Chèo là một sản phẩm nghệ thuật độc đáo của vùng văn hóa Bắc bộ và trở thành một thành tố văn hóa, một món ăn tinh thần của người Việt Nam. Sân khấu chèo được hình thành và phát triển trong đời sống lao động, là tiếng nói, niềm vui của những người dân quê. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghệ thuật chèo luôn được các thế hệ người Việt giữ gìn và phát triển. Diễn trình lịch sử sân khấu cách mạng Việt Nam cho thấy, bên cạnh đời sống sân khấu chuyên nghiệp luôn có sự vận hành của một bộ phận sân khấu không chuyên. Điều đó cũng có nghĩa là đi cùng với sự hình thành, phát triển của các đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp từ sau năm 1950 đến nay là hoạt động các câu lạc bộ chèo không chuyên. Hoạt động sân khấu chèo ở Hải Phòng cũng luôn tồn tại hai hình thức sân khấu chèo chuyên nghiệp và các câu lạc bộ chèo không chuyên. Theo dòng chảy thời gian, sân khấu chèo không chuyên cũng có những bước phát triển thăng trầm cùng đời sống văn hóa nghệ thuật thành phố.
1. Quá trình phát triển của sân khấu chèo không chuyên tại Hải Phòng
Những năm 1960-1990, tại Hải Phòng, đã có lúc có hàng trăm đội văn nghệ mà trong đó phần lớn là đội nghệ thuật chèo. Phong trào khắp nơi đàn và hát dân ca, hát chèo phát triển mạnh với đủ mọi lứa tuổi tham gia. Nhiều đội chèo, câu lạc bộ nghệ thuật chèo không chuyên do Nhà văn hóa huyện, xã tổ chức, thành lập. Trong đó phải kể đến các đội chèo, câu lạc bộ chèo tiêu biểu như: Đội chèo các xã Tân Liên, Vinh Quang, Dũng Tiến, Thanh Lương, Nhân Hòa và đội rối - chèo xã Đồng Minh (huyện Vĩnh Bảo); đội chèo Lương Câu, xã Quang Trung (huyện An Lão); đội chèo các xã Hùng Thắng, Khởi Nghĩa và Câu lạc bộ chèo Hương Quê (huyện Tiên Lãng); đội chèo các xã Thụy Hương, Kiến Quốc, Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy); đội chèo của nghệ nhân Tất Năm và Câu lạc bộ chèo xã Hợp Thành (huyện Thủy Nguyên); đội chèo các xã An Hưng, Quốc Tuấn, Lê Lợi (huyện An Dương)…
Sự xuất hiện của những câu lạc bộ, đội chèo đã kéo theo hàng loạt vở chèo ngắn, hoạt cảnh chèo được dàn dựng và biểu diễn. Nhiều tác phẩm ca ngợi cuộc sống, tình yêu quê hương đất nước, tình quân dân, tình yêu đôi lứa gây được ấn tượng, đi vào lòng người như: Tình yêu quê hương, Nắng gió đồng quê, Bà mẹ làng Dương… Với sự nở rộ các đội chèo, câu lạc bộ chèo tại các địa phương, nghệ thuật chèo không chuyên đã trở thành phong trào văn nghệ quần chúng mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của bà con nhân dân, góp phần động viên mọi người hăng say lao động, sản xuất, chiến đấu.
