Thờ cúng Hùng Vương - tín ngưỡng văn hóa của nhân loại

Thờ cúng Hùng Vương gắn liền với truyền thống thờ tổ tiên của người Việt Nam, là một tín ngưỡng văn hóa tâm linh tồn tại từ lâu đời. Nó xuất hiện ở Việt Nam trước những tôn giáo khác như: đạo Lão, đạo Khổng, Phật giáo, Thiên Chúa giáo và các tôn giáo khác. Ngay từ khi nhà nước Văn Lang do Vua Hùng sáng lập, những tín ngưỡng sơ khai thờ cúng tổ tiên của cư dân Việt - Mường đã xuất hiện - thể hiện sự nối kết tâm thức tri ân lớp người khai sáng cho gia đình, dòng tộc và cao hơn cả là tri ân những người có công khai phá, tạo lập cộng đồng, vượt qua mọi thử thách của tự nhiên khắc nghiệt và các thế lực ngoại xâm, đặt nền móng cho sự liên kết sức mạnh cộng đồng, vươn tới đỉnh cao là ý thức tự hào và tâm nguyện củng cố, bảo vệ một quốc gia, một dân tộc.

Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng luôn được tổ chức trang nghiêm, đậm bản sắc văn hóa dân tộc - Ảnh: Đinh Vũ

Trải qua tiến trình vận động, biến đổi của lịch sử, nhận thức về lịch sử, về vị thế của đất nước, nơi tụ cư của cộng đồng, dần dần được nâng cao. Những bài học về sự thành - bại, được - mất trong quá trình ứng xử với tự nhiên và xã hội đã trở thành cơ sở cốt lõi giúp cộng đồng đúc kết nên những kinh nghiệm, chuẩn mực sinh tồn, gìn giữ và khai thác những yếu tố đắc dụng và loại trừ những thành tố khả biến ngáng trở, để phục vụ hữu ích cho sự tồn tại và phát triển của cộng đồng trước mọi nguy cơ và biến thiên của dòng chảy lịch sử.

Như vậy, ngay từ những niên kỷ đầu tiên sau thời đại các Vua Hùng, tín ngưỡng tri ân, tôn vinh các thế hệ tiền nhân được thể hiện qua hàng loạt hành vi thực hành nghi lễ, lễ hội trong cộng đồng làng/ xóm; đã xác lập và tô đậm thành thói quen những hoạt động đời thường, theo những chuẩn mực văn hóa - xã hội được cộng đồng chấp thuận, duy trì, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhìn trong phạm vi gia đình và dòng họ huyết thống, đó là những chuẩn mực quan hệ ngày một bền chặt theo chế độ phụ hệ cùng sự liên minh mang tính huyết thống. Không phải ngẫu nhiên mà các vua Hùng được thờ phụng tại các gia đình, dòng họ luôn được tôn lên là Đức Vua Cha, cho dù có mở rộng đến phạm vi cộng đồng làng/ xóm với vị thế Thành hoàng hoặc lan tỏa vào sinh hoạt tâm linh các dân tộc khác trên con đường chinh phục, thu nạp để hình thành, mở rộng cộng đồng quốc gia đa dân tộc, chung quy vẫn là biểu tượng mang tính khái quát cho chuẩn mực đạo đức - luân lý và cao hơn cả là đạo lý, cần được tuân thủ và thực thi trong mọi hình thức tế lễ cùng sinh hoạt thường nhật. Cùng với sự phát triển của đất nước qua mấy nghìn năm lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh của dân tộc Việt. Chính vì thế mà tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tồn tại và phát triển dọc theo chiều dài lịch sử Việt Nam.

