Rồng trong tâm thức người Việt

Rước rồng trong Lễ hội di sản Tràng An - Ảnh: Ninh Mạnh Thắng

1. Dẫn nhập

Như đã có lần từng đề cập, nói đến “tâm thức” là chạm đến dòng ý thức của con người, bao gồm tất cả mọi quá trình có ý thức của bộ não, trong đó thể hiện sự kết hợp một cách vi diệu những yếu tố thuộc về tư duy, tri giác, trí nhớ, ước vọng và trí tưởng tượng, hướng tới sự thỏa mãn những nhu cầu, niềm tin không giới hạn, qua va đập, cọ xát với thế giới tự nhiên, xã hội và giữa con người với nhau, trong những điều kiện lịch sử nhất định. Diễn trình hình thành các nền văn hóa của nhân loại cho thấy, một khi con người đã hướng tâm thức của mình ra/vào thế giới xung quanh, tìm cách giải thích thế giới, chinh phục thế giới, những ý niệm nảy sinh tùy thuộc vào nhận thức theo quan niệm của cá nhân hay một cộng đồng người nhất định, vừa cụ thể, vừa mang tính huyền bí, hoang tưởng, không bắt buộc phải phục vụ cho kết quả đó đúng hay sai (dưới góc độ khoa học), mà nó chỉ là những minh chứng cho sự hợp lý hay không hợp lý, miễn là sự vật đó, hiện tượng đó gây được niềm tin, kết hợp với trải nghiệm mà tồn tại trong đời sống văn hóa xã hội nói chung. Đó cũng là quy luật của nhận thức và trí tưởng tượng của nhân loại mỗi khi hướng sự đồng thuận của mình tới ý niệm xây dựng một tô tem giáo hay vật tổ làm biểu tượng chung cho một cộng đồng tộc người hay một quốc gia nhất định. Những căn nguyên mang tính đặc thù này cũng chính là căn cứ để quan tâm nhận diện sự hiện tồn của con rồng - một trong 12 con vật đã được đúc kết, gắn bó với đời sống văn hóa của nhân loại nói chung và đối với người Việt nói riêng. Là một trong hệ thống tứ linh theo quan niệm chung của tâm thức Á Đông (Long - Lân - Quy - Phượng), được tưởng tượng thông qua các huyền thoại, rồng ở bất kỳ đâu, từ Á đến Âu đều được tôn sùng là vật linh - đối tượng có sức mạnh, uy lực vô bờ, đủ sức thay đổi mọi thứ, trở thành loài vật thiêng, được thêu vẽ ra nhiều hình dạng cùng với các chức năng khác nhau, tùy thuộc vào tâm lý, quan niệm của mỗi cá nhân, cộng đồng gắn với những tư tưởng của triều chính hay phong tục, tập quán và nhận thức về thế giới quan, nhân sinh quan ở từng vùng văn hóa.

2. Rồng trong tâm thức người dân phương Tây

Trong tâm thức của người dân phương Tây, rồng là loài vật được xếp vào hàng các con vật ngoại hạng, thuộc loài bò sát to lớn, theo trí tưởng tượng không khác gì loài khủng long vốn đã được giới khảo cổ minh chứng qua nhiều di chỉ ở nhiều nước trên phạm vi toàn cầu. Đó cũng là loài vật mọi người khó gần, hầu như “kính nhi viễn tri”. Cũng bởi, trong các thần thoại - huyền thoại của nhiều quốc gia Tây phương, rồng luôn được nhận diện là loài ác thú, tượng trưng cho cái ác, mang lại điều dữ cho con người. Thông qua các truyện kể, con người vì thế luôn mang ấn tượng xấu đối với rồng, sẵn sàng gán ghép mọi bất hạnh xảy ra trong môi trường sống hoặc trong hành trình của đời người như giông bão, lũ lụt, núi lửa phun trào, động đất, mùa màng thất bát, bệnh tật làng bản… Tại Nga và một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây, người dân vẫn truyền kể cho nhau nghe những truyện cổ tích về loài rồng ác thú, có hình dạng khổng lồ, thân mang bộ vây sừng, bốn chân mang móng vuốt sắc nhọn, đôi cánh sẵn sàng tung tấm thân lên không trung và miệng sẵn sàng phun ra những quầng lửa thiêu cháy hay luồng nước nhấn chìm đối phương. Mặc dù bình thường, rồng chỉ có một đầu nhưng mỗi khi xung trận hoặc bay lên tiêu diệt đối phương, rồng còn có khả năng mọc ra nhiều đầu khác nếu bị chặt mất đầu cũ. Với sức mạnh phi thường và thân hình đặc biệt như vậy, rồng thường được giao cho nhiệm vụ canh giữ kho báu, lâu đài của một thủ lĩnh hay vua chúa, hoặc làm vệ sĩ canh giữ, bảo vệ công chúa trong các lâu đài hoành tráng. Nhưng dù mang dáng vóc oai phong và hung dữ cùng sức mạnh tưởng như vô địch, các con rồng trong cổ tích Nga và một số nước thường nhận thất bại trước tài năng của các tráng sĩ, người được cộng đồng tri ân và tôn vinh như những anh hùng dân tộc. Tại nhiều nước châu Phi, như Ai Cập, Nam Phi… người dân ở nhiều bộ lạc, bộ tộc còn lưu truyền các thần thoại thấm đẫm trí tưởng tượng, dựng nên hình dáng con rồng không khác những con rắn hay con thằn lằn khổng lồ, được mang những biệt danh vốn đã thành quen thuộc với mọi thế hệ: rồng Ninki Nanka, rồng Komondo! Chính những loại rồng quen thuộc này đã đi vào hệ thống văn chương nghệ thuật, kiến trúc của nhiều địa phương, được truyền tải qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là phim ảnh, nghệ thuật hội họa, tạo hình và trở thành mẫu mã sản phẩm cho các ngành công nghiệp văn hóa ở các quốc gia.

