Một vài nét phác họa mối quan hệ giữa sân khấu nước ngoài và sân khấu hiện đại Việt Nam

Giao lưu văn hóa nghệ thuật với nước ngoài là những tác nhân quan trọng để sản sinh ra các loại hình nghệ thuật sân khấu như tuồng, chèo, cải lương, kịch nói… cho nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Đặc biệt, nhờ có sự giao lưu với văn hóa nghệ thuật sân khấu nước ngoài TK XX mà sân khấu Việt Nam phát triển đa dạng, phong phú, đánh dấu những bước trưởng thành mới, đáp ứng được nhu cầu về thẩm mỹ và tinh thần của đông đảo khán giả sân khấu Việt Nam. Ngày nay, nhìn nhận lại để tìm hiểu sự ảnh hưởng của văn hóa và sân khấu nước ngoài vào sân khấu Việt Nam là việc làm cần thiết, một mặt có ý thức sâu sắc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, mặt khác mở rộng giao lưu văn hóa, hòa nhập với cộng đồng thế giới để cùng tồn tại và phát triển.

Mối quan hệ của sân khấu Việt Nam với sân khấu Pháp

Đầu TK XX, xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc là xã hội thực dân, nửa phong kiến. Đây là thời kỳ văn hóa cổ truyền Việt Nam bắt đầu tiếp xúc với phương Tây hiện đại, thông qua văn hóa Pháp du nhập có tính chất cưỡng bức. Sự đan xen, pha tạp, hòa quyện giữa các luồng tư tưởng, văn hóa Đông - Tây đã tạo nên những biến động không nhỏ trong đời sống văn hóa, nghệ thuật Việt Nam đương thời (1). Sự ra đời của kịch nói ở miền Bắc và cải lương ở miền Nam được xem là những sản phẩm mới của lịch sử, khẳng định mạnh mẽ ảnh hưởng của văn hóa - văn học nghệ thuật phương Tây vào Việt Nam.

Nếu như phải trải qua bao triều đại và thăng trầm thời cuộc, số phận con người, mới có được kho tàng nghệ thuật tuồng và chèo cổ thì kịch nói chỉ trong vòng vài ba thập kỷ của đầu TK XX đã ra đời và trưởng thành trong giới trí thức văn nghệ sĩ Việt Nam (2). Sự ra đời của cải lương ở Nam Bộ như gạch nối giữa sân khấu cổ truyền với nghệ thuật kịch nói, là một biểu hiện độc đáo của sự tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa phương Tây thông qua sự cải biến cho thích hợp với thói quen của công chúng. Đó là cuộc tao ngộ kỳ thú giữa các thể loại sân khấu giai đoạn này, kích thích lẫn nhau cùng phát triển.

Mối quan hệ giữa sân khấu Việt Nam với sân khấu Xô viết và văn hóa, nghệ thuật Âu - Mỹ

Trong bối cảnh lịch sử đặc biệt của giai đoạn 1945-1975, những năm dân tộc ta đẩy mạnh hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nền văn hóa Việt Nam có sự biến đổi, giao thoa mạnh mẽ. Sự chia cắt Việt Nam thành hai miền Nam - Bắc, dưới hai thể chế chính trị đối lập đã tạo ra hai nền nghệ thuật sân khấu khác biệt: sân khấu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa và sân khấu của vùng bị tạm chiếm miền Nam.

Tại miền Bắc, Đảng và Chính phủ Việt Nam chủ trương công tác trao đổi văn hóa đóng một vai trò quan trọng, văn hóa đi kèm với chính trị, phát huy tác dụng trong công cuộc tuyên truyền, thắt chặt hữu nghị, quan hệ ngoại giao. Bởi vậy từ những năm 1950, sự giao lưu văn hóa với các nước xã hội chủ nghĩa như: Liên Xô, các nước Đông Âu, Trung Quốc được đẩy mạnh. Sân khấu kịch nói miền Bắc Việt Nam tiếp nhận sân khấu Xô viết, bằng nhiều con đường khác nhau. Thành quả của sự tiếp nhận là kịch nói Việt Nam đã có sự thay đổi lớn trên tất cả các phương diện, phát triển thành hệ thống chuyên nghiệp (3).

Năm 1965, quân Mỹ đổ bộ vào miền Nam Việt Nam, văn hóa Mỹ thâm nhập vào đời sống nhân dân các đô thị, tầng lớp thanh niên chạy theo lối sống Mỹ. Văn hóa nghệ thuật phát triển xô bồ. Kịch nói miền Nam trước giải phóng không thể cạnh tranh với cải lương. Nghệ thuật sân khấu với sự phát triển của điện ảnh, ca nhạc, cải lương chủ yếu phục vụ nhu cầu giải trí của khán giả.

