Đã có một số ấn phẩm về trang phục truyền thống của người Lô Lô Hoa ở nước ta, song vẫn còn ít nghiên cứu chuyên sâu về giá trị của bộ trang phục này trong bối cảnh hiện nay. Ngoài giá trị sử dụng là chủ yếu, trang phục truyền thống của người Lô Lô Hoa ở huyện Mèo Vạc rất có giá trị kinh tế, tạo ra thu nhập cho người dân khi các dịch vụ du lịch nơi đây ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, trang phục truyền thống còn giúp bảo lưu đặc điểm xã hội tộc người Lô Lô ở thời kỳ mà phụ nữ trong mỗi gia đình phải tự túc các đồ mặc, đắp cho các thành viên, bằng cách sử dụng các công cụ thủ công để làm ra sản phẩm. Hơn nữa, bộ trang phục này cũng đã, đang góp phần duy trì không ít đặc điểm văn hóa, bản sắc tộc người Lô Lô ở nước ta nói chung, nhóm Lô Lô Hoa ở huyện Mèo Vạc nói riêng.
Khái lược về người Lô Lô Hoa ở huyện Mèo Vạc
Theo Cục Thống kê tỉnh Hà Giang, năm 2018, dân tộc Lô Lô ở nước ta có 4.541 người, phân bố cư trú lâu đời tại các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn của tỉnh Hà Giang; Bảo Lạc, Bảo Lâm của tỉnh Cao Bằng; Phong Thổ của tỉnh Lai Châu. Về cơ bản, dân tộc này có hai nhóm địa phương là Lô Lô Đen, Lô Lô Hoa. Dấu hiệu rõ nét để chia dân tộc Lô Lô thành các nhóm địa phương là dựa vào đặc điểm bộ trang phục truyền thốngSong, qua quá trình hội nhập, nhất là từ khi hai huyện Mèo Vạc, Đồng Văn trở thành Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn thì trang phục truyền thống của người Lô Lô ở đây do ngày càng gắn kết với các dịch vụ du lịch nên có xu hướng biến đổi nhanh.
Người Lô Lô Hoa chủ yếu sinh sống ở hai xóm Sang Pả A, Sang Pả B thuộc thị trấn Mèo Vạc và ở xã Bản Phùng. Theo báo cáo của Phòng Dân tộc huyện Mèo Vạc, hiện nay tộc người Lô Lô ở huyện này có 970 người, trong đó Lô Lô Hoa có khoảng 600 người, phân bố cư trú tập trung tại thị trấn, xã Bản Phùng, trong khi chỉ có một số ít Lô Lô Hoa ở xã Xín Cái xen kẽ với nhóm Lô Lô Đen. Như vậy, ở huyện Mèo Vạc, người Lô Lô Hoa không chỉ chiếm số đông, mà còn cư trú ở thị trấn, nơi đang chịu ảnh hưởng sâu sắc của sự phát triển kinh tế, du lịch.