Trước thực tế đời sống văn hóa, văn nghệ quần chúng thành phố giai đoạn đó, với vai trò là cơ quan thực hiện công tác quản lý nhà nước về văn hóa, Sở Văn hóa và Thông tin (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) đã xây dựng kế hoạch giao nhiệm vụ cho các phòng, đơn vị trực thuộc bên cạnh các nhiệm vụ lớn của ngành về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, thực hiện các nhiệm vụ nhằm duy trì, bảo tồn và phát triển sân khấu chèo không chuyên, cụ thể như: tổ chức các trại sáng tác kịch bản, các lớp tập huấn đạo diễn sân khấu chèo; trong tập san của Sở có chuyên mục in các bài hát chèo phục vụ cho phong trào văn nghệ quần chúng; Đoàn chèo Hải Phòng cử diễn viên, nhạc công chuyên nghiệp về các xã, huyện dạy múa hát chèo cơ bản, dàn dựng các tiết mục ca múa, song tấu chèo; Trung tâm Văn hóa thành phố hướng dẫn Trung tâm Văn hóa Thông tin các huyện thường xuyên mở lớp bồi dưỡng nghệ thuật chèo cho các hạt nhân là thiếu nhi, những người có năng khiếu; hằng năm, Ban chỉ đạo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng thành phố tổ chức Hội diễn Sân khấu từ cơ sở đến thành phố. Đặc biệt, trong các hội diễn không chuyên của thành phố, các tiết mục nghệ thuật chèo chiếm tới 90%.
Với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chuyên môn, các câu lạc bộ chèo không chuyên có điều kiện hoạt động sôi nổi, tạo nên một thời kỳ vàng son của nghệ thuật chèo không chuyên ở thành phố Hải Phòng. Chèo đã trở thành món ăn không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân, hình thức câu lạc bộ sân khấu không chuyên đã phát triển thành phong trào, cuốn hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, cũng như sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương và tổ chức xã hội.
Đến nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ và phương tiện thông tin đại chúng, cũng giống như nhiều hình thức văn nghệ truyền thống, sân khấu chèo đang đứng trước những thách thức lớn.
2. Thực trạng bảo tồn nghệ thuật chèo không chuyên tại thành phố Hải Phòng trong giai đoạn hiện nay
Ngày nay, nhiều loại hình văn nghệ giải trí đã phổ biến đến từng nhà và nơi công cộng, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân nói chung, nhưng đã làm phân tán lượng khán giả của nhiều hình thức văn nghệ, đặc biệt là nghệ thuật sân khấu truyền thống. Cùng với đó, sức hút và sự hấp dẫn của các chương trình truyền hình thực tế, các trò chơi trên truyền hình đã thu hút đông đảo công chúng. Hải Phòng là thành phố công nghiệp, trong xu thế phát triển chung của đất nước với những lợi thế về địa lý, đang từng bước phát triển kinh tế công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Cùng với sự phát triển đó, diện tích đất đai canh tác nông nghiệp ở nông thôn ngày càng bị thu hẹp, nhường chỗ cho các khu công nghiệp, dịch vụ. Hầu hết các nam, nữ thanh niên trong độ tuổi lao động tại các địa phương vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, dịch vụ. Với tính chất đặc thù công việc tại các công ty công nghiệp, người lao động chỉ còn quỹ thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động sản xuất, không có thời gian hưởng thụ và sáng tạo các loại hình nghệ thuật truyền thống. Từ đó dẫn đến lực lượng tham gia trong các câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống dần không còn.
Nếu trước kia, Hải Phòng đã từng có hàng trăm câu lạc bộ chèo không chuyên, với nhiều thành phần tham gia thì hiện nay, số lượng câu lạc bộ giảm đi đáng kể và hoạt động nghệ thuật cũng thưa thớt dần. Đối tượng chính tham gia câu lạc bộ chèo chỉ còn người già, người trung tuổi, là những hạt nhân ngày xưa còn lại. Hầu hết diễn viên lớn tuổi, không còn “sức” và “sắc’ để thu hút người xem, nên chủ yếu chỉ biểu diễn phục vụ lễ hội truyền thống của địa phương với các tiết mục múa và hát tập thể, hát nhép theo đĩa thu sẵn…
Hiện nay, ở Hải Phòng có tới gần 100 câu lạc bộ chèo không chuyên ở 69 xã thuộc 7 huyện và thành phố. Trung bình mỗi câu lạc bộ có từ 15-20 thành viên chính thức. Như vậy, mặc dù số lượng câu lạc bộ nghệ thuật ở Hải Phòng không ít, nhưng số câu lạc bộ thực tế có hoạt động liên quan trực tiếp đến nghệ thuật chèo thì còn rất hạn chế.
