Kịch (1945-1985) về đề tài lịch sử trong tiến trình chung của văn học kịch Việt Nam
Với sự tác động của nhiều yếu tố lịch sử, xã hội
và văn hóa giai đoạn đầu TK XX, văn học Việt Nam
đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, thoát ra khỏi hệ
thống thi pháp văn học trung đại và đổi mới theo
hình thức văn học phương Tây, có thể hội nhập với
nền văn học hiện đại thế giới. Hiện đại hóa văn học
đặc biệt được thể hiện ở sự ra đời của thể loại kịch
nói. Trong quá trình hình thành và phát triển, văn
học kịch đã tái hiện được nhiều đề tài khác nhau
trong các tác phẩm của mình, trong đó không thể
không kể đến đề tài lịch sử. Những tác phẩm viết về
đề tài lịch sử cũng để lại nhiều dấu ấn với cách thể
hiện vô cùng phong phú, ấn tượng của các nhà viết
kịch. Mỗi tác giả khi tiếp cận đề tài lịch sử đều cố
gắng làm mới chất liệu để thể hiện được cái nhìn cá
nhân và thời đại đối với quá khứ, nhưng không đơn
thuần là một bức tranh minh họa mà đằng sau đó,
luôn ẩn chứa dụng ý sâu xa về những vấn đề đương
đại. Cũng chính vì thế, sự thay đổi hình thái xã hội,
ý thức hệ của thời đại dẫn đến sự khác nhau về đặc
trưng của văn học nói chung và kịch nói riêng.