Vị thế xã hội qua nghiên cứu trường hợp thày cúng người Dao Đỏ ở Tuyên Quang

Trong cộng đồng người Dao Đỏ ở Tuyên Quang, thày cúng là người hành nghề tâm linh, có vị thế quan trọng trong cộng đồng, được cộng đồng thừa nhận và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Họ trở thành một bộ phận chính yếu để cấu thành các giá trị văn hóa và góp phần sáng tạo, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Để trở thành thày cúng có vị thế cao nhất, được cả cộng đồng kính nể và trọng vọng, người đàn ông Dao Đỏ phải trải qua quá trình khổ luyện, từ rèn luyện phẩm chất đạo đức, sức khỏe đến đọc thông viết thạo chữ Nôm Dao và thực hành thành thạo các nghi lễ theo phong tục tập quán của dân tộc.

1. Đặt vấn đề

Người Dao di cư vào Tuyên Quang từ 200-300 năm trước, tức vào khoảng TK XIII cùng dòng người di cư theo đường bộ vào Việt Nam (1), gồm có 9 nhóm: Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y, Dao Tiền, Dao Đỏ, Dao Lô Gang... Điều này, đã tạo nên sự đa dạng trong văn hóa của người Dao ở Tuyên Quang (2). Trong đó, nhóm Dao Đỏ ở Tuyên Quang phân bố chủ yếu tại các huyện: Na Hang, Lâm Bình và Chiêm Hóa. Sau Dự án di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang (năm 2002) một bộ phận người Dao Đỏ ở Na Hang di dân tái định cư ở các huyện: Chiêm Hóa, Yên Sơn, Hàm Yên.

Cũng giống như nhiều dân tộc thiểu số hay nhiều nhóm Dao khác, thày cúng người Dao Đỏ cũng có vị thế xã hội nhất định trong mối quan hệ tương tác với cộng đồng. Trong bài viết này, vị thế xã hội được tiếp cận dưới góc độ vị thế cá nhân trong tổng thể xã hội của người Dao Đỏ hay nói cách khác là tiếp cận vị thế xã hội của thày cúng đặt trong môi trường văn hóa của cộng đồng người Dao Đỏ ở Tuyên Quang.

Vị thế xã hội được hiểu là bất kỳ vị trí ổn định nào trong hệ thống xã hội với những kỳ vọng về quyền hạn và nghĩa vụ đặc thù. Các quyền và nghĩa vụ hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm của các xã hội, nền văn hóa, thậm chí là các nhóm xã hội nhỏ. Bởi vậy, khi xem xét vị thế xã hội của cá nhân, phân tích sự khác biệt trong thứ bậc xã hội và thay đổi theo từng xã hội, từng khu vực chúng ta sẽ hiểu bản chất và trình độ phát triển của xã hội đó (3). Theo nhà nhân học nổi tiếng người Mỹ Ralph Linton (1893-19530): “Vị thế mà một số cá nhân đạt được trong nhóm hoặc thứ bậc xã hội gọi là địa vị xã hội. Địa vị phản ánh quyền lực cá nhân, quyền lợi và uy tín của cá nhân đó. Địa vị là sự xác định vị trí của một người trong tương tác xã hội với những người khác và trong mối quan hệ với tổng thể xã hội” (4). Ông phân loại vị thế xã hội thành hai loại: vị thế gắn chovị thế giành được. Trong đó, vị thế giành được là vị thế đòi hỏi năng lực, phẩm chất và nỗ lực nhất định để giành lấy trong quá trình tương tác xã hội. Trong cấu trúc xã hội đã có những vị thế có sẵn gán cho các cá nhân/ nhóm xã hội và có những vị thế có sẵn trong xã hội, nhưng con người phải đầu tư công sức, thời gian và các nguồn lực mới có thể dành được. Do đó, con người cần tích cực, chủ động tham gia vào các liên hệ xã hội, quan hệ xã hội và bằng những nỗ lực của mình để giành lấy những vị thế không gán cho họ (5). Sau này, quan điểm của ông được nhà xã hội học nổi tiếng người Mỹ Tallcott Parsons (1902-1979), kế thừa, phát triển trong nghiên cứu về vị thế, vai xã hội của các đơn vị của hệ thống xã hội và Robert K.Merton phát triển chiều sâu trong nghiên cứu cấu trúc của các vai xã hội tạo thành tập hợp vai từ một vị thế xã hội nhất định, để nghiên cứu những vấn đề của thực tiễn xã hội.

