Việt Nam đã trải qua một quá trình biến đổi mạnh mẽ về kinh tế, xã hội từ sau chính sách Đổi mới năm 1986. Kể từ đó, những đóng góp của người dân cho các hoạt động vì lợi ích cộng đồng đã bắt đầu tăng lên cùng với sự gia tăng thu nhập của hộ gia đình. Từ cuối TK XX đến nay, các hình thức từ thiện xã hội ở nước ta ngày càng đa dạng, phong phú hơn, với sự xuất hiện của nhiều câu lạc bộ, nhóm từ thiện cũng như sự gia tăng vai trò của các tổ chức tôn giáo trong hoạt động từ thiện.
Những cuộc khảo sát gần đây về từ thiện xã hội ở Việt Nam cho thấy, đa số những người được hỏi cũng như các doanh nghiệp được khảo sát đều bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến hoạt động từ thiện. Bên cạnh đó, tổ chức tôn giáo là một trong những kênh đóng góp từ thiện phi chính thức của người dân (1), “niềm tin tôn giáo là động lực để người dân làm việc thiện… những người có đạo đóng góp từ thiện cao hơn hẳn những người không tín đạo” (2). Trong đó, Phật giáo là một trong những tôn giáo có truyền thống lâu đời, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống người dân. Sự tham gia hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo được xem như cách thức thực hiện trách nhiệm xã hội, thực hiện chức năng liên kết xã hội và có thể tiến tới phát triển mô hình công tác xã hội gắn với Phật giáo. Kết quả ban đầu của các nghiên cứu về từ thiện ở Việt Nam có nhiều tương đồng với một số nghiên cứu trên thế giới về vai trò của tôn giáo đối với hoạt động từ thiện.
1. Hoạt động từ thiện xã hội
Thuật ngữ charity và philanthropy khi được dịch sang tiếng Việt đều được hiểu là từ thiện, tuy nhiên, xét về nội hàm, chúng khác nhau về nguồn gốc và có sự phân biệt nhất định.
Charity có nghĩa là sự quý giá, lòng tự trọng, tình cảm (3), hay là sự yêu thương và đối xử vô hạn với người khác mà không cần trả công (4). Philanthropy có nghĩa là lòng tốt, lòng nhân đạo, lòng nhân từ, tình yêu thương con người (5), là tình yêu dành cho loài người (6).
Nếu như charity nhấn mạnh đến hành động trợ giúp những người yếu thế, thể hiện sự đồng cảm, vị tha của con người, thì philanthropy có khuynh hướng nhấn mạnh khả năng giải quyết vấn đề của nhóm người yếu thế, giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống. Hành động từ thiện theo nghĩa charity thể hiện sự cảm tính trong hành vi trợ giúp nhiều hơn, trong khi hành động từ thiện theo nghĩa philanthropy thiên về sự lý tính, có tính mục tiêu và kế hoạch cụ thể hơn, hướng tới việc giải quyết nguồn gốc của vấn đề chứ không chỉ là hỗ trợ về tài chính hay vật chất đối với nhóm yếu thế.
Ở Việt Nam cũng có một số nghiên cứu về từ thiện xã hội, đề cập đến những hình thức từ thiện của người dân và doanh nghiệp, xem xét sự tham gia vào hoạt động cứu trợ thiên tai, hỗ trợ người nghèo, người tàn tật, trẻ em khó khăn, từ thiện tôn giáo, cấp cứu tai nạn, hiến máu nhân đạo và một số hoạt động từ thiện khác. Sự tham gia được đánh giá chủ yếu qua việc đóng góp bằng tiền cho các kênh tiếp nhận chính thức và phi chính thức.
Trong bối cảnh nghiên cứu về hoạt động từ thiện ở Việt Nam, hoạt động từ thiện xã hội được hiểu là sự tự nguyện, sẵn sàng của cá nhân, tổ chức nhằm trợ giúp những người yếu thế trong hoàn cảnh khó khăn, giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống.
2. Quan điểm của Phật giáo về từ thiện xã hội
Trong hệ thống kinh sách, kinh điển của Phật giáo không đề cập đến khái niệm từ thiện, mà chỉ đề cập đến khái niệm bố thí. Bố thí được xem là một trong các phẩm hạnh mà người tu hành theo đạo Phật cần tuân theo. Kinh Tăng chi bộ là một trong 5 bộ kinh tiếng Pali được xem là nguyên thủy nhất, ghi lại lời dạy của đức Phật, đã đề cập đến nguyên nhân và các hình thức bố thí. Theo đó, bố thí gồm có bố thí tài vật và bố thí pháp. Tài thí được hiểu là bố thí tiền bạc, của cải. Pháp thí nghĩa là bố thí Phật pháp, sử dụng tất cả những lời nói chân thành, hữu ích để truyền dạy cho người nghe, nâng cao tinh thần hướng thiện, hướng người khác đến con đường tu tập theo chánh pháp. Sau này, ngài Khương Tăng Hội tập hợp những câu chuyện tiền thân của đức Phật trong cuốn Lục độ tập kinh, đã giải thích thêm về một hình thức bố thí nữa, đó là bố thí vô cực. Đây là hình thức bố thí giúp người khác mạnh mẽ hơn, bớt đi sự sợ hãi trong cuộc sống, dành những lời an ủi, động viên khiến cho người khác cảm thấy bình an. Đối với việc thực hành bố thí thì tài thí phổ biến và dễ thực hành hơn pháp thí.
