Phật giáo là quốc giáo của Thái Lan, vì thế khắp nơi đều xây dựng đền chùa thờ Phật. Tượng phật ở đây rất đa dạng, nhỏ nhất thì dưới dạng bùa chú đeo trước ngực, lớn nhất thì dưới dạng tượng đài cao bằng tòa nhà, tọa lạc trên đỉnh đồi, bên các dòng sông lớn. Tượng phật cũng phong phú về tư thế, có pho tượng thể hiện đức Phật đứng trên tòa sen giảng pháp, có pho tượng lại cho thấy Ngài ngồi an vị thiền định hoặc nhập niết bàn với đôi mắt khép hờ như thể một giấc ngủ nhẹ nhàng. Một bàn tay Phật nằm ngang mở rộng, biểu đạt sự bác ái bao dung và bàn tay kia đứng thẳng, hai ngón bấm quyết thể hiện lòng từ bi và phép thuật ban phát cho dân chúng.
Một thời, Thái Lan là trung tâm buôn bán vàng của khu vực, dùng vàng để làm các vật dụng, thờ cúng nên có thể chiêm ngưỡng rất nhiều pho tượng quý giá được làm bằng vàng nguyên khối. Ngoài ra, vì đức Phật có làn da bằng vàng, vàng cũng là đặc điểm thứ 11 trong 32 tướng tốt của ngài nên người xưa đã chọn vàng để đúc và dát lên tượng. Đa số các pho tượng hiện nay là di sản quốc gia, thuộc sở hữu của nhà nước và được thờ cũng như trưng bày tại các đền đài giữa lòng thủ đô. Tiêu biểu phải kể đến tượng phật vàng ở ngôi đền Wat Trimitr. Đây là pho tượng phật ngồi lớn nhất thế giới làm từ vàng ròng, cao 3 mét, nặng hơn 5 tấn. Ban đầu, bức tượng được bao phủ bởi một lớp vữa dày nhưng khi di chuyển tượng từ một tu viện cổ đã đổ nát sang Wat Trimitr, cần cẩu đã làm rơi tượng xuống đất, khiến tượng bị rạn vỡ. Đêm hôm đó, trời mưa rất to làm lớp vữa bong ra và đến sáng sớm để lộ hình tượng phật bằng vàng chói lọi, trong đó có 80% là vàng ròng. Các nhà sử học cho rằng nhằm tránh sự tò mò, cũng như tác hại của chiến tranh, nhất là cuộc xâm chiếm Ayutthaya của quân Miến Điện vào TK XVIII, nên sư sãi trong đền đã giấu bức tượng vào trong vỏ bọc.
Tượng phật làm từ ngọc lục bảo ở ngôi đền Wat Pra Kaeo nằm trong quần thể Thượng Cung Băng Cốc, từ lâu đã là niềm ngưỡng vọng của bao người. Theo sử Thái, tượng được phát hiện năm 1434 trong một ngôi đền ở thị trấn Chiang Rai, miền bắc Thái Lan. Khi sét đánh vào một tòa tháp của đền đã hé lộ một bức tượng làm từ vữa sơn rất đẹp, một phần của tượng bị rạn cũng để lộ bên trong một khối đá xanh bí ẩn. Bức tượng thể hiện đức Phật đang ngồi thiền theo phong cách Sri Lanka. Tượng phật ngọc lục bảo được mọi người tin rằng chứa rất nhiều quyền năng, vì vậy được rước đi nhiều nơi, thậm chí sang Lào vào TK XVI. Năm 1778, tướng quân Phya Chakri theo lệnh vua đã mang bức tượng về Băng Cốc để sự thịnh trị, hòa bình lan tỏa khắp Thái Lan. Hiện giờ, bức tượng được đặt ở nơi cao nhất trên đỉnh một ban thờ thếp vàng cao 11 mét, xung quanh có vô số tranh tường và tượng phật nhỏ. Mỗi năm, tượng được thay áo ba lần, mỗi lần một màu áo, ứng với mùa nóng, mùa mưa và mùa lạnh ở nước này. Vua Rama I đã làm hai chiếc áo cho tượng gồm một áo đính kim cương dùng cho mùa hè, một áo vàng đính ngọc xanh cho mùa mưa và vua Rama III làm một chiếc áo bằng vàng lá cho mùa đông.