Nghiên cứu trường hợp thày cúng trong cộng đồng người Dao Đỏ ở Tuyên Quang, bài viết dựa trên các quan điểm vị thế là vị trí mà một cá nhân hoặc một nhóm người nắm giữ trong mối liên hệ/ tương tác với người khác và với tổng thể xã hội. Vị thế xã hội của thày cúng thuộc loại vị thế giành được, là loại vị thế có sẵn trong cộng đồng người Dao Đỏ mà mỗi cá nhân thày cúng phải đầu tư công sức, thời gian và các nguồn lực mới có được.

2. Các cấp bậc vị thế xã hội của thày cúng trong cộng đồng người Dao Đỏ

Người Dao Đỏ ở Tuyên Quang gọi chung những người hành nghề thày cúng là chấu miên miền (tức là người làm ma hay cúng ma). Thày cúng trong cộng đồng người Dao Đỏ có 3 cấp bậc vị thế xã hội: síp miến miền - người thỉnh ma; chấu sai miền - làm sư, cấp phép, ấn tín cho các đệ tử và thực hành các nghi lễ lớn; sài nghé - làm sư cấp sắc 12 đèn và thực hành các nghi lễ lớn.

Síp miến miền là cấp bậc thày cúng mà nam giới người Dao Đỏ nào cũng có khả năng thực hành, vì không có sự đòi hỏi quá lớn. Với các thày cúng này, chủ yếu thực hiện các nghi lễ nhỏ trong gia đình, dòng họ, làng bản; tham gia các hoạt động trong đời sống xã hội của bản.

Chấu sai miền là người đã cấp sắc 7 đèn, có khả năng làm thày ở tất cả các vị trí trong các lễ lớn (cấp sắc 7 đèn, chấu đàng, stre, làm chay, giải hạn) và biết đọc, viết chữ Nôm Dao.

Sài nghé là cấp bậc cao nhất. Để được gọi là sài nghé các thày cúng phải trải qua quá trình rèn luyện nghiêm ngặt thực hiện lễ cấp sắc 12 đèn và cấp sắc 12 đèn cho các học trò; học tập hiểu biết được mọi phép thuật, nghi lễ, phong tục tập quán của dân tộc. Ngoài ra, đối với cộng đồng người Dao và làng bản, phải có những đóng góp trong việc giáo dục, truyền dạy văn hóa, quản lý tổ chức điều hành làng…

Hiện nay, trong cộng đồng người Dao Đỏ còn tồn tại hai cấp bậc vị thế là thày síp miến miềnchấu sai miền. Trong đó, síp miến miền là cấp bậc phổ biến nhất, mỗi bản có ít nhất 2 thày. Cấp thứ hai, phổ biến trong xã hội truyền thống nhưng ngày nay chỉ còn tồn tại trong một số làng bản, như bản Lục, Phia Chang, Nà Mu (Na Hang); bản Tầng (Lâm Bình). Không còn thày cúng giữ cấp bậc sài nghé, vì để làm sư cấp 12 đèn, người Dao Đỏ kiêng kỵ rất kỹ mà đời sống hiện thực không đảm bảo đáp ứng được.