Khi bàn về bố thí, đức Phật cũng giảng giải về phước báo của các cách thức bố thí khác nhau. Trong Kinh Pháp cú thí dụ nêu rõ: “Nếu có vị hiện giả nào nhận thức được cuộc đời là vô thường, phát tâm thiện đem của cải xây dựng chùa tháp, tịnh xá, công viên; đem các vật cần dùng như y phục, giày dép, giường chiếu, thức ăn uống cúng dường. Đó là bố thí nhiều phước ngày thêm nhiều”(7). Trong đó, cúng dường cũng là một hình thức bố thí, cung cấp các vật dụng cho chư tăng, góp phần tu sửa, xây dựng chùa chiền, có thể hiểu đây là sự đóng góp cho việc truyền bá Phật pháp. Như vậy, bố thí và cúng dường đều được xem là việc thực hành pháp đối với những người theo đạo Phật. Bố thí không chỉ là sự cho, tặng về tiền bạc, của cải theo hàm ý làm ơn, làm phúc như cách hiểu thông thường, mà còn bao gồm cả những hành động, nỗ lực trợ giúp về mặt tinh thần đối với người nhận, khiến cho đời sống của họ có những chuyển biến tích cực. Sự tham gia vào hoạt động từ thiện cũng là một trong những biểu hiện của việc thực hành bố thí của những người theo đạo Phật.
3. Tâm thế tham gia hoạt động từ thiện của phật tử ở Việt Nam hiện nay
Có thể nói, kể từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) được thành lập (1981), Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho hoạt động từ thiện xã hội. Nhiệm kỳ hoạt động đầu tiên của Hội đồng trị sự GHPGVN đã ghi nhận đóng góp của hội đối với hoạt động đền ơn đáp nghĩa như chăm sóc các gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình nghĩa vụ quân sự, xây dựng các công trình kinh tế ở địa phương như bệnh viện, trạm xá, nhà văn hóa…, chăm lo sức khỏe cho tăng, ni, phật tử. Đây là những hoạt động vừa thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo vừa thể hiện tính chất của các hoạt động từ thiện xã hội. Sau khi Ban kinh tế nhà chùa và từ thiện xã hội được thành lập năm 1987, hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo ngày càng có quy mô, chất lượng hơn. Mạng lưới hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo đã trải rộng trên nhiều lĩnh vực, với hơn 1000 lớp học tình thương, 36 cơ sở nuôi dạy trẻ em mồ côi, khuyết tật, hơn 20 nhà dưỡng lão, 126 tuệ tĩnh đường, 10 cơ sở dạy nghề miễn phí, 7 cơ sở chăm sóc người có HIV/AIDS (8). Để duy trì, phát triển được các hoạt động như vậy, các nguồn lực xã hội khác cũng có sự đóng góp không nhỏ. Việc bố thí và cúng dường là những hoạt động không thể thiếu đối với những người theo đạo Phật. Một giả định đã được đặt ra trong nghiên cứu của đề tài Nafosted VIII1.1-2012.05 như sau: Sau khi đã chi đủ mọi khoản thiết yếu nhất cho cuộc sống, công việc, vẫn còn dư 10 đồng thì anh chị sẽ phân chia 10 đồng này như thế nào? Loại bỏ các giá trị trống do người trả lời không có kế hoạch phân chia khoản tiền còn dư, không muốn trả lời, phân tích trên mẫu khảo sát của đề tài đối với những người theo đạo Phật tại Hà Nội và Huế, cho thấy có 67,4% người trả lời sẵn sàng dành một khoản cho hoạt động từ thiện, 44,5% cho hoạt động cúng dường. Tỷ lệ này gần tương đương với tỷ lệ cho biết sẽ để dành tiền tiết kiệm (61,6%), mua sắm, tiêu dùng vì tiện ích cuộc sống (46,2%). Như vậy, tâm thế dành cho hoạt động từ thiện của những người trả lời khá cao.
Bên cạnh đó, có thể thấy, khuynh hướng dự định phân chia các khoản tiền, trong đó, số tiền dự kiến được dành cho việc tiết kiệm có khuynh hướng được để ra nhiều nhất, trong khi đó số tiền dự định chi dùng từ thiện, cúng dường chỉ chiếm một phần nhỏ trong các khoản còn dư, dao động trong khoảng 1 - 5đồng/10 đồng. Khoản tiền dự kiến dành cho từ thiện, cúng dường có sự phân tán rất lớn, sự khác biệt giữa giá trị lớn nhất và nhỏ nhất của 2 biến số cúng dường, từ thiện là 9,5. Điều này cho thấy, tâm thế tham gia hoạt động từ thiện trong nhóm những người theo đạo Phật còn chịu ảnh hưởng từ nhiều nhân tố khác nhau.
