Quyết định số 329/QĐ-TTg, ngày 15-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã xác định: “Phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước” (1). Chính vì vậy, văn hóa đọc của sinh viên là vấn đề được quan tâm và thúc đẩy phát triển.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, văn hóa đọc đang chịu nhiều tác động của công nghệ và truyền thông xã hội, các câu hỏi luôn được đặt ra là: tác động của truyền thông xã hội đến văn hóa đọc có phải là sự tác động tiêu cực? Truyền thông xã hội có triệt tiêu văn hóa đọc? Làm thế nào để giữ gìn và phát triển văn hóa đọc đặc biệt là văn hóa đọc của học sinh - sinh viên trong vòng xoáy của truyền thông xã hội?
1. Vai trò của văn hóa đọc trong đời sống và học tập của sinh viên
Đọc sách là một nét đẹp có từ lâu đời trong văn hóa Việt Nam, từ năm 1924 trong tờ Đông Pháp thời báo số 124 đã có bài viết Thú đọc sách luận bàn về cái hay, cái đẹp của việc đọc với phát triển trí tuệ và đời sống tinh thần của con người. Đọc sách và văn hóa đọc là những thuật ngữ song hành, ở đâu bàn về đọc sách, ở đó người ta thường bàn về văn hóa đọc. Theo quan điểm của ông Nguyễn Hữu Viêm, văn hóa đọc có nghĩa rộng và nghĩa hẹp, trong đó: “Ở nghĩa hẹp, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực này cũng gồm ba thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Ba thành phần này cũng là ba lớp, ba vòng tròn không đồng tâm, ba vòng tròn giao nhau” (2). Như vậy, văn hóa đọc theo nghĩa hẹp tập trung vào ba nội dung chính: thói quen, sở thích và kỹ năng đọc sách.
Nhà nghiên cứu Trần Thị Minh Nguyệt nhấn mạnh: “Văn hóa đọc xem xét ở cấp độ cá nhân bao hàm khía cạnh định hướng của chủ thể tới đối tượng đọc (nhu cầu đọc), khả năng, trình độ lĩnh hội, thông tin (kỹ năng đọc), cả ở phản ứng với đối tượng đọc (ứng xử văn hóa)” (3). Ở phương diện văn hóa đọc của cá nhân, quan điểm này đề cập tới 3 khía cạnh chính là: nhu cầu đọc, kỹ năng đọc và ứng xử văn hóa.
Theo tác giả Dare S., “Một cá nhân thường xuyên đọc sách và các tài liệu khác như các loại tạp chí kể cả khi điều đó không phục vụ cho nhu cầu và lợi ích trong công việc của họ thì người đó được coi là người có văn hóa đọc” (4), văn hóa đọc được nhìn nhận ở việc hình thành và duy trì thói quen đọc sách.
Dựa trên quan điểm của các nhà nghiên cứu, có thể thấy, một cá nhân có văn hóa đọc khi họ có thói quen thường xuyên đọc, có kỹ năng đọc và có một thái độ ứng xử văn hóa trong việc đọc.
Trong môi trường giáo dục, việc đọc sách và có văn hóa đọc được coi là một tiêu chuẩn, có vai trò rất quan trọng giúp người học có thể làm chủ tri thức, phát triển bản thân. A. V. Vorontsov chỉ rõ điểm khác biệt giữa người có văn hóa đọc với người chưa có văn hóa đọc (5): có thể suy nghĩ về các vấn đề, nắm bắt toàn bộ để từ đó xác định quan hệ mâu thuẫn của các hiện tượng, đánh giá tình hình đầy đủ hơn và đưa ra các quyết định chính xác; có trí nhớ tốt và trí tưởng tượng tích cực; diễn đạt tốt hơn, lời nói diễn cảm và nghiêm ngặt hơn trong việc thể hiện suy nghĩ, giàu vốn từ vựng; xây dựng cấu trúc viết chính xác và viết tốt hơn...