Sự biến đổi trang phục truyền thống hiện nay
Thực trạng gìn giữ trang phục truyền thống hiện nay
Nghiên cứu tại thực địa cho thấy, thời gian để hoàn chỉnh, nếu tính từ quá trình trồng bông, dệt vải, làm cao chàm để nhuộm, thêu thùa, trang trí hoa văn..., một bộ trang phục truyền thống của đồng bào Lô Lô, đặc biệt là nữ phục thường mất khoảng hai năm, thậm chí lâu hơn. Theo đó, trong bối cảnh du lịch hiện nay, tùy thuộc mức độ phức tạp, sự cầu kỳ của các mảng hoa văn trang trí trên y phục bằng cách chắp vải, thêu thùa... mà bộ trang phục của đồng bào có giá trị kinh tế khác nhau. Trong bối cảnh phát triển dịch vụ du lịch hiện nay, một bộ trang phục truyền thống nguyên bản như vậy của đồng bào Lô Lô Hoa phải có giá từ 7 đến 10 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây do hệ thống đường xá, cơ sở hạ tầng ở huyện Mèo Vạc đã tốt hơn, xuất hiện ngày càng nhiều dịch vụ du lịch gắn với mua bán thổ cẩm của các tộc người trong vùng. Điều này đã tác động không nhỏ tới việc bảo tồn nguyên bản bộ trang phục truyền thống xưa kia của các cộng đồng dân tộc sinh sống ở nơi đây, trong đó có dân tộc Lô Lô. Chỉ riêng bộ trang phục của người Lô Lô Hoa, bên cạnh các sản phẩm truyền thống có độ bền cao, ít phai màu, những sản phẩm kém chất lượng hơn do làm nhanh, ẩu cũng được người dân buôn bán cho khách du lịch. Nhìn chung, một bộ trang phục truyền thống của người Lô Lô Hoa ngày nay khi làm để đáp ứng nhu cầu thị trường du lịch đã được rút ngắn xuống một nửa thời gian so với trước kia hoặc có thể còn ngắn hơn nữa. Các vật liệu truyền thống bằng bông, len, cườm... cũng được thay thế bằng các sản phẩm khác tương tự nhưng là hàng của Trung Quốc bày bán ở chợ.
Biến đổi nguyên liệu, cách tạo ra trang phục
Trong bối cảnh người Lô Lô không còn duy trì nghề trồng cây bông, chế biến bông thành sợi, dệt vải theo tập quán truyền thống của mình, thì các công đoạn cắt may bằng máy kết hợp thêu, may hoặc khâu bằng kim chỉ, trang trí hoa văn trên bộ trang phục dân tộc cũng theo xu hướng biến đổi. Điều này đã làm trang phục dạng truyền thống của người Lô Lô ngày thêm phong phú, đa dạng về chủng loại, kiểu dáng, mẫu mã họa tiết hoa văn trang trí..., bán cho khách du lịch với giá cả khá cao. Thời gian gần đây, ở huyện Mèo Vạc đã manh nha xuất hiện doanh nghiệp tư nhân của người Lô Lô tiến hành thu gom, thuê nhân công cắt may một loạt các loại thổ cẩm cũng như trang phục của Lô Lô Hoa, Lô Lô Đen theo phong cách cổ truyền nhưng sử dụng vải công nghiệp, chủ yếu là vải hoa Trung Quốc, kết hợp với việc thêu thùa, trang trí, khâu táp một số mẫu mã hoa văn cách tân hấp dẫn, nhằm tạo ra sự đa dạng, phong phú hơn về cách trang trí các họa tiết hoa văn cũng như mẫu mã họa tiết hoa văn so với bộ trang phục truyền thống nguyên bản của tộc người Lô Lô.
Biến đổi ý thức người dân qua sử dụng trang phục
Qua kết quả khảo sát tại thực địa cho thấy, gần đây, giới trẻ người Lô Lô nói chung, người Lô Lô Hoa nói riêng ngày càng ít quan tâm đến vẻ đẹp truyền thống bộ của trang phục dân tộc. Giới trẻ cả nam và nữ người Lô Lô Hoa ở huyện Mèo Vạc cũng như ở huyện Đồng Văn chỉ mặc trang phục truyền thống trong những dịp lễ tết cổ truyền hoặc mỗi khi có việc hệ trọng của gia đình, dòng họ, cộng đồng cư trú. Thời gian học hành ở thành thị hoặc đi làm ăn xa, người Lô Lô đều mặc theo mốt phổ thông giống như mọi người xung quanh. Hơn nữa, thiếu niên, thanh niên nữ người Lô Lô ở nhiều địa phương thuộc huyện Mèo Vạc hiện nay đã không còn duy trì được tập quán tự thêu thùa, may khâu cho bản thân mình những bộ trang phục đẹp trước khi về nhà chồng làm dâu, mà có thể là do bà hoặc mẹ làm giúp, thậm chí đi mua ở chợ.
