TPP (Trans Pacific Partnership) là hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, khởi xướng từ 2005 bởi 4 nước: Chile, New Zealand, Singapore và Brunei (P4). Mục tiêu của TPP là tạo ra mô hình mới về hội nhập, hợp tác kinh tế khu vực; thúc đẩy đàm phán đa phương tại WTO; thông qua TPP để thiết lập FTA với Mỹ. Năm 2006, 2009, Việt Nam được Singapore mời tham gia với tư cách quan sát viên (3 phiên). Đến tháng 11-2010, Việt Nam chính thức tham gia đàm phán TPP. Qua 32 phiên làm việc cấp kỹ thuật, 12 cuộc đàm phán ở cấp Bộ trưởng, đến ngày 5-10-2015, đàm phán kết thúc, ngày 4-2-2016, các nước thành viên ký kết TPP gồm: 30 chương, 9 phụ lục. Nếu hiệp định này được quốc hội phê chuẩn thì tổ chức công đoàn Việt Nam vừa có nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng đối mặt với nhiều thách thức.
TPP là hiệp định chất lượng cao, toàn diện, thực hiện tự do hóa ở cấp độ sâu rộng, điều chỉnh nhiều vấn đề từ thương mại truyền thống (mở cửa thanh toán hàng hóa, dịch vụ, đầu tư…) đến các vấn đề mang ít tính truyền thống hơn (mua sắm CP, doanh nghiệp nhà nước, thương mại điện tử…) và thương mại phi truyền thống (lao động, môi trường, chống tham nhũng trong thương mại, đầu tư…). Mức độ cam kết sâu rộng của TPP thể hiện rõ trong các nội dung liên quan đến thương mại hàng hóa, dệt may, thương mại điện tử, mua sắm của các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường… Đây là những nội dung có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi, nghĩa vụ của Việt Nam với mức độ cao hơn so với các FTA đã ký kết trước đây.
1. Cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia TPP
Kể từ khi tiến hành đổi mới, cải cách và mở cửa đến nay, nước ta đã thu được những thành tựu to lớn. GDP ngày càng tăng trưởng, lạm phát được kiểm soát và đầy lùi, chính trị, an ninh quốc phòng ổn định. Đặc biệt, quan hệ hợp tác với các nước khu vực và quốc tế ngày càng mở rộng. Theo thống kê, hiện nay, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 nước trên thế giới. Về kinh tế, thương mại, Việt Nam có quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa với trên 230 thị trường các nước, vùng lãnh thổ; ký kết trên 90 hiệp định thương mại song phương, đa phương, gần 60 hiệp định khuyến khích, bảo hộ đầu tư, 54 hiệp định chống đánh thuế hai lần, nhiều hiệp định hợp tác về văn hóa, khoa học, kỹ thuật... Năm 1995, Việt Nam đã chính thức gia nhập hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Năm 1996, tham gia khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM). Năm 1998, Việt Nam được kết nạp vào diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Đặc biệt, ngày 11-1-2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới (WTO). Năm 2007, Việt Nam đã ký kết FTA với liên minh châu Âu (EU). TPP được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu TK XXI. Với các kết quả đàm phán đã đạt được, TPP là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao trên cơ sở cân bằng lợi ích, lưu ý tới trình độ phát triển khác nhau giữa các nước tham gia hiệp định. Đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại tất cả các nước TPP, tạo việc làm, giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân, thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh, thúc đẩy minh bạch hàng hóa, quản trị tốt, củng cố các tiêu chuẩn về lao động, môi trường. Kinh tế Việt Nam được hưởng lợi lớn từ TPP vì có phạm vi ảnh hưởng tới 40% GDP toàn cầu. Việt Nam sẽ có thị trường rộng hơn, GDP có thể tăng thêm 10% năm 2030. