Con người trong quá trình tồn tại, phát triển không thể sống như cá nhân riêng lẻ mà được sắp xếp vào những tổ chức có quy mô, dạng thức khác nhau. Những tổ chức này được hình thành từ các cá nhân, có những chức năng nhất định đối với đời sống mỗi con người, tùy theo từng bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội. Mạng lưới những tổ chức này tạo thành một cấu trúc mà qua đó một xã hội được hình thành nên. Trong mạng lưới đó, quan hệ xã hội là những sợi dây liên kết ràng buộc các cá nhân trong xã hội. Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều chuyển biến của người Nùng Cháo ở Nà Lầu (Tân Thanh, Lạng Sơn), thì việc nghiên cứu, tìm hiểu về sự tương hỗ, tương trợ của người dân ở đây thực sự là điều cần thiết đối với đời sống của mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình. Trong khuôn khổ của bài viết, nghiên cứu đề cập về sự tương trợ, gắn kết ở các khía cạnh chủ yếu: tang ma, cưới xin, làm nhà mới.
Tương trợ, giúp đỡ trong tang ma
Trong nghi lễ tang ma của người Nùng Cháo chứa đựng nhiều giá trị văn hóa về quan hệ gia đình, cộng đồng. Các nghi lễ trong đám tang thể hiện quy tắc ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, dòng tộc với cộng đồng thôn bản. Từ đó, tạo ra một sự giao ước, các quy tắc liên quan không chỉ đối với người đã chết, mà còn có sự ràng buộc giữa những người sống với nhau, làm cho mọi người phải cùng có nghĩa vụ, trách nhiệm với dòng họ, cộng đồng thôn bản.
Đám tang của người Nùng Cháo trải qua các nghi lễ bắt buộc như: mời thày cúng, khâm liệm, nhập quan, phát tang, ăn chay, dâng cơm, đèn hoa, trao nhà táng, chọn đất đào huyệt, tế ngựa bên ngoại, tế thông gia, tế họ, siêu đàn phá ngục, đưa ma, hạ huyệt, cúng 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu, mãn tang. Phải trải qua nhiều nghi lễ như vậy vì theo họ để đảm bảo nguyên tắc ích âm, lợi dương, một mặt là để đền đáp công ơn sinh dưỡng, mặt khác làm hài lòng người đã chết, để phù hộ cho con cháu được bình an. Với nhiều nghi lễ như vậy, buộc phải chuẩn bị rất nhiều việc, gia chủ của nhà có tang sẽ không thể tự mình hoàn tất chu toàn được, do vậy cần đến sự giúp đỡ của bà con trong dòng họ, hàng xóm. Thông qua việc thực hiện các nghi lễ này, các mối quan hệ trong dòng họ, cộng đồng thôn bản càng được thắt chặt hơn.
Người Nùng Cháo quan niệm rằng chết có nghĩa là sự chia tay với cõi trần để về với cõi âm. Khi gia đình của người chết đi thông báo với trưởng họ, bà con họ hàng, hàng xóm, những người này sẽ họp bàn lại, cử người đi để mời thày cúng đến làm các thủ tục tiễn đưa linh hồn người đã chết về nơi an nghỉ cuối cùng. Cùng với sự giúp đỡ của hàng xóm láng giềng trong thôn thì người đứng đầu của dòng họ đó sẽ phân công, chỉ đạo mọi công việc trong đám tang. Nếu như gia đình hay cá nhân nào trong họ tộc mà không đến nhận tang thì coi như là gia đình đó, người đó đã bỏ quan hệ họ hàng, tổ tiên, người này sẽ không được mọi người trong họ coi trọng nữa. Do đó, khi có việc tang ma xảy ra, trước hết các gia đình ở trong họ, sau đó đến hàng xóm lân cận đều đến giúp đỡ tang chủ. Theo đó, gia đình nào có nhiều giúp nhiều, có ít giúp ít, có thể là vài ống gạo, một chai rượu, bó củi, con lợn, con gà, thậm trí là tiền, các đồ vật trong tang lễ... Khi nào có điều kiện thì gia chủ sẽ mang trả lại hoặc khi nhà hàng xóm, người trong họ có tang thì họ lại sang giúp công, giúp của để trả ơn. Điều này thể hiện sự quan tâm lẫn nhau về mặt tinh thần, là trách nhiệm của dòng họ, cộng đồng thôn bản.
