Xuất bản phẩm điện tử tại Việt Nam: Thực trạng, thách thức và xu hướng phát triển

Cuộc Cách mạng công nghiệp trong thời đại kỷ nguyên số đã, đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có ngành Xuất bản. Sự xuất hiện và phát triển của xuất bản phẩm điện tử tại Việt Nam đã đặt ra những cơ hội và thách thức, đồng thời đòi hỏi cần có những định hướng phát triển đối với ngành Xuất bản trong giai đoạn hiện nay.

Xuất bản phẩm điện tử và những điểm vượt trội so với xuất bản phẩm truyền thống

Trong thời đại kỷ nguyên số, hoạt động xuất bản điện tử đã tạo ra những tiện ích vượt trội so với xuất bản truyền thống, làm thay đổi mô hình và quy trình xuất bản, thay đổi thói quen đọc và văn hóa đọc, tạo ra doanh thu lớn. Sách điện tử là sản phẩm của xuất bản điện tử được định nghĩa là “một phiên bản điện tử của một cuốn sách in có thể đọc được trên máy tính cá nhân hay một thiết bị cầm tay được thiết kế cho mục đích này” (Từ điển Oxford). Mặc dù đã xuất hiện trên thế giới từ khoảng 4 thập niên qua, nhưng sách điện tử chỉ thực sự bắt đầu được phổ biến rộng rãi trên thế giới từ năm 2007, khi các thiết bị đọc sách ra đời và có sự cạnh tranh mạnh mẽ như Kindle của Amazon, eReader của Sony, Nook của Barnes & Nobles và Kobo của Borders... chưa kể các phần mềm ứng dụng dành cho điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Ảnh minh họa

­ Sách điện tử ra đời và phát triển đã dần trở thành một sản phẩm thông dụng và phổ biến. Với rất nhiều ưu điểm vượt trội so với sách in truyền thống như: tiết kiệm chi phí, giá thành rẻ, chi phí về vật chất, phân phối thấp, việc xuất bản không chỉ còn lệ thuộc vào nhà xuất bản (NXB) mà tác giả có thể tự xuất bản được sách của mình, phạm vi phổ biến tác phẩm rộng hơn nhờ mạng internet và số lượng độc giả không có giới hạn. Công nghệ xuất bản điện tử đã tạo ra cách thức kết nối giữa tác giả và độc giả, rút ngắn khoảng cách địa lý - vật lý giữa tác giả - độc giả và nhà sản xuất. Điều này không thể có trong xuất bản truyền thống. Các thiết bị thông minh ứng dụng các giải pháp công nghệ đã tạo ra loại sách tương tác thông minh, cho phép cuốn sách có thể giúp độc giả nói, viết cũng như chia sẻ cảm nhận và tương tác với nhiều đối tượng có liên quan đến cuốn sách, đồng thời nhận được nhiều ưu đãi hơn về những nội dung ngoài sách chỉ thông qua một biểu tượng (tem QR code) nhỏ dán trên bìa sách. Nói cách khác, giờ đây, thay vì mua một cuốn sách và chỉ được đọc các thông tin trên sách, thì độc giả có thể nhận được nhiều hơn: kết nối trực tuyến với cộng đồng độc giả, kết nối với tác giả, nhà sản xuất, đơn vị phát hành, nhận thêm những ưu đãi nội dung và các quà tặng khác từ phía nhà sản xuất và các đối tác phân phối.

Trong bối cảnh đó, bên cạnh mô hình xuất bản truyền thống đã có, các NXB sẽ chuyển từ vai trò của người sản xuất, tạo ra sản phẩm sang vai trò cung cấp các dịch vụ nội dung, thông tin để kết nối giữa độc giả với tác giả; tạo và phân phối nội dung trên các kênh khác nhau dựa trên nền tảng số.

