Nghệ thuật trang trí trên thổ cẩm của người dân tộc Ê Đê tại Đắk Lắk

Đồng bào dân tộc Ê Đê có một nền văn hóa phong phú và đa dạng, biểu hiện qua những loại hình nghệ thuật đặc sắc như nghệ thuật cồng chiêng, các lễ hội, nghề dệt đầy ấn tượng, giàu bản sắc, đặc biệt là trên các sản phẩm từ thổ cẩm truyền thống. Nghề thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê có nét độc đáo và riêng biệt, chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc. Tuy nhiên, với xu thế hội nhập và phát triển kinh tế xã hội hiện nay, bên cạnh việc mang lại cơ hội to lớn cho sự nghiệp phát triển của đất nước nói chung, của những người dân Đắk Lắk nói riêng, nghề thổ cẩm cũng mang lại những thách thức không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Việc giữ gìn và bảo tồn nghề truyền thống của các dân tộc là rất cần thiết. Cần phải có các biện pháp nhằm bảo tồn những giá trị bản sắc ở mỗi dân tộc. Bài viết đóng góp một phần vào việc gìn giữ, phát huy các giá trị di sản và bản sắc văn hóa tộc người Ê Đê qua các sản phẩm thổ cẩm truyền thống.

Những mảng họa tiết trang trí trên thổ cẩm dân tộc Ê Đê - Ảnh: tác giả

1. Khái quát thực trạng văn hóa nghệ thuật của người Ê Đê tại Đắk Lắk

Những di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống là rất quý báu mà các thế hệ đi trước đã lưu truyền lại qua biết bao thế hệ. Đồng bào dân tộc Ê Đê định cư tại đây từ rất lâu và đã được kế thừa, tiếp nối. Cư dân người Ê Đê có “khoảng 332.000 người, sống tập trung tại Đắk Lắk khoảng 298.534 người” (1); không quá đông, nhưng cũng tạo nên một nền nghệ thuật tạo hình những nét độc đáo cho riêng mình. Người dân tộc Ê Đê xưa, đã rất tài tình, khéo léo khắc họa được những nét riêng qua các hình tượng điêu khắc, chạm trổ và đặc biệt là tạo hình trang trí hoa văn trên mỗi tấm thổ cẩm truyền thống. Thổ cẩm truyền thống của họ vừa mang đậm bản sắc, vừa chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử to lớn và thể hiện sự phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện nay của tộc người Ê Đê. Bên cạnh những ưu thế về cơ hội giao lưu, hợp tác được mở ra thị trường trong nước và quốc tế, những sản phẩm này cũng đang đặt ra không ít những khó khăn, thách thức trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trong bối cảnh cuộc sống hiện đại ngày nay. Chẳng hạn như nhiều người trẻ không còn mấy quan tâm tới thêu thùa váy áo truyền thống. Thực tế cho thấy các bộ trang phục truyền thống với nhiều họa tiết thổ cẩm đẹp, lạ mắt, hầu hết do các thế hệ đi trước để lại. Ngày nay, giới trẻ gần như dần xa rời trang phục truyền thống của dân tộc mình, các thế hệ nghệ nhân đang ngày một già đi, những lớp người kế cận dường như không còn mặn mà với việc tạo ra các sản phẩm từ thổ cẩm truyền thống dân tộc. Không chỉ ở Việt Nam, mà các dân tộc trên thế giới cũng rất quan tâm đến việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống, bởi đây chính là bản sắc, là linh hồn, cốt cách của từng dân tộc được thể hiện qua từng sản phẩm ở các làng nghề của họ.

