SỨC HÚT CỦA CÔNG TỬ BẠC LIÊU QUA LỊCH SỬ, GIAI THOẠI

Công tử Bạc Liêu (CTBL) đã trở thành một thành ngữ thú vị để mô tả sự chơi ngông. Người thời nay thường dùng thuật ngữ này để chỉ Trần Trinh Huy, người con thứ ba của Hội đồng Trần Trinh Trạch. Cậu Ba Huy là người để lại ấn tượng mạnh nhất trong số những người giàu có, ăn chơi thời điểm đó. Trong một Nam phần giàu mạnh, mà Bạc Liêu chỉ đứng thứ năm với 36 điền chủ lớn, con người này đã nổi lên thành một công tử tiêu xài hạng nhất Nam kỳ. Điều này cũng đã đủ thấy mức độ chơi ngông cũng như sức hút của ông trong lịch sử, giai thoại.

 

      Bối cảnh hình thành nhóm đại điền chủ, dân cậu ở Bạc Liêu

      Theo tác giả Phan Trung Nghĩa, vùng đất Bạc Liêu được bắt đầu cho khẩn hoang có kế hoạch từ khi vua Tự Đức lên ngôi năm 1847. Khi thực dân Pháp xâm chiếm, việc khẩn hoang tạm dừng. Đến năm 1880, sau khi dập tắt các cuộc khởi nghĩa của sĩ phu, nghĩa binh yêu nước miền Tây, Pháp tiếp tục khai thác vùng đất Bạc Liêu. Từ 1901, Pháp cho đào các kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau, Bạc Liêu - Cổ Cò, Hộ Phòng - Chủ Chí - Chợ Hội, Giá Rai - Phó Sinh - Cạnh Đền... Công cuộc dẫn thủy nhập điền rất tốt đã giúp Bạc Liêu bước vào giai đoạn sản xuất lớn. Mức sản xuất tính trên bình quân đầu người lên đến tột đỉnh từ năm 1911 đến năm 1915 ở Nam phần.

      Vùng đất Bạc Liêu có sức cám dỗ với giấc mơ làm điền chủ của dân khẩn hoang. Các kênh đào tới đâu là lưu dân từ miệt Tiền Giang đổ xô đến cắm ranh, tranh giành nhau để trấn nhậm vùng đất mặt tiền, nhằm tiện giao thông, thủy lợi. Vì thế mà Bạc Liêu xuất hiện tập quán cư trú ven sông rạch. Hầu hết các thị trấn ở Bạc Liêu cũng ra đời vào thời điểm này, được bố trí ven sông, ngã ba sông như: Trưởng Tòa, Phước Long, Ngan Dừa, Vĩnh Hưng... Đó là chợ do người khẩn hoang lập ra. Dân đi khẩn hoang chủ yếu có ba nguồn: dân trốn xâu, lậu thuế của vùng Tiền Giang; người giàu có, vốn tham vọng làm đại điền chủ nên ôm số tiền lớn vào mướn dân khai khẩn rồi lập bằng khoán; những nông chủ bình thường đi khai khẩn đất mới. Đồng thời người Pháp cũng tham gia mở rộng các đồn điền. Nếu là điền của cá nhân thì người bình dân gọi là điền tây, còn của công ty thì gọi là điền hãng. Từng đoàn ghe chài vận chuyển lúa gạo hoặc than đước, cây tràm về Sài Gòn, xây dựng các nhà máy xay xát để chế biến nông sản. Năm 1900, Bạc Liêu, Rạch Giá chỉ có 136.000 mẫu nhưng 30 năm sau tăng lên 600.000 mẫu, đứng nhất Nam phần. Kinh tế xã hội nơi đây sau năm 1910 chuyển động chưa từng có, sau khi hệ thống kênh đào phát huy tác dụng, chợ Bạc Liêu đã bắt đầu sầm uất (1).

      Từ năm 1918 đến năm 1956, tỉnh Bạc Liêu gồm bốn quận lớn là Cà Mau, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu, Giá Rai, vị thế của các đại điền chủ Bạc Liêu càng có tầm ảnh hưởng to lớn ở Nam phần nói chung, miệt Hậu Giang nói riêng.