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quốc tế, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia TPP. GDP Việt Nam có thể tăng thêm 35,7 tỷ USD vào năm 2025 nếu ngành sản xuất nội địa đáp ứng được hàng rào kỹ thuật của các đối tác. Tham gia vào TPP, Việt Nam có nhiều cơ hội, thuận lợi như mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường nông sản. Việt Nam sẽ tiếp cận sâu rộng hơn vào hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Nhật Bản. Điều quan trọng nhất là thuế nhập khẩu nhiều loại hàng hóa sẽ giảm xuống 0%, tác động tích cực đến thu nhập của người dân, cải thiện sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, nâng cao kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Tham gia TPP giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính thế giới. Các luồng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam cũng tăng mạnh, tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản, tiếp cận các nguồn vốn quốc tế với chi phí thấp hơn. Tham gia TPP chắc chắn thúc đẩy đầu tư của các nước vào Việt Nam. Dòng vốn từ nhiều nước thành viên TPP có trình độ phát triển cao có thể mang lại những lợi ích lan tỏa đáng kể về công nghệ, kỹ năng quản lý hay các lĩnh vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn. Mức tăng đầu tư giúp thúc đẩy sự hình thành vốn cố định, tạo cơ hội cho Việt Nam khai thác các lợi thế, tiềm năng về nông nghiệp. Gia nhập TPP, Việt Nam sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư, hợp tác với các nước thành viên, nhằm hiện đại hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất trên phạm vi toàn cầu…
Bên cạnh những thuận lợi, cơ hội lớn, TPP cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đối với kinh tế Việt Nam. Việt Nam là nước có nền kinh tế phát triển ở mức thấp nhất trong 12 nước thành viên của TPP. Hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chất lượng nguồn nhân lực thấp, thể chế kinh tế, việc thực thi pháp luật còn nhiều bất cập, năng lực cạnh tranh còn yếu kém. Doanh nghiệp trong nước dễ mất thị phần thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mua sắm CP, phải chia sẻ lợi ích cho doanh nghiệp FDI, làm giảm việc làm, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, nảy sinh các hệ lụy về chính trị, văn hóa, xã hội. Về thương mại, hàng hóa, sức ép cạnh tranh khi thuế về 0% sẽ ảnh hưởng lớn đến một số mặt hàng trọng yếu và truyền thống của Việt Nam như: thịt lợn, gà, sữa, đậu tương, ngô, giấy, thép, ô tô… Thu ngân sách nhà nước cũng sẽ bị giảm đáng kể, nhất là giảm thu thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng. Khi gia nhập TPP, chúng ta còn gặp phải hàng rào pháp lý, cần phải sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam phù hợp với TPP, trong đó có tới 34 văn bản (10 luật, 22 nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ có liên quan). Đồng thời, Nhà nước cần xem xét, ban hành 9 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó có 01 bộ luật, 8 Nghị định) liên quan đến thực thi TPP.
2. Cơ hội và thách thức đối với tổ chức công đoàn
Trong TPP có một số nội dung cơ bản liên quan đến công đoàn: cho phép người lao động làm việc trong doanh nghiệp được thành lập tổ chức của người lao động, công đoàn ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ. Để hoạt động, tổ chức này hoặc gia nhập vào Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc đăng ký hoạt động độc lập với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tùy theo sự lựa chọn của tổ chức đó. Các tổ chức này có quyền hạn không kém hơn so với công đoàn cơ sở, thuộc hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; có thể yêu cầu, nhận sự trợ giúp kỹ thuật, đào tạo từ các tổ chức hoạt động về lao động hợp pháp tại Việt Nam. Lộ trình chậm nhất 5 năm kể từ khi TPP có hiệu lực, các tổ chức người lao động, công đoàn có thể gia nhập hoặc thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như: cấp ngành, cấp vùng lãnh thổ theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định.