Cùng với những nguyên nhân khách quan khiến hoạt động sân khấu chèo không chuyên mai một còn có những nguyên nhân chủ quan nhất định:
Sự mai một của các câu lạc bộ chèo không chuyên và sự thiếu vắng hoạt động của nghệ thuật này trong đời sống văn hóa cơ sở nên dẫn đến sự “lúng túng” của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa trong việc nghiên cứu, xây dựng kế hoạch mang tính chiến lược, lâu dài để có thể duy trì các loại hình sân khấu truyền thống không chuyên trong đó có sân khấu chèo. Việc đầu tư kinh phí để mở các trại sáng tác, các lớp hướng dẫn, đào tạo diễn viên, nhạc công không được duy trì thường xuyên dẫn đến sự nghèo nàn các kịch bản chèo có nội dung hiện đại, phản ánh hiện tại thực tế cuộc sống đã khiến các buổi diễn thưa vắng người xem trẻ. Việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên người hoạt động nghệ thuật và vinh danh những người giữ lửa cho nghệ thuật chèo còn hạn chế nên các câu lạc bộ dường như không có sức sống. Thêm vào đó, các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn về nghệ thuật chèo không còn được tổ chức thường xuyên, dẫn đến nghệ thuật chèo không chuyên ở Hải Phòng đang dần mai một.
Trong bối cảnh giao lưu văn hóa hiện nay, sự phân tầng và phân tán khán giả đối với tất cả các loại hình giải trí là điều không tránh khỏi. Với nghệ thuật chèo cũng vậy, thực tế cho thấy, hiện nay dù chèo có hay đến mấy thì cũng không thể có được lượng khán giả đông như ngày xưa. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, chèo với những giá trị nghệ thuật tự thân và giá trị bản sắc văn hóa Việt sẽ là “tấm căn cước” đảm bảo cho sự tồn tại, điều này đồng nghĩa với việc chèo sẽ luôn có khán giả.
3. Một số giải pháp để bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo không chuyên tại thành phố Hải Phòng
Để đưa ra những giải pháp để bảo tồn và phát huy sân khấu chèo không chuyên, có lẽ chúng ta cần phân tích những đặc điểm đặc thù, riêng có của nghệ thuật chèo không chuyên.
Thứ nhất, các Câu lạc bộ sân khấu chèo không chuyên là “sân chơi giải trí”, tự nguyện, không phải chịu sức ép kinh tế. Một trong những nhu cầu thuộc về bản chất con người là giải trí và được tôn trọng, thể hiện bản thân. Hình thức câu lạc bộ sân khấu không chuyên đã phần nào đáp ứng được nhu cầu này. Thực tế cho thấy, trong xã hội nhiều người có khả năng nghệ thuật, song vì những lý do nào đó mà họ không tham gia vào hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, không xem đó là nghề kiếm sống. Nhưng trong điều kiện nhất định, họ sẵn sàng tham gia vào hoạt động văn nghệ câu lạc bộ mang tính giải trí, với mục đích là được vui chơi, ca hát, được hoạt động xã hội, thể hiện bản thân. Mặt khác, những câu lạc bộ chèo hiện nay cũng không bắt buộc người tham gia phải thật sự có năng khiếu. Tác phẩm nghệ thuật không nhất thiết phải chuẩn mực về nội dung, hình thức. Sự đóng góp về tài chính không nhiều và mang tính tự nguyện. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi đời sống kinh tế của bà con nông dân ở nhiều nơi đã có bát ăn bát để thì nhu cầu vui chơi, giải trí thông qua hoạt động câu lạc bộ nghệ thuật luôn được chào đón.