      Nguyên do dân gian hứng thú với CTBL Trần Trinh Huy hơn nhiều địa chủ, tư sản khác

      Những câu chuyện, tình tiết cụ thể về CTBL nổi tiếng xưa nay bao nhiêu thì tài liệu về Trần Trinh Huy ít bấy nhiêu do những biến thiên thời cuộc. Trong một số công trình văn hóa, CTBL chỉ là một ý nhỏ. Ở Sài Gòn tạp pín lù của học giả Vương Hồng Sển, có mục số 35 dành cho CTBL, nhưng cũng chỉ là một phân đoạn nhỏ trong chuyện đời dài của cô Ba Trà. Dấu xưa Nam Bộ là cuốn ghi chép, sưu khảo mang màu sắc dân tộc học của tác giả Hồng Hạnh, dài 193 trang giới thiệu con người, mảnh đất miền Tây Nam Bộ. Giai thoại về các nhà tỷ phú Sài Gòn xưa của tác giả Thượng Hồng dài 179 trang có bàn về vụ đốt tiền của CTBL, nhưng mục đích cuốn sách là giúp rút ra những kinh nghiệm quý giá về cách làm giàu, tiêu tiền hợp lý, hữu ích cho bản thân, gia đình, xã hội. Có thể nói, những người có công lao lớn nhất trong việc sưu tầm, đối chứng, viết lại chuyện về CTBL là hai tác giả Nguyên Hùng, Phan Trung Nghĩa.

      Lý giải nguyên nhân công tử Trần Trinh Huy được dân gian thích thú, yêu mến, trước hết phải xem lại đời sống của người dân Bạc Liêu lúc bấy giờ. Tuy là xứ gạo, xứ muối nhưng tất cả thành tựu đều được tích thu về tay thực dân, phong kiến. Chính quyền Pháp muốn thu tô thật nhanh nên đã giao quyền cho địa chủ để mượn sức tá điền. Người dân vô cùng thiếu thốn, rách nát. Trong sự đói kém, ngột ngạt, thiếu hiểu biết, người dân lại được một người vung tiền cho bằng nhiều cách. Công tử Huy trở nên một hình tượng địa chủ hiếm hoi. “Con người Trần Trinh Huy vừa kết hợp cả dân cậu lẫn dân Tây, phong thái của ông, cách ăn chơi của ông đã làm cho cộng đồng tối tăm này ngỡ ngàng, vì thế nó dễ khắc sâu trong trí nhớ, dễ cho người ta thêu dệt nên những giai thoại. Huy đến nhà hàng, khách sạn, vũ trường, sòng bài nào cũng xài lớn, đánh lớn và chủ sòng bài đó thu lợi lớn từ các tay chơi, còn những người phục vụ đều được tiền bo hậu hĩnh. Đem đến cả tiền, sự vui vẻ cho người khác, do vậy, Huy trở thành quý nhân ở những nơi Huy đến, tạo được sức mạnh mê hoặc của mình đối với hầu hết mọi người xung quanh” (2).

      Sự hấp dẫn nổi bật của Ba Huy là tính thời thượng, hoa mỹ của con người biết bày trò, ham mê giải trí. Tác giả Nguyên Hùng có một chút lý giải về sức hút, danh xưng của cậu Ba Huy so với khá đông dân cậu ở miền Tây đi du học Pháp như sau: “Phần lớn các vị trí thức xuất thân từ đồng ruộng Hậu Giang đều xử sự theo đúng khuôn phép, lịch thiệp nhưng không giao du rộng rãi, hào hoa như cậu Ba Huy. Cho nên thiên hạ mới tặng cho Cậu Ba mấy tiếng công tử Bạc Liêu” (3). Các công tử có tiếng trước nay như Ngô Văn Điều, Huỳnh Văn Phước, Hai Lũy, Ba Cân, Hai Đinh đã nức tiếng Sài Gòn trước đó vì họ chơi đủ mốt thời thượng như nhảy đầm, lái xe hơi, hút thuốc phiện, đều bị Ba Huy từ khi trở về nước làm cho lu mờ. Kể cả sau này Phan Kim Khánh, con trai của nhân sĩ Phan Kim Cân cũng không thể sánh bằng.“Giữa cái không gian quê mùa hiu hắt, giữa cái xã hội tăm tối, lạc hậu, Trần Trinh Huy xuất hiện một cách sáng rực, xa lạ. Khác hơn các dân cậu của Bạc Liêu là trang phục bà ba lụa soan trắng, Trần Trinh Huy trong com lê. Cái gì của cậu cũng khác thiên hạ, từ cách ăn mặc đến đi đứng. Dân Bàu Sàng khoái Cậu Ba hơn Cậu Hai vì cậu không bao giờ đòi nợ. Cậu chỉ lo nghĩ những lối giải trí giúp vui cho dân trong điền…” (4). Có thể nói, không phải ai có tiền cũng có thể trở nên hấp dẫn như Trần Trinh Huy, mà lại là một sức hút lớn, có khả năng lôi kéo nhiều tầng lớp trong xã hội.