Nghệ thuật cải lương giai đoạn này có thể nhận thấy sự ảnh hưởng của lối sống và văn hóa nước ngoài với sự phát triển đa phong cách: hiện đại và truyền thống.

Nghệ thuật kịch nói Sài Gòn giai đoạn này cũng đã có những bước tiến đáng kể về số lượng các ban kịch, diễn viên, tác phẩm, bước đầu tạo nên đội ngũ khán giả của riêng mình. Chính điều này đã tạo nên nền tảng cho kịch nói tại đây sau ngày 30-4-1975 tiếp tục có những bước phát triển mới trong điều kiện đất nước thống nhất.

Mối quan hệ giữa sân khấu Việt Nam với văn hóa, nghệ thuật sân khấu Trung Quốc

Tiếp xúc với Văn hóa, nghệ thuật sân khấu Trung Quốc trải dài theo nhiều giai đoạn lịch sử Việt Nam trước và trong TK XX. Sau một thời gian giảm do sự lấn lướt của Văn hóa, nghệ thuật Pháp nửa đầu TK XX thì đến năm 1957, miền Bắc Việt Nam, theo hiệp định trao đổi văn hóa mà Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết, mối quan hệ giữa sân khấu miền Bắc với nghệ thuật sân khấu Trung Quốc được bước sang trang sử mới.

Nếu trước TK XX, sân khấu truyền thống tuồng, chèo của Việt Nam tiếp thu những bài bản của sân khấu Trung Quốc như tích truyện, âm nhạc, vũ điệu, kể cả phục trang, hóa trang có chọn lọc, sáng tạo phù hợp với phong cách của Việt Nam (4), thì đầu TK XX, sân khấu cải lương lại tiếp tục tiếp thu ảnh hưởng từ nghệ thuật sân khấu Trung Quốc. Kịch bản sân khấu cải lương Việt Nam tiếp nhận ảnh hưởng của văn học Trung Quốc, tiếp thu những trình thức của tuồng, vũ đạo của Hí khúc Trung Quốc, từ vay mượn nguyên si đến quá trình cải biến thành của riêng mình.

Kịch tiêu biểu của Trung Quốc trong thời cận đại và hiện đại, được dịch và công bố ở Việt Nam khá nhiều, góp phần giao lưu hiệu quả về quan điểm thẩm mỹ, phương pháp phản ánh, xử lý nhân vật và kỹ thuật dàn dựng... đối với nền sân khấu tương đối phong phú về kịch chủng như ở Việt Nam.

Có thể nói, mối quan hệ của sân khấu Trung Quốc với sân khấu kịch hát truyền thống Việt Nam trước TK XX, là mối quan hệ có từ lâu đời, giúp dân tộc Việt Nam sáng tạo nên nền nghệ thuật sân khấu truyền thống giàu bản sắc. Sân khấu Việt Nam đã và đang tiếp thu tinh hoa của một nền văn hóa cổ kính, phong phú, một nền sân khấu đặc sắc chứa nhiều điều kỳ diệu của Trung Quốc bằng nhiều cách và nhiều phương diện... Điều này vô cùng quý giá vì qua những tiếp thu đó, nền sân khấu của Việt Nam được động viên, có được thêm nhiều điều kích thích nghệ thuật và sáng tạo để có thể phát triển đáp ứng được sự yêu cầu phát triển của nền văn hóa đa dạng, đa dân tộc của Việt Nam.

Sân khấu Việt Nam với một số giao lưu với sân khấu nước ngoài khác (1975-2000)

Từ cuối những năm 80 TK XX, Việt Nam bước vào một giai đoạn chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, mở cửa giao lưu với nhiều luồng văn hóa nhân loại. Sự đứt đoạn một thời, do điều kiện lịch sử, trong giao lưu văn hóa với phần lớn các nước Tây phương, nay đã được nối lại trên tinh thần giao lưu hội nhập. Một số đoàn kịch, hoặc nhà hát (Pháp, Mỹ) và nhiều hơn cả là các đạo diễn nước ngoài trực tiếp dàn dựng vở cùng các diễn viên Việt Nam hay hình thức hợp diễn diễn viên hai nước. Những hình thức tiếp xúc với các phong cách kịch nước ngoài đã đem một sắc thái mới cho sân khấu kịch; trong lối kết cấu kịch, trong dàn dựng và nghệ thuật diễn xuất.

Từ năm 1995, sự cạnh tranh của nền kinh tế thị trường đã diễn ra quyết liệt. Nhịp sống công nghiệp, thương trường sôi động đòi hỏi sân khấu phải chuyển biến cho phù hợp. Trong lĩnh vực sân khấu, mâu thuẫn giữa cơ chế bao cấp với việc xã hội hóa theo kinh tế thị trường đối với các đoàn nghệ thuật chưa được giải quyết. Sân khấu lắng xuống, nhiều bộ môn truyền thống dân tộc không đào tạo được diễn viên nối tiếp nên ngày càng mai một.