Khi gia đình có tang, người Nùng Cháo thường mời thày cúng cao tuổi, có phép thuật cao về cúng ma. Những thày cúng này thường có quan hệ thân tộc với họ. Người thường được chỉ định đi mời thày cúng là một cháu trai trong họ nội hoặc con rể. Khi đi mời thày cúng, những người này thường phải đảm nhiệm nhiều việc như: gánh đạo cụ của thày, sách cúng, quần áo, khăn mũ, giấy bản. Lúc này tại nhà của tang chủ, con cháu chưa được khóc, chỉ khi nào thày cúng khâm liệm xong mới được khóc. Con cháu phải đun nước bằng các loại lá thơm để tắm rửa, thay quần áo cho người chết. Nếu người chết là nữ thì mặc 9 áo, nếu là nam thì mặc 7 áo. Người con trai trưởng lấy đồng tiền xu đặt vào lưỡi hoặc tay của người đã chết, coi như đó là tiền hành sai khi qua cầu, sau khi hoàn tất các thủ tục, thày cúng mới tiến hành khâm liệm, cúng, đưa tang.
Tương trợ, giúp đỡ trong cưới xin
Hôn nhân không chỉ đơn thuần là việc kết duyên của đôi lứa, mà có ý nghĩa lớn hơn là truyền thống đạo lý của dân tộc, tình nghĩa vợ chồng trong các mối quan hệ gia đình, dòng tộc, góp phần gắn kết cộng đồng, lưu giữ nét bản sắc văn hóa của dân tộc. Do vậy, các tập tục trong cưới xin giữ một vai trò quan trọng trong đời sống mỗi cá nhân và của cả cộng đồng đó.
Cưới xin là một sự kiện đặc biệt quan trọng trong đời sống sinh hoạt của người Nùng Cháo. Trong cưới xin đều phải trải qua rất nhiều nghi lễ như dạm ngõ, xin, so lá số, báo lá số, lễ ăn hỏi, lễ cưới chính thức, lễ lại mặt. Do đó, đây là một công việc tốn kém, mất nhiều thời gian, công sức phải bỏ ra để chuẩn bị. Vì vậy các gia đình chuẩn bị đám cưới cho con thường nhờ vào sự tương trợ, giúp đỡ của họ hàng, hàng xóm, bạn bè.
Khi gia đình có việc cưới xin, chủ gia đình phải thông báo cho anh em trong họ biết, để cho các gia đình trong họ tùy theo khả năng của mình tiến hành giúp đỡ. Mọi người cùng giúp đỡ nhau trong các dịp cưới xin đều rất tận tình, thoải mái. Thời gian giúp nhau của các gia đình trong dịp cưới xin thường là không cố định, lúc nào cần là luôn sẵn sàng. Trường hợp nếu anh em họ hàng mà giúp nhau chưa đủ, chủ gia đình sẽ nhờ tới sự tương trợ của các gia đình láng giềng. Sự giúp đỡ lẫn nhau trong những dịp cưới xin sẽ thắt chặt hơn sự đoàn kết giữa các gia đình của các dòng họ, láng giềng trong cộng đồng thôn bản.
Trong các lễ dạm ngõ, ăn hỏi, anh em họ hàng của hai bên nội, ngoại sẽ được mời đến chia vui, cùng giúp đỡ chủ nhà. Lễ dạm hỏi thường được diễn ra vào ngày lành, tháng tốt. Vào ngày dạm ngõ, gia đình nhà trai nhờ chú, bác, anh chị em trong họ nội, ngoại có gia đình đầy đủ, đứng tuổi, đông con cái, có tài ăn nói để đến đặt vấn đề với gia đình của nhà gái. Nếu gia đình nhà gái đồng ý, mọi việc sẽ được tiến hành tiếp theo là: xin, so lá số, báo lá số, lễ ăn hỏi, lễ cưới.
Quan trọng nhất trong nghi thức kết hôn là lễ cưới, thường diễn ra từ 2 - 3 ngày. Trong dịp này gia chủ mời đông đủ các thành viên trong họ hàng tới dự, ngoài ra còn những gia đình láng giềng có quan hệ gần gũi giúp đỡ nhau trong đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng được mời đến dự. Số lượng khách được mời đến trong lễ cưới thường rất đông. Do đó để chuẩn bị cỗ cưới, gia chủ thường nhờ đến anh em họ hàng, hàng xóm láng giềng để giúp nấu cỗ. Trong mâm cỗ cưới của người Nùng Cháo bao giờ cũng có món thịt lợn quay, mỗi gia đình thường quay từ 3 đến 5 con hoặc tùy theo lượng khách mời mà quay nhiều hay ít. Những công việc nặng do đàn ông đảm nhận: dựng rạp, thịt lợn, quay lợn; phụ nữ lo việc nấu cơm, chuẩn bị rau củ, dọn dẹp. Tất cả mọi công việc đều được mọi người làm với tinh thần nhiệt tình, chu đáo cho đến khi xong mọi việc. Trong các dịp cưới hỏi này những người Nùng Cháo có quan hệ họ hàng với gia chủ vẫn thường xuyên đến để tham dự bữa cỗ mừng trong ngày tiến hành hôn lễ. Quà mừng cưới cho cô dâu, chú rể thường là chậu, khăn mặt, hạt giống cây trồng.