      Chi phối mọi hoạt động, cuộc đời Ba Huy là một tư duy rất thoáng, cấp tiến. Huy phê phán thói ngược văn minh của người Việt; trân trọng tự do, hạnh phúc cá nhân chân chính của con người, kể cả người phụ nữ; tiếp thu tổng hợp từ Pháp tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái; ý thức được lẽ tuần hoàn không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời nên phải biết cho đi. Tuy không lo học hành chính thống để có bằng cấp, Ba Huy đã đọc khá nhiều sách ngoại văn về kỹ năng, ẩm thực, nông nghiệp, đời sống giới quý tộc Pháp, cung đình Việt, phong tục, đối nhân xử thế. Nhờ vậy mà Cậu Ba được khen là ưu thời mẫn thế trong rất nhiều tình huống, trong đó đã dự đoán trước được sự nổi dậy cướp bóc của đám dân đói trong buổi loạn lạc Nhật đảo chính Pháp nên đã cho di tản đồ tế nhuyễn quý hiếm từ Nhà Lớn ở thị xã về Nhà Lầu trong điền Bàu Sàng. Tuy có háo danh nhưng Ba Huy lại không thực lòng xem trọng quyền thế, không khúm núm nịnh nọt người Pháp như nhiều cậu công tử lẫn điền chủ.

      Với tư duy cởi mở, vẻ bác ái, Huy chính là một nét nhân cách rất đáng để lưu tâm ở vị công tử trác táng này. Ba Huy ít rầy la con cái, cho tiền họ hàng xa lên thăm, giao tiếp khoáng đạt, không dè dặt, hiếm khi để bụng hờn giận ai, khuyên cha mình bỏ ít tiền ra cứu tế xã hội, giảm nợ, xóa nợ cho những ai không có khả năng trả, phát quần áo, mùng mền, thuốc men cho các gia đình chí cốt gặp thiên tai, dễ dàng xí xóa nợ cho tá điền trong lúc vui vẻ nào đó, trả tiền công tạc tượng cha mẹ cho điêu khắc sư Thụy Sĩ gấp đôi giá hiện hành. Sau này, khi chính phủ Việt Minh vận động giảm tô ruộng 25%, Huy sẵn sàng tự giảm xuống còn 50% cho tá điền, thực hiện đầy đủ lời hứa hỗ trợ vải, thuốc cho cách mạng. Giai đoạn Pháp kích động thù hằn dân tộc giữa người Kinh với người Khơme Nam Bộ, ông đã đấu tranh với chính quyền Pháp, vạch rõ hành vi của một số phần tử dựa vào Pháp chém giết người vô tội ở Bạc Liêu, buộc Pháp phải xử lý tên cầm đầu nổi loạn, cứu vãn trật tự.

      Đồng tiền không thôn tính được con người của Huy như đối với phần đông địa chủ khác. Ông không cố thủ lợi ích một cách cố chấp, tàn nhẫn mà vẫn giữ được nét phóng khoáng của người Nam Bộ. Nhờ thông minh, thức thời như vậy, Huy được an toàn cho đến cuối đời mà không phải cam go chống lại phe nào. Tuy cách tiêu ngông cho bỉ mặt thằng Tây của Huy vô tình xúc phạm những người dân cơ cực, quanh năm thiếu ăn thiếu mặc, nhưng những điều này không lấp đi được nét rộng lượng, bác ái của con người này. So sánh với phần lớn các địa chủ trong lịch sử, Trần Trinh Huy chính là một CTBL ngoại hạng.