Như vậy, người có văn hóa đọc không chỉ giỏi trong việc đọc mà còn phát triển được kỹ năng viết, xử lý vấn đề, tư duy phản biện, có năng lực tư duy độc lập và dễ thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh. Chính vì vậy, văn hóa đọc đóng một vai trò quan trọng trong đời sống học tập của sinh viên, được coi là điều kiện cần để sinh viên có thể đạt kết quả tốt trong quá trình học tập - nghiên cứu khoa học ở trường đại học. Để đảm bảo có thể thích nghi tốt trong môi trường đại học, sinh viên cần có ý thức chủ động và khả năng tự học. Nếu không có văn hóa đọc, sinh viên cũng không có khả năng học tập suốt đời - một năng lực quan trọng để có thể tồn tại và phát triển trong xã hội không ngừng biến đổi dưới tác động của công nghệ. Nhiều người cho rằng tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên Việt Nam trong những năm tới sẽ tăng tỷ lệ thuận với tỷ lệ sinh viên không đọc sách.
2. Một cái nhìn về thực trạng sử dụng truyền thông xã hội của sinh viên Việt Nam
Truyền thông xã hội bắt đầu xuất hiện vào khoảng năm 70 của thế kỷ trước. Từ những năm 2000 trở lại đây, nó đã tạo ra ảnh hưởng đặc biệt đối với đời sống của xã hội loài người, tâm lý và nhận thức của mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ - một thế hệ luôn sẵn sàng và háo hức với những trải nghiệm mới lạ.
Theo Từ điển Cambridge: “Truyền thông xã hội là các trang mạng hoặc các chương trình ứng dụng cho phép người dùng giao tiếp và chia sẻ thông tin lên internet bằng cách sử dụng các thiết bị công nghệ”. Scott D.M. cho rằng “Truyền thông xã hội cung cấp cách thức để mọi người chia sẻ ý tưởng, nội dung, suy nghĩ và các mối quan hệ trực tuyến” (6).
Như vậy, truyền thông xã hội được hiểu đơn giản là những trang mạng hoặc ứng dụng cho phép tạo lập và trao đổi thông tin giữa những người dùng. Người sử dụng truyền thông xã hội có thể sáng tạo, nhận xét và thêm nội dung trên các kênh truyền thông xã hội. Họ kết nối với gia đình, bạn bè, người quen hoặc dễ dàng tạo những liên hệ mới để chia sẻ thông tin, tin tức và kinh nghiệm.
Theo trang vnetwwork.vn, người Việt Nam dành trung bình 6 giờ 42 phút mỗi ngày để sử dụng internet và trong đó 2 giờ 32 phút là dành cho truyền thông xã hội. Kết quả nghiên cứu “Sử dụng mạng xã hội trong sinh viên Việt Nam” thực hiện năm 2014 trên 6 tỉnh thành trong cả nước, có tới 99% sinh viên được khảo sát có sử dụng mạng xã hội trong đó “tỷ lệ sinh viên thường sử dụng mạng xã hội từ 1 giờ đến dưới 3 giờ/ngày là cao nhất (chiếm 43,5%), từ 3 giờ đến dưới 5 giờ/ngày (chiếm 31,5%). Đáng lưu ý là: có 7,2% sinh viên cho biết họ thường bỏ ra trên 8 giờ/ngày để vào mạng xã hội. Lượng thời gian này là đáng báo động về một trong những dấu hiệu cho thấy nguy cơ nghiện mạng xã hội trong sinh viên” (7). Tác giả đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên 200 sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM vào tháng 10-2020, kết quả cho thấy 100% sinh viên được khảo sát có điện thoại thông minh và sử dụng truyền thông xã hội, với hai trang mạng phổ biến nhất là Facebook, YouTube và ứng dụng Zalo. Sinh viên sử dụng truyền thông xã hội cho những mục đích chính như tương tác với người thân, bạn bè, kết bạn… sau đó là để giải trí, chia sẻ và rất ít sử dụng nó vào mục đích học tập hoặc tìm kiếm cơ hội việc làm.