Sử dụng các kỹ thuật kiểm định thống kê để so sánh sự khác biệt về giá trị trung bình của số đồng dự kiến dành cho từ thiện và cúng dường, chúng tôi xem xét ảnh hưởng của yếu tố cá nhân (giới tính, nhóm tuổi, hôn nhân, nghề nghiệp và mức độ quy thuộc vào đạo Phật (9)), địa bàn khảo sát (Hà Nội, Huế). Kết quả cho thấy, đặc trưng nghề nghiệp, mức độ quy thuộc vào đạo Phật có khả năng ảnh hưởng đến số tiền dự kiến dành cho hoạt động từ thiện. Cụ thể, nhóm làm công ăn lương có xu hướng dành ít tiền cho việc từ thiện hơn so với nhóm kinh doanh và nhóm thanh niên. Sự khác biệt này có thể xuất phát từ đặc điểm nghề nghiệp, trong đó, công việc của người làm công ăn lương mang tính ổn định, ít có biến động xảy ra, trong khi nhóm kinh doanh thường xuyên đối diện với sự rủi ro và tính bất định. Nhóm kinh doanh có xu hướng đóng góp cho từ thiện nhiều hơn đôi khi vì chính bản thân mình, bởi họ quan niệm, cho đi để nhận lại nhiều hơn, làm ăn, buôn bán phát đạt hơn, tâm hồn thanh thản hơn. Hơn nữa, nhóm người này thường tự chủ hơn, vững hơn về kinh tế so với nhóm làm công ăn lương nên việc chia sẻ thông qua hoạt động từ thiện là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, xu hướng dành tiền cho từ thiện của nhóm thanh niên chưa có việc làm khá cao. Nhóm tuổi này có sự nhiệt huyết, sẵn sàng tham gia hoạt động thiện nguyện. Bên cạnh đó, tham gia vào các hoạt động cộng đồng cũng giúp thanh niên mở rộng mạng lưới quan hệ xã hội, tích lũy cơ hội, trải nghiệm cho bản thân.
Các nhóm có mức độ quy thuộc đạo Phật khác nhau cũng có tâm thế tham gia hoạt động từ thiện khác nhau. Kết quả này cũng chia sẻ với nhận định của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường khi cho rằng niềm tin tôn giáo có ảnh hưởng tới mức độ đóng góp từ thiện. Bởi, bản thân tôn giáo đã đề xướng việc hành thiện. Các yếu tố khác như giới, tuổi, tình trạng hôn nhân, địa bàn khảo sát cho thấy không có mối liên hệ có ý nghĩa thống kê với sự khác biệt về giá trị trung bình của số tiền dành cho từ thiện và cúng dường.
Những phân tích trên cho thấy, quan điểm từ thiện của Phật giáo không chỉ dừng lại ở những lý thuyết, giáo lý đơn thuần mà nó thể hiện được sức sống qua các hoạt động thực tiễn. Điều này không chỉ thể hiện tâm thế sẵn sàng mà còn thể hiện sự đồng thuận của các tín đồ Phật giáo trong hoạt động từ thiện. Có thể nói, sự tham gia hoạt động từ thiện của những người theo đạo Phật thể hiện sự gắn kết từ quan điểm tới thực tiễn hoạt động từ thiện của Phật giáo.
_______________
1, 4. Đặng Nguyên Anh và các cộng sự, Đóng góp từ thiện tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương Hà Nội & Quỹ Châu Á, 2011.
2. Viện Nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường, Nhận thức của người dân về hoạt động từ thiện và khả năng gây quỹ của các tổ chức Phi chính phủ Việt Nam, Nxb Giao thông vận tải, Hà Nội, 2015, tr.36.
3, 5. etymonline.com
6. Kidd, Philanthropy and the “social history paradigm”, tandfonline.com, 1996.
7. Thích Minh Cảnh, Kinh Pháp cú thí dụ, Trung tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang, Nxb Hồng Đức, 2013.
8. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Từ Đại hội đến Đại hội (1981-2012), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2012.
9. Ttrong mẫu khảo sát, nhóm tuổi được chia từ 35 tuổi trở xuống và trên 35 tuổi; biến số nghề nghiệp gồm 3 nhóm: làm công ăn lương, kinh doanh và thanh niên chưa có việc làm; trong đề tài Nafosted VIII1.1-2012.05, biến số mức độ quy thuộc đạo Phật được tổng hợp dựa trên 3 yếu tố: tự xác nhận là phật tử, đã quy y tam bảo, sự tham gia hội/nhóm phật tử. Căn cứ trên các phương án trả lời, nhóm nghiên cứu tính toán được 4 mức độ đánh giá sự quy thuộc đạo Phật như sau: mức độ quy thuộc cao, mức độ quy thuộc trung bình, mức độ quy thuộc thấp và không xác nhận quy thuộc.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 389, tháng 11-2016
Tác giả : HOÀNG THU HƯƠNG - BÙI PHƯƠNG THANH