      Tổng hợp những nét rộng rãi, cởi mở, thức thời trên hình thành nên một cậu Ba Huy biết cân đối lý - tình. Những lời lẽ của nhân vật Ba Huy trước sau đều mang tính luận lý - tình nên được sự xem trọng của người đối diện thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội. Trong rất nhiều sự kiện, Huy luôn bình tĩnh, làm chủ tình thế, dàn xếp theo hướng có lý có tình nhất. Điều này xuất phát từ tính rộng rãi, không chấp nhặt, ưu thời mẫn thế kèm theo hiểu biết của Ba Huy về đời sống trong, ngoài Việt Nam. Đặc biệt, Huy biết điều khiển công cụ tiền để làm hài hòa mọi chuyện. Cậu cũng rất biết đánh vào sự háo danh của cha mình bằng cách khuyến khích ông làm từ thiện để mời những người bạn làm báo trên Sài Gòn về đưa tin. Từ chối đi học trong nước đến khi hồi hương, mướn phố mở văn phòng thường trực ở Sài Gòn, cho làm sân bay ở Cà Mau, sắm máy bay ngoại quốc lái đi thăm ruộng, cho đắp đất, tổ chức hội chợ đấu xảo sắc đẹp trong điền Bàu Sàng… tất cả những việc làm này của Huy đều chứng minh phong thái của một đại công tử lắm kỹ xảo.

      Điểm xấu nhất chi phối Ba Huy là háo sắc, điều này cũng tạo nên đặc trưng cuộc đời của CTBL là tiêu tiền, hưởng lạc, chủ yếu xoay quanh những cô gái đẹp. Lối sống của Huy là sản phẩm của những đồng tiền bóc lột từ nông dân, cơ hội mà quan hệ mẫu quốc với thuộc địa đem lại; đồng thời Huy rất biết cách điều khiển những đồng tiền không chút khó nhọc để thỏa mãn bản thân mình, đem lại tư danh vô đối. Tuy nhiên, có những sự phóng đại truyền khẩu trong dân gian như đốt tiền làm đuốc, đốt tiền nấu chè, đời sau còn biến thành đốt tiền nấu trứng vì gái đẹp là chuyện không có thật do chính Ba Huy xác nhận với người cháu lúc sinh thời.

      Ở góc độ sử học, Ba Huy là địa chủ tư sản thân Tây. Nhưng Ba Huy không bảo thủ, cực đoan như nhiều địa chủ khác mà giữ được thiện chí, lời hứa. Nếu Ba Huy chỉ biết tranh thủ thời cơ để chiếm đoạt ruộng đất, bóc lột dân nghèo để làm giàu như cha mình thì sẽ không có ai khác được hưởng lợi từ bất kỳ tài sản nào của họ Trần Trinh ngoài Pháp cùng gia tộc. Nhưng như vậy sẽ không thể có một CTBL đi đến đâu cũng được chào đón vì nơi đó sẽ thu được tiền tài từ vị công tử này. Mặt khác, khi Việt Minh với Pháp đang ở thế giằng co trên đất Bạc Liêu, trước sự yếu thế của giới địa chủ, một số tá điền quá khích đã nổi lên cướp, đốt trụi nhà lầu đầy vật quý của Cậu Ba ở điền Bàu Sàng. Dù rất giận, nhưng cậu chỉ mướn hai trung đội lính Pháp yểm trợ gia nhân vô điền cưỡng ép thu lúa với hy vọng phần nào phục hồi địa vị. Sau khi được bí thư tỉnh Minh Hải là Trần Văn Sớm mời nói chuyện một đối một, Huy đã hứa không theo Pháp chống lại cách mạng nữa. Vậy nên, đến khi bà Hội đồng, tức mẹ Huy mất, mấy trăm tá điền đã đến dự đám tang này vì nhớ ơn Cậu Ba đã giảm tô gấp đôi so với mức Việt Minh quy định. Khi so sánh Huy với Phan Kim Cân thì thấy Huy không đóng góp gì nhiều cho thời cuộc nhưng khi đặt Huy vào giới địa chủ tư sản, Huy là một hiện tượng lạ.

      Việc bảo tồn, phát huy các giá trị liên quan đến CTBL

      CTBL qua đời chỉ còn lại cho các con mấy căn phố lầu. Đến lượt các con ông cũng phung phí, nhà cửa cứ bán dần. Đến cuối thập niên 1970, họ quyết định bán căn nhà cuối cùng với giá 28 lượng vàng, chia nhau rồi ly tán, tự tìm đường mưu sinh riêng, kết thúc sự giàu có kéo dài chưa tới ba đời của dòng tộc Trần Trinh. Dinh thự CTBL được quốc hữu hóa trước giải phóng.