2. Nét đẹp độc đáo từ nghệ thuật thổ cẩm truyền thống của người dân tộc Ê Đê

Truyền thống văn hóa, từ bao đời nay, nghề dệt thổ cẩm đã trở thành một biểu tượng, một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Ê Đê. Hình ảnh những người phụ nữ Ê Đê ngày ngày cặm cụi bên khung cửi, tạo ra những tấm vải thổ cẩm với nhiều hoa văn độc đáo trở thành một nét rất riêng. Thổ cẩm không đơn thuần là tấm vải bình thường mà ẩn chứa cả tâm hồn của người đồng bào dân tộc Ê Đê. Mỗi sản phẩm thổ cẩm làm ra đều mang vẻ đẹp truyền thống của dân tộc, đồng thời nói lên sự cần cù, khéo léo của người phụ nữ nơi đây. Thổ cẩm của người đồng bào dân tộc Ê Đê không hòa lẫn với bất kỳ dân tộc nào khác sinh sống tại Đắk Lắk, trên trang phục của họ thường có 2 màu chủ đạo là đen và đỏ, trong đó đen là màu chính. Màu đen tượng trưng cho màu của đất và màu đỏ tượng trưng cho màu của lửa, biểu tượng của sự dũng cảm, sức mạnh vươn lên, khát vọng tình yêu.

Các hoa văn họa tiết, các hoa văn trên thổ cẩm được trang trí bởi những đường nét, họa tiết chứa đựng trong đó là những ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống gắn chặt với tự nhiên, với núi rừng bản địa, như cây lá, con bướm, con chuồn chuồn, rùa hay thằn lằn, còn có cả chim muông, hoa lá và cây cối… được những đôi tay tài nghệ của những người phụ nữ thêu dệt trên các đường, mảng dệt màu to, chạy ngang hoặc dọc, trông chắc khỏe. Những họa tiết phản ánh cảnh sinh hoạt nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng như nhà sàn, cảnh giã gạo, cảnh săn bắn, đánh cồng chiêng… Tất cả đều gắn liền với ý nghĩa, niềm tin cuộc sống hài hòa với thiên nhiên, nương rẫy, núi rừng của họ.

Chất liệu và màu sắc đặc trưng, để dệt được một tấm vải, người Ê Đê thường dùng sợi bông làm nguyên liệu để dệt vải. Màu sắc của thổ cẩm được nhuộm bằng lá, vỏ cây rừng để tạo màu. Để tạo nên 4 sắc màu chủ đạo: đen, đỏ, vàng, xanh trên tấm thổ cẩm, người phụ nữ Ê Đê đã tìm nguyên liệu tạo màu từ các loại lá, rễ cây rừng. Vào tháng bảy hằng năm, người Ê Đê vào rừng hái lá krum già để chuẩn bị thuốc nhuộm. Họ phơi vỏ ốc suối thật khô, nung lên, ngâm thành vôi rồi trộn với nước lá krum. Sợi nhuộm từ hỗn hợp nước lá vôi ốc có màu xanh. Nếu thêm vào hỗn hợp trên nước lá knung giã nhỏ, nấu trong nồi chàm sẽ cho ra chất sợi màu đen bóng mịn, giặt không phai, phơi nắng không bay màu. Màu đen của người Ê Đê được xem là một trong những màu đen đẹp về sắc và độ bền. Màu đỏ được tạo từ loại vỏ cây krung già giã ra, nấu lên. Tuy vậy, màu đỏ của người Ê Đê tạo ra không tươi mà chỉ đậm hơn màu đất nung một chút. Sản phẩm dệt màu đỏ được coi trọng hơn hết. Những tấm thổ cẩm đỏ thường dùng để trang trí trong các lễ hội, những buổi cúng Giàng, chứ không được cắt may thành những món đồ gia dụng. Màu vàng được nhuộm từ củ nghệ. Người ta chọn những củ già, mài nhỏ hoặc cho vào cối giã rồi vắt nước nhuộm. Khi phơi sợi, họ sử dụng một chiếc bàn chải (kruamrai), chải dọc theo cuộn sợi để gỡ sạch các vụn màu, vỏ cây (2). Khung dệt của người Ê Đê là kiểu khung dệt Indonesien. Hình thức dệt vải của người Ê Đê được các nhà dân tộc học gọi là kỹ thuật đan luồn sợi. Để tạo hình hoa văn, người dệt sẽ thiết kế bố cục, kích cỡ họa tiết từ khi bắt đầu lên khung, nhặt sợi. Mỗi loại hoa văn có số sợi dọc, sợi ngang, cách nâng và hạ sợi khác nhau, khi dệt sẽ tạo thành các dải họa tiết nối tiếp nhau chạy dài theo chiều dọc khổ vải. Trong quá trình xếp sợi, người dệt sẽ phối màu để khi dệt sẽ có những dải hoa văn nổi bật, tạo điểm nhấn cho trang phục. Thông thường, trên một khổ vải rộng khoảng 0,9m, người Ê Đê tạo những đường viền (diềm) nhỏ ở hai đầu biên vải. Phần hoa văn chính tập trung cách biên một chút, rộng khoảng 20-30cm và một số đường trang trí nhỏ chạy giữa thân vải. Dải hoa văn thường chiếm diện tích từ 1/4 đến 1/3 bề mặt tấm thổ cẩm, gồm những chuỗi họa tiết như cỏ, cây, hoa, lá, chim muông, cầm thú... được cách điệu dưới dạng hình học chạy dài liên tục suốt chiều dài vải. Ngoài ra, còn có các loại đường thẳng, đường dích dắc, cong, gãy nằm song song theo dải hoa văn (3).