Đối với thế hệ trung niên, lớp người cao tuổi, cả hai giới nữ, nam người Lô Lô Hoa ở huyện Mèo Vạc hiện nay, trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày cũng chỉ còn thấy rất ít người mặc bộ trang phục dạng truyền thống. Thay vào đó, họ thường mặc theo mốt phổ thông giống như mọi người cùng trang lứa, bất kể dân tộc. Chỉ còn một số rất ít người Lô Lô Hoa ở nơi đây, đặc biệt là giới nữ trong thời gian tham gia vào các dịch vụ quảng bá đặc sản địa phương hoặc bán các đồ thổ cẩm, trang phục truyền thống của tộc người Lô Lô thì mặc bộ trang phục này. Song, suốt thời gian nghỉ ở nhà hoặc đi chơi, khi không bán hàng nữa, họ lại chủ yếu ăn mặc theo mốt phổ thông như mọi người.
Biến đổi trong sử dụng đồ trang sức
Gần đây, sự biến đổi bộ trang phục của người Lô Lô Hoa ở huyện Mèo Vạc còn thể hiện rõ nét ở bộ đồ trang sức, cách trang trí đầu tóc... Do không còn mặc bộ trang phục truyền thống Lô Lô trong ngày thường, nên người phụ nữ Lô Lô Hoa ở thị trấn Mèo Vạc từ những người già đến trẻ, nhất là lớp trẻ đã được đi học hoặc làm việc tại các thành phố, thị trấn ở dưới xuôi thì không còn đội khăn như các cụ già trước đây. Thay vào đó, họ thường để đầu trần với các kiểu tóc, từ để tóc dài, cắt ngắn, làm xoăn, ép, duỗi... Bên cạnh đó, họ còn làm đẹp cho mình bằng cách mua các đồ bày bán ở các tạp hóa hay chợ như cặp tóc các loại, lược cài, bờm... Hầu hết phụ nữ, nhất là lớp trẻ người Lô Lô tại các nơi được khảo sát đều ưa thích dùng nước gội đầu, thậm chí có người còn dùng mỹ phẩm làm đẹp như sữa rửa mặt, sữa tắm, nhũ đánh móng, kem dưỡng da, son phấn... Đặc biệt, gần đây còn xuất hiện một số ít nam nữ thanh niên Lô Lô nhuộm tóc nhiều màu theo trào lưu của giới trẻ ở thành thị. Họ không quấn khăn trên đầu như trước kia, mà đội các loại mũ có bán ở ngoài chợ, chẳng hạn như lớp trung niên thì đội các loại mũ nồi, mũ len... kể cả sử dụng loại mũ gắn liền với áo. Do vậy, chiếc khăn truyền thống hầu như chỉ được sử dụng trong những ngày lễ, tết cổ truyền, hội hè. Trong bối cảnh ăn mặc theo trào lưu mốt phổ thông hiện nay, một số người sử dụng các đồ trang sức bằng nhựa, đồ pha tạp chất hoặc làm giả bằng inox do người dưới xuôi mang lên bán. Của hồi môn cho con gái đối với một số nhà Lô Lô khá giả có thể là nhẫn bằng vàng, dây chuyền vàng. Ngoài những đồ trang sức này, chiếc điện thoại di động cũng đã trở nên phổ biến đối với người Lô Lô ở đây.