Cuối TK XX, sân khấu nhiều biến đổi, khủng hoảng tồn tại trong lộ trình xã hội hóa nghệ thuật. Nhiều đoàn cải lương danh tiếng tan rã, nhiều nhà hát, đoàn tư nhân, tuồng tư nhân, tuồng Nhà nước trải qua cuộc thanh lọc. Chỉ tồn tại những đoàn thuộc Nhà nước quản lý, giàu truyền thống nghệ thuật, vững mạnh, năng động tiếp cận công chúng với biên chế gọn nhẹ. Các nhà hát tìm nhiều hướng dựng vở: cách tân, pha trộn các loại hình nghệ thuật. Tuồng diễn cùng kịch mặt nạ Pháp, dựng các tác phẩm nước ngoài, phục cổ, mong lấy lại công chúng.

Tuy nhiên, sự hấp dẫn từ các loại hình sân khấu truyền thống do không tìm được cách tiếp cận với quần chúng và không có cải biến, thay đổi nên mất dần khán giả. Mặt khác, ảnh hưởng của phim ảnh, ca nhạc và các loại hình giải trí nước ngoài đã khiến sân khấu không tiếp nối được truyền thống và không bắt kịp với hiện tại. Giao lưu với văn hóa, nghệ thuật sân khấu nước ngoài chưa đủ tác động sâu vào cấu trúc nền sân khấu do nhiều lý do. Chiến lược chính sách trong giao lưu chưa được chú trọng nghiên cứu, đúc kết thành kinh nghiệm để mang lại hiệu quả thực tế cho sự phát triển của sân khấu Việt Nam.

Một số vấn đề rút ra từ thành công và hạn chế của sân khấu Việt Nam qua những trào lưu, ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài

Giai đoạn đầu TK XX, với chính sách phát triển sân khấu của Pháp, cùng với việc đầu tư hạ tầng kiến trúc, đưa giáo dục sân khấu vào hệ thống giáo dục đã giúp sân khấu Việt Nam lúc đó có sự thay đổi lớn trên nhiều phương diện và phát triển mạnh mẽ với sự xuất hiện của kịch nói và cải lương. Giai đoạn sau này, sân khấu miền Bắc Việt Nam chủ động học tập sân khấu Liên Xô và Trung Quốc với sự chú trọng của Đảng và Nhà nước, xây dựng đội ngũ làm nghề bài bản, chuyên nghiệp và cũng chủ động giao lưu với nền nghệ thuật sân khấu nước ngoài… Ở miền Nam, sân khấu đẩy mạnh phát triển yếu tố thị trường, khuyến khích cá nhân người nghệ sĩ làm nghề, hướng đến chiều lòng thị hiếu khán giả, nên sân khấu miền Nam đi theo chiều hướng tích cực học hỏi các loại hình nghệ thuật sân khấu thông qua giao lưu, kết hợp từ cổ chí kim nên sân khấu phát triển khá đa dạng.

Ngày nay, để có sự tiếp xúc và giao lưu hiệu quả, cần đầu tư nghiên cứu có chiến lược, có quyết sách lâu dài trong lĩnh vực giao lưu văn hóa nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng nhằm bảo tồn, phát triển và thúc đẩy sáng tạo những tác phẩm sân khấu truyền thống và hiện đại để sân khấu có những tác phẩm tương xứng với cuộc sống đương đại, những tác phẩm sáng tạo mới, có giá trị cách tân, phản ánh sâu sắc những thay đổi to lớn của xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế như sân khấu Việt Nam TK XX đã từng có những giai đoạn hoàng kim với không ít vở diễn ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng.

Bắt đầu từ thái độ giao lưu cần tiếp nhận một cách hoàn chỉnh, có môi trường để cảm thụ, tiếp thu những giá trị tinh hoa của nghệ thuật sân khấu thế giới, bên cạnh đó vẫn chú trọng việc nghiên cứu và bảo tồn phát triển những nét đặc sắc của sân khấu truyền thống và hiện đại của Việt Nam, từ đó sáng tạo ra những giá trị, những loại hình sân khấu mới, làm phong phú và đa dạng thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Việt Nam. Đầu tư xây dựng những cơ sở dữ liệu sân khấu nhằm bảo tồn những giá trị của sân khấu truyền thống và cả sân khấu hiện đại Việt Nam làm nền tảng cho những người làm nghề nghiên cứu và sử dụng sáng tạo nên những tác phẩm mới của mình.