3. Quá trình đạt được vị thế xã hội của thày cúng

Quá trình học tập

Trong truyền thống, hầu hết đàn ông đều mong muốn đạt được cấp bậc nào đó trong hệ thống thày cúng, tuy nhiên, không phải ai cũng có thể trở thành thày cúng, mà họ phải đáp ứng đầy đủ những tiêu chí nhất định của nghề nghiệp và cộng đồng để có thể hành nghề. Một trong tiêu chí đó là phải biết đọc, viết chữ Nôm Dao; học các lễ cúng, thông qua đó nắm được phong tục, biết thực hành các đại lễ theo nghi thức của tổ tiên các dòng họ. Nội dung học tập được chia làm 2 phần:

Thứ nhất, học chữ Nôm Dao: “Biết đọc, viết chữ Nôm Dao không nhất thiết phải trở thành thày cúng, nhưng muốn làm thày cúng lớn bắt buộc phải biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao” (thày K, nam, 68 tuổi). Chữ Nôm Dao như là một tiêu chí đánh giá trình độ, tri thức của đàn ông trong cộng đồng người Dao Đỏ. Theo các thày cúng, trước đây chữ Nôm Dao dùng để ghi chép mọi hoạt động, kinh nghiệm, tri thức và những thay đổi trong đời sống như thời tiết, kinh nghiệm sản xuất, thuốc nam, mùa màng, phong thủy, gia phả, quá trình chuyển cư, các bài hát páo dung, các sự kiện lớn... của từng dòng họ, làng bản. Vì vậy, chữ Nôm Dao dùng để dạy học cho tất cả người Dao. Tuy nhiên, phần lớn việc học chữ chủ yếu là nam giới, phục vụ cho những người làm thày cúng, bởi chữ Nôm Dao là phương tiện để các thày cúng tiếp cận những ghi chép trong các loại sách cổ về tri thức, gia phả, phong tục tập quán, nghi lễ…

Độ tuổi học chữ Nôm Dao không đồng nhất, có người theo học từ nhỏ cũng có người lớn tuổi mới theo. Theo điều tra thực tế ở Tuyên Quang, những người tham gia học chữ có độ tuổi trung bình từ 10 tuổi trở lên, nhưng quá trình học tuỳ thuộc vào năng lực, trí tuệ của mỗi người, có người học vài tháng được 1 quyển, có người lại học vài năm, cũng có người có thể phải học cả đời. Nếu những người tham gia học chữ muộn thì đến cả đời cũng không đọc và viết được hết chữ Nôm Dao. Thày cúng của người Dao Đỏ học chữ Nôm Dao chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn một, học để biết viết chữ Nôm Dao với 8 quyển sách dạy chữ theo trình độ từ thấp lên cao, tương ứng với đó là những nội dung giảng dạy đạo lý cho người học từ đạo đức cá nhân, đạo lễ nghĩa với cha mẹ, người thân, hàng xóm... theo thứ tự như sau: Sú khai (vỡ lòng), gồm 4 cuốn (sách 3 chữ, 4 chữ; 2 cuốn lớn 5 chữ) với nội dung: dạy đạo lý làm người, lễ phép, lễ nghĩa... Sú chồng là bộ chữ khó hơn thông qua giáo dục đạo hiếu, quan hệ anh em, ý nghĩa học làm thày cúng, hậu quả những việc làm sai trái... Trằn quang, gồm 2 cuốn: cuốn đầu dạy đạo lý cho người ra ngoài xã hội làm quan, cuốn thứ hai dạy chung về cư xử với người bốn phương trời đất, với bố mẹ, anh em, làng xóm. Lủ dần là sách khó đọc nhất, nhiều nghĩa nên phải những thày cúng cao tay mới nghiên cứu và viết được. Nội dung cuốn này xoay quanh về việc phân biệt các chữ trong những tình huống, trường hợp, môi trường sử dụng khác nhau. Những người này có thể nghiên cứu về lịch tiết, phong thủy, lá số, xem sách... Bộ sách (8 cuốn) này dành cho tất cả mọi người Dao đều có thể học, đặc biệt là nam giới không chỉ có riêng thày cúng. Ai muốn làm thày cúng cao tay nhất định phải học được bộ sách này mới hiểu đạo lý làm người, hiểu phong tục, biết đọc cúng các sách, biết viết sớ trong lễ cúng. Tuy nhiên, không phải thày cúng nào cũng học hết 8 cuốn, chỉ học 1 trong 2 cuốn Sú chồng hoặc Trằn quang là các thày cúng có thể biết đọc, biết viết để làm thày chấu sai miền.