Bằng sự xóa nhòa mọi giới hạn, ranh giới về không gian, thời gian, xuất bản điện tử giúp giảm thiểu nhiều công đoạn của xuất bản sách in giấy truyền thống để sản phẩm đến tay nhiều độc giả nhất, nhanh nhất và với chất lượng tốt nhất. Thực tế, đã có sự thay thế con người bằng máy móc ngay cả ở một số khâu công việc biên tập trước đây chỉ có thể do biên tập viên thực hiện.

Xuất bản phẩm điện tử đặt ra những thách thức cho ngành Xuất bản truyền thống

Xuất bản phẩm điện tử tạo ra sự tác động to lớn và làm thay đổi đáng kể “ngành công nghiệp tri thức”, từ cách các NXB tiếp cận thị trường, quy trình xuất bản, cách thức xuất bản, phương thức đọc, tiếp nhận từ phía độc giả, vấn đề bản quyền cho tới cách thức quản lý xuất bản, văn hóa xuất bản.

Mối quan hệ giữa tác giả - NXB/ công ty sách - độc giả

Trong thời đại kỷ nguyên số, phương thức đọc của con người có nhiều thay đổi, ngày càng hướng tới phục vụ nhu cầu của cá nhân, đọc để hưởng thụ và giải trí, thư giãn. Độc giả đã không còn bị động tiếp nhận thông tin, tri thức như trước đây nữa, ngược lại, họ đã trở thành nhân tố đóng vai trò trung tâm, hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn phương thức tiếp nhận thông tin, tri thức. Vai trò và mối quan hệ của ba yếu tố cấu thành nên nền xuất bản là tác giả, độc giả, NXB/ công ty sách thay đổi đáng kể. Tác giả và NXB/ công ty sách đã mất đi vai trò trung tâm như trong thời đại của xuất bản truyền thống. Khi đó, NXB/ công ty sách phải lấy việc đáp ứng nhu cầu của độc giả làm mục tiêu cho sự tồn tại và phát triển cũng như tiêu chí đánh giá sự thành công của mình. Các tác giả và NXB/ công ty sách phải hiểu được nhu cầu, sở thích, hứng thú của độc giả và tìm cách để thu hút, làm hài lòng độc giả. Họ không chỉ sáng tác và tìm kiếm các tác phẩm hay để xuất bản mà còn phải đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khách hàng, thị trường và tiếp thị làm sao để tạo ra sự tác động tích cực đến độc giả.

Xuất bản số, truyền thông số phá vỡ mọi giới hạn của xuất bản truyền thống

Sự giới hạn về không gian và thời gian chính là điểm hạn chế của xuất bản truyền thống. Theo phương thức truyền thống, tác giả gửi bản thảo đến NXB hay đơn vị xuất bản có thể mất 30 ngày để nhận được thẩm định và phản hồi. Sau đó, quá trình in ấn và phát hành khoảng 60 ngày. Tiếp theo là thời gian phân phối sách đến các nhà sách và thời gian chờ đợi báo cáo số bản sách bán ra được tính hàng kỳ, hằng năm. Sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của xuất bản, truyền thông số đã khiến cho không gian lưu trữ thông tin, tốc độ chia sẻ, lan tỏa thông tin trở nên rộng mở hơn bao giờ hết. Thông tin đa dạng, phong phú, cập nhật tức thời, hệ thống hóa, tiện sử dụng, dễ tra cứu là phương diện chiếm ưu thế tuyệt đối của các loại hình truyền thông hiện đại so với sách giấy. Chỉ với một chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh, độc giả có thể đọc sách, đọc báo, lướt web hay tra cứu thông tin một cách dễ dàng, từ bất cứ đâu, vào bất cứ thời gian nào. Mô hình của nền tảng iPub, nền tảng công nghệ xuất bản điện tử đầu tiên ở Việt Nam được coi là công cụ hỗ trợ, kết nối hoạt động xuất bản điện tử; tối giản và minh bạch các quy trình xuất bản; bỏ qua các bước trung gian, đưa tác phẩm đến tay độc giả nhanh chóng.