3. Rồng trong tâm thức cư dân châu Á

Khác với các nước phương Tây, rồng trong tâm thức cư dân các nước châu Á lại có những biểu hiện đối nghịch. Trong hầu hết các huyền thoại và cổ tích của các dân tộc ở châu Á, rồng hiện ra luôn trong dáng vẻ của một loài bò sát thân rắn khổng lồ, mặc lớp vảy sừng, đầu dựng bờm sư tử, nhiều khi được gắn dạng sừng hươu. Mỗi khi rồng tiến lên hoặc thăng thiên bay bổng bao giờ cũng giữ dáng vẻ uốn lượn mềm mại, thể hiện khí chất hùng dũng, oai phong. Nếu các nước phương Tây đa số coi rồng là loài ác thú, cần triệt hạ dưới bàn tay các tráng sĩ, thì ở phương Đông, rồng luôn được coi trọng là con vật linh thiêng, được xếp vào hàng “tứ linh”, biểu tượng cho sức mạnh bảo vệ cái đẹp, điều thiện và mang lại mọi điều may mắn, tốt lành, thậm chí thể hiện cho uy lực của ngai vàng hay hiện hình trên tấm hoàng bào của vua. Theo quan niệm về thế giới quan của cư dân một số nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Rồng thiêng về cơ bản luôn mang bốn loại sức mạnh của thiên nhiên, cũng chính là bốn yếu tố tạo nên vũ trụ (gió - lửa - đất - nước). Do vậy, trong tâm thức của con người, rồng thiêng được mặc danh theo bốn loại: Địa Long (rồng đất) chuyên sống trong những hang động hoặc thung lũng hiểm trở; Thủy Long (rồng nước) chuyên sống ở bờ biển, đầm lầy hoặc những con sông lớn; Hỏa Long (rồng lửa) chuyên sống ở các hang động của núi lửa; Phong Long (rồng gió) chuyên sống ở các vách đá hiểm trở hoặc trên đỉnh núi cao.

Hình tượng rồng trên đầu đao ở di tích Bắc Ninh - Ảnh: Minh Anh

Tại Trung Quốc, rồng được coi là một trong những linh vật và sớm được sùng bái từ trong xã hội nguyên thủy. Một con rồng bằng gốm được khai quật tại huyện Bình Dương, tỉnh Hà Nam (1987), theo giám định đã có sáu ngàn năm tuổi, trở thành minh chứng cho một quốc gia có lịch sử sùng bái rồng vào loại sớm nhất trong khu vực châu Á, cũng là minh chứng cho vị trí trọng yếu của con rồng trong tín ngưỡng thờ vật linh qua các triều đại thịnh suy khác nhau, trải qua hàng nghìn năm. Chính vì thế, rồng luôn là linh vật hiện hữu với nhiều dáng vẻ khác nhau, tuy không có thực ngoài đời nhưng lại được hiện diện trong kho tàng thần thoại và cổ tích dân gian, trong các cổ vật, hội họa, tạo hình, kiến trúc, đặc biệt là sự hiện diện trong trang trí của các cung đình, lâu đài và trang phục của vua chúa qua các triều đại, với các phong cách biểu hiện đa dạng, phong phú và có giá trị. Thậm chí, một số triều đại phong kiến Trung Hoa còn đưa ra luật bất thành văn, coi rồng là linh vật tượng trưng cho hoàng đế hoặc đại diện tối thượng cho quyền lực. Không phải ngẫu nhiên mà chỉ trên tấm hoàng bào vua mang, mới được phép thêu hình tượng con rồng phía trước ngực, chỉ có ngai vua ngồi mới được phép tạc hình đầu rồng để tỏ rõ vẻ uy nghi, quyền lực tối cao của một quốc gia. Mang hình dáng của một linh vật đầu đội mào cựa gà uy nghi, thân rắn, đùi thằn lằn, móng vuốt chim ưng, đuôi rắn và sừng hươu, vảy cá, hình tượng con rồng Trung Quốc đã sớm có ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau đến hệ thống vật linh nói chung và rồng thiêng nói riêng ở một số quốc gia trong khu vực.