Thứ hai, một trong những thế mạnh của hình thức câu lạc bộ chèo không chuyên mà chèo chuyên nghiệp không có được là: Sân khấu chèo không chuyên không chỉ là nơi thưởng thức mà còn là một “sân chơi dân gian” - một “phương tiện” gắn kết cộng đồng. Đối với sân khấu chuyên nghiệp, diễn xuất là một nghề của diễn viên. Người nghệ sĩ có thể được khán giả biết và nhớ đến họ qua vai diễn trên sân khấu, qua các mối quan hệ, hoặc qua phương tiện truyền thông đại chúng…Với diễn viên không chuyên, họ có thể không được quá nhiều người biết đến nhưng lại thường xuyên có được niềm vui trong suốt quá trình tập luyện, biểu diễn, luôn có sự động viên, cổ vũ từ gia đình, bè bạn, thậm chí họ hàng, làng xã. Bởi vậy, nếu ở nhiều hội diễn sân khấu chuyên nghiệp, đôi khi ta phải chứng kiến cảnh “nghệ sĩ cũng chẳng buồn xem nhau”, thì trong hội diễn sân khấu chèo không chuyên, khán giả, bà con, bạn bè của diễn viên thường đông đảo, nhiệt tình. Vậy nên, tính cộng đồng sẽ là một yếu tố giúp cho sự hình thành, phát triển hoạt động của câu lạc bộ. Ngược lại, hình thức câu lạc bộ nghệ thuật sân khấu chèo cũng góp phần thúc đẩy, gia tăng sự gắn kết cộng đồng.
Thứ ba, nghệ thuật chèo sinh ra từ làng quê, cùng với những chức năng bản chất của văn nghệ, chèo mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt ở châu thổ Bắc bộ. Chèo từng là món ăn tinh thần, trở thành ký ức trong tâm thức nhiều thế hệ người Việt, việc trở về với làng quê chính là về với môi trường đã sinh ra chèo. Hơn nữa, gửi gắm, trao truyền những nét đẹp văn hóa truyền thống thông qua con đường nghệ thuật chính là cách mà ông cha chúng ta ngày xưa đã để lại qua những câu hát, lớp trò, tích diễn chèo cổ của những gánh chèo. Đây là một trong những lý do quan trọng nhất giúp cho nghệ thuật chèo có sức sống lâu bền trong dân gian.
Từ thực trạng nghệ thuật sân khấu chèo không chuyên và qua những phân tích trên, tác giả đưa ra một số giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật chèo không chuyên hiện nay như sau:
Trước tiên, cần bảo tồn nghệ thuật chèo không chuyên trong môi trường văn hóa chèo. Chèo là loại hình nghệ thuật dân gian, vậy nên biện pháp bảo tồn tốt nhất là đưa chèo trở về với môi trường văn hóa đã sản sinh ra nó, tức là đưa chèo trở về với làng quê ở châu thổ Bắc bộ. Qua khảo sát một số liên hoan nghệ thuật chèo không chuyên và thực trạng câu lạc bộ chèo không chuyên ở Hải Phòng cho thấy chèo không chuyên với hình thức câu lạc bộ, đội chèo…vẫn đang có xu hướng phát triển trong cộng đồng ở nông thôn, đặc biệt là những địa phương được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo chính quyền. Do vậy, việc tiếp tục triển khai mô hình câu lạc bộ chèo không chuyên, biến câu lạc bộ thành một sân chơi nghệ thuật, tổ chức nhiều cuộc thi, liên hoan, hội diễn để các đội chèo, câu lạc bộ chèo tham gia, các hạt nhân văn nghệ chèo được trải nghiệm, sáng tạo, để nghệ thuật chèo sống trong dân gian chính là một biện pháp bảo tồn tốt nhất đối với thành phố Hải Phòng hiện nay.