Tùy vào mỗi loại trang phục, người Ê Đê sẽ có cách trang trí và sắp xếp hoa văn khác nhau. Trang phục nam có hoa văn khác với trang phục nữ, trang phục hằng ngày có hoa văn khác với trang phục dùng trong các dịp lễ. Thậm chí hoa văn trên trang phục còn thể hiện sự giàu có và quyền uy của người mặc. Nền trang trí trên các tấm vải thổ cẩm người Ê Đê là màu đen hoặc chàm sẫm, không sáng và sặc sỡ như vải của các tộc người phía Bắc hoặc người Mnông lân cận. Theo các nhà nghiên cứu, người Ê Đê chọn tông màu đen hoặc chàm sẫm làm màu nền chủ đạo trên thổ cẩm của mình vì họ muốn hòa mình vào thiên nhiên với núi rừng, nương rẫy, nơi họ sinh sống. Nổi trên các nền tối đó là những dải màu tương phản như đỏ, vàng nhưng do độ mảnh mai của các đường diềm nên sự tương phản mạnh mẽ lại trở nên khá chìm lắng. Người Ê Đê có kỹ thuật Kteh, được xem là đỉnh cao của nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục và không phải ai cũng làm được. “Trước kia, chỉ những gia đình khá giả mới dùng trang phục hoặc lễ phục có hoa văn dùng kỹ thuật này. Kteh là kỹ thuật thủ công, kết hợp sợi chỉ màu tạo hoa văn xếp cùng hạt cườm hoặc hạt bo bo thành những dải hoa văn sít nhau, dệt sát phần biên gấu áo hoặc chân khố, chân váy” (4).

Quá trình dệt ra sản phẩm được tiến hành theo từng bước, công việc người phụ nữ phải chuẩn bị đủ sợi bông đã nhuộm màu và phơi khô, màu nền và các màu để tạo ra hoa văn và 2 bộ công cụ chính là khung giăng sợi và khung dệt. Khung dệt của người Ê Đê chỉ là những bộ phận chuyên dùng đơn giản, tách rời nhau. Đầu tiên, họ phải “giăng sợi dọc tạo thành thảm dài theo đường khép kín, khi giăng sợi xong, toàn bộ số sợi trên thảm dọc được xếp theo thứ tự hàng và nằm sát vào nhau, ở đầu trên cao của thảm sợi là cây păđ buộc chặt vào sàn nhà hoặc song cửa sổ. Còn cây msa ở đầu dưới thấp tạo thành mặt phẳng nghiêng có độ chênh 45º, được buộc dây (klei), vòng ra sau lưng của người thợ dệt, dựa vào một tấm gỗ có bề mặt cong (kđŭk)” (5). Trong khi dệt, người dệt ngồi ngay trên nền nhà hay ghế thấp, hai chân duỗi thẳng về trước, đạp vào một thanh gỗ cố định nằm ngang, việc làm này giúp người dệt tự điều chỉnh độ căng của thảm sợi, không xô lệch đường nét ở mỗi chi tiết của các họa tiết. Sản phẩm dệt là những tấm vải dùng làm chăn, váy, địu, khố túi, quai túi, khăn… được trang trí phong phú các họa tiết đã chọn; và trên cơ sở chất lượng vải bền, chắc, dày dặn, bề mặt vải khô ráo, quá trình dệt sẽ trơn nhạy, dễ dàng hơn trong tạo thành các họa tiết đặc sắc rõ nét.

