THÀNH NHÀ HỒ

Thời gian đã qua đi và lịch sử cũng không bao giờ trở lại, nhưng không gian của một di sản kiến trúc đá đồ sộ Thành nhà Hồ vẫn sừng sững còn đó, đánh dấu một chặng đường oai hùng và oanh liệt của triều đại phong kiến nhà Hồ cách đây đã 600 năm. Thành nhà Hồ là một công trình có giá trị nổi bật toàn cầu với kiến trúc kiểu kinh thành phương Đông, vừa là trung tâm quyền lực, vừa là pháo đài quân sự và được xem là một hiện tượng đột khởi vô tiền khoáng hậu trong lịch sử kiến trúc Việt Nam.

Theo sử sách, Thành nhà Hồ hay còn gọi là Thành Tây Đô được vua Hồ Qúy Ly xây dựng vào năm Đinh Sửu (1937). Tòa thành có một không hai này được xây dựng trong thời gian 3 tháng, giữ vai trò kinh đô của nước Đại Ngu những năm đầu TK XV (1400-1407). Đây là giai đoạn nhiều biến động của xã hội Việt Nam với những cải cách của vương triều Hồ và tư tưởng chủ động bảo vệ nền độc lập dân tộc. Về mặt kiến trúc Thành nhà Hồ được xây dựng gần giống thành Đại La và Hoàng thành trên bình đồ gần vuông, tường thành cao trung bình từ 7 - 8m, bên trong ốp đất, bên ngoài có hào sâu, có hệ thống bốn cửa thành xây cuốn vòm, trong đó cổng phía nam lớn nhất. Tuy nhiên, nét độc đáo của Thành nhà Hồ nằm ở chỗ được xây cất từ những khối đá tảng cực lớn, gọt đẽo vuông vức rồi ghép lại với nhau. Cả không gian ngang dọc tường thành có những khối đá tảng nặng trên 20 tấn, bốn bên được bao quanh tường đá, với tổng khối đá được sử dụng xây thành khoảng 20.000 m3 và gần 100.000m3 đất được đào đắp. Hiện Thành nhà Hồ là một trong số ít các di tích kinh thành còn lại trên thế giới còn gần như nguyên vẹn cả về cảnh quan cũng như quy mô kiến trúc.

Về kinh tế, văn hóa, xã hội, vương triều Hồ và đặc biệt là vua Hồ Quý Ly đã từng bước tiến hành những cuộc cải cách rộng lớn thời bấy giờ. Ông là người đề xướng phát hành tiền giấy đầu tiên ở Việt Nam, là người mở thêm nhiều trường học và định lại phép thi cho có quy củ, là người mở những bệnh viện công (ngày đó gọi là Quảng tế thư) để chữa bệnh bằng châm cứu và lập kho bán thóc rẻ cho người nghèo… Vì nhiều lý do, những chính sách cải cách tiến bộ của Hồ Quý Ly chưa thực sự thành công, nhưng đã được các triều đại sau tiếp nối, phát triển rực rỡ sau khi đất nước giành được độc lập vào năm 1428.

Trong lòng đất của khu di tích còn lưu giữ các dấu tích cung điện, đền đài, đường xá và nghệ thuật trang trí, các làng cổ cùng toàn bộ cảnh quan đồi núi, sông hồ mang đậm chất phong thủy điển hình. Di sản thành nhà Hồ thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á.

         Bên cạnh đó, quần thể di tích thành nhà Hồ còn có hệ thống các di sản thiên nhiên (sông Mã, sông Bưởi, mau An Tôn, động Hồ Công, hang Nàng, núi Đốn Sơn, núi Thổ Tượng, núi An Tôn…) và các di sản vật thể (đàn tế Nam Giao, chùa Giáng, chùa Nhân Lộ, chùa Du Anh, đền Trần Khát Chân, đền Bình Khương, đình Đông Môn, làng cổ Tây Giai…), là những di tích vệ tinh quan trọng trong quần thể di sản mà hiếm nơi nào có được.

         Sau 6 năm xây dựng hồ sơ và đệ trình UNESCO, chiều ngày 27-6, thành nhà Hồ đã được Ủy ban Di sản thế giới, tại kỳ họp thứ 35 tổ chức tại Paris (Cộng hòa Pháp), chính thức công nhận là di sản văn hóa thế giới.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 326, tháng 8-2011

Tác giả : Nguyễn Linh

;