3. Ảnh hưởng của truyền thông xã hội với văn hóa đọc của sinh viên
Văn hóa đọc có vai trò rất quan trọng trong học tập và đời sống tinh thần của sinh viên. Nhưng khi tìm kiếm “Thực trạng văn hóa đọc của sinh viên Việt Nam” trên Google, phần lớn kết quả là các bài viết hoặc thống kê cho thấy những thông tin bi quan về tình hình đọc sách trong giới trẻ hiện nay. Sinh viên Việt Nam đang không đọc hoặc rất ít đọc sách. Theo khảo sát của Tổ chức Sách và Hành động thực hiện năm 2019, 91% sinh viên nhận thức được rằng đọc sách là quan trọng và rất quan trọng nhưng có tới 50% sinh viên được hỏi ít đọc sách (từ 0 - 5 quyển sách/năm) và chỉ có 19% sinh viên đọc nhiều hơn 15 quyển/năm, một số liệu rất đáng báo động.
Trong khảo sát tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, đa phần sinh viên trả lời, họ sử dụng mạng xã hội từ 2-3 giờ/ngày và có một số không nhỏ sinh viên trả lời, họ sử dụng mạng xã hội “bất cứ khi nào có thể”. Chính vì dành quá nhiều thời gian cho việc sử dụng mạng xã hội nên sinh viên không còn thời gian đọc sách, phần lớn sinh viên dành nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội hơn thời gian cho việc đọc sách hay các hình thức giải trí khác. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, nhờ có mạng xã hội mà họ biết được nhiều sách hay, sách mới để đọc. Họ biết đến một số kỹ năng đọc sách hiệu quả là do trao đổi thông tin trên mạng xã hội chứ không hề được đề cập hoặc dạy ở trường. Như vậy có thể thấy, truyền thông xã hội đang tác động đến văn hóa đọc của sinh viên Việt Nam theo cả hai hướng, tích cực và tiêu cực.
Truyền thông xã hội đang tạo nhiều cơ hội và môi trường cởi mở hơn giúp sinh viên tiếp cận với các loại thông tin và tài liệu. Trong môi trường ảo này, sinh viên tự tin tìm kiếm tài liệu và cũng tự tin thể hiện quan điểm của mình về các tác phẩm họ đọc. Truyền thông xã hội giúp sinh viên có khả năng tương tác với nhiều người đọc khác, mở ra cái nhìn đa chiều về các tác phẩm mà họ quan tâm. Nhờ truyền thông xã hội, sinh viên có thể kết nối vào những hội/nhóm, với các nhà khoa học/nhà nghiên cứu, những người có uy tín trong xã hội, mở rộng thêm vốn hiểu biết nói chung và kiến thức về sách và việc đọc sách nói riêng. Việc sinh viên biết các kỹ năng đọc hiệu quả được trao đổi trên kênh truyền thông xã hội rất bổ ích khi kỹ năng quan trọng này chưa được trang bị ở trường học. Cùng với truyền thông xã hội, hình thức xuất bản điện tử phát triển, việc thay đổi phương thức sử dụng sách từ sách, báo in sang sách, báo online với nhiều tiện ích giúp thỏa mãn thị hiếu của các bạn trẻ - thế hệ yêu thích sử dụng công nghệ.