Giai đoạn hai, những người học chữ muốn trở thành thày cúng sẽ nghiên cứu và đọc các loại sách cúng, học cách viết sớ như Sài dung sâu - sách dạy làm thày cúng, sách đám chay, sách cấp sắc, sách stre... Do người Dao Đỏ sống du canh du cư, dân cư thưa thớt nên họ thường không tổ chức lớp học, mà chủ yếu học theo anh em họ hàng, các bậc cha chú biết chữ Nôm Dao, thuận tiện cho tự nghiên cứu, trao đổi thường xuyên với người dạy. Nên giai đoạn này, các thày cúng chủ yếu tự học sách và tham gia thực hành các nghi lễ từ các sư thày. Thực tế cho thấy, số lượng những người biết đọc, viết chữ Nôm Dao trong cộng đồng không nhiều. Vì vậy, sau này, chỉ có những người có nhu cầu, mong muốn trở thành thày cúng mới theo học. Lâu dần, chữ Nôm Dao trở thành chữ chỉ có trong sách cúng, dùng trong lĩnh vực cúng bái tâm linh.

Thứ hai, học các nghi lễ cúng. Trong hệ thống nghi lễ của người Dao Đỏ, có nhiều nghi lễ phải biết đọc, viết chữ Nôm Dao mới có thể thực hành, có nhiều nghi lễ các thày cúng phải học thuộc lòng. Đối với người Dao Đỏ ở Tuyên Quang, mỗi loại nghi lễ là một loại phép riêng vì vậy các thày cúng muốn có nhiều phép thuật thì cần phải học với nhiều thày cúng.

Đầu tiên, thày cúng tiến hành lễ nhận thày và cấp phép gọi là piết trầu. Piết trầu có nghĩa là học phép, cấp phép, nhận sư thày. Đây là nghi lễ bắt buộc đối với các thày cúng muốn học các nghi lễ cúng. Theo họ, các thày cúng được sự dẫn dắt và bảo hộ của các vị thần linh, việc truyền dạy cho người khác phải được sự cho phép của các vị thần linh nếu không sẽ bị quở trách. Thậm chí, các thày cúng biết thực hành nghi lễ, biết đọc, viết chữ Nôm Dao nhưng nếu chưa qua lễ piết trầu - chưa có sư phụ và thần linh phù hộ cũng không được phép thực hiện, nếu tự ý làm bản thân hoặc gia đình có thể bị trừng phạt. Người muốn học làm thày, muốn làm lễ nhận sư thày phải tuân theo trình tự nhất định. Đầu tiên, dâng rượu lên xin ý kiến người dạy và các vị thần linh nếu được đồng ý mới được hẹn ngày làm lễ piết trầu. Khi đến làm lễ, chuẩn bị các lễ vật: vải, gà trống gáy, chai rượu, mang đến nhà thày cúng mổ gà (bày giữa nhà), vải bọc 1 bát gạo, vải đỏ (dùng buộc đầu sau này cúng). Thày cúng gọi những người thày (thày âm) về để trình bày: hôm nay, người... mang lễ vật... đến để piết trầu. Các thánh sư, sư thày (thày âm) về làm phép vào cầu và thày cúng hướng dẫn học trò đi qua cầu (làm bằng vải trắng) trải hình zíc zắc tượng trưng cho các cửa ải học trò phải đi qua...