Bên cạnh đó, cần thực hiện những giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách. Thành phố Hải Phòng cần xác định rõ chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, ban ngành trực tiếp và gián tiếp tham gia quản lý văn hóa, văn nghệ. Rà soát, chuẩn hóa các văn bản luật về bảo tồn di sản văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa văn nghệ tại cơ sở, từ đó xây dựng cơ chế, chính sách một cách đồng bộ khoa học, đảm bảo được vai trò trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức tham gia bảo tồn nghệ thuật truyền thống nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng. Đánh giá đúng vai trò của cộng đồng và các tổ chức cá nhân trong việc bảo tồn nghệ thuật chèo để xây dựng cơ chế phối hợp và khuyến khích mọi người dân có thể tham gia vào việc bảo vệ, phát huy giá trị nghệ thuật chèo.
Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật chèo qua các phương tiện thông tin đại chúng để các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức được những giá trị di sản nghệ thuật chèo. Bên cạnh đó, cần kịp thời động viên khen thưởng những cá nhân tập thể có thành tích trong việc bảo tồn giá trị nghệ thuật chèo, kỷ luật nghiêm khắc cán bộ không hoàn thành trách nhiệm được giao trong công tác bảo tồn nghệ thuật chèo.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống cũng cần có chính sách hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho các câu lạc bộ, đầu tư kinh phí phục dựng các trích đoạn, tích chèo cổ, mở các lớp đào tạo diễn viên, nhạc công, tác giả, đạo diễn cho nghệ thuật chèo không chuyên; có cơ chế cho những nghệ nhân cao tuổi thực hiện truyền dạy nghệ thuật chèo; nghiên cứu, đề xuất chế độ phong tặng nghệ danh cho các diễn viên, nhạc công, tác giả, đạo diễn chèo không chuyên; có chính sách khuyến khích đối với các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp tham gia tài trợ cho hoạt động bảo tồn nghệ thuật chèo.
Qua phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động bảo tồn nghệ thuật chèo không chuyên ở Hải Phòng đã chỉ ra những bất cập trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị của sân khấu chèo không chuyên trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, sân khấu chèo không chuyên có những đặc điểm riêng, nếu phát huy những lợi thế của nó sẽ có những giải pháp bảo tồn hợp lý trong giai đoạn hiện nay. Giải quyết vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng trong đời sống hiện đại không chỉ là một sớm một chiều mà là cả một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các nhà quản lý và nghiên cứu để đưa ra những giải pháp tổng hợp, bao quát và khả thi để thực hiện.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Đức Ngôn, Sân khấu truyền thống - con đường tồn tại và phát triển, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 4, 1999, tr.54-55.
2. Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 2002.
3. Trần Việt Ngữ, Thực trạng sân khấu chèo qua hội diễn cuối cùng của TK XX, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 4, 2001, tr.59-66.
4. Nhiều tác giả, Mấy vấn đề về nghệ thuật chèo, Viện Sân khấu và Sở Văn hóa Thông tin Thái Bình, Hà Nội, 1990.
5. Nhiều tác giả, Thực trạng chèo hôm nay, Viện Sân khấu, Hà Nội, 1995.
6. Nhiều tác giả, Giải pháp bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống, Tham luận Hội thảo, Cục Nghệ thuật biểu diễn, 2011.
7. Nguyễn Thị Minh Thái, Sân khấu truyền thống Việt Nam từ góc nhìn văn hóa, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 2, 1998, tr.50-52.
8. Trần Trí Trắc, Nghệ thuật chèo truyền thống phục hồi và phát triển, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 1, 2002, tr.70-74,
9. Nguyễn Trãi, Ức Trai di tập Dư địa chí, Phan Huy Tiếp dịch, Hà Văn Tấn hiệu đính và chú thích, Nxb Sử học, 1960.
10. Đinh Quang Trung, Sự kế thừa và biến đổi của nghệ thuật chèo hiện nay, Luận án tiến sĩ Nghệ thuật, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, 2009.
11. Viện Sân khấu - Sở Văn hóa Thông tin Hải Phòng, Sân khấu Hải Phòng, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 2002
Tác giả: Ths Trần Thị Hoàng Mai
Nguồn: Tạp chí VHNT số 464, tháng 6-2021