Để dệt được một tấm thổ cẩm để may váy, áo, khố, mền... người phụ nữ Ê Đê phải mất một thời gian dài khoảng 4 tháng, thậm chí còn nhiều hơn, tùy thuộc vào kích thước và các hoa văn của tấm vải. Người phụ nữ Ê Đê dệt thổ cẩm không chỉ phục vụ cho nhu cầu may mặc trong gia đình mà còn làm tặng phẩm cho người thân. Những sản phẩm đẹp, độc đáo có thể trao đổi với giá trị bằng một con heo, thậm chí là trâu, bò. Từ đôi bàn tay khéo léo, cùng với trí óc phong phú, phụ nữ Ê Đê cũng như các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung, có được một cách tạo hình khắc họa các hình tượng nghệ thuật trên những tấm thổ cẩm với các hình ảnh gần gũi với đời sống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Ngày nay, nghề dệt thổ cẩm đang có xu hướng phát triển và đổi mới hơn về các mẫu mã, màu sắc. Điều đó, chứng tỏ, thổ cẩm đã được chú trọng đến những giá trị nghệ thuật truyền thống mang đặc trưng của tộc người Ê Đê. Đồng thời, số lượng cũng được tăng lên nhiều hơn và các nghệ nhân vẫn luôn giữ truyền thống. Họ là những người phụ nữ khéo léo, tỉ mỉ, được tham gia vào các công đoạn từ lựa chọn các mẫu họa tiết trang trí cho đến các quy trình thêu, dệt vải trên khung cửi của người Ê Đê xưa. Sự tác động của giao thoa văn hóa, hòa nhập với xu thế những giá trị truyền thống, tiếp nối với những xu thế hiện đại ngày một khởi sắc hơn. Tuy nhiên, những người dân Ê Đê cần có những giải pháp hữu hiệu để nâng tầm vươn xa và phát triển lớn mạnh hơn trong xu thế hội nhập như hiện nay.

3. Một số giải pháp bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê

Trong thời gian qua, Nhà nước cùng các ban, ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của nghề dệt truyền thống bằng nhiều chương trình, dự án khác nhau và bước đầu có những tín hiệu đáng mừng. Đó là việc hình thành nhiều hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống tại các buôn trong thành phố như: Buôn Kmrơng Prong A (xã Ea Tu); Alê A (phường Ea Tam), Đăm Ye (phường Tân An), Akô Dhông (phường Tân Lợi), Tơng Bông (xã Ea Kao) và Ea Bông (xã Cư Êbur)… Các hợp tác xã này đã dần bắt kịp xu thế của nền kinh tế thị trường bằng cách tạo ra các sản phẩm với các mẫu mã đa dạng từ vải thổ cẩm như: túi, balô, áo, khăn, móc gắn chìa khóa... với nhiều cách trang trí khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của xã hội, đặc biệt là khách du lịch khi đến với địa phương.

Trong thời gian tới, để bảo tồn và phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa tốt đẹp của nghề dệt truyền thống của người Ê Đê, thiết nghĩ cần tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số giải pháp về mặt bảo tồn. Trước tiên là xây dựng kế hoạch cụ thể, có định hướng cho vấn đề bảo tồn và phát huy nghề dệt truyền thống của người Ê Đê; kêu gọi các nhà chuyên gia, những người nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước để tìm hiểu và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các đề tài nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng thực tiễn. Sau đó, đẩy mạnh việc nghiên cứu, sưu tầm các hiện vật liên quan đến nghề dệt truyền thống tránh bị mai một trong các địa phương như các bộ trang phục cổ truyền nhất là các bộ trang phục cổ, khung dệt cổ, các sản phẩm từ nghề dệt cổ... để lưu giữ làm nguồn tư liệu phong phú và đa dạng cho việc trưng bày cũng như giới thiệu về nghề dệt. Bên cạnh đó, việc gìn giữ cũng cần có sự kế thừa, tuyên truyền và dạy nghề cho lớp trẻ là rất cần thiết.