4. Rồng trong tâm thức cư dân Việt

Câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ có lẽ là dấu tích ngôn từ truyền miệng vào loại sớm nhất của các loại hình folklore Việt Nam truyền lưu huyền tích ra đời của bọc trăm trứng - sản phẩm của bố rồng - mẹ tiên. Tâm thức nhận mình là con cháu của vua rồng đất Lạc Việt (Lạc Long Quân) của người Việt cổ xưa đã được ghi lại lần đầu tiên trong tập sách Lĩnh Nam trích quái của Lê Văn Hưu và sau đó được ghép đưa vào nội dung Kỷ Hồng Bàng thị trong phần Ngoại kỷ của bộ chính sử Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên khởi thảo cuối thời Trần - TK XV. Cũng từ đây, với ý niệm về hai chữ “đồng bào” - sinh ra trong cùng một bọc, hòa lẫn với tâm thức về một linh vật được coi là vật tổ của dòng dõi người Việt, hình tượng rồng đã trở thành biểu tượng cội nguồn cuốn hút, quy tụ, khích lệ các thế hệ người Việt nói riêng và cộng đồng các dân tộc nói chung qua các thời đại sau này, trên tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Cũng giống như các dân tộc ở khu vực Á Đông, con rồng qua tâm thức của cư dân vùng nông nghiệp lúa nước với nền văn minh sông Hồng ngời chói đã trở thành huyền thoại thiêng liêng, biểu tượng cho sức mạnh và uy lực phi thường, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho con người, là biểu tượng cho sự linh thiêng và được xếp vào hàng tứ linh, thậm chí được các triều đại vua chúa đưa vào ngự tại các vị trí trang trọng, báo hiệu cho sự hiện diện của một thứ quyền lực tối thượng trong trung tâm chính trị, kỹ trị, cai trị quốc gia, triều chính. Cũng vì lẽ đó, từ xa xưa, linh vật rồng tuy không có thực ngoài đời nhưng đã trở thành hình tượng nghệ thuật tuyệt mỹ, xuất hiện phổ biến trong các công trình kiến trúc, từ chốn cung đình đến các từ đường dòng họ ở thôn quê, ở các di tích tín ngưỡng đình, đền, chùa, miếu, nghè… hóa thân thành “sức mạnh mềm văn hóa” - (như cách nói đương đại) trong vai một linh vật, canh giữ cho sự uy nghiêm và thể hiện quyền lực bảo trợ cho cộng đồng, được mọi thành phần cư dân tôn sùng, sợ hãi, kính nể tại hầu khắp các địa phương trên phạm vi cả nước hàng nghìn năm qua.

Là sản phẩm văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước, con rồng qua tâm thức Việt đã và luôn được sáng tạo mang bản sắc văn hóa bản địa, gắn với điều kiện môi trường sinh thái mang vị thế địa linh, với phong tục tập quán của các tiểu vùng văn hóa, các vùng miền khác nhau, tạo nên những nét bản sắc riêng của linh vật rồng đất Việt. Chính vì thế, sau nhiều năm quan tâm khảo sát, nghiên cứu, giới khoa học chuyên ngành mỹ thuật tạo hình đã đồng thuận trong những nhận định, đánh giá về hệ môtíp mang đặc trưng của con rồng Việt Nam, dựa trên các cứ liệu từ thực tiễn. Một là, rồng Việt Nam là con vật có sự kết hợp của 9 loài vật khác: đầu lạc đà, sừng hươu, mắt thỏ, tai bó, cổ rắn, bụng ếch, vây cá chép, móng chim ưng, bàn chân của hổ. Hai là, thân rồng thường được cấu tạo uốn hình sin 12 khúc, thể hiện sự mềm mại, biến hóa. Trên lưng bao phủ lớp vây cá chép liền mạch và đều đặn, tạo nên nét đẹp thẩm mỹ mỗi khi thân chuyển động uốn lượn hoặc thăng hoa. Ba là, đầu rồng luôn có bờm dài, râu cằm, đầu lớn uy dung, sừng hươu, mắt to tròn, mũi nở, miệng rộng, răng cửa nhọn, thân dài và cơ bắp uyển chuyển uốn lượn với vảy âm dương ngũ sắc, đuôi lượn sóng, chân mang móng sắc, tạo nên khuôn dạng oai phong, lẫm liệt, tương xứng với vị thế của một hoàng đế. Bốn là, miệng rồng được ngậm long châu, hoặc một cặp rồng đối diện như đang tranh long châu, tạo nên vẻ đẹp hấp dẫn (khác với rồng các nước Đông Bắc Á giơ chân trước để cầm ngọc) cho thành quả cầu mong từ bao lâu của con người. Năm là, vật liệu để tạc nên rồng Việt thường là đá, như thể hiện một thứ biểu tượng linh thiêng, có độ bền vĩnh cửu, đứng uy nghi canh giữ cung đình hoặc các vị trí thờ tự đình, đền, chùa miếu… tại các không gian văn hóa thiêng liêng của các vùng quê.

