Gặp lại anh Trần Ngọc Chi - Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long vào một ngày trời dịu nắng, nụ cười bừng sáng thân thiện, anh say mê giới thiệu về cơ sở mình. Qua lời giới thiệu của anh, chúng tôi hiểu thêm tâm huyết, ngọn lửa nghề cháy bỏng của người con đất Vĩnh Long. Nhiều mô hình sáng tạo, cách làm mới đã được tập thể cán bộ, công nhân viên và người lao động trong cơ sở đồng lòng thực hiện có hiệu quả dưới sự lãnh đạo đầy tài năng, đức độ của anh.
Tiền thân của Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long là “Trung tâm Cai nghiện ma túy - Giáo dục nhân phẩm và dạy nghề”, được thành lập từ năm 1993 theo Quyết định số 2103/QĐ-UBND, ngày 15/12/1993 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long và trải qua các lần đổi tên: Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội (2002); Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội”(2011); Trung tâm Điều trị nghiện ma túy (2016); từ tháng 6/2017 đến nay là Cơ sở Cai nghiện ma túy trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Cuối năm 2016, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long chỉ quản lý 49 học viên (HV), trong đó: Quyết định bắt buộc 3 HV, cai nghiện tự nguyện 46 HV. Đầu năm 2017, cơ sở đã tiếp nhận và quản lý 637 lượt HV, trong đó: Quyết định bắt buộc 205 HV, cai nghiện tự nguyện 79 HV, đối tượng xã hội 279 HV, quản lý sau cai nghiện 2 HV, cắt cơn giải độc 15 ngày được 72 HV. Hiện tại, cơ sở đang quản lý 195 HV, trong đó: Bắt buộc theo quyết định tòa án 139 HV, cai nghiện tự nguyện 42 HV, đối tượng xã hội 14 HV, cắt cơn giải độc 15 ngày 1 HV.
Hoàn toàn trái ngược với những con số mang tính chất thống kê ấy, điều thú vị là khung cảnh cơ sở lại nên thơ vô cùng. Không gian thoáng mát được đan xen hợp lý bởi đủ các sắc màu của cây cảnh hoa lá, rau thơm quả ngọt. Ấy là nhờ vào công sức chăm bón của tập thể cán bộ, nhân viên cơ sở và các học viên, góp phần tạo nên vẻ tươi tốt, sức sống mạnh mẽ, xua đi mọi cảm giác âu lo, e ngại cho người mới đến lần đầu. Cùng với đó, nổi bật lên tinh thần trách nhiệm, tận tụy với nghề của những công chức, viên chức và người lao động tại cơ sở.
Anh Trần Ngọc Chi sinh ra ở vùng đất Mang Thít giàu truyền thống anh hùng, dòng sông quê tắm mát tuổi thơ để khi lớn lên thấm đẫm trong anh trái tim nhân từ như nguồn nước mát ngọt của quê cha đất mẹ. Nơi đó, người dân mộc mạc, chân chất, rám nắng mưu sinh bên những lò gạch nung đỏ ửng, những bàn tay nghệ nhân khéo léo, trau chuốt, tỉ mỉ với nghề gốm đậm đà hồn dân tộc… Bao hình ảnh thân thương ngấm vào máu thịt để hôm nay anh dùng khối óc, đôi bàn tay nhiệt huyết của mình tái tạo, uốn nắn lại tâm thức của những người lỡ sa chân vào con đường nghiện hút, vẽ lên cuộc đời họ gam màu tươi tắn, định hướng, tiếp thêm động lực giúp họ làm lại cuộc đời.
Trước khi anh về gắn bó với cơ sở Cai nghiện ma túy, nhiều vấn đề nan giải gây đau đầu cho lực lượng quản lý tại đây khi các HV không ngừng chống đối, gây rối trật tự, tìm cách trốn khỏi cơ sở… Đứng trước tình thế cấp bách đó, bằng sự tài trí, quyết tâm cao đi đôi với tấm lòng nhân hậu, anh đã sáng suốt trấn an tinh thần, tư tưởng cho đảng viên, công chức, viên chức và người lao động. Từng bước ổn định trật tự, khẩn trương xây dựng đề án, kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tích cực phối hợp với các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan trong việc đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở.
Nâng niu các sản phẩm gia công do chính tay học viên làm ra, anh xúc động chia sẻ: “Cơ sở không chỉ là nơi cai nghiện mà còn được xem là ngôi trường mang tính giáo dục cao, tuyên truyền, khuyên giải giúp những con người lầm lỡ tìm lại ý nghĩa cuộc đời vừa giúp họ có nghề nghiệp ổn định trong tương lai đúng với sở thích, khả năng. Mọi người đều được tôn trọng, bình đẳng, sẻ chia. Từ lâu chúng tôi đã xem nhau như một đại gia đình đầy ắp tiếng cười, luôn cố gắng vì mục tiêu chung”.