Bên cạnh lợi ích truyền thông xã hội mang lại, đã có những tiếng chuông cảnh báo loài người trước tác động tiêu cực của truyền thông xã hội. Trong nhiều bài báo, câu nói nổi tiếng của Albert Einstein “Tôi sợ một ngày nào đó, công nghệ sẽ lấn át sự tương tác của con người chúng ta. Thế giới sẽ có một thế hệ những kẻ ngốc” được trích dẫn với những dẫn chứng chỉ ra con người ngày càng phụ thuộc vào công nghệ và cảnh báo sự mai một các giá trị cơ bản trong hoạt động của con người như việc đọc sách. Người ta hồ nghi, văn hóa đọc đang “chết đi”, đang dần bị thay thế bởi văn hóa nghe nhìn và dường như, nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là giới trẻ đang không còn thời gian để “đọc”. Sinh viên chịu quá nhiều ảnh hưởng và dành phần lớn thời gian cho truyền thông xã hội với các trang mạng xã hội và ứng dụng hấp dẫn. Sinh viên chưa tận dụng được các lợi ích truyền thông xã hội mang lại trong học tập và nghiên cứu khoa học. Điều đó dẫn đến việc, sinh viên lãng phí quá nhiều thời gian mà không mang lại được những giá trị phục vụ cho sự phát triển của bản thân. Truyền thông xã hội cũng làm xao lãng khi đọc sách và tạo ra những thói quen đọc xấu như đọc nhanh, đọc lướt ngay khi cần kỹ thuật đọc sâu, làm hạn chế kết quả việc đọc sách mang lại. Khi sử dụng mạng xã hội, nếu không có khả năng làm chủ, sinh viên cũng sẽ dễ bị “định hướng đọc” - chỉ đọc những gì là trào lưu trên mạng, thiếu sự độc lập trong việc lựa chọn sách và khó khăn trong việc đánh giá, thẩm định thông tin trên những sách được xuất bản trên mạng.
Kết luận
Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà truyền thông xã hội mang tới cho đời sống con người nhưng nếu không sử dụng truyền thông xã hội đúng cách, sinh viên dễ rơi vào trạng thái không kiểm soát, trở thành những người “nghiện mạng xã hội”, điều này sẽ ảnh hưởng xấu tới học tập và đời sống của sinh viên. Với văn hóa đọc của sinh viên, truyền thông xã hội có thể mang lại nhiều tác động tích cực, tuy nhiên, một lần nữa, điều này lại phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, ý thức và bản lĩnh của họ. Nhà trường, gia đình và xã hội cần quan tâm nhiều hơn đến giáo dục nhận thức và kỹ năng cho thế hệ trẻ của nước nhà ngay từ cấp tiểu học để các em “làm chủ công nghệ” chứ không bị “công nghệ làm chủ”. Việc hình thành và thúc đẩy thói quen đọc sách là phương thức quan trọng giúp con người phát triển tư duy và nhận thức. Khi đã có văn hóa đọc, có tư duy tốt và bản lĩnh vững vàng thì truyền thông xã hội sẽ là công cụ hữu ích giúp sinh viên nói riêng, mọi người nói chung thành công trong việc kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin… phục vụ sự nghiệp phát triển bản thân và đất nước (8).
________________
1. Quyết định số 329/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15 tháng 3 năm 2017: Phê duyệt đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
2. Nguyễn Hữu Viêm, Văn hóa đọc và thư viện, Tạp chí Thư viện Việt Nam, 2012, số 4, tr.74 - 77.
3. Trần Thị Minh Nguyệt, Văn hóa đọc trong xã hội thông tin, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 2009, số 297.
4. Dare, Samson, Reading Culture and challenges for the future (Văn hóa đọc và những thách thức cho tương lai), Tạp chí Tribune Chủ nhật, 2007, số 24.
5. Vorontsov, A. V., Reading as a socio-economic problem (Đọc sách như một vấn đề kinh tế - xã hội), Xã hội, Môi trường, Phát triển, 2009.
6. Scott, D. M., The new rules of marketing & PR: how to use social media, online video, mobile applications, blogs, news releases, and viral marketing to reach buyers directly (Những quy tắc mới trong tiếp thị và quan hệ công chúng: cách sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, video trực tuyến, ứng dụng di động, blog, phát hành tin tức và tiếp thị lan truyền để tiếp cận người mua trực tiếp), New Jersey, John Wiley & Sons, Inc, 2015.
7. Trần Thị Minh Đức, Bùi Thị Hồng Thái, Sử dụng mạng xã hội trong sinh viên Việt Nam, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, 2014, số 8.
8. Bài báo là kết quả nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM trong khuôn khổ Đề tài mã số T2020-15.
Tác giả: Mai Mỹ Hạnh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021