Chi phí xuất bản phẩm điện tử và xuất bản phẩm truyền thống

Việc không tốn chi phí in ấn, chi phí lưu thông xuất bản phẩm, chi phí lưu kho… tạo ra những lợi thế đáng kể về giá thành của xuất bản phẩm điện tử so với sách in truyền thống. Các phần mềm quản trị giúp cho các đơn vị xuất bản thực hiện các nghiệp vụ từ kế toán, bán hàng, quản lý nhân sự… giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, đồng thời sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Những yếu tố đó đã khiến vai trò nòng cốt của NXB truyền thống bị lung lay. Các kênh truyền thông trở nên vô cùng đa dạng, cho phép tác giả - độc giả có thể tự kết nối với nhau mà không cần thông qua vai trò của NXB/người làm công tác xuất bản. Các tác giả hoàn toàn có thể tự xuất bản tác phẩm của mình trên mạng internet hoặc các nền tảng sách điện tử mà điển hình là nền tảng iPub. Theo đó, nền tảng xuất bản sách điện tử này cung cấp công cụ để tác giả có thể tự thiết kết bìa, dàn trang; ước tính chi phí thực tế phải bỏ ra; đo lường số người đặt mua sách và theo dõi doanh thu, lợi nhuận trên từng đầu sách. Độc giả hoàn toàn có thể tự tìm đến các tác giả, tác phẩm mà mình cần. Điều này làm thay đổi cục diện của xuất bản truyền thống vốn chịu sự chi phối mạnh mẽ của các NXB trước đây.

Yêu cầu đặt ra với ngành Xuất bản trước sự phát triển của xuất bản phẩm điện tử

Ngành Xuất bản cần có những thay đổi tích cực trong quy trình xuất bản sách truyền thống

Quy trình xuất bản truyền thống bao gồm một chuỗi các quy trình nghiệp vụ mang tính hệ thống, có mối liên hệ chặt chẽ và ảnh hưởng, ràng buộc lẫn nhau, được thực hiện trong một khoảng thời gian tương đối dài. Sự phát triển của kỹ thuật truyền thông số tạo nên những ảnh hưởng cơ bản, mạnh mẽ tới tất cả các khâu trong quy trình xuất bản truyền thống, từ việc lên kế hoạch, lựa chọn đề tài, thẩm định bản thảo, biên tập, gia công kỹ, mỹ thuật, in ấn, phát hành cho tới tiếp nhận phản hồi của độc giả. Xuất bản số cho phép tối giản hóa các khâu như chế bản, in ấn, phát hành; giúp một số khâu được thực hiện thuận lợi hơn, thu hẹp thời gian thực hiện như lựa chọn đề tài, gia công biên tập, thu thập thông tin theo chủ đề…

Kết hợp các loại hình xuất bản phẩm điện tử và truyền thống

Ngày nay, việc chuyển tải nội dung thông tin, tri thức không chỉ được thể hiện bằng chữ viết, mà nó cần phải được biểu đạt bằng những hình thức sống động, có chiều sâu hơn như hình ảnh, âm thanh, video nhằm tác động đến các giác quan của con người gồm thị giác, thính giác, xúc giác. Điều này được hiện thực hóa bởi xuất bản điện tử với sự ra đời của những ấn phẩm có tính chất hỗn hợp. Trong xuất bản điện tử, phần lớn nội dung xuất bản hiện nay được thực hiện trên cơ sở số hóa các xuất bản phẩm truyền thống. Các NXB truyền thống vẫn là chủ thể của xuất bản sách điện tử. Do vậy, xuất bản sách điện tử cùng với sách giấy sẽ là xu hướng của hầu hết các NXB. Mô hình này rất phổ biến trên nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới Amazon. Bên cạnh việc mua sách truyền thống, độc giả có thể lựa chọn mua sách phiên bản điện tử dưới dạng đọc Kindle hoặc sách nói. Giá thành của những cuốn sách điện tử thường rẻ hơn sách giấy. Bạn đọc có thể tham gia đóng một mức phí Amazon đặt ra để có thể truy cập đọc nhiều bản sách điện tử hoặc sách nói không giới hạn. Các NXB/ công ty sách có thể đưa bản trực tuyến của xuất bản phẩm có thể sẽ được xuất bản trước, sau đó mới đến sách giấy. Đây có thể sẽ là xu thế xuất bản trong thời gian tới.

