Đặc tính linh hoạt và biểu cảm trong nghệ thuật cải lương Nam Bộ
Vào những thập niên đầu của TK XX, cải lương ra đời ở Nam Bộ, giữa lúc công chúng dần quay lưng với sân khấu hát bội truyền thống và lối ca ra bộ cần có một không gian mở để trình diễn. Cải lương ra đời như sự đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng và nghệ thuật biểu diễn. Theo thời gian, cải lương không chỉ được tiếp nhận ở Nam Bộ, mà còn trở thành loại hình sân khấu độc đáo định hình và phát triển ở các vùng văn hóa khác trong nước. Bài viết nhận diện, phân tích chủ thể văn hóa, đặc tính linh hoạt và biểu cảm trong cấu trúc nghệ thuật của loại hình cải lương Nam Bộ. Môi trường tự nhiên - xã hội góp phần hình thành đặc trưng tính cách của chủ thể văn hóa - người Việt ở Nam Bộ. Tính linh hoạt và biểu cảm là những đặc trưng tiểu biểu trong cấu trúc nghệ thuật cải lương. Tính mở trong cấu trúc nghệ thuật cải lương chính là biểu hiện của tính linh hoạt. Nghệ thuật cải lương thể hiện sự ứng biến và linh hoạt trên các bình diện từ chủ thể sáng tác, biểu diễn, thưởng thức, đến sự vận dụng các phương tiện nghệ thuật trên sân khấu. Chất trữ tình, giàu cảm xúc trong bài bản, làn điệu, diễn xuất của cải lương chính là đặc trưng biểu cảm của loại hình nghệ thuật này.