Lấy biểu tượng chung về cội nguồn là các Vua Hùng, trải khắp các vùng đất Nghĩa Lĩnh, Việt Trì, Lâm Thao… đã “xuất hiện dày đặc những truyền thuyết, cổ tích, thần tích về 18 đời Vua Hùng… Hội hè ở đây cũng là những cuộc tế lễ, những diễn xướng dân gian xung quanh các sự tích liên quan đến chủ đề dựng nước. Ở đây còn có nhiều hình thức hát múa, lễ thức, phong tục gắn với cuộc sống xa xưa nhất như múa tùng dí, rước tiếng hú, tế nõ nường, rước ông Khiu, bà Khiu, tiệc trâu, tiệc bánh dầy, bánh mật…” (1); để rồi tất cả được dồn tụ lại trong không gian thiêng ngày Giỗ tổ. Chính vì thế, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành biểu tượng tinh thần để quy tụ sự đoàn kết toàn dân tộc. Đó là biểu tượng văn hóa nói chung, văn hóa chính trị nói riêng, đồng thời trở thành nhu cầu văn hóa tinh thần của cộng đồng, quốc gia, dân tộc, làm cho nhân vật phụng thờ của tín ngưỡng càng thêm thiêng liêng, trở thành những biểu tượng vô hình nhưng đủ sức mạnh quy tụ, vận hành, điều chỉnh, liên kết mọi hành vi trong cộng đồng hướng theo mục đích chung nhất của tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc trong lịch sử. Trong tâm thức dân gian của cộng đồng cư dân Phú Thọ, Hùng Vương vừa là vị thủy tổ, vừa là thánh vương, vừa là người lập nước nhưng cũng là người chăm lo cuộc sống cho dân, vừa thiêng liêng lại gần gũi, có mặt với cộng đồng ở mọi tình huống của cuộc đời của mỗi con người, trong cuộc sống của cộng đồng theo vòng quay của thiên nhiên của mùa vụ. Vì thế, người dân làng Trẹo (thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao) có lễ hội rước Hùng Vương từ các ngôi đền trên núi Nghĩa Lĩnh về làng ăn Tết vào ngày 24 tháng Chạp. Người dân Hùng Lô (Việt Trì) coi Vua Hùng vừa là ông vua của cả nước, vừa là Thành hoàng làng mình. Bởi họ coi các Vua Hùng như một thành viên không thể thiếu vắng trong dịp dân làng ăn Tết Nguyên đán; Vua Hùng trong tâm thức dân làng chính là người khai phá, lập làng, phù hộ độ trì cho dân làng làm ăn phát đạt, con cháu các đời phương trưởng, duy trì và phát triển giống nòi... Xuất phát từ thực tế sáng tạo và thực hành tâm linh tại hàng loạt làng bản quanh vùng đất do sông Thao, sông Lô, sông Đà đan nối bồi tụ nên, dễ dàng nhận thấy, ngay từ thuở sơ khai của nhà nước Văn Lang, người dân Việt - Mường đã sớm xác lập một biểu tượng văn hóa - lịch sử cho sự cố kết cộng đồng, trở thành một sáng tạo văn hóa đặc sắc và độc đáo qua trường kỳ lịch sử, sáng tạo này mang tầm kiệt tác của nhân loại. Cũng từ đây, nhờ có kho tàng văn hóa dân gian từ truyền thuyết đến lễ hội, từ ẩm thực đến nghi lễ liên quan đến Hùng Vương, được dân gian sáng tạo và lưu truyền đã là những chất keo văn hóa gắn kết vận mệnh từng cộng đồng làng bản với nhau trong mối quan hệ chung của vận mệnh toàn dân tộc. Thờ cúng tổ tiên còn là hình thái tín ngưỡng có ý nghĩa lớn về mặt tổ chức cộng đồng trong xã hội truyền thống. Ở phạm vi không gian văn hóa gia đình, thờ cúng tổ tiên là hình thức thực hành tín ngưỡng nhằm bảo lưu một cách sinh động và thiêng liêng nhất sự nối tiếp liên tục của các thế hệ với đạo lý làm người và truyền thống của gia đình vốn đã được ông bà tổ tiên gây dựng và trao truyền cho con cháu. Những nề nếp được nuôi dưỡng trong không gian văn hóa gia đình mà ban thờ gia tiên là trung tâm cho “sức mạnh mềm” vô hình, có khả năng điều chỉnh, quy tụ mọi hành vi, lời nói của mỗi thành viên trong gia đình, hướng tới những giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức nhất định, được hun đúc từ các thế hệ tiền nhân đến đương đại.

Trẩy hội Đền Hùng - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Thờ cúng tổ tiên được thực hành tại nhà thờ họ mạc, không gian văn hóa tâm linh thờ các nhân vật có công với dân với làng với nước tại các đình, đền, hoặc được suy tôn là Thành hoàng hoặc được phụng thờ với tư cách như những anh hùng dân tộc tại các làng quê ở khắp mọi miền đất nước đã là hạt nhân và chất keo gắn bó con người trong mối liên kết nhà - làng - nước. Với tư cách một tập thể gồm cả người đang sống và người đã chết gắn bó với nhau về huyết thống và thờ chung một thủy tổ, có sức mạnh đảm bảo giá trị tinh thần cho mỗi thành viên trong làng - nước.

Từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong phạm vi không gian văn hóa gia đình và dòng họ đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với vị thế là thủy tổ của một quốc gia - nhà nước là sự kết tinh và phát triển các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Nếu như đặc trưng của nền văn hóa Việt là văn hóa làng, thì tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã xác lập được giá trị khâu nối, liên kết sức sống của văn hóa làng trong không gian văn hóa cộng đồng quốc gia đa dân tộc, trên tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Giá trị liên kết cộng đồng đó là hạt nhân tạo ra sức mạnh cho khối đại đoàn kết dân tộc xuyên suốt chiều dài lịch sử, được các triều đại quân chủ phong kiến khai thác, tô đắp và nâng cao thành các thiết chế văn hóa, chính trị, trở thành sợi dây thiêng gắn kết cá nhân, gia đình, làng xã, đất nước để tạo ra giá trị chung cho ý thức cộng đồng và tinh thần đoàn kết bền vững mang bản sắc Việt Nam. Giá trị văn hóa đặc sắc đó chính là hạt nhân tạo ra sự đồng thuận cộng đồng, tạo ra sức mạnh vô địch cho toàn dân tộc, trước mọi thử thách của tự nhiên và xã hội qua nhiều nghìn năm trong lịch sử. Chính vì thế, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

______________________

1. Xã luận của Tân Hoa Xã tân văn cảo, số 2147, 1956; Tư liệu của dự án xây dựng hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Thư viện Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, bản thảo vi tính.

GS, TS BÙI QUANG THANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 494, tháng 4-2022

;