Định hướng về sự chuyển đổi mô hình xuất bản

Theo phương thức xuất bản truyền thống, các NXB cung cấp cho độc giả/khách hàng của mình sản phẩm cụ thể là những xuất bản phẩm hữu hình. Nhưng với sự trỗi dậy của truyền thông số, năng lực lưu trữ, phổ biến, truyền bá thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức trở nên dễ dàng chưa từng thấy, đã khiến cho rất nhiều thông tin, tri thức trở thành tài nguyên sử dụng chung cho nhân loại. Việc tiếp nhận miễn phí nguồn tài nguyên tri thức trên mạng đã trở thành thói quen của một bộ phận không nhỏ độc giả. Điều đó trở thành thách thức lớn, khiến cho các NXB phải có sự điều chỉnh, chuyển đổi mô hình xuất bản từ nhà cung cấp nội dung sang nhà cung cấp dịch vụ, không thể chỉ còn tập trung trọng tâm vào xuất bản phẩm, mà phải nhắm tới đối tượng là cá nhân người sử dụng xuất bản phẩm. Lúc đó, các NXB cần căn cứ vào nhu cầu của độc giả để đưa ra các dịch vụ dành riêng cho họ và hướng tới phát huy vai trò định hướng, dẫn dắt độc giả.

Ngành Xuất bản Việt Nam và định hướng phát triển

Là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet hàng đầu khu vực và trên thế giới, Việt Nam thực sự có những nền tảng quan trọng để bước vào giai đoạn xuất bản 4.0. Để nắm chắc cơ hội, chủ động cho con đường phát triển tới, ngành Xuất bản cần có các định hướng phát triển sau:

Xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin vững chắc

Xuất bản 4.0 đòi hỏi phải có một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mở. Các NXB cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện và năng lực để chuyển dần sang xuất bản số; nâng cao chất lượng bản thảo qua sự chủ động, tích cực tìm kiếm những đề tài đúng với “hơi thở” của thời đại, đáp ứng kịp thời nhu cầu của độc giả; tăng cường năng lực ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ; đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác phát hành, marketing giỏi, năng động; lựa chọn những mảng xuất bản đặc thù để xây dựng thương hiệu riêng, độc đáo cho mình; tăng cường xây dựng các trang web, đẩy mạnh xây dựng hình ảnh, bộ nhận diện thương hiệu, chiến lược phát triển cho đơn vị mình.

Phát triển đào tạo và năng lực cá nhân

Trước xu thế máy móc tự động hóa thay thế con người, nguồn nhân lực là yếu tố cần được chú trọng trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Việc nghiên cứu, xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp nhằm đảm bảo về chất lượng, đầy đủ về số lượng để đáp ứng yêu cầu của ngành xuất bản nói chung, xuất bản điện tử nói riêng trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay là việc làm cấp bách của mỗi cơ sở đào tạo. Bản thân mỗi cá nhân hoạt động trong ngành Xuất bản cũng cần có sự chủ động, tích cực nâng cao trình độ, tăng cường tri thức, nâng cao khả năng thích nghi, dám đối mặt với thách thức.

Xây dựng môi trường pháp lý phù hợp

Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư về Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản đã đặt vấn đề xuất bản điện tử, trong đó nhấn mạnh một trong những giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng ngành Xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc là “Đổi mới, nâng cấp và từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật và công nghệ xuất bản”.

Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, qua các lần sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản và các văn bản pháp luật liên quan, các quy định về xuất bản điện tử ngày càng rõ hơn, tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn để xuất bản điện tử phát triển.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản và kinh doanh sách điện tử diễn biến hết sức phức tạp, trở thành rào cản làm nản lòng các doanh nghiệp hoặc NXB muốn phát triển xuất bản điện tử. Mặc dù điều kiện công nghệ đã và đang được hoàn thiện, nhu cầu và thái độ của độc giả đối với sách điện tử đang chuyển biến tích cực song tình trạng vi phạm bản quyền vẫn là điểm mấu chốt ngăn cản thị trường sách điện tử lành mạnh phát triển. Sách điện tử lậu, không bản quyền đang được “phá giá” hoặc bị các cư dân mạng “hồn nhiên” chia sẻ, phát tán miễn phí trên rất nhiều diễn đàn, trang mạng trong và ngoài nước, cùng với đó là các trang web vi phạm bản quyền đã và đang không chỉ làm thiệt hại trực tiếp cho tác giả và NXB cũng như các đơn vị phát hành sách điện tử, mà còn làm xói mòn thị trường sách điện tử mới manh nha hình thành.

Phát triển thị trường sách điện tử và dịch vụ xuất bản mới cần dựa trên cơ sở “kết hợp hài hòa” với thị trường sách in truyền thống

Cần tạo điều kiện để các NXB, nhà sản xuất và phân phối khéo léo kết hợp giữa 2 loại hình sách in truyền thống và sách điện tử, để dần thu hút độc giả, đặc biệt là những người có thời gian sử dụng máy tính cao, đến với các ấn phẩm truyền thống thông qua quảng cáo, trích đăng trên mạng internet; xây dựng hệ thống thư viện điện tử thuận lợi phục vụ cho tra cứu, tìm kiếm sản phẩm xuất bản truyền thống; thay đổi phương thức giáo dục dựa trên ứng dụng các công nghệ thông tin hiện đại...

Đẩy mạnh xây dựng đội ngũ quản lý chuyên ngành, có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới

Cùng với công nghệ quản lý mới, trong điều kiện hệ thống thông tin trở nên vô cùng đa dạng, những thông tin thừa, thiếu chính xác, thậm chí là những thông tin mang tính xuyên tạc, mang mục đích, động cơ không lành mạnh cũng xuất hiện và tồn tại như một phần tất yếu. Phải “bơi” trong biển thông tin như vậy, người làm xuất bản và độc giả đều rất khó khăn trong lựa chọn, chắt lọc thông tin. Vì thế, cần nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp an ninh truyền thông hiệu quả, đặc biệt là vấn đề phòng, chống tội phạm công nghệ cao và an ninh mạng. Có thể nói, đây là một trong những yêu cầu căn bản và cấp thiết nhất ở mọi quốc gia hiện nay, khi phải giải bài toán “cách mạng công nghiệp 4.0”.

Trên tất cả, mỗi người làm công tác xuất bản, mỗi đơn vị xuất bản, dù ở bất cứ khâu nào cũng cần có sự đổi mới tư duy mạnh mẽ. Ở Việt Nam, do độ trễ của một thị trường xuất bản chậm phát triển hơn nên chưa thấy những thách thức diễn ra gay gắt như ở các nước phát triển. Những thuận lợi và thách thức đến từ kỷ nguyên số cho thấy, đã đến lúc các đơn vị xuất bản không thể chỉ dựa vào nội dung tác phẩm, danh tiếng của tác giả như trong quá khứ, mà còn cần phải biết đáp ứng, tiếp cận độc giả trên các nền tảng công nghệ mới.

________________

Tài liệu tham khảo:

1. Khuất Duy Kim Hải, Xuất bản điện tử - Triển vọng và thách thức, Hocvientaichinh.com.vn, ngày 17-11-2017.

2. Châu Úy Hoa, Truyền thông số và chuyển đổi mô hình xuất bản (Thanh Huyền dịch), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017.

3. Nguyễn Nguyên, Xuất bản với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Tuyên giáo, ngày 28-9-2018.

4. Tường Vy, Tương lai của sách điện tử, Saigongiaiphong.org.vn, ngày 16-12-2015.

Tác giả: Nguyễn Thúy Linh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 449, tháng 1-2021

;