Nguyên nhân biến đổi
Tác động của các chính sách, sự phát triển kinh tế, xã hội
Từ năm 1986 đến nay, huyện Mèo Vạc đã có sự thay đổi nhanh chóng dưới sự tác động từ nhiều yếu tố. Trong đó, sự phát triển của kinh tế, xã hội dưới tác động của các chính sách đầu tư phát triển, đặc biệt là chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, các cơ sở hạ tầng cơ bản như đường, trường, trạm, điện, nhiều cơ sở hạ tầng khác như nhà văn hóa thôn xóm, khu vui chơi... ở huyện Mèo Vạc đã được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang, hiện đại hơn nhiều so với trước kia, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, sinh hoạt văn hóa của người dân các tộc người nơi đây. Đặc biệt, các tuyến đường Quốc lộ 2, Quốc lộ 4C được nâng cấp mở rộng, cắt cua, rải nhựa... giúp cho các phương tiện giao thông, khách du lịch đi lại dễ dàng, nhanh chóng, ngày càng đông đúc. Trong thời gian gần đây, nhờ có Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đường xá từ trung tâm xã đi vào các thôn, bản đã được cải thiện, nâng cấp.
Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế thị trường đã tạo điều kiện cho xuất hiện ngày càng nhiều các chợ lớn nhỏ trên địa bàn các huyện của tỉnh Hà Giang, đã đem lại cơ hội thuận lợi cho người dân các tộc người trong vùng tham gia trao đổi mua bán hàng hóa, kể cả bán các đồ thổ cẩm truyền thống của dân tộc, kích thích đồng bào làm ra các sản phẩm hàng hóa, trong đó có bộ trang phục truyền thống của tộc người mình để bán ra thị trường. Cùng với đó là các loại hàng hóa từ dưới xuôi, từ các tỉnh lân cận, đặc biệt là hàng hóa của Trung Quốc có điều kiện đổ dồn về các chợ và trung tâm mua bán ở trên địa bàn các huyện của Hà Giang.
Tác động của sự phát triển du lịch
Từ khi phát triển du lịch Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, khách du lịch từ các nơi trong và ngoài nước kéo đến các huyện của tỉnh Hà Giang, các chợ, trung tâm mua bán, địa điểm tham quan du lịch... ở trên địa bàn huyện Mèo Vạc, Đồng Văn xuất hiện ngày càng nhiều với các mẫu mã đa dạng các loại sản phẩm dệt may, đặc sản núi rừng, quà lưu niệm... Điều này cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự biến đổi về một số hình thức, mẫu mã, hoa văn trang trí trên trang phục truyền thống, nhất là việc mất dần quy trình tạo ra bộ trang phục truyền thống nguyên bản như xưa kia của người dân các tộc người sinh sống ở nơi đây, trong đó có tộc người Lô Lô.
Tác động của sự phát triển công nghệ thông tin, truyền thông
Sự có mặt của internet, hỗ trợ của kỹ thuật điện tử, nhất là điện thoại thông minh đã làm cho nền văn hóa đại chúng rất phát triển ở huyện này, làm cho người dân các tộc người nơi đây, trong đó có người Lô Lô Hoa có điều kiện tiếp xúc bằng hình ảnh về các nền văn hóa khác nhau ở trong, ngoài nước, kể cả trang phục của các tộc người với nhiều kiểu dáng, hoa văn trang trí khác biệt. Một số chủ doanh nghiệp tư nhân sản xuất các đồ thổ cẩm của dân tộc phục vụ cho các dịch vụ du lịch đã không ngần ngại tiếp thu những nét đẹp của hoa văn, cách tạo ra trang phục... của nền văn hóa khác, tộc người khác để áp dụng vào việc làm ra bộ trang phục mới với mẫu mã, kiểu dáng cùng các loại hoa văn trang trí đều tương tự như bộ truyền thống nguyên bản, nhưng đã có sự biến đổi, cách tân bằng những nguyên liệu mới rẻ tiền, họa tiết hoa văn vừa phong phú vừa dễ thể hiện, kiểu dáng đẹp, hấp dẫn hơn so với bộ truyền thống nguyên bản. Về mặt khách quan, nhóm Lô Lô Hoa ở huyện Mèo Vạc đã, đang chịu tác động đa chiều bởi nhiều yếu tố khác nhau, vì vậy trang phục truyền thống của họ có sự biến đổi, đặc biệt là về nguyên liệu.