Trong khi tượng phật vàng và tượng ngọc lục bảo không rõ nguồn gốc, thì tượng Phật bằng ngọc bích có căn nguyên rõ ràng. Vị sư trụ trì của đền là Pra Viriyang Sirintharo vào những năm 1980 đã có ý tưởng chế tác ra hai pho tượng vĩ đại là tượng phật ngồi dưới hình hài nam giới và tượng Quan Âm dưới hình hài nữ giới bằng ngọc thạch, loại đá rắn hơn thép và có thể tồn tại nhiều thế kỷ. Sau khi nhân dân quyên góp, cao tăng đã sang Canada đặt ngọc thạch nephrite lớn nhất thế giới bấy giờ nhưng không tìm được khối ngọc ưng ý. Phải tới năm 1991, một lần nữa đến Canada, ông đã tìm được một khối ngọc tuyệt đẹp, nặng 32 tấn màu xanh nước biển và không có một tỳ vết nào. Khối ngọc được tạc trong gần một năm nhờ các chuyên gia điêu khắc người Italia và Canada. Trong quá trình tạc tượng, nước để lau rửa tượng được rất nhiều du khách thu hứng, xem như nước thánh. Bụi của tượng cũng được thu gom và hòa với các chất khác làm bùa chú. Vào tháng 6 năm 1993, pho tượng đã được hoàn thành, khắc họa đức Phật tọa thiền. Tượng được đặt tại nhà kính của ngôi đền, phía sau là những bức phù điêu miêu tả cuộc đời của thái tử Siddhartha Gautama. Năm 1994, kế cận với tượng phật có thêm tượng Quan Âm đứng trên đài sen cũng bằng ngọc bích, cao 2,5 mét.
Ở Băng Cốc, ngoài tượng đại phật ngồi bằng vàng, cũng có tượng đại phật nằm bằng vàng và được thờ cúng tại ngôi đền Wat Pho. Bức tượng miêu tả đức Phật trong giờ phút nhập tịch về cõi nirvana, khuôn mặt thanh thản, đôi mắt khép hờ, nằm nghiêng về hướng bắc, tay phải chống ngang đầu, tay trái đặt song song với cạnh sườn. Ngôi đền Wat Pho đã có từ TK XVI và là ngôi đền lớn, cổ nhất thủ đô.
Trong bán kính vài chục đến vài trăm kilômét từ Băng Cốc, sẽ thấy vô số đền đài, mà ở mỗi nơi đều có một hoặc nhiều bức tượng đại phật nổi bật trên nền các công trình cổ kính hay màu xanh của đồi núi. Có thể kể đến đền Wat Thep Phithak Punnaram ở Amphur Pak Chong với tượng Phật ngồi bằng đá hoa cương trắng cao 45 mét tọa trên đỉnh núi, để tới nơi phải leo qua 1.250 bậc tương ứng với số các tăng nhân đã tụ hợp để nghe đức Phật giảng pháp lần đầu tiên. Đền Wat Phra Bat Phu Phan Kham có tượng phật ngồi sơn trắng cao 14 mét nằm trên một ngọn đồi, Wat Mahathat có hai pho tượng phật đứng bằng đá sa thạch cao 12 mét, Wat Khao Kong có tượng phật ngồi sơn vàng cao 24 mét, Wat Buppha Nimit có tượng phật nằm sơn vàng dài 46 mét...
Một nơi tập trung nhiều nhất, tạo thành quần thể tượng phật của Thái Lan là khu Sukhothai bên dòng sông Yom, với nhiều bức tượng ngồi, đứng và đi thể hiện những tư tưởng của Phật giáo, sự thuần khiết trong suy nghĩ, lời nói và việc làm. Người xưa đã dùng hỗn hợp vữa khô nhanh gồm vôi, cát và mật mía để đúc và đắp tượng phật. Theo thời gian những lớp vữa ngày càng cứng mặc dù cũng có những mảng bong tróc, rêu phong, song vẫn giữ được vẻ đẹp như thuở ban đầu và sẽ còn tồn tại lâu bền. Các tượng phật ở liền nhau tạo thành những hàng dài, mỗi vị phật với diện mạo khác nhau người đứng, người ngồi trên những đóa sen, long đài hay đệm thân cửu thủ mãng xà... tọa xen kẽ hoặc tọa bên trong những lòng tháp dạng chuông úp, tạo nên nghệ thuật kiến trúc đền thờ Phật độc đáo ở Thái Lan.
Đạo Phật đã phát triển ở Thái Lan từ xa xưa, tuy nhiên thịnh trị nhất là từ thời Sukhothai và thời Ayutthaya cho đến nay. Mỗi năm, Thái Lan xây dựng rất nhiều đền thờ Phật. Đáng kể từ thập niên 80 TK XX, trung bình mỗi năm, nước này lại xây dựng thêm 170 đền thờ mới. Với lòng mộ đạo, hướng Phật, ngày nào người dân cũng đi lễ. Trẻ em trước khi đến tuổi trường thành đều được gửi vào chùa để học kinh, học lối sống khổ hạnh nhằm biết quý trọng cuộc sống và tu nhân tích đức.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 357, tháng 3-2014
Tác giả : Chu Mạnh Cường