Cần đẩy mạnh đào tạo và phát triển đội ngũ quản lý, phê bình sân khấu và đội ngũ làm sân khấu (tác giả, đạo diễn, diễn viên, thiết kế sân khấu, hiệu ứng sân khấu...), cử đi đào tạo trong nước và ngoài nước, tại các trung tâm sân khấu lớn trên thế giới.

Đưa giáo dục thẩm mỹ về sân khấu vào các bậc học trong hệ thống giáo dục để tạo nên môi trường cho các loại hình nghệ thuật này được phổ biến sâu và rộng hơn. Giáo dục và đào tạo về nghệ thuật sân khấu cần triệt để hơn nữa để làm tốt chức năng định hướng thẩm mỹ sân khấu cho người xem khiến người xem có thể vừa là khách thể vừa là chủ thể thẩm mỹ trong hoạt động của nghệ thuật sân khấu.

Đẩy mạnh giao lưu hợp tác quốc tế, mở các cuộc hội thảo, hội diễn quy mô nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết và trình độ nghệ thuật sân khấu của người làm sân khấu và khán giả. Phát triển các loại hình sân khấu dân tộc và hiện đại qua việc xã hội hóa nghệ thuật có sự tham gia của giới phê bình nghệ thuật sân khấu.

Hoàn chỉnh thêm hệ thống danh hiệu, chính sách, giải thưởng để khuyến khích và cổ vũ cho nhiều thành phần sáng tạo trong hệ thống làm sân khấu (tác giả, đạo diễn, diễn viên, thiết kế mỹ thuật, phê bình sân khấu…), có chế độ đãi ngộ thỏa đáng với người có cống hiến và đóng góp cho ngành sân khấu…

Cần được sự đầu tư và hỗ trợ từ nhà nước như Chiến lược phát triển sân khấu lâu dài trong tình hình toàn cầu hóa hiện nay, quy hoạch cơ sở vật chất, hệ thống hạ tầng cho sân khấu. Chủ động nghiên cứu, dự đoán xu hướng về văn hóa, nghệ thuật, sân khấu thế giới từ đó đưa ra định hướng để sân khấu Việt Nam bắt kịp trào lưu của nghệ thuật sân khấu thế giới.

Đối với thị trường: cần nghiên cứu về khán giả và thị hiếu khán giả cùng với các trào lưu giải trí nghệ thuật mới xuất hiện để có những lý giải chuyên ngành xác đáng, kết hợp với những thành quả nghiên cứu về những thành tựu mới của sân khấu thế giới để tiến hành định hướng thẩm mỹ sân khấu, phổ biến trên các phương tiện truyền thông, tránh sự lệch lạc về thế giới quan nghệ thuật sân khấu trong giới trẻ…

Những vấn đề nêu trên không phải là hoàn toàn mới, đã được tiến hành trên một số phương diện nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn là do thiếu sự liên kết. Để tăng cường giao lưu văn hóa về sân khấu có hiệu quả cần có hoạch định chiến lược, chính sách đúng đắn, đẩy mạnh kết nối giữa nghiên cứu, bảo tồn, đào tạo, phát triển các sản phẩm sân khấu, thị trường sân khấu, khán giả, phê bình sân khấu với môi trường, thị trường sân khấu trong và ngoài nước trong sự định hướng của các cơ quan chức năng. Có sự đồng lòng, quyết tâm, tiến hành đồng thời thì nền sân khấu Việt Nam sẽ đủ nhân lực, vật lực và đội ngũ khán giả để tiếp nhận thêm những luồng văn hóa, nghệ thuật tiến bộ mới, nhằm mục đích phát triển, làm giàu và đa dạng thêm nền sân khấu nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung, đậm đà bản sắc dân tộc theo chủ trương của Đảng, Nhà nước

________________

1. Nguyễn Lương Tiểu Bạch, Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, Viện Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Hà Nội, 2005, tr.19.

2. Nguyễn Đức Lộc, Kịch Việt Nam ở cái thuở ban đầu, Kỷ yếu Hội thảo Ảnh hưởng của sân khấu Pháp với sân khấu Việt Nam, Viện Sân khấu, 1998, tr.254-262.

3. Cao Thị Xuân Ngọc, Ảnh hưởng của sân khấu Xô Viết trong quá trình chuyên nghiệp hóa sân khấu kịch nói Việt Nam, Luận văn thạc sĩ nghệ thuật - chuyên ngành Lí luận sân khấu, MS:602140, Viện Sân khấu Điện ảnh, 2005.

4. Trương Bình Tòng, Nghệ thuật Cải lương và mối giao lưu Sân khấu Việt Nam - Trung Quốc, Mối quan hệ Sân khấu Việt Nam - Trung Quốc, Viện Sân khấu, Nxb Văn hóa, 1995, tr.58-62.

Tác giả: Trần Quốc Tuấn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021

;