Anh luôn chủ động tăng cường công tác dạy nghề và tổ chức lao động trị liệu cho học viên. Không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, đảm bảo cho học viên học đi đôi với hành. Từ năm 2018 đến nay, nhiều lớp dạy nghề đã được tổ chức. Học viên rất phấn khởi, tích cực tham gia nhằm tạo thêm thu nhập cho bản thân, tránh thời gian nhàn rỗi nhiều dẫn đến dễ phát sinh các vấn đề tiêu cực.
Bên cạnh việc điều trị theo phác đồ ATK của Bộ Y tế, anh Trần Ngọc Chi còn phát huy sáng kiến kết hợp giáo dục tâm lý trong điều trị nghiện cho học viên thông qua việc liên kết với Công ty Truyền thông & Đào tạo Cuộc sống mới tổ chức thường xuyên các khóa Đặc huấn kỹ năng sống nhằm giúp học viên lấy lại sự tự tin, hình thành lối sống tích cực, biết yêu thương mọi người xung quanh.
Ngoài những giọt mồ hôi cần mẫn cùng sức lao động bền bỉ trong các giờ học thực hành, một hình ảnh khác về cơ sở Cai nghiện ma túy là âm thanh rộn ràng, sôi động với giọng hát vút cao, điệu múa tuy chân quê nhưng tràn đầy sức sống của các HV và các đơn vị bạn. Đó là nhờ vào công lao của anh - người có niềm say mê, trân quý các loại hình nghệ thuật. Anh mang làn gió mới ấy truyền tải tinh thần văn nghệ đến tất cả mọi người. Thông qua giá trị nhân văn, cái đẹp của nghệ thuật chân chính, anh giúp các học viên thân yêu của mình chiêm nghiệm bản thân, tìm ra chân lý, cái đẹp trong cuộc đời của riêng mình.
Cùng với đó, anh thường xuyên kết hợp các tổ chức, đoàn thể huyện Tam Bỉnh tổ chức các chương trình văn nghệ, phong trào thể dục, thể thao, thể hình… kết hợp nhạc điệu tạo cảm giác sống động, hào hứng để học viên phấn chấn, tích cực tham gia, cải thiện sức khỏe, nâng cao thể chất nhằm học tập, lao động tốt hơn. Xã hội chưa bao giờ từ bỏ những con người lầm đường lạc lối khi đã biết giác ngộ quay đầu hướng thiện.
Là môi trường mang tính chất giáo dục con người, đặc biệt là những con người lầm lỡ, không chỉ đòi hỏi ở người cán bộ quản lý sự năng nổ mà kiến thức phải thật sâu rộng để tinh tế am hiểu nhu cầu, nguyện vọng, mơ ước của học viên, xoa dịu tính phản kháng luôn tiềm tàng trong mỗi cá thể. Đó là tấm lòng “Lương y như từ mẫu”, “Điều trị bằng khói óc, chăm sóc bằng trái tim”, xem sức khỏe HV là trên hết, cần được bảo vệ, nâng cao. Là người thầy, người cô tận tụy dạy nghề song song với đó truyền tải niềm tin, động lực phấn đấu vươn lên. Và đặc biệt là tấm lòng chân thành đối đãi, giúp các HV xem cơ sở là đại gia đình chung với rất nhiều anh chị em tuy có hoàn cảnh xuất thân khác nhau nhưng cùng chung chí hướng làm lại cuộc đời. Tất cả kết hợp nhuần nhuyễn trong sự hội tụ đủ các lĩnh vực: khoa học, y tế, giáo dục, pháp luật, công tác xã hội.
Anh chủ trương xóa bỏ khoảng cách vô hình đè nặng tâm lý giữa cán bộ quản lý với học viên cai nghiện và giữa các học viên với nhau. Không phân biệt đối xử, cùng học tập, rèn luyện trong ý thức chấp hành tốt nội quy của cơ sở. Bằng sự thấu lý đạt tình, anh đã cảm hóa được những tư tưởng chống đối cho dù là sắt đá nhất.
Nhiều mô hình thiết thực, ý nghĩa lần lượt được anh đẩy mạnh triển khai thực hiện. Nổi bật trong đó có mô hình “Ba không”: Không có thẩm lậu ma túy; không có HV trốn trường và không có đại ca, băng nhóm, anh chị. Đó là tư duy nhạy bén, sắc sảo của người lãnh đạo. Nhìn nhận ra được vấn đề nằm ở đâu và cách để tháo gỡ vướng mắc đó là gì. Cách thức thực hiện của anh là đề cao tình yêu thương giữa con người với con người, dùng tình cảm chân thành để khuyên nhủ, động viên, tuyên dương khen thưởng kịp thời những cá nhân thay đổi tích cực, từ đó tạo không khí thi đua sôi nổi, lành mạnh cho các học viên.