Bên cạnh đó, khi Việt Nam tham gia TPP, sẽ có những nội dung mới liên quan đến vấn đề lao động ở Việt Nam. Trước hết là vấn đề đình công. Pháp luật Việt Nam chỉ cho phép đình công trong các doanh nghiệp và chỉ được thực hiện với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Trong khi đó TPP cho phép đình công cấp ngành, đình công hưởng ứng, có thể đình công phản đối chính sách kinh tế, xã hội. Về lao động cưỡng bức, bộ luật Lao động Việt Nam định nghĩa lao động cưỡng bức phù hợp (Điều 3); cưỡng bức lao động đã bị cấm hoàn toàn (Điều 8). Trong khi đó, TPP bổ sung lao động gán nợ là một hình thức của lao động cưỡng bức: “việc người lao động vay hoặc ứng trước tiền lương từ người sử dụng lao động, bù lại người lao động cam kết trả bằng sức lao động của mình”. Đồng thời TPP cũng khép tội hình sự đối với hành vi khai thác trái phép lao động cưỡng bức. Công việc không sử dụng lao động nữ được quy định tại Điều 160, bộ luật Lao động 2012. Pháp luật lao động Việt Nam cũng cấm sử dụng lao động nữ trong một số công việc. Trong khi đó TPP xóa bỏ quy định cấm sử dụng lao động nữ trong hầm mỏ, dưới nước theo đề xuất của ủy ban chuyên gia ILO.
Nếu TPP được phê chuẩn thì đây là lần đầu tiên vấn đề đa công đoàn được quy định, áp dụng tại Việt Nam. Khi thực hiện sẽ làm thay đổi cơ bản nhận thức, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, giá trị cốt lõi, truyền thống của tổ chức công đoàn đã được hình thành, khẳng định trong thực tế hơn 80 năm. Vì vậy, những cam kết trong TPP về lao động, công đoàn là những thách thức lớn đối với công đoàn Việt Nam hiện tại và tương lai.
Tổ chức công đoàn độc lập không phải thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm chính trị, chỉ tập trung chủ yếu vào việc chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Trong khi đó, công đoàn Việt Nam đang phải thực hiện nhiệm vụ của tổ chức chính trị, xã hội nên nguồn lực bị phân tán, thiếu cơ chế chủ động trong tuyển dụng, đào tạo, sử dụng cán bộ công đoàn, dẫn đến hệ lụy công đoàn ngày càng xa rời công nhân. Nếu tổ chức công đoàn Việt Nam không nhanh chóng đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động, rất dễ xảy ra dòng chảy đoàn viên công đoàn, người lao động từ các tổ chức công đoàn Việt Nam sang tổ chức công đoàn độc lập. Đồng thời, nguồn lực vật chất đảm bảo cho hoạt động của tổ chức công đoàn Việt Nam có nguy cơ giảm sút mạnh.
Nếu hệ thống công đoàn Việt Nam không có nguồn lực đủ mạnh, tạo ra những quyền lợi khác biệt giữa đoàn viên công đoàn và người lao động (không phải là đoàn viên công đoàn), sẽ tạo nên sự bất lợi trong việc cạnh tranh, thu hút người lao động, tổ chức của người lao động, công đoàn mới thành lập gia nhập tổ chức của hệ thống công đoàn Việt Nam.
Để đổi mới tổ chức công đoàn Việt Nam, trước hết, cần đổi mới nhận thức, tư duy từ bộ máy lãnh đạo các cấp công đoàn Việt Nam đến công đoàn viên, người lao động trong toàn hệ thống. Thứ hai, cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, tập trung thực hiện những nội dung về quan hệ lao động, các hoạt động thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đoàn viên công đoàn. Thứ ba, cần đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn cấp cơ sở. Thứ tư, đổi mới phương thức chỉ đạo của công đoàn cấp trên đối với công đoàn cơ sở, từ phương thức chỉ đạo hành chính, sang phương thức trực tiếp, thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ công đoàn cơ sở. Thứ năm, sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan công đoàn cấp trên cơ sở trở lên theo hướng: kiện toàn các ban nghiệp vụ của cơ quan công đoàn cấp tỉnh, ngành, theo hướng tinh gọn đầu mối; nghiên cứu sắp xếp, đổi mới tổ chức của công đoàn ngành sao cho phù hợp, khách quan với tình hình, nhiệm vụ mới. Cuối cùng, đổi mới công tác cán bộ công đoàn toàn hệ thống, đủ sức đáp ứng yêu cầu hoạt động công đoàn khi Việt Nam tham gia TPP.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 390, tháng 12-2016
Tác giả : NGUYỄN HỮU GIỚI