      Dù địa phương đã nỗ lực nhưng lịch sử, hình ảnh CTBL chưa được khai thác xứng tầm lợi thế tài nguyên văn hóa, du lịch bậc nhất của tỉnh; hàng lưu niệm liên quan đến CTBL còn khá đơn giản; chưa có các dịch vụ liên quan đến thói quen sinh hoạt, giải trí của CTBL xưa; dịch vụ tham quan nhà ở, vật dụng của CTBL hiện nay chưa đủ thôi thúc mong muốn được am hiểu, trải nghiệm nhiều hơn về đời sống, tính cách con người này. Ngoài ra, khu mộ khá đồ sộ của gia tộc Trần Trinh hiện vẫn chưa được đưa vào giới thiệu như khu dinh thự. Dinh thự công tử ở phường 3, gần bên chợ trung tâm Bạc Liêu nhộn nhịp, nhưng xung quanh không có các giá trị sinh thái nổi bật đi kèm. Hơn nữa, các trải nghiệm bên trong dinh thự về một Bạc Liêu hào hoa xưa có giá khá đắt, hạn chế.

      Vực dậy hình tượng công tử đã nhiều năm đơn điệu là nhiệm vụ rất quan trọng vì lợi thế so sánh này đem lại khả năng cạnh tranh to lớn. Để tăng cường dịch vụ, hàng hóa du lịch, sản phẩm chuyên đề sẽ giúp du khách trải nghiệm cuộc sống giả xưa.

      Ngoài ra, cần một số hàng quán phỏng theo kiến trúc truyền thống của ba dân tộc Kinh, Hoa, Khơme, vừa làm nơi nghỉ ngơi, ăn uống của du khách, tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian đậm tính giải trí, vừa trưng bày, bán tranh ảnh, hiện vật về đời sống văn nghệ, giải trí của ba dân tộc chính trên đất Bạc Liêu xưa nay. Bên cạnh đó, phải phát huy yếu tố sông nước trong sản phẩm du lịch CTBL, đồng thời bảo tồn, phát triển những cụm cảnh quan tự nhiên hoài cổ để hỗ trợ cho các nét đẹp nhân văn.

      Dù ở con đường tư liệu báo chí hay phỏng vấn, sưu tầm dân gian, hình ảnh CTBL nổi lên là một địa chủ tư sản rộng rãi, thiện chí nhưng rất chăm chút cho sự hưởng thụ của bản thân (đôi khi là cho người khác), đặc biệt là sa đà sắc dục. Hầu hết là những miêu tả, nhận định thiện chí, cả nhà văn Nguyên Hùng cùng nhà báo Phan Trung Nghĩa đều đồng quan điểm ở những nét lớn nhất làm nên sức hút của con người đã sớm đi vào giai thoại. Xuất thân từ một trong một nhóm dân cậu chơi ngông ở Bạc Liêu, Ba Huy biến mình thành một hình tượng được các đời sau biết đến như một CTBL độc nhất. Ngoài sự sang trọng, thói quen ăn chơi trác táng, nhân tình vô độ, CTBL hấp dẫn người đời ở tính tình hào phóng, thân thiện với mọi người không kể sang, hèn. Điều này đã giúp cho CTBL trở thành một biểu tượng ăn chơi, giải trí, xài ngông trong mắt dân xứ Bạc cũng như người Việt Nam trong nước hay hải ngoại. Do vậy, không nên đặt ông vào thế so sánh với các nhân vật lịch sử cách mạng hay lịch sử văn hóa của địa phương để rồi có cái nhìn thiếu thiện chí. Có chăng chỉ nên đặt ông trong lớp địa chủ tư sản lúc bấy giờ, để thấy ông vẫn còn có nhiều nét quý hơn những người cùng lớp.


_______________

      1. Phan Trung Nghĩa, Phác thảo một vùng đất: giai đoạn sản xuất lớn của Bạc Liêu, Báo Bạc Liêu, ngày 16-11-1997, tr.5.

      2. Nguyễn Đình Đầu, Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ lục tỉnh, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2016, tr.64.

      3, 4. Nguyên Hùng, Công tử Bạc Liêu, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.53, 193.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1-2018

Tác giả : PHAN THẢO LY

;