Như vậy, đám cưới của người Nùng Cháo là dịp để thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ, tình cảm, sự giúp đỡ lẫn nhau giữa anh em họ hàng, cộng đồng thôn bản.
Tương trợ, giúp đỡ trong lễ dựng, về nhà mới
Làm nhà mới là một công việc khá quan trọng của đời người. Để xây dựng được một ngôi nhà như ý muốn, người Nùng Cháo thường có sự chuẩn bị chu đáo. Bên cạnh việc gia chủ chuẩn bị các nguyên vật liệu làm nhà như gạch, ngói, gỗ... thì sự giúp đỡ của anh em họ hàng là yếu tố không thể thiếu được.
Nhà của người Nùng Cháo ở Nà Lầu trước kia là nhà sàn kiểu pháo đài, móng được xây bằng đá, dày, chắc chắn, tầng dưới được trình tường bằng đất sét rất chắc chắn, tầng phía trên được xây bằng gạch chiên, ngói được lợp bằng ngói âm dương, có các cột bằng gỗ nghiến. Bố cục trong ngôi nhà được ngăn thành nhiều ngăn để làm thành các phòng cho nam, nữ ở riêng, các kho để hòm, xiểng, thóc, đồ vật trong gia đình. Bàn thờ được đặt ở trên tầng nhà, đối diện với cửa chính, nơi tiếp khách ở trước bàn thờ. Nhà sàn đất ở đây được xây dựng thiên về mục đích tự vệ, chống trộm cướp, thú dữ nên có ít cửa sổ. Phía sau nhà là khu vực bếp, được xây thấp hơn, ngang với tầng một. Bên dưới sàn làm chỗ nhốt trâu, bò, hoặc nuôi gia cầm, có cửa được làm bằng gỗ cũng rất chắc chắn.
Khi một gia đình chuẩn bị nguyên vật liêu để làm nhà, các gia đình trong họ sẽ đến để giúp xẻ gỗ, trình tường... Tùy thuộc vào yêu cầu xây dựng của gia đình mà thời gian giúp đỡ có thể ngắn hay dài. Để xây được một ngôi nhà thông thường phải mất đến nửa năm vì còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết khi làm nhà, nhà đất trình nên gặp khi trời mưa sẽ không thể trình được, phải che đậy rất kỹ, đợi khi trời nắng mới làm tiếp được. Trong khi giúp đỡ nhau dựng nhà mới, mọi người đều hết sức nhiệt tình, vui vẻ, mọi công việc đều được làm một cách khẩn trương.
Trong suốt quá trình làm nhà, ngày dựng nhà là ngày mà chủ gia đình phải cần có sự giúp đỡ của nhiều người. Lúc đó, những người trong họ, hàng xóm thân cận sẽ thường xuyên giúp đỡ gia chủ từ khi chuẩn bị nguyên liệu, vào rừng lấy gỗ, xẻ gỗ, nhào đất... cho đến khi hoàn thành, kết thúc bằng lễ vào nhà mới. Trong lễ vào nhà mới, chủ nhà sẽ thịt lợn, mời toàn thể họ hàng đến dự bữa cơm, uống rượu ăn mừng.
Lễ vào nhà mới cổ truyền của người Nùng Cháo có tục lệ chọn những người đàn ông của hai bên nội, ngoại (thường là 4 người), là những người được coi là làm ăn hòa thuận, khá giả, đứng ở bốn góc của ngôi nhà tiến ra châm lửa đốt đống củi ở giữa nhà khi thày cúng bắt đầu làm lễ nhập nhà mới. Bên họ ngoại của gia chủ khi đến mừng nhà mới thường phải có một con lợn quay (để gọi là ăn mừng, cùng góp cỗ với gia chủ), một cái gương để treo lên trước cửa của ngôi nhà, một tấm vải đỏ để treo lên đầu của ngôi nhà giúp cho gia chủ sẽ làm ăn thuận lợi, mọi việc tốt lành.
Truyền thống tương trợ, giúp đỡ nhau trong các hoạt động tang ma, cưới xin, dựng nhà mới của người Nùng Cháo là một trong những nền tảng, tạo nên quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa họ hàng, hàng xóm trong cộng đồng, góp phần tạo nên nét bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, tốt đẹp của tộc người này.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 391, tháng 1-2017
Tác giả : NGUYỄN THỊ VÂN ANH