thì đúng mười tám năm em nhỉ. Mười tám năm xa nhau để làm nhiệm vụ đánh Mỹ. Xa nhau bao thương nhớ, nhưng nếu thắng lợi thì sự hy sinh đó cũng xứng đáng”.
Ông cũng có niềm tin mãnh liệt sẽ “sống sót trở về với em” và mang niềm tin ấy đi qua chiến tranh khốc liệt. Tình yêu của ba mẹ tôi, một người lính và một người cán bộ cách mạng là một tình yêu chung của cả một thế hệ, cùng với cả dân tộc đi qua hai cuộc kháng chiến. Vì chiến tranh, thời gian bên nhau của hai người rất ít ỏi, trong khi người lính chinh chiến khắp các chiến trường ác liệt, người vợ ở nhà chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái và phấn đấu vì sự nghiệp. Bao nhớ thương, giận hờn và chờ đợi, họ chỉ biết gửi gắm qua hơn 400 lá thư cho nhau.
Khi đọc những bức thư của ba mẹ mình, tôi đã tin tình yêu là có thật. Giá mà tôi được đọc thư ba mẹ sớm hơn thì có lẽ tôi đã tránh được rất nhiều sai lầm và nỗi đau trong cuộc sống… Và cuốn sách này như một lời nhắn nhủ với thế hệ trẻ rằng đã có một thời như thế đấy, tuy gian khổ hy sinh nhưng người ta luôn yêu nhau và tin tưởng vào chiến thắng. Bởi vì đó là tình yêu thật sự, nên nó bền vững với thời gian, vượt qua mọi thử thách. Tôi viết để lại một kỷ niệm cho mình, cho gia đình, và với cá nhân mình, tôi viết để hiểu thêm về tình yêu. Tôi mong độc giả, nhất là các bạn trẻ, tin rằng tình yêu có thật!”.
Bìa cuốn sách "Thư cho em"
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu vốn là đồng hương với Thiếu tướng Hoàng Đan, chia sẻ tại buổi ra mắt sách: “Tôi đến đây với tư cách độc giả và cũng là một nhân chứng cho tình yêu của Thiếu tướng Hoàng Đan và vợ. Ông hơn tôi 20 tuổi, nhà ông ở Nghi Lộc cách nhà tôi chừng 5km. Chúng tôi biết danh tiếng của ông từ nhỏ và coi ông như một niềm tự hào của quê hương và cũng là một thần tượng. Đọc cuốn sách, tôi nhận ra rằng lâu nay nhiều người trong chúng ta mới chỉ biết về Thiếu tướng Hoàng Đan như một vị tướng trên chiến trường, ở những địa bàn gay go phức tạp nhất thời chiến. Nhưng đọc sách mới biết, ngoài chất thép của một vị Tướng, thẳm sâu trong tâm hồn ông còn là một người lãng mạn Cách mạng, tràn đầy tình yêu với gia đình mình. Cái cao cả nào cũng xuất phát từ những điều cụ thể, cái chung nào cũng phải bắt đầu từ những cái cá nhân, yêu đất nước là yêu quê hương, làng xóm của mình trước tiên. Cùng với lý tưởng cách mạng và tình yêu đất nước, người lính còn luôn dành tình cảm yêu thương cho vợ và con - hậu phương vững chắc của mình. Hiếm có người con nào sưu tập được đầy đủ những lá thư của cha mẹ mình như vậy. Đọc cuốn sách, tôi tưởng như mình vừa đọc một tiểu thuyết về thiên tình sử của Tướng Hoàng Đan và bà An Vinh. Những bức thư của họ đã để lại cho hậu thế những áng văn chương vừa lãng mạn vừa trữ tình”.
Tác giả Hoàng Nam Tiến trao tặng lại những lá thư cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Câu chuyện của tướng Hoàng Đan và bà An Vinh không chỉ là chuyện của một đôi trai gái, một đôi vợ chồng, mà là tình yêu của cả một thế hệ, một thời kỳ của đất nước. Vì vậy, người đọc được dịp chậm lại cùng tác giả, đi qua những ngày nỗi nhớ gieo mầm, nảy nở, tình cảm của hai nhân vật được bồi đắp qua những dòng thư tay, theo năm tháng đầy những mong chờ và lãng mạn dịu êm. Không chỉ là kỷ niệm của một gia đình, Thư cho em còn truyền lại thông điệp về tình yêu, về sự lắng nghe và thấu hiệu, sự đồng hành và sẻ chia, tình yêu là điểm tựa chắp cánh giúp ta hoàn thiện mình và vượt qua gian khó.
50 bức thư được gia đình trao tặng lại cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Các độc giả tham quan triển lãm "Thư cho em"
Sau 13 ngày ra mắt, Thư cho em (Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam và Nxb Hội nhà văn xuất bản) đã tái bản và liên tục “cháy” hàng trên nhiều nền tảng thương mại điện tử.
Cũng trong buổi ra mắt sách Thư cho em, tác giả Hoàng Nam Tiến đã tặng lại cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam những lá thư của cha mẹ ông. Từ ngày 14-4-2024, Triển lãm Thư cho em trưng bày những bức thư của Thiếu tướng Hoàng Đan và bà An Vinh sẽ mở cửa cho công chúng tới tham quan tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Bài, ảnh: NGÔ HỒNG VÂN