Đồng thời, mở các làng nghề, hợp tác xã dạy cách dệt, cách tạo ra các sản phẩm dệt tiêu dùng trong nước và nhập khẩu ra nước ngoài. Việc truyền thụ và kết nối những thế hệ nghệ nhân trước và sau để có những kinh nghiệm quý báu cho những thế hệ làm nghề sau này trong việc tạo ra các sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê. Việc bảo tồn và kế thừa, phát huy nhằm tạo ra các mẫu mã, hoa văn họa tiết mới, đẹp, lạ và hiện đại, mang tính ứng dụng vào thực tiễn cần được chú trọng, đầu tư và quan tâm nhiều hơn nữa từ phía Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương tỉnh.

Ngoài ra, vấn đề truyền thông, quảng bá những nét đẹp, nét đặc sắc của loại hình nghệ thuật này đến với công chúng qua việc liên kết; hợp tác với các hợp tác xã, làng nghề truyền thống của địa phương trong việc tổ chức các đợt trình diễn nghề dệt; mở ra các lễ hội thổ cẩm, hoặc kết hợp với các lễ hội vùng miền như các lễ hội cà phê, lễ hội cồng chiêng... Trong đó, cần chú trọng thực hành trải nghiệm cho du khách và giúp du khách tạo ra được các sản phẩm dệt của chính họ, tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Đẩy mạnh truyền thông qua kênh xuất bản với các ấn phẩm, xây dựng các đoạn phim quảng bá, giới thiệu về nghề dệt trên truyền hình và các cổng thông tin điện tử, nhằm tăng tính tương tác với công chúng trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về nghề dệt truyền thống này.

Để phát huy hơn nữa nghề dệt truyền thống của người Ê Đê, các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng xã hội, đặc biệt là chính người đồng bào dân tộc Ê Đê, chủ thể văn hóa của nghề dệt cần hoạch định hướng đi mới phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Đồng thời, bảo tồn được nghề dệt truyền thống, qua việc giáo dục lòng tự hào, sự yêu thích văn hóa truyền thống của chính thế hệ trẻ người dân tộc Ê Đê, từ đó, khơi dậy ý thức bảo tồn, gìn giữ và lưu truyền nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, góp phần bảo vệ và phát huy mạnh mẽ các giá trị di sản văn hóa dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội.

____________________

1. Bắc Phong, Người Ê Đê, daklak.gov.vn, 7-3-2017.

2. Nguyễn Văn Thắng, Tiếp biến biểu tượng văn hóa Tây Nguyên của các tôn giáo mới hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa, số 22, tháng 12-2017, tr.76-82.

3. Chu Thái Sơn, Hoa văn cổ truyền Đắk Lắk, Nxb Khoa học xã hội, 2000, tr.29.

4. H.Xíu, Tìm hiểu về hoa văn thổ cẩm độc đáo của người Ê Đê ở Đắk Lắk, vov.vn, 20-10-2021.

5. Congtien-canbiet, Dệt thổ cẩm - nghề thủ công truyền thống của người Ê Đê, tuoitre.vn, 25-8-2014.

Tài liệu tham khảo

1. Linh Nga Niê Kdam, Nghề thủ công truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu quốc gia học, Nxb Văn học, 2022.

2. Ê Đê, Bảo tồn và phát huy nghề dệt truyền thống của người Ê Đê tại bảo tàng Đắk Lắk, thocamdacklak.vn, 2-11-2021.

Ths NGUYỄN THỊ NGỌC CHÂU

Nguồn: Tạp chí VHNT số 560, tháng 2-2024

;