Mô hình “4 xin, 4 luôn” được anh triển khai hiệu quả đối với việc xây dựng đạo đức công vụ của người đứng đầu, đảng viên, viên chức và người lao động: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Bởi thế, môi trường cơ quan luôn vận hành trong bầu không khí vui vẻ, thân tình, dung hòa các mối quan hệ trở nên đoàn kết, thông cảm với nhau hơn, biết đặt mình vào vị trí của nhau để đồng cảm, thấu hiểu.
Bằng sự tinh tế rất riêng của người đã từng gắn bó nhiều năm với nghề làm công tác xã hội, anh Trần Ngọc Chi khéo léo vận động gia đình kết hợp cùng cơ sở trong việc giúp HV nghiêm chỉnh thực hiện tốt nội quy, hăng say lao động trị liệu, có động lực, ý chí mạnh mẽ để vượt qua cám dỗ chết người. Bởi gia đình là nơi chứa đựng bao tình cảm thiêng liêng, cao cả, dù cho người thân mình có phạm sai lầm lớn đến nhường nào cũng không bao giờ ruồng bỏ. Hình ảnh vòng tay nhỏ bé lưu luyến của các em, ánh mắt non nớt dõi qua khe cửa cơ sở để được nhìn cha, nhìn mẹ lâu thêm chút nữa; Vòng tay ôm con của người mẹ già và những lời dặn dò con cố gắng vươn lên là tiền đề giúp anh xây dựng và phát động thực hiện mô hình “Gia đình - Học viên - Cơ sở cai nghiện”. Anh rất chú trọng tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của học viên để kịp thời giúp đỡ, trao học bổng cho con em của học viên giúp họ thêm an tâm khi ở cơ sở.
Mô hình “Thực hành công tác xã hội” với sự hợp tác giữa cơ sở Cai nghiện ma túy và Trường Đại học Lao động xã hội (Cơ sở 2 - TP.HCM), Trường Đại học Cửu Long, Trường Đại học Đồng Tháp đang được anh thúc đẩy thực hiện rất hiệu quả. Thông qua đó, tạo sự gắn kết, giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và dùng những kiến thức ấy áp dụng thực hành có ích cho học viên: Tư vấn, tham vấn, công tác xã hội cá nhân…
Bằng năng lực nhiệt thành của mình, anh nhận được rất nhiều sự tin tưởng, ký kết hợp tác, hỗ trợ phát triển của các cá nhân, tổ chức, đơn vị trong và ngoài tỉnh: Cục Phòng chống tệ nạn xã hội đầu tư 7 tỷ đồng để bổ sung trang thiết bị phục vụ cho học viên; Công ty XNK Tổng hợp & Dịch vụ FATACO Bến Tre tài trợ và ký gửi 130 liều thuốc đông y hiệu Bông Sen nhằm hỗ trợ trong việc cắt cơn giải độc cho người nghiện có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời, cung cấp và phục vụ tốt nhất cho người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh; Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long tài trợ trên 2 tỷ đồng, trang bị máy X-quang, máy đo điện tim, máy siêu âm…để chẩn đoán cận lâm sàng phục vụ công tác điều trị.
Hiện nay, anh đang tích cực cùng tập thể triển khai Dự án mở rộng cơ sở cai nghiện ma túy, nâng quy mô tiếp nhận, quản lý từ 200 học viên lên 500. Dự án có gần 5 ha với tổng mức đầu tư 123 tỷ đồng, quy mô tiếp nhận 300 học viên, thời gian thực hiện từ năm 2020 đến 2023. Song song đó, anh còn chú trọng và tăng cường triển khai thực hiện Điểm tư vấn và điều trị ngoại trú. Đầu năm 2020, đã công bố thành lập Điểm tư vấn cai nghiện ma túy tại thị xã Bình Minh; dự kiến thành lập thêm 2 điểm tư vấn tại thành phố Vĩnh Long và huyện Vũng Liêm.
Vì sự cống hiến tận tâm nên nhiều năm liền anh được công nhận Chiến sĩ thi đua cơ sở và Đảng viên xuất sắc. Năm 2018, anh được UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích trong công tác Nhân quyền, vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Nối tiếp thành tích đó, anh đón nhận bằng khen Dân vận khéo giai đoạn 2015 - 2020 do Tỉnh ủy trao tặng, được đề cử tham dự Đại hội Thi đua yêu nước ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tại Thủ đô Hà Nội.
Với nụ cười khiêm tốn, hiền từ, anh tâm sự: “Những thành tích ấy đều nhờ vào sự đồng lòng, giúp đỡ của tất cả mọi người và sự quan tâm sâu sát của các cấp lãnh đạo. Nhân rộng niềm vui, xua tan nỗi khổ niềm đau để cuộc sống này mãi thêm ý nghĩa. Chúng tôi tự nhủ sẽ cố gắng nhiều hơn mỗi ngày vì sự phát triển mạnh mẽ của ngành”.
(Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội - Bộ LĐTB & XH)
Tác giả: Đoàn Thanh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 441, tháng 10-2020