Sau đó, học thực hành những nghi lễ nhỏ, xem sách, tướng số, phong thủy mà chưa cần đến cấp sắc, như: học cúng mẹ Hoa (sip pièng miến), cúng tổ tiên (sénh trà phin), bói (bâu quá), cúng an hồn (chấu vần)... Đối với các lễ cúng này, thày phải piết trầu (học phép/ cấp phép) với các thày của mình, sau đó học thuộc lòng, đi theo phụ sài tía bày biện các lễ cúng theo hướng dẫn và sau đó tự nhận thực hành lễ cúng. Các lễ cúng này thường được thày cúng học từ khi còn trẻ tuổi, chưa cần cấp sắc, nhằm phục vụ cho nhu cầu cúng bái của gia đình, họ hàng.

 Cuối cùng là học các nghi lễ lớn. Các nghi lễ này chỉ được phép học sau khi đã tiến hành cấp sắc 7 đèn trở lên. Các nghi lễ lớn cần gọi Ngọc Hoàng và sử dụng các vị thánh trong tranh thờ bảo trợ, chứng giám; cần sử dụng sách cúng, viết sớ, viết sách như lễ giải hạn, lễ cấp sắc, stre, làm chay, chấu đàng…

Trải qua lễ cấp sắc

Mọi người đàn ông Dao Đỏ đều có thể trở thành thày cúng, nhưng để tăng cấp bậc vị thế của mình trong thế giới tâm linh (đối với các loại thánh sư, các loại ma) và đời sống của cộng đồng, thì các thày cúng phải trải qua lễ cấp sắc 7 đèn trở lên. Lễ cấp sắc là điều kiện để nâng cấp vị thế của thày cúng từ síp miến miền lên chấu sai miền, được cấp ấn thánh, phép thánh, được quyền khiếu kiện thỉnh gọi Ngọc Hoàng giúp đỡ trong việc hành nghề thày cúng ở các nghi lễ lớn đòi hỏi trình độ cao.

“Họ bắt buộc phải trải qua cấp sắc 7 đèn, gọi là triết phing. Qua nghi lễ này, họ mới được phép làm thày giữ vị trí trong các lễ cúng lớn của người Dao Đỏ. Họ được cấp con dấu, trở thành con cháu, đệ tử của Ngọc Hoàng và được phép thổi tù và (ngùng cong - sừng trâu) (6) cung thỉnh Ngọc Hoàng chứng giám trong các nghi lễ như lễ chấu đàng, cấp sắc, cúng ăn trưa, cúng tạ lỗi, giải hạn, giải uế, cầu mùa, mừng năm mới, cầu phúc lộc” (bác T, nam, 68 tuổi). Vì vậy, những người thày cúng muốn trở thành chấu sai miền phải làm lễ cấp sắc 7 đèn mới được phép đi học và xin cấp phép làm các nghi lễ cúng có sử dụng tù và gọi Ngọc Hoàng. Tuy nhiên, không phải thày cúng nào cấp sắc 7 đèn cũng trở thành thày chấu sai miền, mà còn phụ thuộc vào khả năng đọc và viết chữ Nôm Dao, khả năng thực hành cũng như ấn tín để thực hành các nghi lễ đòi hỏi sau cấp sắc 7 đèn. Ví dụ: thày cúng Triệu Tiến L. (1938, Phia Chang), Chúc Ỳ L. (1944, Nà Lạ)... là thày cấp sắc 7 đèn nhưng các thày chỉ học síp miến miền. Thày cúng có vị thế cao nhất là sài nghé, là những thày được cấp sắc 12 đèn (phàm cháy, phàm tẩu hoặc stẩu slai), có khả năng làm thày cả trong lễ cấp sắc 12 đèn, được cả cộng đồng người Dao Đỏ và thày cúng kính nể, trọng vọng. “Gia đình thày đã có nhiều thế hệ cha ông cấp 12 đèn (tồm sài nghé) có khả năng làm mọi loại lễ cúng, có phép thuật cao siêu, tinh thông mọi binh pháp” (thày H, nam, 47 tuổi).