Xét từ thực tiễn, ngoài những đặc trưng biểu hiện của rồng Việt trên đây, chúng ta còn thấy lộ rõ dấu ấn lịch sử của rồng có sự thay đổi, biến đổi nhất định qua các triều đại. Tuy không thể nhận biết được một cách cụ thể rồng được định hình trong tâm thức người Việt chính xác, cụ thể từ khi nào, từ thời nào (ngoài chỉ dẫn bằng huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ và truyền thuyết Vua Hùng dạy dân xăm hình rồng trước ngực để dọa thủy quái), nhưng kể từ khi Ngô Quyền “hoàn thiện vai trò của An Dương Vương”, trở thành ông tổ trung hưng đất nước thì rồng đã được đưa vào không gian thiêng với vai trò linh vật bảo trợ cho triều chính và kéo dài sự hỗ trợ - bảo trợ đó sang triều đại Đinh Tiên Hoàng. “Nhưng tới Lê Hoàn (theo học giả Trần Lâm Biền), thì nó trở thành bản mệnh của vua. Đó là một xu hướng tất yếu, và rồng phần nào đã đồng nhất với nhà vua. Hiện tượng này đạt đỉnh cao ở thời Lý, rồi sau đó, chức năng này nhạt dần để rồng sống chung thủy với chủ nhân của nó trong văn hóa xóm làng” (1).

5. Thay lời kết

Như vậy, trong số các linh vật đã và đang hiện tồn trong các nền văn hóa, rồng là sản phẩm chung của nhân loại. Tuy nhiên, do điều kiện môi trường văn hóa sinh thái, môi trường văn hóa nhân văn và môi trường văn hóa xã hội khác nhau giữa các châu lục, giữa các quốc gia mà rồng được hiện diện ở những hình thức, mức độ, cấp độ và phạm vi khác nhau, thậm chí phụ thuộc vào các quan điểm thế giới quan, nhân sinh quan khác nhau, nhiều khi đối nghịch nhau giữa các châu lục (phương Tây và phương Đông), giữa các quốc gia, dù rằng luôn có sự giao lưu, hội nhập và tiếp biến văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc.

Là sản phẩm văn hóa của cư dân vùng nông nghiệp lúa nước, rồng Việt vừa mang một số nét chung của rồng nhân loại nhưng chủ yếu lại được sáng tạo, mang những nét đặc trưng của một nền văn hóa mang bản sắc riêng trên tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc.

Qua tâm thức người Việt, rồng Việt luôn luôn mang dấu ấn lịch sử, trở thành linh vật trong bộ tứ linh, can dự vào những vị trí quan trọng của tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam và góp phần mang lại sự đa dạng, hấp dẫn với các giá trị đặc trưng trong điều kiện phát triển và chấn hưng nền văn hóa dân tộc.

___________________

1. Trần Lâm Biền - Trịnh Sinh, Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội, Nxb Hà Nội, 2011, tr.245.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật - Nxb Văn hóa dân tộc, 2000.

2. Nguyễn Văn Chiến, Hình tượng rồng trong mỹ thuật cổ Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, 2012.

3. Trần Lâm Biền, Trịnh Sinh, Phần Linh vật mang giá trị biểu tượng, Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa Thăng Long, Hà Nội, Nxb Hà Nội, 2011, tr. 243-252.

4. Trần Lâm Biền, Một con đường tiếp cận lịch sử, Nxb Văn hóa dân tộc, 2000.

5. Thái Bá Vân, Điêu khắc đình làng, Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, số 4, 1976.

6. Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb Hà Nội, 1991.

GS, TS BÙI QUANG THANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 560, tháng 2-2024

;