Tác động từ sự thay đổi nhận thức của người dân Lô Lô
Vài năm nay, người dân Lô Lô Hoa ở huyện Mèo Vạc đã phát triển các dịch vụ thêu thùa, cắt may, bán buôn bán lẻ một số lượng không nhỏ trang phục dạng truyền thống của người Lô Lô Hoa, Lô Lô Đen cho khách du lịch, tư thương từ dưới xuôi lên đây thu gom hàng mang đi bán ở nơi khác. Nhận thức này của đồng bào Lô Lô là đúng đắn, thể hiện sự đổi mới cho phù hợp bối cảnh mới, thích ứng với cơ chế mới nhằm đem lại thu nhập khi cuộc sống còn nhiều khó khăn do chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Song sẽ là gây phương hại đến các yếu tố truyền thống tốt đẹp nếu chỉ vì thu nhập mà quên đi việc bảo tồn, trao truyền lại các giá trị truyền thống như bộ trang phục truyền thống nguyên bản của người Lô Lô Hoa mà nay chỉ còn giữ được trên dưới 5 bộ.
Trong điều kiện môi trường tự nhiên, xã hội đang thay đổi, trên thị trường luôn dồi dào các loại trang phục với nhiều kiểu dáng khác nhau. Riêng bộ trang phục truyền thống nguyên bản hoặc dạng nguyên bản chỉ mặc trong các dịp lễ tết cổ truyền, ngày có công việc hệ trọng của gia đình, dòng họ, cộng đồng thôn, bản. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi trong nhận thức của người Lô Lô Hoa về trang phục.
Trong bối cảnh đô thị hóa, mở rộng giao lưu, hội nhập, việc sinh sống trên địa bàn Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, người Lô Lô do có điều kiện ngày càng chịu tác động của sự phát triển du lịch thì việc phục hồi, duy trì các công đoạn cùng các đặc điểm văn hóa tộc người là việc làm cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với công tác bảo tồn các đặc trưng văn hóa tộc người. Do đó, cần có sự quan tâm đặc biệt không chỉ từ các cấp các ngành, các đoàn thể ở địa phương, mà còn đòi hỏi ý thức tự giác, nhất là hành động cụ thể, thiết thực của cả cộng đồng, trong đó có người Lô Lô Hoa ở huyện Mèo Vạc.
Sự thay đổi nhận thức của người Lô Lô là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới hiệu quả bảo tồn bền vững hoặc làm cho biến đổi nhanh bộ trang phục truyền thống hiện nay của tộc người Lô Lô nói chung. Do đó, Đảng, chính quyền cùng các đoàn thể ở địa phương cần có những giải pháp tuyên truyền cho người Lô Lô, cũng như các tộc người thiểu số khác trong cùng địa phương có ý thức gìn giữ, thực hành một số yếu tố văn hóa tốt đẹp của tộc người mình khi xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc mặc trang phục truyền thống vào các dịp lễ tết cổ truyền.
Qua kết quả nghiên cứu có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến biến đổi bộ trang phục truyền thống của người Lô Lô Hoa chủ yếu do những tác động ngày càng mạnh mẽ của sự phát triển kinh tế, xã hội, các tiến bộ của khoa học, thông tin truyền thông, giao lưu văn hóa, gia tăng các dịch vụ phục vụ du lịch tại địa phương... Tất cả những yếu tố này được cho là nguyên nhân khách quan, không phụ thuộc vào chủ thể văn hóa, cộng đồng người Lô Lô Hoa ở huyện Mèo Vạc. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan, sự thay đổi trong nhận thức của đồng bào Lô Lô nơi đây cũng có tác động, thậm chí quyết định tới sự biến đổi về bộ trang phục truyền thống của họ.
Tác giả: Lê Anh Đức
Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019