Ngày nay, vị thế xã hội của thày cúng trong cộng đồng người Dao Đỏ tiếp tục được duy trì và giữ vững, nhưng có sự thay đổi, chuyển biến, chuyên môn hóa về sự chi phối của họ đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngoài nâng cao vị thế của các thày cúng trong các hoạt động tâm linh, các thày cúng còn không ngừng nâng cao, phát triển bản thân ở nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội. Nhiều thày cúng trẻ có trình độ học vấn 7/10, 9/12. Một số thày cúng, sau khi về hưu ở các cấp lãnh đạo, chính quyền cấp trên lại tiếp tục tham gia công tác đoàn thể ở cấp thôn, các câu lạc bộ người cao tuổi, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống; tích cực tham gia các công tác, hoạt động văn hóa xã hội cùng với các đoàn thể của thôn bản tổ chức, vận động, xây dựng tình đoàn kết của người dân trong bản...

4. Lời kết

Như vậy, dựa trên quan điểm của Linton về các loại vị thế xã hội và thực tế cho thấy: xuất phát từ vị thế thày cúng trong các hoạt động tâm linh, thày cúng là một vị trí quan trọng trong cộng đồng người Dao Đỏ, có địa vị cao trong xã hội. Với 3 cấp bậc là: síp miến miền, chấu sai miền, sài nghé, tương ứng 3 cấp bậc này, thày cúng có quá trình phấn đấu, rèn luyện lâu dài để đạt được, nâng cấp bậc vị thế theo năng lực, trình độ của họ. Từ học chữ, học các phép thuật, nghi lễ, trải qua lễ cấp sắc cùng với cơ sở yếu tố cá nhân và nền tảng gia đình vững chắc giúp cho thày cúng có điều kiện học tập, rèn luyện phấn đấu đạt được cấp bậc tương ứng, được cả cộng đồng kính nể, trọng vọng. Hiện nay, thày cúng không ngừng học hỏi, tham gia các hoạt động từ đời sống tâm linh đến đời sống xã hội để được cộng đồng tín nhiệm trên mọi lĩnh vực. Vận dụng quan điểm về vị thế xã hội của nhà nhân học Ralp Linton trong nghiên cứu trường hợp thày cúng người Dao Đỏ ở Tuyên Quang đã giúp tác giả nhận diện vị thế xã hội cũng như loại vị thế xã hội mà thày cúng đang nắm giữ. Tuy nhiên, quan điểm của ông còn mặt hạn chế là chưa đề cập đến sự vận động, biến đổi vị thế xã hội mỗi cá nhân trong tương tác xã hội. Điều này được thể hiện rõ trong trường hợp thày cúng người Dao Đỏ có khả năng biến đổi vị thế xã hội hay tăng cấp bậc vị thế xã hội trong cộng đồng, thích ứng với quá trình phấn đấu, rèn luyện của mỗi cá nhân thày cúng cũng như bối cảnh xã hội. Sự vận động, biến đổi này góp phần tạo nên sự ổn định, trật tự của cộng đồng người Dao Đỏ trong truyền thống cũng như bối cảnh hiện nay.

________________________

1. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Văn hóa phi vật thể các dân tộc ở vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, Nxb Văn hóa - Thông tinCông ty Văn hóa Trí tuệ Việt, Hà Nội, 2006.

2. Nịnh Văn Độ (chủ biên), Văn hóa truyền thống các dân tộc Tày, Dao, Sán Dìu ở Tuyên Quang, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2003.

3. Phạm Thu Hà, Vai trò của nam giới dân tộc Mông vùng Tây Bắc trong chăm sóc sức khỏe sinh sản (nghiên cứu trường hợp xã Huổi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La), Luận án Tiến sĩ Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014, tr.55.

4, 5. Lê Ngọc Hùng, Sự phát triển lý thuyết về vị thế xã hội và vai trò xã hội, trong Lý thuyết xã hội học hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014, tr.108, 109.

6. Bàn Minh Đoàn, Bàn Xuân Triều, Văn hóa người Dao Tuyên Quang, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2019, tr.55.

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Văn Dương, Thày cúng trong văn hóa tín ngưỡng người Dao Họ, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2014.

Ths TRIỆU THỊ NHẤT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 554, tháng 12-2023

;